Cảm nghiệm niềm vui và hy vọng trong Đấng Phục Sinh

0
1673

“Mừng Chúa phục sinh” là lời quen thuộc với mỗi người Công giáo, không chỉ đối với bạn mà còn với tôi. Mặc dầu, trong thời điểm có vẻ tăm tối này, các cơ sở tôn giáo không được quy tụ, mọi Kitô hữu không thể cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua và Mầu Nhiệm Phục Sinh như mọi năm. Nhưng sự khó khăn đó không làm chúng ta mất niềm vui và niềm hy vọng, cũng không vì điều đó mà người Kitô hữu buồn bã và mất niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã phục sinh. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với chúng ta: “Chúng ta cần gặp gỡ nhau dưới ánh sáng Phục sinh.” Nghĩa là, nhờ niềm tin vào Đấng Phục Sinh, mọi người được hiệp thông, gặp gỡ và liên kết với nhau. Chúa Giêsu phục sinh sẽ làm cho tâm hồn mỗi người đầy “vui mừng trong hy vọng” (Rm 12,12).

Vậy, mừng Chúa phục sinh năm nay, tôi mời gọi mọi người cùng chiêm ngưỡng những khuôn mặt đầy niềm vui và hy vọng trong Đấng Phục Sinh, hầu sưởi ấm niềm tin yêu hy vọng của chúng ta nơi Ngài.

Trước hết, niềm vui của Maria Mácđala. Thánh Kinh thuật lại: Giữa cái chập choạng của buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,  bà Maria Mácđala ra mộ. Trời còn tối, còn chập choạng. Điều đó phản ánh tâm hồn bà chưa có niềm hy vọng vào Đấng Phục Sinh, thậm chí bà còn “khóc”.  Đó cũng là nỗi buồn chung của nhân loại. Thế nhưng, sự khóc thương ấy, bóng tối đó bị xóa tan bởi ánh sáng niềm vui, hân hoan phục sinh. Thầy Giêsu Phục Sinh hiện ra với Maria Mácđala và Ngài gọi chính tên bà. Tiếng gọi Maria chắc hẳn rất thân thương và rất quen thuộc, nên bà nhận ra ngay và lập tức vui mừng thốt lên đáp trả “Rápbuni” (Lạy Thầy) (Ga 20,16). Chính bà là người đầu tiên đã thấy Chúa Giêsu sống lại, bà cảm nghiệm được niềm vui sâu xa trong chính tâm hồn; và bà muốn ôm chào Chúa, muốn giữ Đấng Phục Sinh cho riêng mình. Phải chăng niềm vui gặp gỡ, niềm hy vọng rạng ngời của Maria cũng phải là niềm vui của chúng ta ngày hôm nay? Chúng ta sẽ không buồn và mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa hôm nay đã sống lại, không còn than van, khóc lóc, mà thay vào đó là niềm vui và hy vọng phục sinh tràn ngập trong tâm hồn chúng ta (Ga 20,17).

Thứ hai, niềm vui của các môn đệ. Kinh Thánh tường thuật: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Cái chết của Thầy làm các ông mất hết hy vọng, niềm vui và bình an. Các ông tự nhốt mình trong phòng. Chính khi ấy, Thầy Giêsu Phục Sinh hiện đến, đứng giữa và ban “bình an” cho các ông (Ga 20,21). Sự bình an và hy vọng vào Đấng Phục Sinh đã được thắp lên trong mỗi môn đệ. Bình an đó giải phóng các ông khỏi nỗi sợ bên ngoài, cũng như nỗi sợ trong lòng các ông. Quả thật, Đức Giêsu ở giữa tâm hồn và chi phối đời sống của mỗi người, cũng như lời bình an của Ngài đi đến mọi ngóc ngách tâm hồn, xóa tan hết mọi nỗi lo lắng, giải phóng tất cả mọi buồn sầu của mọi người. Ước mong rằng, bình an trong sự gặp gỡ, tiếp xúc và đụng chạm vào con người Thầy Giêsu sẽ trở thành niềm vui khôn tả tràn ngập tâm hồn của bạn, tôi và cả nhân loại.

Cuối cùng, niềm vui hai muôn đệ trên đường Emmaus. Kinh Thánh cho thấy: Tâm trạng của hai môn đệ trước và sau khi nhận ra Chúa Phục Sinh là hoàn toàn trái ngược (x. Lc 24,13-35). Trước khi nhận ra Thầy Giêsu, hai môn đệ bước đi trong thất vọng và trò chuyện với nhau buồn rầu. Hai người lữ khách ấy, mất hết hy vọng nơi Đấng sẽ giải thoát muôn người theo kiểu trần thế. Thế nhưng, Chúa Giêsu xuất hiện, tiến đến gần và đồng hành với các ông. Một cách kín đáo và tế nhị, Ngài đã phục hồi cho hai ông niềm hy vọng, niềm vui qua lắng nghe và giải thích Kinh Thánh. Đặc biệt, niềm hy vọng dâng trào đến tột đỉnh, lúc hai ông nhận ra Ngài khi bẻ bánh. Thái độ ưu sầu trước kia của hai ông được thay thế bằng niềm phấn khởi hân hoan: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32). Bởi vậy, niềm vui phục sinh là niềm vui sâu thẳm bên trong, không phải chỉ bên ngoài con người. Niềm vui Thầy hiện đến với hai môn đệ trên đường Emmaus cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực của mỗi người chúng ta trong đời sống này: Được Thầy đồng hành trên những bước đường buồn đau, được Thầy giải thích mọi biến cố cuộc sống, và hơn thế, được hiểu kế hoạch của Thiên Chúa.

Như vậy, Đức Kitô Phục Sinh là niềm vui và niềm hy vọng của chúng ta. Trong mùa Phục Sinh này, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm thấy Chúa Phục Sinh đang chúc phúc và đang ở với ta trong mọi khoảnh khắc cuộc sống: Dù sáng sớm, Chúa vẫn bên ta; dù chiều tà, Ngài vẫn ở giữa và ban lời bình an của Ngài cho ta; dù chiều tối, Ngài vẫn đồng hành bên ta trên mọi nẻo đường, để giúp ta luôn cháy bừng ngọn lửa hy vọng, bình an và hạnh phúc. Dù trong năm nay, chúng ta không thể họp mặt cử hành mầu nhiệm Chúa Phục Sinh nơi nhà thờ, chung niềm vui ở giáo xứ, cùng hát lên ca khúc “Chúa đã sống lại,” nhưng chúng ta vẫn tin tưởng, vui mừng trong hy vọng nơi Đấng đã sống lại thật, Halêluia.

Paul Bình