Câu chuyện của KIKO (Phần II)

0
832

Cao Viết Tuấn, CM dịch

Phần I

NHỮNG CHÚ CHÓ

Như tôi đã nói, tôi thường đến trường trễ và thầy hiệu trưởng rất khó chịu với tôi về việc ấy. Mỗi lần như vậy, ông phải lên lớp thay tôi. Trước học sinh độ tuổi 10-11, ông lớn tiếng với tôi rằng ông không thể chấp nhận việc tôi luôn đi dạy trễ như thế. Nhưng tôi không biết phải làm cách nào, bởi vì mọi chuyện cứ liên tiếp xảy ra trong túp lều của tôi.

Có hôm, hai gã du cư tìm đến lều của tôi sau một cuộc ẩu đả, mình đầy máu me. Họ sợ cảnh sát bắt nên xin tôi cho họ trốn trong lều của tôi. Sau đó họ cứ sống ở đó với tôi. Họ kể đã từng vào tù ra khám ba lần rồi.

Còn một gã khác nữa, anh ta say mèm không biết lối về, được người hàng xóm của tôi gặp và đem về chỗ tôi. Tối đó, khi về lều, tôi thấy gã đang nằm ngủ trên tấm nệm của tôi. Người hàng xóm chạy qua giải thích: Một gã lang thang. Tôi thấy hắn ta sắp chết cóng trên đường. Tôi chẳng biết đưa hắn đi đâu nên đem về chỗ anh. Và rồi, gã ấy cũng ở luôn chỗ tôi.

Thêm một tên khác, Manolo, chuyên ăn xin ở metro. Anh ta bị bại liệt và phải đi nạng. Mỗi Chúa nhật, anh ta cùng với những người lang thang trong khu ổ chuột quy tụ lại lều của tôi, cùng nhau hát kinh sáng với đàn guitar. Tôi đọc và giảng giải Kinh Thánh cho họ. Chúng tôi ăn với nhau. Anh ta rất ấn tượng về tôi nên xin tôi cho anh ở cùng.

Sau đó là Domingo, còm nhom rách rưới tả tơi, là đầy tớ của một người buôn đồng nát ở La Fortuna. Cô bạn Carmen gặp được và cũng đưa đến khu ổ chuột này. Cũng vì quý mến tôi, nên anh xin ở với tôi.

Nói chung, những người này ở trong lều của tôi để trốn cảnh sát. Hầu hết bọn họ có dính dáng đến ma tuý. Không đêm nào họ cho tôi ngủ yên bởi vì họ lên cơn nghiện, hoặc vì say xỉn. Tôi phải thức để chăm sóc họ, canh me họ, hoặc không dám ngủ vì sợ có chuyện gì đó xảy ra. Tôi không dám nói: Hãy để tôi ngủ, bởi vì những gã này có thể nổi điên lên và giết tôi. Điều này khiến tôi vô cùng sợ hãi, sợ bị giết chết. Đây quả là một trải nghiệm không thể nào quên, một nỗi kinh hoàng tột độ: sống với một kẻ có thể giết bạn bất cứ lúc nào. Suốt thời gian đó, tôi mất ngủ trầm trọng.

Ngoài ra, tôi đến trường trễ còn vì khu ổ chuột này cách xa trường tôi dạy. Tôi phải đi bộ từ khu ổ chuột đến trạm xe buýt, đón xe buýt đi đến trạm metro ở Vallecas để đi đến Atocha, sau đó tôi lại bắt thêm một chuyến xe buýt đi đến đầu bên kia của Madrid là nơi tôi dạy học.

Trở lại hôm thầy hiệu trưởng khiển trách tôi trước học sinh, tôi hứa với ông rằng tôi sẽ không bao giờ đến trễ nữa. Tôi quyết tâm hôm sau sẽ dậy thật sớm, tôi không thể đến trễ nữa.

Quả thật, tôi đã dậy rất sớm, vệ sinh cá nhân và đi đến trường. Khi đến trạm xe buýt, nhìn lại đằng sau, tôi thấy những chú chó đang đi theo tôi. Những người ở trạm xe buýt chỉ trỏ với nhau: nhìn mấy con chó kìa, chúng đi từ đâu ra vậy? Tôi giả vờ không biết chuyện gì, nhìn đi chỗ khác để tránh rắc rối. Nhưng tôi cũng lo lắng vì người ta đang phàn nàn về những con chó lang thang này.

Xe buýt đến. Tôi nhảy lên xe thật lẹ. Thở phào. “Tạ ơn Chúa,” tôi nghĩ thầm. Nhưng khi ngoái lại đằng sau, cả đàn chó chạy theo sau xe buýt, tổng cộng 15 con.

Điều này chưa bao giờ xảy ra. Chúng chưa bao giờ chạy theo xe buýt như vậy. Sáng hôm đó chúng chạy theo tôi. Tôi nghĩ: “Ôi, Chúa tôi! Chết mất!” Tôi đi lên đầu xe buýt để khi cửa vừa mở, tôi nhảy xuống đầu tiên thật nhanh và chạy vào metro. Tôi chạy, lấy vé, và chạy nhanh hết sức vào sân ga chờ metro đến. Nhìn lại đằng sau, những chú chó đang chạy xuống metro. Còi báo động vang lên. Cảnh sát đến ngay lập tức.

– Anh không thể đem những chú chó này vào đây. Đem chúng ra ngay!

– Nhưng chúng không phải của tôi!

– Anh nghĩ sao, chúng không phải là chó của anh, sao lại đi theo anh vào đây?

Họ đem đến sở cảnh sát để làm việc. Cuối cùng, tôi lại trễ. Những chú chó làm tôi đến trễ một cách nhục nhã. Khi tới trường, tôi vô cùng khổ sở và hổ thẹn kinh khủng. Hãy tưởng tượng bộ mặt ông hiệu trưởng lúc đó, ông không nói được một lời nào. Quả thật tôi không hiểu được tại sao những chú chó ấy lại đi theo tôi vào đúng cái ngày hôm đó. Trước giờ chúng không bao giờ làm như vậy. Đúng là mầu nhiệm.

KHAI SINH MỘT BỘ BA: LỜI CHÚA, PHỤNG VỤ, CỘNG ĐOÀN

Trong chính môi trường với những người nghiện ma tuý, những kẻ lang thang, những người bán dâm… Thiên Chúa đã cho tôi gặp cô Carmel, một nhà truyền giáo đã sẵn sàng đi Ấn Độ và đồng thời đã liên lạc với Tổng giám mục Manrique để đi Oruro, Bolivia làm việc giữa những người thợ mỏ. Cô đang nỗ lực quy tụ một nhóm các nhà truyền giáo. Tôi gặp Carmel thông qua người chị của cô ấy. Tôi làm việc chung với người chị ấy trong một nhóm giúp đỡ những người bán dâm và nghiện ma quý trước khi tôi dọn đến sống ở khu ổ chuột.

Sau này, Carmel đến khu ổ chuột cùng với nhóm làm việc nói trên họp ở lều của tôi. Vì quá ấn tượng với cuộc sống ở khu ổ chuột như vậy, chính cô cũng làm cho mình một túp lều bên cạnh nhà máy Bunsen, không xa nơi tôi đang ở. Thiên Chúa muốn tôi cùng làm việc với Carmel. Cô ta là một nhân tố rất quan trọng trong Phong trào Neocatechumen. Nhờ cha Farnes, một nhà phụng vụ nổi tiếng mà Carmel đã gặp ở Barcelona, tôi đã bắt nhịp với những canh tân của Công đồng Vatican II. Chính cô ấy đã giúp cho Phong trào khám phá sâu xa Mầu nhiệm Vượt qua như là điểm chính yếu mà Công đồng đã triển khai.

Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần luôn hiện diện ở khu ổ chuột, nhờ đó mà nhiều người đã hoán cải. Thật vậy, sự hiện diện của Đức Kitô rất dồi dào phong phú nơi người nghèo khổ, những người đón nhận Lời Chúa một cách đơn sơ. Họ cầu nguyện với một tấm lòng chân thành vô hạn. Tôi không bao giờ nói với họ rằng: “đừng trộm cắp nha!” Không bao giờ, bởi vì tôi luôn cảm thấy mình không xứng đáng. Có những người phải chứng kiến cảnh người cha bị giết, những người bị hãm hiếp nhiều lần… Họ là những người bị dí sát vào tường. Còn tôi là ai – một nhà tư sản, được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu có – sao tôi dám nói với họ như thế được. Tại sao những người này bị lạm dụng? Tại sao họ phải chứng kiến cha của họ bị giết? Cuộc sống là một mầu nhiệm. Và sự đau khổ của con người cũng là một mầu nhiệm không kém. Chúng ta không thể dửng dưng trước những điều này!

Ở khu ổ chuột, chúng tôi cử hành phụng vụ Lời Chúa cùng với những kẻ lang thang, ăn xin, du cư, những kẻ khốn khổ, những cô gái điếm và tôi chia sẻ Lời Chúa, nói về Chúa Kitô cho họ. Dần dần, một cộng đoàn những người nghèo khổ được thai nghén bao gồm những người đã bị xã hội loại trừ, bị gạt ra bên lề cuộc sống. Thỉnh thoảng, chúng tôi tham dự Thánh Lễ. Giữa những người nghèo, một cái gì đó được hình thành mà bây giờ chúng tôi gọi là bộ ba: Lời Chúa, Thánh Thể và Cộng đoàn.

Một ngày kia, chính quyền ra lệnh làm sạch khu ổ chuột này. Cảnh sát và quân đội kéo đến đông đúc trên những chiếc xe nhà binh với vũ khí lăm lăm trên tay. Những người khốn khổ này cùng với gia đình bị buộc phải dọn ra khỏi khu ổ chuột ngay lập tức. Tôi gọi cho một vài linh mục bạn nhờ can thiệp giúp bằng cách nào đó, nhưng vô phương. Cảnh sát và quân đội bắt đầu gỡ bỏ các túp lều. Tôi không thể tưởng tượng được những người khốn khổ này sẽ như thế nào khi không có ít nhất một túp lều che đầu. Tôi loé lên ý tưởng gọi điện thoại cho Tổng giám mục Madrid, Đức Cha Casimiro Morcillo.

Trong thời gian tôi còn tham gia Cursillos, trước khi tôi đến sống ở khu ổ chuột, Tổng giám mục này đã từng đến cử hành Thánh lễ tại một cuộc họp mặt đông đảo các thành viên của Cursillos ở sân vận động. Bởi vì tôi là cán sự của Cursillos, nên người ta giới thiệu tôi cho Đức tổng giám mục.

Lúc này, tôi gọi đến toà giám mục của ngài. Viên thư kí bắt máy và trả lời một cách hằn học như quát vào mặt tôi: “Bây giờ Đức cha không nghe điện thoại được!” Nhờ Chúa quan phòng, lúc đó Đức Cha đi ngang qua, liền hỏi viên thư kí: “Chuyện gì vậy?” Vị ấy trả lời: “Không có gì hết, thư Đức cha, chỉ là một gã nào đó đang la ó.” “Ai vậy?” nói thế rồi Đức cha cầm điện thoại. Tôi nói ngay: “Thưa cha, xin hãy đến đây ngay lập tức để cứu những người khốn khổ này. Chỉ có cha mới có thể cứu họ thôi. Cảnh sát đang đẩy những người nghèo này ra đường. Ở đây còn có những trẻ em đang bị sởi, nếu sống cảnh màn trời chiếu đất giữa giá rét thế này, các em sẽ nguy mất. Vậy mà cảnh sát chẳng quan tâm chuyện đó chút nào!”

Tổng giám mục trả lời: “Chuyện này đang xảy ra ở đâu vậy?” Tôi nói địa điểm và Đức Tổng giám mục hứa là sẽ đến khu ổ chuột của chúng tôi ngay.

Ngài là người thân cận với Franco, làm cố vấn cho chính phủ, nên rất có quyền lực thời bấy giờ. Khi tôi nói với viên chỉ huy cảnh sát ở đó rằng Tổng giám mục Madrid đang đến, ông ta không tin. Tôi quả quyết: “Tôi nói rất nghiêm túc đó, Tổng giám mục đang đến.” Ông ta nhìn chằm chằm vào tôi như thể muốn nói: “Anh là ai mà gọi Tổng giám mục tới đây!” Đức tổng giám mục tới đây cũng gần giống như Đức giáo hoàng tới vậy.

Dù vậy, ông ra lệnh cho lực lượng cảnh sát dừng tay, trở về các xe nhà binh và ở trên đồi chờ đợi. Lúc đó, họ đã phá huỷ một số túp lều, trong đó có lều của Carmel.

Tổng giám mục đến trên một chiếc xe màu đen cùng với viên thư kí của ngài. Sau khi vị tướng chỉ huy lực lượng cảnh sát gặp ngài, lực lượng cảnh sát rút lui. Tổng giám mục đi vào lều của tôi, rất xúc động khi nhìn thấy cảnh tượng nơi tôi đang sống. Tôi nói với ngài: “Thưa cha, chúng ta cùng hát thánh vịnh được không?” Và chúng tôi, những kẻ lang thang nghèo túng, bắt đầu cất lên lời ca. Tổng giám mục đã rất xúc động và đã trải qua như một cuộc hoán cải nào đó, nên ngài nói với tôi: “Kiko, cha không phải là Kitô hữu. Này nhé, từ hôm nay trở đi, toà giám mục của cha luôn mở rộng cửa đối với con.” Về sau, mỗi khi tôi đến toà giám mục của ngài, ngài ân cần tiếp đón và cho tôi rất nhiều tiền cho dù tôi thưa với ngài: “Thưa cha, con không cần gì hết.” Ngài luôn luôn ủng hộ chúng tôi trong mọi việc.

Tôi trình bày một vấn đề với ngài: “Thưa cha, chúng con có thể cử hành Thánh lễ được không?” Bởi vì khi đó chúng tôi vẫn đang cử hành thánh lễ trong lều, mà vào thời điểm ấy, điều đó bị cấm ngặt, và một số người đã tố cáo chúng tôi. Chúng tôi phải làm vậy vì khi đến nhà thờ giáo xứ gần đó tham dự thánh lễ, những con chó thường đi theo, hơn nữa, những kẻ lang thang dơ bẩn và hôi hám do tình trạng thiếu nước trong khu ổ chuột, các giáo dân tìm cách xa lánh, họ bỏ đi chỗ khác khi chúng tôi đến gần.

Những người lang thang này ngạc nhiên nói với tôi: “Kiko, sao mấy ông cha cũng nói những điều giống như anh nói vậy?” Tôi trả lời: “Đương nhiên, vì tôi cũng thuộc về giáo hội đó mà!” Họ hỏi tiếp: “Mà sao những kẻ ấy cũng là Kitô hữu à? Là Kitô hữu, sao họ có thể xa lánh chúng tôi như tránh tà vậy?”

Tôi thưa với Tổng giám mục: “Thưa cha, chúng con hiểu là giáo dân chưa sẵn sàng chào đón những người khốn khổ này đến nhà thờ giáo xứ, mà những người khốn khổ này cũng chưa sẵn sàng đi đến nhà thờ giáo xứ.”

Tôi nghĩ đôi khi chúng ta làm những việc dựa trên hoàn cảnh và nhu cầu mục vụ. Cũng giống như những người làm việc tông đồ trong nhà tù, chúng tôi cũng đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đó là lý do tại sao tôi hỏi Đức tổng giám mục: “Chúng con có thể cử hành thánh lễ được không?”

Và ngài trả lời: “Được, nhưng không phải ở trong lều. Dù vậy, ta đảm bảo với con rằng họ sẽ cho phép chúng con cử hành thánh lễ ở giáo xứ.” Ngài gọi cho cha xứ và nói: “Cha hãy mở cửa nhà thờ giáo xứ cho cộng đoàn những người nghèo này. Tôi cho phép họ cử hành thánh lễ đằng sau những cánh cửa đã đóng kín với bánh không men và được hiệp lễ hai hình” (chúng tôi cũng xin phép ngài về điều này). Sự kiện này diễn ra vào khoảng năm 1965-1966. Công đồng vừa mới bế mạc và tổng giám mục nói tôi phải cử hành hành lễ sau những cánh cửa đóng kín để tránh những kẻ tò mò dòm ngó và gây ồn ào. Ở nhà thờ giáo xứ, chúng tôi ngồi quanh bàn thờ. Có một cha xứ của một giáo xứ giàu có gần đó, vốn đã biết tôi từ khi tôi ở Cursillos, tìm đến. Khi chứng kiến thánh lễ như vậy, ngài đã rất ấn tượng và mời chúng tôi đến giáo xứ của ngài. Carmen, tôi, và một số người lang thang đến, và đã gây ra một cú sốc lớn cho mọi người.

NHỮNG HẠT GIỐNG ĐƯỢC TUNG GIEO

Sau đó, Chúa đưa tôi đến một miền quê sống chung với những nông dân nghèo. Có thể nói được là Chúa đã đem hạt giống nhỏ bé này vốn nảy sinh giữa người nghèo ở Palomera gieo vãi ở nhiều môi trường khác, và nó bắt đầu nảy mầm. Khi chúng tôi đến Avila, một Đức ông ở Rôma, Don Dino, Torreggiani, sáng lập viên Tôi tớ Giáo hội, nghe tôi chia sẻ và nói với tôi: “Anh phải đến Rôma mới được. Anh cũng phải đến Florence, chỗ của cha Don Mazzi, cha ấy là một linh mục nổi loạn, bất tuân phục hồng y khi cử hành thánh lễ ở các phố chợ. Anh phải đến để sửa chữa tình hình này.”

“Tôi ư? Tôi không biết tiếng Ý. Tôi không biết chút nào hết.”

Thực sự chúng tôi chẳng có một đồng xu, chúng tôi trắng tay. Nhưng Đức ông Toreggiani lo liệu toàn bộ. Ngài xin Công giáo Tiến hành hỗ trợ chi phí cho chuyến đi của chúng tôi đến Rôma. Đây là thời kì phong trào hippy với những thanh niên tóc dài đang bùng nổ. Tôi nói với Đức ông Don Dino: “Cha đừng nghĩ là tôi đang đi quảng bá cho phong trào hippy tóc dài hay một cái gì đó tương tự như vậy. Tôi chỉ muốn mở ra việc khai tâm Kitô giáo trong các giáo xứ.”

“Được rồi, hãy đến các giáo xứ!” Và ngài đưa tôi đến các giáo xứ. Ngài thông dịch cho tôi. Cha xứ ở một trong những chỗ chúng tôi đến nói rằng: “Thật tuyệt vời, những điều anh nói về khai tâm Kitô giáo và bí tích Rửa tội và tổ chức các cộng đoàn nhỏ. Quá hay! Nhưng điều đó chỉ phù hợp cho Tây Ban Nha thôi. Ở đây chúng tôi không cần. Chúng tôi đã có Công giáo Tiến hành là đủ rồi và mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Anh hãy trở về Tây Ban Nha đi!”

Chúng tôi đến một cha xứ khác, cũng câu trả lời tương tự: “Thật tuyệt vời cho Tây Ban Nha, nhưng ở đây chúng tôi không cần.” Tôi nói với với Đức ông: “Cha coi, tôi đã biết là sẽ chẳng làm được gì ở đây rồi mà. Thôi, để tôi đến sống với người nghèo ở Rôma vậy, để đợi xem Chúa muốn gì ở tôi. Cha chỉ cho tôi những khu ổ chuột ở Rôma này đi.”

“Ở Borghetto Latino.”

Ở đó có giáo xứ thánh Giuđa Tađêô. Tôi nói chuyện với cha xứ và xin ngài chỉ cho tôi một chỗ ở. Cha xứ nói: “Ở đây, các nữ tu cũng đang làm việc ở khu ổ chuột.” Ngài gọi một nữ tu đến và nói: “Anh này tìm một chỗ ở với người nghèo, để cầu nguyện, chiêm niệm theo mẫu gương của Charles de Foucauld.” Thế là nữ tu ấy tìm chỗ ở cho tôi: một gia đình cho tôi ở trong một chuồng gà.

Chúng tôi đến bãi rác tìm phế liệu đem về để làm một túp lều. Chúng tôi tìm được những cánh cửa cũ. Một người cho tôi bếp ga, người khác cho cái giường xếp, bởi vì một vài chúng sinh đến từ Avila sống với tôi. Carmen đến sống với các nữ tu dòng thánh Bridget ở Pizza Navona. Tôi ở khu ổ chuột Borghetto Latino để chờ Chúa tỏ lộ ý định của Ngài đối với tôi.

Trong thời gian ở đó, một hôm, một vài bạn trẻ từ giáo xứ các thánh tử đạo Canada (tôi không biết ai đã giới thiệu tôi với họ) đến gặp tôi và để lại một nỗi lo sợ khủng khiếp trong tôi. Họ mời tôi đến Lake Nemi, nơi sẽ diễn ra một cuộc gặp mặt của giới trẻ trong vùng, tất cả đều theo cánh tả, và đây là thời gian mà Che Guevara đang trở nên thần tượng của giới trẻ. Tôi nói với họ: “Các bạn mời tôi chia sẻ kinh nghiệm ư?” Tôi nhớ lúc đó tôi thường mặc một loại áo khoác màu xanh lá giống Fidel Castro và tôi để râu quai nón rậm dài. Tôi tự nhủ: “Phải cẩn thận bởi vì các bạn này đang có nhiều nguy hiểm tiềm tàng.” Và ở đó, trong cuộc đại hội của những bạn trẻ theo cánh tả, tôi nói rằng Lenin và Che Guevara là những ngôn sứ giả, và tôi đã nói về Đức Kitô, Đấng đã không chống trả lại những kẻ xấu, và tôi đã bác bỏ hoàn toàn những lý tưởng của các bạn ấy. Họ kinh ngạc. Ở đó, tôi gặp lại một nhóm các bạn trẻ trong ban nhạc ở giáo xứ các thánh Tử đạo Canada. Các bạn ấy hỏi tôi: “Anh nghĩ gì?”

Tôi trả lời: “Tôi không chủ trương canh tân giáo hội bằng đàn hát nhảy múa.”

“Thế à, vậy thì phải làm sao?”

“Với mầu nhiệm Vượt qua, với lời rao giảng của các Tông đồ.”

“Mà đó là cái gì thế?” Họ chưa bao giờ nghe đến Kerygma (lời rao giảng tiên khởi của các Tông đồ).

“Được rồi, nếu các bạn muốn, tôi sẽ giải thích cho các bạn.”

Tôi đã nói chuyện với nhóm các bạn trẻ ấy, tôi đã chuẩn bị với họ một kiểu như là giảng thuyết, tĩnh tâm trên một ngọn núi cùng với một linh mục. Và tôi đã giảng Kerygma, mầu nhiệm Vượt qua và khai tâm Kitô giáo cho họ. Họ rất kinh ngạc nói với tôi: “Tại sao chúng ta không bắt đầu ở giáo xứ này?” Tôi nói với họ: “Không, chúng ta không thể bắt đầu chỉ với giới trẻ, bởi vì giáo hội không chỉ cho giới trẻ, giáo hội dành cho mọi người. Nếu các bạn mời thêm một vài đôi vợ chồng, tôi sẽ dạy giáo lý.” Và họ đã làm như vậy để hình thành nên cộng đoàn đầu tiên ở Giáo xứ các thánh Tử đạo Canada. Sau đó, chúng tôi đến Florence, bắt đầu ở một giáo xứ rất nghèo, nhà thờ ở trong một nhà để xe.

Rồi người ta mời chúng tôi đến Bồ Đào Nha và chúng tôi đến đó sống với những người nghèo trong các túp lều ở Lisbon, một khu được gọi là “A Corraleira”. Một năm sau, chúng tôi trở lại thăm cộng đoàn ở Rôma. Họ tùng phục trong mọi sự và chúng tôi nói với họ về bộ ba: chia sẻ Lời Chúa mỗi tuần một ngày, tham dự Thánh lễ, và mỗi tháng một lần mọi người chia sẻ kinh nghiệm về Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời họ như thế nào.

Kế đó, ba giáo xứ ở Roma muốn chúng tôi xây dựng phong trào: giáo xứ Giáng sinh với cha xứ là Don Luigi Delta Torre, một nhà phụng vụ nổi tiếng, giáo xứ thánh Aloysius Gonzaga ở gần Paroli một khu tượng lưu của Rôma, và giáo xứ thánh Frances Cabrini rất gần giáo xứ các thánh tử đạo Canada. Chúng tôi đã đích thân thiết lập phong trào chỉ ở trong bốn giáo xứ tại Rôma. Sau đó, phong trào đã bùng phát ra khoảng 100 giáo xứ ở Rôma với khoảng 500 cộng đoàn.

Ở Tây Ban Nha và Ý, hầu như tất cả các giáo phận đều có phong trào này, và hiện nay đã mở rộng ra hơn 120 quốc gia với hàng ngàn cộng đoàn. Thiên Chúa đang thực hiện một công trình khiến chúng tôi rất ngỡ ngàng.

Tôi cần phải chia sẻ một chút kinh nghiệm của tôi và tôi cũng rất kinh ngạc trước nhiều điều lạ lùng ngài đã và đang thực hiện nơi chúng tôi. Tôi phải kể lại câu chuyện này như một nhân chứng sống động, cho dù có thể có một số người nói chúng tôi huênh hoang tự phụ. Nhưng thật sự tất cả mọi thứ đều vượt ra khỏi bản thân chúng tôi, và khi nhìn lại, tôi cảm thấy tất cả những gì Chúa đã thực hiện đều là những điều không thể đối với tôi.

TẠM KẾT

(Phần đầu bài nói chuyện của ông Kiko tại Đan viện thánh Đaminh ở Sora, ngày 8 tháng 6 năm 2012.)

Trong cuộc tiếp kiến chúng tôi ngày 20 tháng giêng năm 2012, Đức giáo hoàng Benedict XVI đã khẳng định một lần nữa rằng Phong trào Neocatechumen là một ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp đỡ giáo hội. Phong trào này đã mở ra những sáng kiến cho việc khai tâm Kitô giáo và các chương trình bồi dưỡng đức tin liên tục trong các giáo xứ nhằm huấn luyện những người Ki tô hữu trưởng thành. Nhờ một quá trình lâu dài và nghiêm túc trong việc huấn luyện Đức tin, chúng tôi giúp cho lương dân, những người đã rời xa giáo hội, những người đã bị tục hoá có khả năng trở thành một con người mới, một thụ tạo mới, con cái Thiên Chúa, có thể sống trong Đức Kitô và cho Đức Ki tô mà không cô độc, nhưng trong một cộng đoàn Ki tô hữu cùng nhau loan báo chân lý về tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới.

Khi chúng tôi thành lập phong trào ở giáo xứ, chúng tôi nói với cha xứ rằng: cần phải ngay lập tức chuyển hướng từ mục vụ bí tích sang mục vụ rao giảng Tin Mừng, điều đó được hiểu như là đem Tin mừng đến cho những người không biết Chúa hoặc đã lìa xa giáo hội. Nhìn vào các khu đô thị cũng như những nơi khác, giới trẻ xuống cấp, các đôi vợ chồng ly dị… Tạ ơn Chúa, phong trào này đã giúp xây dựng lại nhiều gia đình, mở ra cho sự sống, cho con cái, cho người trẻ bằng cách truyền trao đức tin cho họ. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy hàng ngàn hàng ngàn người trẻ tham gia phong trào trong các cộng đoàn.

Ví dụ, Phong trào đã đưa 300.000 bạn trẻ đến Đại hội giới trẻ tại Madrid. Dịp đó, chúng tôi có một cuộc hội ngộ tuyệt vời trong thánh lễ do Hồng y Rouco, tổng giám mục Madrid cử hành với 13 hồng y và hàng trăm giám mục. Chúa đã chuẩn bị phong trào này cho việc loan báo tin mừng trên khắp thế giới, đặc biệt là Á châu. Chúng tôi đang đề ra chương trình chuẩn bị 20 000 linh mục cho Trung hoa. Trong cuộc hội ngộ nói trên, tôi mời gọi các bạn trẻ dấn thân cho Chúa trong việc truyền giáo ở Trung hoa, nơi có 1,3 tỉ người không biết Đức Kitô. Lúc đó, có khoảng 5 000 người đứng dậy và bước lên sân khấu. Chúng tôi không thể tưởng tượng. Sân khấu khổng lồ hôm ấy không thể nào chứa hết từng đó người.

Tôi xin nói lại về việc chuyển từ mục vụ bí tích sang mục vụ rao giảng Tin mừng. Với tình hình như hiện nay, trong các giáo xứ có khoảng mười lăm ngàn người, nhưng chỉ có 5-10% đi đến nhà thờ vào Chúa nhật, chỉ có một ít người đến nhà thờ cử hành bí tích Hôn phối và đem con cái đến rửa tội. Các linh mục quá thoải mái trong việc cử hành bí tích cho một nhóm nhỏ như thế, nên có nhiều thời gian mà các vị ấy không biết làm gì. Trong khi đó, có đông đảo những người không còn đi đến nhà thờ nữa, và chẳng ai quan tâm đến họ. Làm sao có thể đi đến với những con người đã bị tục hóa này? Đây là một cơn khủng hoảng lớn ở châu Âu hiện nay. Cụ thể ở Pháp, số người không được rửa tội chiếm khoảng 50%, ở Tây Ban nha con số này còn cao hơn. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi đây là sự bội giáo (apostasy) của châu Âu.

Tôi nói với cha xứ ấy rằng, thừa tác vụ mục vụ bí tích chỉ dành cho người còn niềm tin, vẫn còn đến nhà thờ để gặp gỡ Đức Ki tô hiện diện trong các bí tích. Nhưng làm sao đi đến với những người không còn niềm tin? Chúng ta cần sự một hiện diện của Đức Kitô mà không cần có đức tin, một sự hiện diện của Đức Ki tô có thể thu hút mọi người cho dù họ không còn tin nữa. Liệu rằng sự hiện diện như vậy có tồn tại hay không?

Thưa, sự hiện diện ấy được tìm thấy trong Tin mừng. Đức Kitô nói: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em… Bởi chính điều này mà người ta nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy” (Ga 13,34-35). Hãy chú ý đến “yêu như Thầy đã yêu” bởi vì đây là điều căn bản. Một tình yêu đặc biệt. Tôi không biết quý vị đã thấy tình yêu ấy hiện diện, nhập thể, làm nên bí tích hay không? “Yêu như Thầy đã yêu”, Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta là tội nhân, đang thù nghịch với Thiên Chúa. Tình yêu dành cho kẻ thù. Có bao giờ chúng ta thấy người Kitô hữu yêu thương kẻ thù của mình chưa? Tình yêu đó ở đâu? Yêu như Thầy đã yêu, và đó là dấu hiệu cho người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy. Chính trong tình yêu ấy, mọi người, kể cả những người đã bị tục hoá, những người rời xa giáo hội, sẽ nói: nhìn kìa, những người ấy yêu thương nhau biết mấy, họ là môn đệ của Đức Kitô.

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn nói thêm: xin cho họ nên một như cha ở trong con và con ở trong cha, để thế gian nhận biết rằng cha đã sai con. Như vậy, chúng ta phải hiệp nhất hoàn toàn nên một, khi đó thế gian mới tin, dân ngoại mới tin.

Để tin, và để cho đức tin lớn mạnh, người ta phải nhận thấy các dấu chỉ đức tin như vậy: yêu thương kẻ thù, và hiệp nhất nên một. Tất cả những gì Phong trào muốn làm trong việc hình thành các cộng đoàn Ki tô hữu là để đem lại cho thế giới hai dấu chỉ ấy: yêu thương kẻ thù, yêu thương trong chiều kích của Thập giá, và hiệp nhất hoàn toàn nên một, đó là mối tương quan với các các Ngôi Vị Thiên Chúa được tìm thấy trong Ba Ngôi Chí Thánh. Những dấu chỉ của yêu thương và hiệp nhất là đèn soi cho thế giới.