Bảy Điều Thú Vị Xoay Quanh Saint Lazare

Đăng ngày: 15/11/2021

Dường như, tên gọi “các cha Lazare” được biết đến và trở nên quen thuộc đối với giáo dân Pháp cũng như với những linh mục, tu sỹ du học Pháp quốc. Tên gọi này thật thú vị bởi nó xuất phát từ “Saint Lazare”, mà Saint Lazare lại gắn liền với lịch sử thăng trầm của Tu Hội Truyền Giáo trong gần hai thế kỷ, từ năm 1632 đến 1792. Bài viết này được thực hiện như việc “về nguồn” với hy vọng tìm hiểu và cung cấp cho độc giả Bảy Điều Thú Vị Xoay Quanh Saint Lazare:

1. Saint Lazare: Tên Gọi, Nguồn Gốc Và Lịch Sử Hình Thành

Để biết tên gọi “Saint Lazare” bắt nguồn từ đâu và hình thành thế nào, chúng ta có thể dựa trên những thông tin sau: Thứ nhất, các Hiệp sĩ Saint Lazare, còn được gọi là Dòng huynh đệ bệnh phong, được thành lập khoảng năm 1119 từ một bệnh viện phong ở Giêrusalem. Dòng này được đặt theo tên Saint Lazare[1], được công nhận bởi Vua Fulk của Giêrusalem vào năm 1142, được công nhận về mặt giáo luật là một dòng cứu tế và tổ chức quân sự đặt đưới dưới sự quản lý của thánh Augustine trong Tông sắc Cum a Nobis Petitur của Giáo hoàng Alexander IV vào năm 1255. Các cơ sở của các Hiệp sĩ Saint Lazare có ở Pháp.[2]

Điểm thứ hai, thật trùng hợp khi hạn từ “lazarette”, trong một số ngôn ngữ đồng nghĩa với bệnh phong hoặc khu cách ly, được cho là cũng có nguồn gốc từ các cơ sở cứu tế của dòng Saint Lazare, những cơ sở này đã trở thành các trạm cách ly vào thế kỷ XV khi bệnh phong không còn là tai họa như những thế kỷ trước.[3]

Những thông tin khác, chúng ta có được từ nguồn tư liệu về lịch sử Saint Lazare trong tác phẩm của cha Pierre Coste, Monsieur Vincent. Còn trong đoạn này, tôi chỉ tóm trích lại từ “Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử” của Fr. José María Román C.M, do Fr. Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ: Saint Lazare là một cơ sở cổ xưa, có từ thế kỷ XII và được dành để làm trại phong. Trong một thời gian dài, việc điều hành cơ sở hay tu viện Saint Lazare được giao cho các Hiệp sĩ Saint Lazare. Đến đầu thế kỷ thứ XVI, tu viện vào tay các kinh sĩ của Saint Victor. Vào năm 1625, Tu hội Saint Victor bị giải thể, Saint Lazare được Đức Giám mục Paris giao cho các kinh sĩ Saint Lazare với vị tu viện trưởng, tên là Adrien Le Bon. Năm 1630, cộng đoàn các kinh sĩ Saint Lazare có nhiều vấn đề mâu thuẫn và khó khăn, đến nỗi cha Adrien Le Bon nghĩ đến việc từ bỏ tu viện.[4]

2. Saint Lazare Trước Khi Được Biếu Tặng

Vào thời đó, Saint Lazare là khối tài sản lớn nhất ở Paris thuộc về Giáo hội. Ngoài mảnh đất tiếp giáp với phía Bắc thành phố, tu viện cũng sở hữu những ngôi nhà và bất động sản rộng rãi ở những nơi khác, chủ yếu là ở ngoại ô Paris.[5] Tu viện Saint Lazare gồm có: một nhà thờ nhỏ xây theo lối kiến trúc Gothique của thế kỷ XII, và được trùng tu rất nhiều vào thế kỷ XVII; và khu nhà của cộng đoàn nằm sát phía Bắc nhà thờ này, với hành lang bao quanh một cái sân rất rộng ở bên trong. Vả lại, còn có một dãy nhà được liên kết ít nhiều với nhau qua những khuôn viên và khu vườn, chẳng hạn như: nhà bệnh nhân phong, nhà tù, nhà thương điên, chuồng bồ câu, kho thóc, nhà xay gió, chuồng súc vật và chuồng ngựa, lò mổ… Đất đai bao quanh các tòa nhà có một diện tích xấp xỉ là 32 hecta, tương đương với hai quận ở Paris ngày nay. Ở đây, người ta thu hoạch lúa mì, lúa mạch đen và cỏ linh lăng. Ngoài các tòa nhà chính, tu viện còn sở hữu những tài sản ở các miền phụ cận như: Argenteuil, Belleville, la Chapelle, le Bourget, Cormeilles, Drancy, Gonesse, Lagny, Marly, Rougemont, Sevran và ngay cả Paris nữa. Chợ phiên ở Saint Laurent, với đất đai nằm ở phía bên kia đường Saint Denis gần giáo xứ cùng tên, cũng thuộc về tu viện này.[6]

Bên cạnh cơ sở vật chất, chúng ta chú ý thêm chi tiết này: Từ thế kỷ XVII, mạng lưới các trại phong không còn được sử dụng hiệu quả do ít bệnh nhân, trước hết ở Pháp và sau đó là trong toàn cõi Châu Âu. Vì thế, nổi lên phong trào tái sáp nhập các trại phong vào di sản chung. Mà thực tế bấy giờ, Saint Lazare không còn chứa người phong cùi, hoặc tối đa thì cũng chỉ một người cùng với vài bệnh nhân và tù nhân. Các kinh sĩ sống ở đây lại để mất đi sứ vụ ban đầu của họ, tu viện này trở nên già cỗi và đang tìm kiếm người nào đó thụ hưởng.

Fig.1. After Vasselieu, view of Saint Lazare from a plan of Paris, ca. 1609, from L. Brizard and J. Chapon, Histoire de la prison de Saint Lazare, du Moyen Age à Nos Jours (Paris: 1925), following p.32[7]

3. Saint Lazare: Món Quà Thú Vị Cho Tu Hội Truyền Giáo

Là một cơ sở rộng lớn và giàu có, Saint Lazare dường như là món quà quá lớn mà Thiên Chúa dành cho Tu Hội Truyền Giáo. Đôi khi, điều này làm cho cha Vinh Sơn e sợ và nghĩ rằng: “… quá hấp dẫn, vì miếng bánh ngon và thịt ngon mà chúng tôi được ăn, vì không khí trong lành chúng tôi được hít thở, vì khoảng không gian mà chúng tôi tìm thấy ở đây, để đi dạo quanh và vì những tiện nghi khác nó cho thấy…”[8] “Chúng tôi có được những khu vườn thật đẹp, một vườn nho rào kín. Còn về thức ăn, thử hỏi ta tìm thấy thứ bánh mì ngon nhất, thứ rượu nho ngon nhất ở đâu? Thịt thà ngon nhất ở đâu? Trái cây ngon ngọt nhất ở đâu? Còn thiếu cái gì? Thử hỏi những ai ở trên thế gian này lại có được tất cả những thứ đó?[9]

Thiên Chúa có những kế hoạch của Ngài mà con người không thể hiểu được. Việc chuẩn bị cho “Tu hội nhỏ bé[10] một cơ sở rộng lớn như Saint Lazare phải chăng là một thử thách dành cho những nhà truyền giáo khi sống giàu có, hay ngược lại, đó là cơ hội để họ vươn tầm ra thế giới. Chúng ta hãy xem điều thú vị khi Thiên Chúa gửi món quà này đến cho Tu hội:

Vào năm 1630, sau khi được sự giới thiệu của một vài người bạn, Tu viện trưởng Adrien Le Bon đã đến gặp cha Vinh Sơn với mục đích trao món quà Saint Lazare cho các cha truyền giáo. Mặc dù phản ứng đầu tiên của cha Vinh Sơn là hết sức bất ngờ, như thể đang nghe tiếng đại bác nổ bên tai. Nhưng, sau khi đắn đo suy nghĩ, cha Vinh Sơn đã nhã nhặn từ chối món quà lớn này, cha nói: “Thưa ngài, lời đề nghị của ngài làm cho tôi kinh ngạc; tôi thấy hình như lời đề nghị đó vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi, và tôi không dám nghĩ đến. Chúng tôi chỉ là những linh mục nghèo nàn, chúng tôi không có khao khát gì khác ngoài việc chỉ biết phục vụ những người nghèo ở miền quê. Chúng tôi rất biết ơn về lòng tốt của ngài, và chúng tôi cám ơn ngài rất nhiều, thế nhưng chúng tôi không thể nhận được.”[11]

Tu viện trưởng Adrien le Bon cố nài nỉ, nhưng ngài chỉ gặp phải sự từ chối quyết liệt. Dường như các vai trò bị đảo lộn, đó là người cho quà lại van xin, còn người thụ hưởng lại từ chối đón nhận. Tu viện trưởng cũng đã cố gắng thuyết phục cha Vinh Sơn nhiều lần, nhưng chỉ nhận được lời từ chối rất khiêm tốn của nhà truyền giáo đáng kính. Tuy nhiên, ngài đã không bỏ cuộc khi tìm đến vị linh hướng tốt lành của cha Vinh Sơn. Kết quả là đứng trước tiếng nói của Thiên Chúa, qua môi miệng của vị linh hướng, cha Vinh Sơn đành chấp nhận món quà.

Đã không muốn lấy người ta lại cứ cho, khi họ cho rồi thì người khác lại ganh tị, muốn cướp lấy, đó là vụ việc các kinh sỹ Sainte Geneviève, rồi đến các kinh sỹ Saint Victor đòi quyền lợi sở hữu Saint Lazare. Bất chấp bản hợp đồng đã được ký, các kinh sỹ Saint Victor vẫn biến Saint Lazare thành một vụ kiện về mặt pháp lý trước tòa án tối cao của vương quốc. Cha Vinh Sơn không thích những vụ kiện tụng, cha bị cám dỗ muốn từ bỏ tất cả, nhưng được cha Duval tốt lành cùng những người bạn khác kịp thời can ngăn và động viên nên cha tiếp tục vụ kiện. Cuối cùng, món quà từ Thiên Chúa đã đến đúng chỗ người cần nhận, Vinh Sơn thắng kiện. Nghị viện công bố bản án với một phán quyết, vào ngày 7 tháng 12 năm 1632. Vinh Sơn và những cộng tác viên của ngài, đã sở hữu được tu viện một cách tốt đẹp.[12]

Để bảo vệ tài sản khỏi những vụ tranh chấp trong tương lai hay những thay đổi thất thường không thể lường trước được của các Giám mục, cha Vinh Sơn còn phải thực hiện một cuộc thương lượng rất lâu dài nữa, để có được từ Tòa Thánh sự sáp nhập vĩnh viễn Saint Lazare vào Tu Hội Truyền Giáo. Chúng ta có thể nói rằng, cuộc vận động mới này sẽ kéo dài suốt quãng đời còn lại của vị sáng lập. Chính vì thế mà cho đến ngày 18 tháng 4 năm 1655, cha vẫn không chịu tiến hành việc công bố sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng. Chỉ sáu tháng trước khi lìa đời, cha mới có được trong tay những bức thư của vua Louis XIV, hoàn toàn nhìn nhận sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng về mặt pháp lý.[13]

4. Thánh Vinh Sơn Sống Gần 30 Năm Ở Nhà Mẹ Saint Lazare

Một điều không thể phủ nhận là chủ nhà phải được sống trong căn nhà hợp pháp của mình, bề trên của một Tu hội đương nhiên sống trong Nhà mẹ của Tu hội.[14] Thực tế, từ những tháng đầu tiên của năm 1632, cha Vinh Sơn đã sống tại Saint Lazare, trước khi vụ kiện tụng với kinh sỹ Saint Victor kết thúc. Như vậy gần 30 năm, nghĩa là từ 50 đến 80 tuổi, cha đã sống và điều hành mọi việc tại trạm chỉ huy này.

Mặc dù là chủ của một mảnh đất rộng lớn với những dãy nhà rộng lớn xa hoa, nhưng thực tế, cha Vinh Sơn luôn sống trong cung cách giản dị và khó nghèo thật sự. Tại Saint Lazare, cha chỉ có một căn phòng đơn sơ, sàn và tường phòng không được che phủ. Căn phòng không có thảm trải sàn nhà, chỉ có bốn thứ đồ gỗ: một chiếc bàn gỗ không có khăn phủ, hai chiếc ghế bằng sợi mây, một cái giường với một cái nệm rơm, một cái mền và một cái gối. Có lần, khi cha bị bệnh, người ta đặt phía trên giường cha, một cái mái vòm. Thế nhưng, khi vừa cảm thấy hơi khỏe lại, cha liền ra lệnh phải tháo gỡ nó ngay. Cha cũng ra lệnh tháo gỡ vài tấm tranh thánh mà vị thư ký đã treo lên tường, vì với cha, chỉ cần một bức là đủ. Cha có một căn phòng nhỏ ở tầng trệt, để tiếp khách. Cha Vinh Sơn sống khắc khổ, chịu đựng những ngọn gió lạnh mùa đông ở Paris thường thổi qua các khe cửa. Một trong số các thầy ở Saint Lazare, đã dùng một mảnh thảm cũ để làm tấm màn cửa, và treo nó phía sau cánh cửa phòng cha để ngăn gió lạnh, nhưng cha ra lệnh tháo gỡ nó. Sau này, vài năm cuối đời, khi bị kiệt sức vì bệnh tật liên miên, cha mới bằng lòng cho anh em đặt một lò sưởi trong phòng và một cái mái vòm ở phía trên giường. Dù vậy, cha cố gắng dùng củi đốt càng ít càng tốt, để không phải phung phí tài sản của người nghèo.[15]

Chỗ ở đơn sơ, việc ăn uống của cha Vinh Sơn cũng hết sức giản dị. Cha không bao giờ ăn sáng, trừ những năm cuối đời, khi anh em thuyết phục cha phải ăn cái gì đó. Cha đồng ý và xin nước sắc rau diếp xoắn dại với lúa đại mạch đã bóc vỏ, mà những người chứng kiến cho là thuốc hơn là một thức uống. Cha ăn chay không những trong mùa chay, mà còn mỗi tuần hai lần, suốt cả năm. Thường thường, công việc khiến cha xuống nhà cơm muộn, khi cộng đoàn đã ăn, nên cha phải ngồi vào bàn ăn “kém hơn” với những người giúp việc, và ăn thức ăn giống như họ. Trong suốt nhiều năm, bữa ăn tối của cha đơn giản gồm có một miếng bánh mì, một quả táo và một ly nước pha chút rượu vang, nhưng cha lại cho rằng anh em đã đối xử với cha quá tốt. Thông thường, khi đến nhà cơm, cha tự nhủ: “Thật đáng thương! Ngươi không xứng đáng với bữa ăn mà ngươi sắp dùng!” Khi đi phố trở về trễ, cha thường đi về phòng mà không ăn gì hết.[16]

Không thể tin nổi, căn phòng khiêm tốn của cha Vinh Sơn ở Saint Lazare, lại là một tổng hành dinh của một cơ cấu tổ chức có phạm vi rộng lớn, chi phối mọi hoạt động bác ái và truyền giáo trên thế giới. Ngay cả trong giới hạn của một tu viện cổ, nhiệm vụ quản lý của cha Vinh Sơn cũng rất nhiều và đa dạng. Không chỉ là vấn đề hướng dẫn bốn nhóm khá đáng kể số linh mục, tu huynh, sinh viên và chủng sinh. Hằng năm, có năm hay sáu đợt các nhóm tiến chức, hằng tuần có những người đến để xin tĩnh tâm riêng, rồi những người ăn xin chen chúc ở cửa ra vào để xin bố thí và thức ăn, thỉnh thoảng lại có những cuộc tấn phong Giám mục ở tại nhà thờ này. Từ năm 1642: có các tiểu chủng sinh ở Saint Lazare; có những người bị loạn trí sống ở trong nhà thương điên tại một trong những tòa nhà; người ta giam giữ những thanh niên ngang bướng trong một tòa nhà khác giống như là trại giáo dưỡng; còn có các vị khách thuộc mọi tầng lớp và địa vị xã hội, họ lũ lượt kéo đến với cha Vinh Sơn để tìm kiếm lời khuyên nhủ, lời chỉ dạy hay để được giúp đỡ. Ngoài ra, cha còn có một trách nhiệm trên hết, đó là thu hoạch hoa lợi từ các cánh đồng, là duy trì việc ép nho, lò nướng bánh và cối xay gió, cũng như việc thuê các quầy bán hàng ở hội chợ Saint Laurent, và thuê một người thừa phát lại để trông coi vấn đề pháp lý ở mọi cấp độ trên tất cả đất đai của Saint Lazare …[17]

Vào những tháng đầu năm 1660, sức khỏe của Vinh Sơn lại trở nên trầm trọng hơn. Giờ đây, cha không còn có thể rời khỏi tầng hai nhà Saint Lazare, cho dù đi xuống để dâng lễ đi nữa. Một cách khó khăn, cha phải lê lết trên đôi nạng của mình, để đến nhà nguyện của bệnh xá để dâng lễ. Thời gian sau, vì không thể tự mình dâng lễ được nữa, nên các anh em trong Tu hội đề nghị thiết lập một nhà nguyện nhỏ ở phòng bên cạnh cha Vinh Sơn nhưng cha đã không đồng ý. Vào giữa tháng 8 năm 1660, cha phải để cho người ta khiêng đến nhà nguyện trên chiếc ghế có người khiêng, bởi vì cha không thể sử dụng nạng được nữa. Các biến chứng sau đó bắt đầu xuất hiện, làm tăng thêm sự đau đớn và cái chết đã gần kề. Đến 4g45’ sáng thứ hai ngày 27 tháng 9 năm 1660, cha ngồi trên một chiếc ghế cạnh lò sưởi và trút hơi thở cuối cùng để đến gặp Thiên Chúa của những người nghèo mà cha đã từng yêu mến.[18] Từ đây, cha rời nhà Saint Lazare để về nhà Cha trên trời.

5. Những Việc Quan Trọng Diễn Ra Ở Saint Lazare

Vào thời thánh Vinh Sơn, nhà Saint Lazare đảm nhiệm việc đào tạo các nhà truyền giáo bằng việc thực hành tĩnh tâm cho các tiến chức (trên 13.000 người trong khoảng thời gian từ 1628 đến 1660).[19] Từ năm 1632, cuộc tĩnh tâm cho tiến chức đã trở thành bắt buộc ở Saint Lazare, như được đề cập trong bản hợp đồng hiến tặng Saint Lazare cho Tu hội Truyền giáo. Điều này cho thấy đó là một gánh nặng tài chính thật sự cho nhà này. Mỗi năm, trong giáo phận Paris có đến sáu lễ phong chức. Từ năm 1638, người ta đưa thêm giáo sĩ ở các giáo phận khác đến cùng tham dự những cuộc tĩnh tâm của các tiến chức ở Paris, bởi vì họ cũng ao ước được phong chức ở tại thủ đô này. Rồi sau năm 1646, người ta còn cho phép ứng viên của các chức nhỏ cũng được tham dự những cuộc tĩnh tâm tại Saint Lazare. Số người tham dự ở mỗi nhóm tĩnh tâm dao động từ 70 đến 90 người. Các cuộc tĩnh tâm kéo dài đến 11 ngày và ước chừng 4.000 người tham dự trong năm.[20]

Bên cạnh việc tĩnh tâm cho các tiến chức, cha Vinh Sơn đã biến các cuộc tĩnh tâm trở nên thông thường và thích hợp cho mọi tầng lớp. “Chỉ trong vài tháng, nhà Saint Lazare đã tiếp đón nhiều khách đến thăm hơn trước đó trong một thế kỷ. Chính Vinh Sơn so sánh nó với con tàu của Noê, đón nhận tất cả mọi loại sinh vật, lớn bé.”[21]Trong nhà ăn cũ kỹ của tu viện cổ, anh em có thể gặp những người thuộc mọi tầng lớp và mọi hoàn cảnh: giàu nghèo, già trẻ, thần học gia, linh mục, giáo sĩ có bổng lộc, giám chức, nhà quý tộc, bá tước, nữ hầu tước, biện lý, luật sư, cố vấn, chủ tịch, viên chức pháp viện tối cao hay viên chức bộ máy tư pháp, thương gia, thợ thủ công, quân nhân, tiểu đồng và đầy tớ.”[22] Người ta tính ra là hằng năm, có đến 700 hay 800 người đã ghé qua khu trại phong xưa kia, đến nỗi từ 1635 đến 1660, gần 20.000 người tĩnh tâm đã đến Saint Lazare.[23]

Tại Saint Lazare, từ tháng 6 năm 1633, người ta biết đến các cuộc Hội Thảo Ngày Thứ Ba.[24] Nó bắt đầu từ việc các tiến chức tham dự tĩnh tâm ở Saint Lazare, những người hy vọng được duy trì sự nhiệt tình trong ơn gọi thưở ban đầu. Chẳng mấy chốc, các buổi giảng dạy bắt đầu phổ biến trong và ngoài Paris. Rất nhiều giáo sỹ quý tộc tự hào khi tham gia những cuộc hội thảo này. Năm 1660, khi cha Vinh Sơn qua đời, lúc đó có 250 người được ghi trong danh mục. Trong số họ có J. Jacques Olier, đấng sáng lập Tu hội Xuân Bích; Francois Pallu, đấng sáng lập Hội Thừa Sai Paris; Louis và Claude de Chandenier; Blampignon, giám tỉnh dòng Carmêlô; Gedoyn, bề trên các nữ tu Ursulines; Bossuet; 23 thành viên khác của buổi hội thảo đã được bổ nhiệm làm Giám mục.[25]

Cha Vinh Sơn là một trong những vị tiên phong trong việc xây dựng các “chủng viện” ở Pháp thế kỷ XVII. Từ ý tưởng nối dài các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức mà cha đã nghĩ đến việc đào tạo các tiến chức, các chủng sinh với thời gian dài hơn. Trước đó, vào năm 1636, cha quyết định dâng hiến trường Bons Enfants để lập “tiểu chủng viện,[26] tuy nhiên nó không thực sự hiệu quả. Đến năm 1642, cha thành lập “đại chủng viện,[27] cũng ở trường Bons Enfants. Năm 1645, cha chuyển “tiểu chủng viện” đến một tòa nhà ở phía Đông Bắc của khu Saint Lazare. Nó được gọi là “tiểu Saint Lazare”, thế nhưng, cha Vinh Sơn lại sớm đổi tên của nó thành Saint Charles.[28]

Vì là Nhà Mẹ và là Trụ sở Trung ương của Tu hội Truyền giáo trong gần 2 thế kỷ, Saint Lazare dường như là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của Tu hội. Không kể những việc có sức ảnh hưởng lớn được kể trên, chúng ta có thể kể thêm vài sự kiện lớn khác đã diễn ra ở Saint Lazare từ thời thánh Vinh Sơn đến vị Bề trên Tổng quyền thứ X, cha Jean Felix Cayla De La Garde (1788-1800): Các dịp lễ tuyên khấn trọng đại sau khi nhận được đoản sắc “Ex commissa nobis”của Đức Giáo hoàng Alexandre VII, ngày 22 tháng 9 năm 1655;  các kỳ Tổng Đại Hội từ Tổng Đại Hội đầu tiên năm 1642 đến Tổng Đại Hội năm 1786; việc điều hành của các Bề trên Tổng quyền từ Nhà trung ương. Tại điểm này, chúng ta có một điều đáng lưu ý là: vào giai đoạn 1736 -1746, thời kỳ cha Jean Couty làm Bề trên Tổng quyền thứ VII của Tu hội Truyền giáo, các nhà truyền giáo không còn được gọi là “những linh mục truyền giáo”, thay vào đó họ được biết đến như là “các Đấng của Saint Lazare” hoặc là Lazaristes. Danh hiệu này mang ý nghĩa tiêu cực khi ám chỉ đến nhiều nhà truyền giáo bị ảnh hưởng bởi tinh thần độc lập, bất phục tùng và tìm kiếm sự thoải mái của thời đại. Họ thường xuyên tham dự các lễ hội và lãng phí thời gian cho việc săn bắn cũng như những hình thức vui chơi giải trí khác theo kiểu thế gian, trong khi Bề trên Tổng quyền Couty thì nhấn mạnh sự hoàn thiện, cầu nguyện và kỷ luật nội bộ.[29]

6. Ngày Tàn Của Saint Lazare

Khi nói đến lịch sử nước Pháp, không thể nào bỏ qua “Cuộc cách mạng Pháp 1789,” điều đó ví như: khi nói đến lịch sử Tu hội Truyền giáo không thể không nhắc đến “Cuộc cướp phá Saint Lazare, 1789”:

Khoảng 2 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 7 năm 1789, khoảng 200 kẻ cách mạng say máu với sự trợ giúp của những tên Vệ binh Quốc gia, đã phá cửa chính của Saint Lazare, thâm nhập vào trong tiền đường. Số người này gia tăng, chúng bắt đầu cướp phá có hệ thống và phá hủy tất cả tòa nhà, thư viện, kho dự trữ, kho lúa, bệnh xá, … Chúng mở cửa thả bệnh nhân tâm thần, uống rượu say xỉn, đốt sách thư viện, phá hủy vườn tược, giết chết chiên cừu, thậm chí đốt luôn trang trại. Đến 5 giờ 30 chiều ngày 13 tháng 7, một toán dân quân tới để tái lập trật tự và đánh đuổi những kẻ xâm nhập.

Trong đêm bị tấn công, các nhà truyền giáo, linh mục, chủng sinh đã kịp thời chạy trốn, cha Tổng quyền Cayla đã trốn ở chủng viện thánh Firmin (trường Bons Enfants cũ). Khi thời cuộc lắng xuống, nhiều anh em về Saint Lazare cùng với cha Giám đốc Francois Régit Clet để dọn dẹp nhà cửa và tái tổ chức đời sống cộng đoàn.

Tháng 4 năm 1792, chính quyền mới của nước Pháp[30] ra lệnh xóa sổ các tu hội triều trên nước Pháp: Tu hội Oratoire, Tu hội Xuân Bích, Eudises, Tu hội Truyền giáo, … Ngày 26 tháng 8 năm 1792, Tu hội Truyền giáo nhận được lệnh rời khỏi Saint Lazare. Đến ngày 1 tháng 9, tất cả các nhà truyền giáo đã rời khỏi Saint Lazare và mang theo những gì còn sót lại. Saint Lazare được chuyển thành nhà tù của Cách mạng Pháp 1794.[31] Sau này, Saint Lazare tiếp tục bị tháo dỡ một phần năm 1824, đóng cửa năm 1932, và hầu như bị phá bỏ vào năm sau đó. Cơ sở này thay đổi nhiều hơn vào năm 1941, khi mà một số ngôi mộ của các thành viên Vinh Sơn tiên khởi được phát hiện và hài cốt của họ đã được di dời tại thời điểm đó (ngôi mộ nguyên thủy của thánh Vinh Sơn, hài cốt của cha Alméras, cha Jolly và các cha Bề Trên Tổng Quyền khác, tất cả đã được chôn cất tại đó).[32]

7. Ý Nghĩa Của Saint Lazare

Điều thú vị thứ 7 là việc rút ra ý nghĩa từ tên gọi và những sự kiện của 6 điều thú vị xoay quanh Saint Lazare trên.

Tu viện Saint Lazare đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước thời thánh Vinh Sơn, và người ta đã từng biết đến các “Hiệp sỹ Saint Lazare,” rồi các “Kinh Sỹ Saint Lazare.” Có lẽ, từ khi “các cha truyền giáo” bước vào Saint Lazare và định cư ở đó gần hai thế kỷ, người ta đã biết đến các cha truyền giáo như là chủ nhân của nó, họ sẽ gọi chủ nhà là “các cha Lazare.” Tên gọi này mang hai ý nghĩa mà ta có thể nghĩ đến: Đó là các cha Lazare, những nhà truyền giáo cho người nghèo, trong đó có những người bị phong hủi như anh Lazarô ở Luca 16. Ý nghĩa thứ hai, có lẽ thánh Vinh Sơn thích hơn khi ngài thường nói đến anh Lazarô (Ga 11) được Chúa cho phục sinh và chính Saint Lazare phải là nơi của sự phục sinh. Anh Lazarô này là hình ảnh trên huy hiệu của Saint Lazare.

Saint Lazare là khối tài sản lớn nhất thuộc về Giáo hội ở Paris thế kỷ XVII. Nó có thể ví như bộ lễ phục lộng lẫy, sang trọng nhưng lại quá cỡ so với thân thể nhỏ bé của Tu hội mới thành lập. Quà tặng Saint Lazare đặt Vinh Sơn cùng các nhà truyền giáo trước một sự chọn lựa có tính cách quyết định: “lớn mạnh hay là chết”. Vui lòng nhận Saint Lazare, có nghĩa là mãi mãi ném con thuyền nhỏ bé của Tu Hội ra biển khơi.[33] Cuối cùng, lịch sử Tu hội đã chứng minh, việc nhận Saint Lazare là quyết định đúng.

Saint Lazare không chỉ là nơi để sống, nhưng còn là nơi để phát triển Tu Hội Truyền Giáo. Saint Lazare đã làm tốt vai trò của nó khi giúp các nhà truyền giáo thi hành sứ vụ, trung thành với mục đích thành lập Tu hội: Từ Saint Lazare, cha Vinh Sơn và các thành viên đã làm rất nhiều các cuộc đại phúc; tĩnh tâm cho mọi thành phần dân chúng; thành lập các cơ sở bác ái, các bệnh viện; đào tạo hàng giáo sỹ qua các cuộc tĩnh tâm, hội thảo ngày thứ ba, các chủng viện.

Ý nghĩa tuyệt vời khi nói đến Nhà Mẹ Saint Lazare đó là nhà của Tu hội, nhà của Đấng sáng lập, Bề trên Tổng quyền đầu tiên. Nhà Mẹ này đã cưu mang một con người vĩ đại, có sức ảnh hưởng trên toàn nước Pháp, một con người làm thay đổi cái nhìn của trên thế giới về người nghèo. Nhà Mẹ đã góp phần nuôi nấng, thăng tiến một con người biết kết hợp chiêm niệm và hoạt động, trở thành một vị thánh cho ngôi nhà Thiên Quốc.

Kết luận: Mặc dù Nhà Mẹ Saint Lazare của thế kỷ XVII-XVIII không còn nữa, nhưng với những công trình của Thiên Chúa giao cho các nhà truyền giáo ở Saint Lazare đã để lại trong lòng Giáo hội, nhất là Giáo hội Pháp những kỷ niệm khó có thể phai nhòa.

Việc tìm biết “Bảy Điều Thú Vị Xoay Quanh Saint Lazare” không những giúp tôi quay về với lịch sử hình thành và phát triển Tu hội Truyền giáo mà còn giúp tôi ý thức về cách sống của một chủng sinh Vinh Sơn trong thế giới hiện đại. Vì biết rằng, khi là thành viên của Tu hội Truyền giáo, mọi việc người đó làm đều ảnh hưởng đến cả Tu hội. Chúng ta sẽ không để cho người ta phải gọi mình là “các Đấng của Saint Lazare”, nhưng tốt hơn là “các nhà truyền giáo” hoặc “các cha Lazare”.

Giuse Nguyễn Đức Duy

 

[1] x. John E. Rybolt, C.M, In The Footsteps Of Vincent De Paul A Guide To Vincentian France, 58. Saint Lazare: Các Phúc Âm miêu tả hai người đàn ông tên Lazarô:

 Người thứ nhất là người bị phong cùi trong dụ ngôn (Luca 16). Người này giải thích cho mục đích ban đầu của cơ sở rộng lớn này, là chăm sóc những người bị phong cùi. Vì thế, các Hiệp sĩ Saint Lazare nhận lazarô này như vị thánh bảo trợ.

Lazarô thứ hai là em trai của Matta và Maria, người mà Chúa Giêsu đã cho sống lại từ cõi chết (Gioan 11). Có lẽ thánh Vinh Sơn đã nói đến người này khi ngài nói rằng Saint Lazare phải là nơi của sự phục sinh. Anh Lazarô này là hình ảnh trên huy hiệu của Saint Lazare.

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%B2ng_Th%C3%A1nh_Lazarus

[3] Ibidem.

[4] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 248-255.

[5] x. John E. Rybolt, C.M, In The Footsteps Of Vincent De Paul A Guide To Vincentian France, 58. Saint Lazare.

[6] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 249.

[7] https:/ /via.library .depaul.edu/vhj: Zurawski, Simone Ph.D. (1993) “Saint-Lazare in the Ancient Regime: From Saint Vincent de Paul to the French Revolution, ” Vincentian Heritage Journal: Vol. 14: Iss. 1, Article 2.

[8] SV. VI, 516.

[9] SV. XI, 247-248.

[10] Là tên gọi được cha Vinh Sơn sử dụng rất nhiều lần cho Tu Hội Truyền Giáo.

[11] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 251.

[12] x. Ibid, 257-261.

[13] x. Ibid, 261.

[14] Saint Lazare, Nhà Mẹ đầu tiên của Tu hội từ 1632-1792

[15] Abelly, I. 3, c. 18, 273-274.

[16] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 302-303.

[17] x. Ibid, 303.

[18] x. Ibid, 781-783.

[19] x. John E. Rybolt, C.M, In The Footsteps Of Vincent De Paul A Guide To Vincentian France, 58. Saint Lazare.

[20] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 413.

[21] Collet, t.1, 207.

[22] Abelly, l.2, c.4, 273.

[23] x. Ibidem.

[24] Buổi hội thảo (giảng dạy) ngày thứ ba với mục đích giúp các thành viên có tinh thần dấn thân cho việc tông đồ. Đa số những người tham dự buổi hội thảo là các giáo sỹ, tu sĩ giáo sư hay sinh viên của Sorbonne. Mà Ngày thứ ba là ngày nghỉ ở đại học, vì thế họ chọn ngày này để hội họp với nhau.

[25] x. Fr. John E. Rybolt C.M, Bản Tóm Lược Lịch Sử Tu Hội Truyền Giáo, Lm Phê rô Ngô Văn Thuyên chuyển ngữ, 33.

[26] Tiểu chủng viện lập theo nguyên tắc Công Đồng Trentô dành cho các em từ 12 tuổi trở lên.

[27] Đại chủng viện cha Vinh Sơn thành lập dành cho sinh viên thần học trên 20 tuổi.

[28] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 422-425.

[29] x. Fr. John E. Rybolt C.M, Bản Tóm Lược Lịch Sử Tu Hội Truyền Giáo, Lm Phê rô Ngô Văn Thuyên chuyển ngữ, 66.

[30] Năm 1791, Hiến Pháp đầu tiên của nước Pháp thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, với vị vua cai trị nhưng không có quyền lực.

[31] x. Fr. John E. Rybolt C.M, Bản Tóm Lược Lịch Sử Tu Hội Truyền Giáo, Lm Phê rô Ngô Văn Thuyên chuyển ngữ, 94-95.

[32] x. John E. Rybolt, C.M, In The Footsteps Of Vincent De Paul A Guide To Vincentian France, 58. Saint Lazare.

[33] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 253.