Câu chuyện của KIKO (Phần I)

Đăng ngày: 11/02/2020

Chuyển ngữ: Cao Viết Tuấn, CM

Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Francisco José Gomez-Arguello Wirtz, thường được gọi là Kiko, sinh năm 1939 ở Leon, Tây Ban Nha, trong một gia đình khá giả. Tôi là anh đầu của ba đứa em. Cha tôi là luật sư. Ông ngoại tôi là người Anh. Tôi chỉ sống ở Leon hai năm, sau đó gia đình tôi chuyển đến thủ đô Madrid. Thiên Chúa phú bẩm cho tôi năng khiếu trở thành hoạ sĩ, nên ngay từ nhỏ, người ta đã đánh giá cao khả năng hội hoạ của tôi. Tôi theo học tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia San Ferdando ở Madrid.

Cha mẹ tôi là người Công giáo. Mẹ tôi đi lễ hàng ngày còn cha tôi đi lễ đều đặn vào các Chúa Nhật. Nhưng sau khi bắt đầu học nghệ thuật, tôi cảm thấy mình ở vào môi trường khác. Tôi thường đến nhà hát xem kịch cùng bạn bè, nhờ đó tôi đã tiếp xúc với các tác phẩm sân khấu của Jean-Paul Sartre. Tôi nhớ một trong các vở kịch của ông có tên là “Không lối thoát” (No Exit), trong đó ông nói rằng: tha nhân là hoả ngục. Tôi vẫn thường tự hỏi rằng: Có thật là Thiên Chúa tồn tại? Cuối cùng, ở Jean-Paul Sartre tôi tìm thấy được câu trả lời: Mọi thứ đều phi lý.

Nhưng tại sao tôi nghi ngờ Thiên Chúa? Bởi vì xét cho cùng, chứng nhân sống đạo của cha mẹ tôi, gia đình tôi chưa đủ cho tôi tin. Do đó, Thiên Chúa đã cho tôi trải qua một quá trình đi xuống tận đáy vực thẳm (tự huỷ-kenosis), có thể nói là như vậy. Tôi cũng tìm hiểu tư tưởng các nhà hiện sinh khác, ví dụ Albert Camus, và tôi cũng tìm thấy câu trả lời tương tự, đó là sự phi lý. Tôi nghĩ rằng tôi không nên ngu xuẩn nữa, nếu không có Thiên Chúa thì đã sao. Từ đó, tôi sống như thể Thiên Chúa không tồn tại. Bầu trời đóng sầm lại, một tấm bê tông khổng lồ đè nặng trên đầu tôi, cuộc sống trở nên hết sức nặng nề.

Theo quan niệm của Sartre, sẽ đến lúc chúng ta không tồn tại nữa, hôm nay chúng ta đang ở đây, nhưng ngày mai chúng ta sẽ không còn nữa. Chúng ta phải chấp nhận cuộc sống như thế, phải chấp nhận thực tế ấy. Chúng ta không thể tạo ra bất cứ thiên đàng nào hay bất cứ điều gì khác ở bên ngoài thế giới này, chúng ta phải sống trong thực tại cuộc sống như nó vốn dĩ là. Tóm lại, mọi thứ là hư vô, chẳng có gì cả.

Tôi đã thử sống như vậy, nhưng chẳng bao lâu sau tôi nhận thấy không thể nào chịu đựng cuộc sống như thế này nữa, và lối thoát duy nhất đó là tự tử. Người ta nói rằng, trên thế giới, mỗi giây có một người tự tử. Ở Tây Ban Nha, số người chết vì tự tử đông nhất, sau đó là ung thư, tai nạn… Số người tử tự ở Châu Âu đang ngày càng gia tăng.

Trong chính thời gian này (năm 1959), tôi nhận được giải thưởng quốc gia đặc biệt về hội họa, sự kiện này được truyền hình và báo chí đưa tin. Tôi rất bất ngờ về điều này nhưng lại rất buồn. Giải thưởng không giải quyết vấn đề nội tâm mà tôi đang gặp phải. Vào một buổi sáng nọ, tôi thức dậy và tự hỏi: “Sống để làm gì? Để kiếm tiền chăng? Để sung sướng chăng? Rồi để làm gì?” Tôi đã có tiền, đã được nổi tiếng, nhưng tôi không hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình như đã chết. Sau đó, tôi hiểu ra rằng, nếu tôi cứ như vậy thì chẳng mấy chốc tôi sẽ tự tử.

Trong khi chìm đắm xuống tận vực thẳm này, khi mà bầu trời đã đóng lại, Thiên Chúa đã xót thương tôi. Tôi tự hỏi: người ta sống như thế nào? Tôi nhìn những người bình thường và nghĩ: Liệu rằng người ta có tự hỏi họ “Tôi là ai” hay không? Ai đã tạo dựng nên tôi? Cuộc đời là gì? Có chăng những người không hề quan tâm đến những vấn đề này? Có thể vấn đề là ở chính tôi, tôi là một kẻ chẳng giống ai. Tôi cảm thấy như thể tôi đang trùm một tấm chăn ướt sũng, ngột ngạt, khiến tôi không ngừng truy tìm chân lý: Chúng ta là ai, và chúng ta đang làm gì trên thế giới này? Tôi không thể dửng dưng với chuyện Thiên Chúa tồn tại hay không, đó là vấn đề sống chết đối với tôi.

Trong hoàn cảnh ấy, giữa đêm tối mịt mù, không có gì làm tôi thoả mãn, trong đó mọi thứ đều trở nên tro bụi, tôi mất hết động lực, nhưng một ánh sáng loé lên. Tôi đọc được Bergson, một triết gia gốc Do Thái, ông viết: “So với lý trí, trực giác là phương tiện đạt tới chân lý trổi vượt hơn.” Tôi nghĩ, nếu Bergson đúng thì sao? Tôi hiểu ra rằng, xét cho cùng, tôi đã quá lý trí. Là một hoạ sĩ, tôi hỏi trực giác của tôi: có phải bản chất của cuộc sống này là phi lý? Và tôi nhận thấy rằng có gì đó mách bảo tôi không phải như vậy. Có một cái gì đó ẩn khuất trong những cái đẹp, nghệ thuật, nước, bông hoa, cây cối…

Đó là cách mà Thiên Chúa bắt đầu xuất hiện ở cuối chân trời xa thẳm như một tia sáng mong manh đầy hy vọng. Theo sau tia sáng ấy, một khoảnh khắc kì diệu đã xảy ra trong cuộc đời tôi, khi tôi đi vào phòng, đóng cửa và la lên rằng: “Chúa ơi, nếu Ngài tồn tại, hãy đến giúp con, bởi vì cái chết đang ở trước mặt con rồi!” Có lẽ Chúa đã cho phép tôi đi xuống tận đáy vực thẳm này, làm trống rỗng bản thân mình, để tôi khiêm nhường, để tôi có thể kêu gào, van xin được nâng đỡ. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi đã đụng chạm một điều gì đó. Bởi vì tôi hay tự hỏi: Điều gì có thể chứng minh Thiên Chúa tồn tại đây? Những lý chứng của thánh Thomas Aquinas và của những người khác không làm tôi thoả mãn, chúng chẳng có ích gì cho tôi cả, đối với tôi, chúng đều rất quái gở. Làm sao tôi có thể chắc chắn về sự hiện hữu của Thiên Chúa?

TỪ CÕI CHẾT ĐẾN SỰ SỐNG: THIÊN CHÚA HIỆN HỮU

Trong thời gian tôi học ở Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, tôi đã chia sẻ vấn đề của tôi với một anh bạn hoạ sĩ học cùng lớp, anh ấy là linh mục. Nhưng đối với tôi, những gì anh ta nói không rõ ràng và thuyết phục cho lắm. Tôi nhanh chóng hiểu ra vấn đề chính là ở chỗ niềm tin. Tôi không thể đem lại niềm tin cho chính mình. Do đó, tôi lại hướng về Chúa, kêu gào, van nài. Bỗng nhiên vào một hôm, tôi cảm nhận từ trong thâm tôi có một xác quyết chắc chắn: Thiên Chúa hiện hữu. Điều này không đến với tôi như là một kiểu suy luận của lý trí hay như một lý thuyết nào đó. Thiên Chúa hiện hữu: đó như là một đụng chạm của bản thể.

Thánh Phaolô nói rằng Thần Khí của Đức Kitô ngự xuống và làm chứng cho tinh thần của người ấy rằng Thiên Chúa hiện hữu. Điều này đã xảy ra đối với tôi, tôi cảm nhận từ bên trong rằng có Thiên Chúa: Ngài hiện hữu, Thiên Chúa hiện hữu! Tôi nhớ rõ hôm ấy tôi đã khóc, và tôi không thể nào hiểu được tại sao có quá nhiều nước mắt như thế tuôn trào trên khuôn mặt tôi. “Tại sao tôi khóc?” Tôi khóc bởi vì tôi cảm thấy mình như một tên tử tù bị đem ra xử tử, nhưng khi vừa lên đoạn đầu đài, tôi được tha bổng. Tôi khóc bởi vì tôi nhận ra: nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì tôi cũng hiện hữu. Tôi đi từ cõi chết đến sự sống: Thiên Chúa tồn tại. Tôi cảm nhận một bằng chứng ở tận đáy lòng tôi, một đụng chạm của bản thể: bản thể Thiên Chúa đã đụng chạm đến tinh thần của tôi. Thiên Chúa hiện hữu!

Sau biến cố này, tôi tìm gặp một linh mục và nói với ngài: “Thưa cha, con muốn là một Kitô hữu.” Vị linh mục ấy hỏi tôi: “Anh chưa được rửa tội sao?” Tôi trả lời: “Con đã được rửa tội rồi!” Vị ấy hỏi tiếp: “Anh rước lễ chưa?” “Thưa rồi.” “Vậy thì anh chỉ cần xưng tội thôi.” Tôi vội đáp ngay: “Vâng, ngay bây giờ!”

Tôi nhận ra rằng những bài học giáo lý lúc đó không đủ trang bị cho tôi trở thành một Ki tô hữu. Chiếc áo rước lễ lần đầu năm xưa đã quá chật chội đối với tôi. Tôi phải cởi bỏ nó. Tôi nói với linh mục ấy: “Con muốn được đào tạo để trở thành một Kitô hữu.” Nhưng linh mục ấy không biết làm gì cho tôi. Không có trường lớp nào dành cho các Kitô hữu ở tại các giáo xứ, vậy giả sử nếu một triết gia, một người trí thức vô thần muốn được huấn luyện trong đức tin thì phải làm sao?

Bởi vì không biết làm gì đối với tôi, linh mục ấy gởi tôi đến với phong trào Cursillos. Tôi đến đó và được những người lãnh đạo giúp tháo gỡ rất nhiều định kiến của tôi đối với Giáo Hội, Vatican, các giáo xứ, các linh mục… Những định kiến này thấm nhiễm vào tôi từ bạn bè theo chủ nghĩa Marx mà vốn dĩ tôi không đồng tình cho lắm. Tôi có nhiều lý do để không đi theo chủ nghĩa Marx. Ở Cursillo, người ta còn đề nghị tôi dạy giáo lý, nên tôi đã được huấn luyện để làm người đào tạo cho phong trào. Sau đó, tôi đã đi đến một số nơi làm công tác đào tạo này.

Vào thời điểm này, việc hội hoạ của tôi đã thay đổi từ phong cách hiện đại chuyển sang các tác phẩm tôn giáo. Cùng với một số hoạ sĩ khác, tôi thành lập một đội ngũ nhằm nghiên cứu nghệ thuật trong các thánh đường, để làm cho nghệ thuật tôn giáo được hội nhập hơn. Lúc đó, vì chúng tôi đang làm việc với các tác phẩm nghệ thuật thánh và chúng tôi đã thành công, nên Bộ Văn hoá đề nghị chúng tôi tổ chức một cuộc triển lãm lớn ở Madrid. Sau đó, Bộ này còn mời tôi làm diện Tây Ban Nha tham dự cuộc triển lãm nghệ thuật thánh quốc tế tại Royan, Pháp quốc.

Quỹ Juan March cũng tài trợ cho một thần học gia dòng Đaminh cùng tham gia triển lãm này để tìm ra những điểm gặp gỡ giữa nghệ thuật Tin Lành và Công giáo, theo công đồng Vatican II. Tôi được mời đi theo vị ấy cùng với một kiến trúc sư người Basque và một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp người Catalan. Tôi kể ra điều này bởi vì chuyến đi ấy rất quan trọng đối với tôi, giúp tôi có điều kiện tiếp xúc với việc canh tân nghệ thuật phụng vụ của Đức, Pháp và các quốc gia khác. Chúng tôi tìm hiểu kiến trúc của Le Corbusier, Pháp quốc, Eero Saarinen, Alvar Aalto ở Phần Lan, và chúng tôi đã tiếp xúc với giáo hội Chính Thống và Tin Lành.

Trước khi bắt đầu chuyến đi này, vì nhà thần học dòng Đaminh này có quen biết dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, được cảm hứng từ Charles de Foucauld, nên ngài đề nghị tôi đi đến Sa mạc Monegros ở Farlete, làm một tuần tĩnh tâm để lấy sức cho một chuyến đi dài qua nhiều quốc gia. Ở hoang mạc xinh đẹp và có nhiều hang động ấy, tôi đã gặp cha René Voillaume, đấng sáng lập dòng Tiểu Đệ, cùng với nhiều tu sĩ đến từ các quốc gia khác nhau của châu Âu.

Tôi đã ở trong hang của thánh Caprasio ăn chay và tìm hiểu cuộc đời của Charles de Foucauld. Tôi chia sẻ với cha Voillaume rằng tôi rất ấn tượng với cuộc đời ẩn dật của Thánh Gia Nazareth và tình yêu vĩ đại mà Charles de Foucauld đã dành cho sự hiện diện đích thực của Đức Ki tô. Ở Tamanrasset (Algeria) ngài đã dành nhiều giờ cầu nguyện trước Thánh Thể.

SỰ KHỐN KHỔ CỦA NHỮNG KẺ VÔ TỘI

Chuyến đi đã diễn ra tốt đẹp. Đó là một sự kiện quan trọng cuộc đời tôi, bởi vì tôi đã có thêm những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trở về Tây Ban Nha, tôi tiếp tục công việc hội hoạ của tôi trong một xưởng vẽ cùng với một anh bạn hoạ sĩ và một bạn điêu khắc. Tôi sống ở đó và thỉnh thoảng về thăm gia đình.

Năm ấy, trong dịp lễ Giáng sinh, tôi về nhà mừng lễ với gia đình. Tình cờ khi xuống nhà bếp, tôi thấy cô giúp việc đang khóc. Tôi hỏi thì cô cho biết chồng của cô là một tay nghiện rượu. Mỗi lần say xỉn về nhà, ông lấy cây đánh đập vợ con, có hôm ông còn dùng dao đe doạ. Đứa con lớn của cô đã nhiều lần cãi lại và cô sợ sẽ có lúc cha con chém giết lẫn nhau. Cuộc sống của cô quả là hoả ngục.

Tôi hỏi cô muốn tôi giúp như thế nào. Cô nhờ tôi đến nói chuyện với ông chồng của cô. Tôi đã thu xếp đến gặp ông ta, và thấy rằng đây quả là một tay lì lợm cứng đầu. Tôi mời ông tham gia Cursillos cùng với tôi. Sau một thời gian tham gia, ông cảm thấy rất ấn tượng và đã bỏ rượu. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông trở lại đường cũ. Và gia đình ấy lại trải qua những thảm kịch. Người vợ đáng thương ấy không biết kêu van ai ngoài tôi, cô xin tôi đến bởi vì con của cô đe doạ sẽ giết người cha nghiện rượu kia. Mỗi lần căng thẳng như vậy, tôi chạy đến nhà cô ta, hết lần này đến lần khác.

Tôi thấy mình không thể chạy đi chạy lại như thế mãi, tôi suy nghĩ, đắn đo và cầu nguyện xin Chúa soi sáng giúp tôi làm cách nào để giúp người chồng cai rượu và cứu những đứa con tội nghiệp. Cuối cùng, tôi quyết định từ bỏ tất cả và dọn đến ở chung với gia đình ấy. Khi đó tôi nhận ra mọi người xung quanh khu vực ấy đang sống trong một hoàn cảnh kinh khủng. Tất cả đều nghèo khổ sống chen chúc với nhau trong những túp lều lụp xụp. Tôi phải ngủ trong nhà bếp với những con mèo. Trong hoàn cảnh đó, Chúa đang chờ đợi tôi làm những công việc khác nữa.

Jean-Paul Sartre nói: “Khốn cho ai bị ngón tay Thượng Đế dí vào tường!” Tôi thấy nhiều người ở đây quả là đang bị dí vào tường, và tôi thấy quá mệt mỏi và bế tắc. Cạnh nhà tôi đang sống có một bà mắc bệnh Parkinson luôn mặc đồ đen. Ông chồng đã bỏ rơi bà và đứa con trai mắc bệnh tâm thần suốt ngày cầm cây đánh đập bà. Tôi thường tự nhủ: “Thật là kinh khủng! Làm sao có thể như vậy được! Tại sao lại là bà ta mà không phải tôi?” Tôi cũng gặp những người từng bị lạm dụng lúc còn nhỏ. Môi trường này quả là hoả ngục.

Tôi thấy mình phải đối diện với nỗi đau khổ của nhân loại vốn chẳng được ai đoái hoài tới, giống như các trại tập trung của Đức quốc xã ở Auschwitz. Người ta nói rằng, sau Auschwitz, chẳng còn ai tin vào Thiên Chúa nữa. Nhưng trái lại, tôi đã tìm thấy một câu trả lời đầy kinh ngạc trong môi trường này: Tôi thấy mình đang đối diện với mầu nhiệm Thập giá của Đức Kitô. Tôi hiểu ra rằng Chúa Ki tô đang hiện diện nơi những người vô tội khốn khổ này. Họ là những người vô tội nhưng phải mang vác tội lỗi người khác, những tội lỗi kinh khủng của kẻ nghiện ngập, kẻ đánh đập mẹ mình, của những đứa con chậm phát triển, những kẻ loạn luân, vv… Bằng những đau khổ này cùng với Đức Kitô, những người này đang đem lại ơn cứu độ cho thế giới.

Đức Kitô hiện diện thực sự trong Thánh Thể, nhưng tôi nghĩ rằng Đức Kitô cũng hiện diện đích thực trong những đau khổ của những người vô tội này. Điều này gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi khi tôi đi làm nghĩa vụ quân sự ở châu Phi, tôi đã rất thao thức. Thiên Chúa kêu gọi tôi đi theo Ngài và tôi nghĩ: Tôi không thể tiếp tục như thế này. Nếu Đức Ki tô tái lâm trong ngày tận thế vào ngày mai, tôi mong muốn Ngài thấy tôi đang ở dưới chân Thập giá của Đức Ki tô chịu đóng đinh nơi những người đau khổ, những kẻ bé mọn, người đang bị dí vào tường. Tôi muốn cùng với họ quỳ gối thờ lạy. Cảm giác này rất mãnh liệt đối với tôi đến nỗi tôi đã từ bỏ tất cả mới thứ để dọn đến sống giữa người nghèo.

KHỞI ĐẦU MỘT GIÁO LÝ TỔNG HỢP

Tôi đã từng tham gia vào một nhóm trợ giúp các phụ nữ lẫn nam thanh niên bán dâm. Tôi trao đổi với người bạn đang làm công tác xã hội ở khu ổ chuột Palomeras: “Tôi muốn từ bỏ mọi sự và đến sống với người nghèo.” Anh ta chỉ cho tôi một địa điểm, đó là một thung lũng nhỏ có nhiều hang động, nơi đây quy tụ những kẻ vô gia cư, những người du cư, sa cơ lỡ vận, những người cầu bơ cầu bất, ăn xin, những kẻ cùng khổ, những phụ nữ bán dâm… quả là một khu vực kinh khủng.

Tôi dọn đến sống ở đó với một cuốn Kinh thánh và một cây đàn guitar. Tôi tìm được một túp lều bỏ hoang, có sẵn một tấm nệm trên nền nhà. Tôi nhớ hôm ấy trời rét buốt. Những con chó ở trong túp lều đó đã sưởi ấm cho tôi. Tôi ngủ với bốn năm con chó nằm xung quanh, nhờ vậy mà tôi không chết cóng. Sau này, những con chó này đi theo tôi khắp nơi.

Tôi dạy môn nghệ thuật tại một ngôi trường cách xa khu ổ chuột này. Tôi luôn đến trường trễ bởi vì túp lều của tôi vô cùng bừa bộn. Một hôm, người hàng xóm của tôi mang cho tôi một lò than bởi vì nhiệt độ khi ấy là âm năm độ C. Hàng xóm của tôi thường hỏi nhau rằng: tôi là ai, họ thấy tôi để râu quai nón. Tôi không biết khi đó người ta nghĩ về tôi như thế nào. Lều của tôi gần con đường mà những người du cư thường đi ngang qua để lấy nước từ một vòi nước ở giữa các ngôi nhà ở Pamomeras Altas. Trong lều, tôi treo một cây thánh giá. Hôm nọ, một người du cư đến, thấy cây đàn guitar, và chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Anh ta hỏi tôi: “Chúa Giêsu nói gì về việc đánh nhau với kẻ thù?”

Thiên Chúa đã đưa tôi đến môi trường này, bởi vì thật sự tôi chưa bao giờ tự mình đi đến đây. Tôi không đến để dạy học, cho dù hầu hết mọi người đều mù chữ, tôi cũng không làm việc của một người làm công tác xã hội. Hoàn toàn không. Tôi xem họ như là Đức Giêsu Kitô và chính bản thân tôi là một tội nhân nghèo nàn không xứng đáng sống ở giữa cảnh kinh khiếp, nỗi cùng khốn của những người vô tội, những nạn nhân của tội lỗi người khác. Tôi cảm thấy bất xứng, hoàn toàn bất xứng. Nhưng Chúa bắt tôi phải tìm ra một tổng hợp giáo lý, mội đường lối rao giảng Lời Chúa trong môi trường này, bởi vì những người ở đây muốn tôi nói cho họ nghe về Chúa Giêsu Kitô.

Tôi nói với người du cư kia rằng Đức Kitô dạy phải yêu thương kẻ thù. Anh ta đã từng ở trại cải huấn, nhưng đã trốn ra và bây giờ anh ta đã cưới vợ và có những đứa con. Anh ta thuộc về một bộ lạc có cơ cấu và luật lệ riêng, và anh là trưởng bộ lạc. Trong trại cải huấn, anh đã được học đọc và viết. Trại ấy do các tu sĩ điều hành nên anh tham dự thánh lễ, lần hạt Mân Côi, vv… nhờ đó anh biết đôi chút về tôn giáo. Vì anh biết đọc nên tôi đưa cho anh ta truyện Những bông hoa nhỏ của thánh Phanxicô, anh ta rất thích và chúng tôi trở thành bạn của nhau.

Anh rất ấn tượng những điều tôi nói với anh về Chúa Giêsu nên anh mời tôi đến nói chuyện với cả bộ lạc, anh ta muốn cả bộ lạc theo đạo. Anh ta nài nỉ tôi đến nhà anh ta, và tôi đã đi theo. Đó là một cái hang tối om đến nỗi mới bước vào tôi đã không trông thấy gì hết, trong đó đầy những người du cư và những kẻ lang thang. Anh bảo tôi: Hãy nói cho họ nghe về Chúa Giêsu đi!

– Tôi?

– Đúng rồi, nói về Chúa Giêsu Kitô đi!

– Nhưng tôi không biết nói làm sao hết. Anh muốn tôi nói gì đây? Như một giáo lý viên ở Cursillo hay sao?

Những người này không biết đọc biết viết. Nếu tôi nói với họ những thuật ngữ chuyên môn, những khái niệm trừu tượng thì làm sao họ hiểu được. Bạn hãy thử tưởng tượng sẽ phải nói gì với những người lang thang mù chữ này trong khi họ không biết một chút gì về Thiên Chúa. Làm sao đây? Nhưng anh ta cứ thúc ép tôi nói. Tôi tự hỏi: “Các tông đồ ngày xưa đã nói như thế nào nhỉ? Các tông đồ đã rao giảng như thế nào?”

Trong hang động hôm ấy có những người phụ nữ thường ăn mặc sặc sỡ, họ chuyên bán đồ lặt vặt và ăn xin trên đường phố. Sau khi tôi nói đôi chút về Ađam và Evà, một bà đứng lên hỏi tôi: “Đã bao giờ ông thấy một người chết sống lại chưa?” Bà ta là mẹ của anh bạn trưởng bộ lạc. Anh ta quát: “Mẹ im đi!” nhưng bà ta vẫn cứ nói: Đã bao giờ ông thấy người chết ở trong nghĩa địa trở về chưa? Tôi chỉ biết duy nhất một điều: “Cha tôi đã chết và ông ta không bao giờ trở về đây nữa. Phải có một bàn tay nào đó trên trời, nhưng tôi không tin mấy ông linh mục. Nếu ông thấy người chết từ dưới mồ sống lại chui ra thì tôi sẽ nghe ông. Nếu không, hãy biến đi!” Bà bỏ đi ra và đám đông giải tán.

Người phụ nữ kia đã dạy tôi nhiều điều, bởi vì ngay lúc đó, tôi tự hỏi mình về cách rao giảng của các tông đồ. Tôi đọc Kinh Thánh mỗi ngày và tôi phát hiện ra đoạn sách Tông đồ Công vụ nói về tổng trấn Festus nói với vua Aprippa rằng ông có một người tù rất thú vị tên là Phaolô. Ông muốn nhà vua lắng nghe người tù ấy nói về một người chết mà hắn ta quả quyết đã sống lại tên là Giêsu (Cv 25,14-19). Trong bối cảnh ấy tôi học được từ một bài học từ cuộc hoán cải của tổng trấn Festus, điều duy nhất mà người ngoại đạo ấy hiểu được đó là Phaolô nói về một người chết đã sống lại. Người phụ nữ kia cũng nói tôi rằng điều duy nhất khiến bà chịu lắng nghe đó là đã bao giờ tôi thấy một người sống lại hay chưa. Hay nói cách khác, điều đó nhằm chứng tỏ cho thấy sự sống vẫn tồn tại sau khi chết.

Chúa bắt đầu cho tôi một chút ý niệm sơ khởi về Kerygma (Lời rao giảng của các Tông đồ). Nghĩa là Chúa thôi thúc tôi thông qua những người nghèo này tìm ra một cái gì đó gọi là giáo lý như được dạy trong các giáo xứ như hiện nay.

CANH TÂN GIÁO HỘI NHỜ NGƯỜI NGHÈO

Ngày kia, anh bạn du cư gọi tôi và nói: “Ra đây đi! Tôi đã kêu mọi người đến đây rồi!” Bước ra, tôi thấy có khoảng ba chục người dân lang thang đang ngồi dưới đất trước lều của tôi. Anh ta nói tôi:

– Hãy nói về Đức Kitô cho họ nghe đi, nói cho họ nghe về Thiên Chúa đi!

– Nhưng tôi không biết nói thế nào đây, anh muốn tôi nói gì bây giờ?

– Thì anh cứ nói với họ như anh đã nói với tôi.

Tôi hỏi một anh có da sậm màu: Anh tin Thiên Chúa không? Anh ta trả lời: Có.

– Vậy anh thấy Ngài không?

– Không.

– Thế tại sao anh tin? Cha của anh nói cho anh nghe à?

– Không.

– Trước giờ anh có đi học không?

– Không.

– Vậy tại sao anh tin Thiên Chúa? Thiên Chúa màu gì, xanh hay đỏ? Thiên Chúa trông như thế nào?

Anh ta im lặng. Tôi hỏi tiếp: “Anh tin Chúa. Vậy tại sao anh tin?”

Và người du cư ấy, một kẻ phiêu bạt từ chỗ này qua chỗ nọ trên một chiếc xe để sửa chữa đồ đạc linh tinh, kể cho mọi người nghe câu chuyện của anh ta: “Hôm đó, tôi đang ở trong xe kéo của tôi. Khi ấy tôi đã có vợ và có con. Tôi dừng xe lại để kiếm chỗ nghỉ ngơi và ăn uống. Tôi đứng dưới một cây cùng với vợ. Lúc đó bầu trời tối đen và một viên đạn pháo bay đến trúng chiếc xe của tôi làm chiếc xe bốc cháy. Con trai tôi đang ở trong xe.”

Anh ta tin có một quyền năng nào đó trên trời nên liền quỳ gối xuống cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu con của tôi! Nếu Ngài cứu con tôi, tôi hứa hiến trọn cuộc đời tôi cho Ngài.” Anh nói rằng đây là lời cầu nguyện đầu tiên trong đời anh. Sau đó anh chạy đến chiếc xe đang bốc cháy và đứa con của anh bình an vô sự đang cười vui. Ngay giây phút ấy, anh đã cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, đến nỗi anh tin tưởng chắc chắn: “Có Thiên Chúa! Cho dù người ta cố gắng thuyết phục tôi không có Thiên Chúa, tôi vẫn tin rằng Ngài hiện hữu.”

Người đàn ông ấy đã kể một câu chuyện cụ thể mà qua đó anh cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Thánh Kinh cũng đã kể nhiều biến cố Thiên Chúa mặc khải chính mình. Do đó, các sách giáo lý thường bắt đầu với câu hỏi: “Bạn có tin Thiên Chúa không? Tại sao bạn tin? Bạn có kinh nghiệm nào trong cuộc đời để nhận ra Thiên Chúa hay bạn chỉ nghe người ta nói? Nếu có, bạn kể ra một sự kiện cụ thể trong cuộc đời bạn.” Đó là phương pháp giáo lý được những người nghèo, những người lang thang đón nhận.

Đức giáo hoàng Gioan XXIII, trước khi mở Công đồng Vatican II, đã nói rằng Giáo hội được canh tân nhờ người nghèo, bởi vì Giáo hội phát xuất từ người nghèo. Tôi có thể nói rằng trong Phong trào Neocatechumenal, điều này được thực hiện một cách rõ ràng.

Một hôm, anh bạn du cư của tôi, vốn là trưởng bộ lạc, đến nói tôi rằng anh đang có cuộc tranh chấp với trưởng bộ lạc khác. (Giữa các bộ lạc này thường xuyên xung đột và chém giết lẫn nhau. Họ sống với nhau theo quy luật: mắt đền mắt, răng đền răng.) Hai người cầm đầu bộ lạc quyết định gặp nhau để giải quyết vấn đề bằng một cuộc đánh nhau bằng gậy. (Những người lang thang luôn mạng theo một cây gậy lớn có bọc kim loại ở một đầu để làm vũ khí.) Và một cuộc chiến đấu sinh tử sắp sửa diễn ra giữa hai người. Anh bạn của tôi đến kể tôi nghe và tôi bảo anh ta đừng đi. Nhưng anh ta cương quyết phải đi. Tôi đọc cho anh ta nghe một đoạn Phúc âm: Đừng đối đầu với kẻ gian ác! Anh ta liền nói: Cái gì? Nếu tôi không đối đầu với kẻ gian ác, chúng sẽ giết tôi!

Tôi bảo anh ta: “Được rồi, vậy hãy làm thế này: anh cứ đi nhưng đừng đem theo vũ khí. Nếu muốn đánh, anh hãy đánh tôi!”

– Nhưng mà, Kiko…

– Anh tin Phúc âm không?

– Có. Tôi phải làm gì đây?

– Đi, nhưng đừng mang vũ khí, chỉ có cách này anh mới giữ được mạng sống. Còn tôi sẽ ở đây cầu nguyện cho anh.

Anh ta không cho tôi biết địa điểm gặp mặt của hai người, bởi vì anh ta sợ tôi sẽ tìm đến. Tôi bảo đảm với anh ta là sẽ lần hạt cầu nguyện cho anh. Tôi giang tay cầu nguyện với Kinh Mân Côi, lòng tự nhủ: Những gã này sẽ làm gì đây? Tôi phải làm sao nếu anh ta chết? Trong lúc tôi đang đọc kinh cầu nguyện thì nghe tiếng xe máy, anh bạn tôi cười nói khi cùng với đối thủ của anh ta bước vào lều của tôi: “Ổn rồi nhé!” Và họ ôm lấy nhau.

Tôi hỏi: “Quả là một phép lạ! Chuyện gì đã xảy ra vậy?”

Thế là anh ta kể, anh ta đã đi đến quán rượu như đã hẹn trước, đó là nơi những kẻ giang hồ và những người du cư hay tụ tập kiểu như các quán rượu trong những bộ phim cowboy miền viễn Tây Hoa Kì. Anh ta đã đi vào với hai bàn tay không, anh đã giấu cây gậy bên ngoài. Và người kia hoảng sợ khi thấy đối thủ không đem theo vũ khí. Họ nói chuyện và giải quyết vấn đề trong hoà bình bằng cách đền bù bằng tiền. Thế là họ trở thành bạn của nhau, cùng đi với nhau đến chỗ giấu vũ khí rồi đi đến đây.

Phần II