Bước chân nhà truyền giáo

0
1229

“Xin gởi con ra khắp nẻo đường, bàn tay nâng ánh đèn rọi đường, tỏa lửa ấm cho người lạnh giá.

Xin gởi con ra khắp nẻo đường, cảm thông chia vui buồn phận người, và sớt chia cho đời niềm vui”(Chính Chúa chọn con, Hồng Bính).

          Những lời thánh ca ấy như đang vẽ lên một sứ mạng truyền giáo thật đẹp, thật cao cả. Nhà truyền giáo được sai đi, mang trong tim một lý tưởng cao vời là đem Tin Mừng đến cho đời, sống với mọi người để làm chứng nhân cho Đức Kitô. Sứ mạng truyền giáo cao cả là thế, lý tưởng rao truyền Phúc Âm tốt đẹp là thế, nhưng bước chân của những nhà truyền giáo nào đâu dễ dàng. Một khi can đảm dấn bước trên con đường ấy, người được sai đi phải sẵn sàng đón nhận những thăng trầm của đời sống nơi đất khách quê người. Cũng chỉ chính họ mới có thể thấu rõ đâu là niềm vui vô giá và những thâm trầm của bước chân mang Chúa đến cho mọi người mà thôi. Đó thật sự là những điều mà cha Luca Phạm Thanh Phong – nhà truyền giáo của Tỉnh dòng Vinh Sơn Việt Nam tại Ukraine, đã cảm nghiệm và chia sẻ lại cho anh em học viện Durando trong dịp cha viếng thăm cộng đoàn ngày 17/2/2023 vừa qua.

Cha Luca Phạm Thanh Phong được lãnh nhận thánh chức linh mục vào ngày 16/2/2004. Hơn mười năm sau, đáp lại lời mời gọi của cha Bề Trên Tổng Quyền Gregory Gay, cha Luca quyết dấn thân cho sứ vụ truyền giáo tại đất nước Ukraine – đất nước mang một lịch sử đầy thương tích vì những tranh đấu với chính quyền Liên Xô cũ. Ngày 8/11/2015, cha rời Việt Nam và đến với nơi thi hành sứ vụ. Trong tim vui mừng vì được lý tưởng cao đẹp của sứ mạng soi chiếu. Thế nhưng, niềm vui ấy dần phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Rào cản văn hóa và ngôn ngữ dựng nên một bức tường thành kiên cố trước mặt nhà truyền giáo Việt Nam. Tiếng Ukraine và tiếng Nga chưa bao giờ là những ngôn ngữ dễ dàng. Hơn nữa, khí hậu khắc nghiệt của vùng đất gần với cực bắc của địa cầu là một thách thức không hề nhỏ đối với các nhà truyền giáo đến từ Á Châu, nơi đây, việc nhiệt độ hạ xuống đến -20oC là chuyện thường. Không những thế, nói cho người khác về đạo Công Giáo ở đất nước này thật sự là một điều không đơn giản. Bởi lẽ, Chính Thống Giáo là quốc giáo, số tín đồ của họ chiếm trên 65% dân số. Trong mắt của người dân Ukraine, đạo Công Giáo đã suy tàn từ lâu và mang đầy những giáo lý sai lạc. Đứng trước những khó khăn ấy, cha Luca chỉ biết đặt niềm tin vào sự quan phòng huyền nhiệm của Chúa và dần dần giải gỡ từng khó khăn.

Dưới sự giúp đỡ của anh em trong cộng đoàn Vinh Sơn Kharkiv, cha Luca bắt đầu việc học và thực hành ngôn ngữ. Song song với các công việc trong cộng đoàn, cha còn đảm trách công việc mục vụ cho những người Việt Nam ở hai cộng đoàn Kyiv và Odessa. Mỗi tuần, cha phải trải qua 3 đêm trên tàu hỏa, vượt chặng đường gần 1800 km để chăm lo đời sống thiêng liêng của những tín hữu ở 3 thành phố khác nhau. Cứ đều đặn như thế suốt 7 năm ròng, cha đã kiên trì gìn giữ đức tin cho đàn chiên nhỏ bé nơi đây. Chừng ấy thời gian mục vụ đã thu về những hoa trái đầu tiên cho Giáo Hội Công Giáo Ukraine với 16 người được nhận Bí Tích Rửa Tội, 9 thiếu nhi xưng tội và rước lễ lần đầu, 7 em được nhận Bí Tích Thêm Sức. Những cộng đoàn nhỏ bé với vài người lớn tuổi giờ đây đã đông hơn. Những Thánh Lễ thưa người giờ đây cũng đã được gần 30 người tham dự. Giáo dân dần biết hát những bài thánh ca trong Thánh Lễ và tham dự vào việc đọc Sách Thánh, giúp lễ. Những hoa thơm trái ngọt ấy, dù nhỏ bé nhưng thật sự là những kỳ tích cho Giáo Hội Ukraine nhỏ bé. Thế rồi chiến tranh Ukraine – Nga bùng nổ, trận chiến khốc liệt ấy dường như xóa sổ tất cả những thành quả suốt 7 năm lao nhọc của cha Luca. Chiến tranh quá dữ dội, đàn chiên chẳng còn, cha Luca về Việt Nam.

Có lẽ những điều ấy làm cho chính cha Luca và tất cả những thành viên của Tu Hội đau lòng. Bởi lẽ bao nhiêu tâm huyết, thời gian và công sức đã bị chiến tranh vô tình tàn phá. Ấy thế mà khi chia sẻ với anh em học viện, cha Luca vẫn giữ được một vui tươi, niềm tin son sắt và vững vàng. Cha đinh ninh rằng những hạt giống mà cha và cộng đoàn Vinh Sơn nơi Ukraine đã gieo vẫn sẽ ở đó, âm thầm, lặng lẽ nhưng rồi sẽ lớn lên bằng một cách nào đó. Cha vẫn tin rằng Chúa có sự sắp xếp của Ngài và chúng ta – những nhà truyền giáo, phải xóa mình đi, hạ mình xuống để Chúa thực hiện công việc của Ngài trên những việc làm nhỏ bé của chúng ta.

Khi lắng nghe và suy nghĩ về hành trình truyền giáo mà cha Luca Phạm Thanh Phong đã trải qua, chúng tôi – những người trẻ của Tu Hội và của Tỉnh Dòng Việt Nam chợt nhận ra nhiều điều và hiểu hơn về sứ mạng mà chúng tôi sẽ thực thi trong tương lai. Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, nhà truyền giáo phải bước trên những nẻo đường đầy thử thách, gieo những hạt giống Lời Chúa nhỏ bé vào tâm hồn con người. Họ chỉ đi gieo, gieo bằng cả tâm tình yêu mến, bất chấp những khó khăn và cũng chẳng đòi nhìn thấy thành quả. Bước chân của họ đi qua, rồi để lại những hoa thơm trái ngọt như thế nào chỉ có Thiên Chúa mới hiểu rõ và cũng chính Ngài sẽ thu về.

Fx Nguyễn Thành Công