Chúa Ba Ngôi, khuôn mẫu của truyền thông Vinh Sơn

0
2110

Joyal Francis

Giới thiệu

Nền tảng của truyền thông Kitô giáo là trong sự truyền thông của Ba Ngôi cực thánh. Sự truyền thông nội tại diễn ra giữa Ba Ngôi là khuôn mẫu và nguồn mạch của truyền thông Kitô giáo. Công trình tạo dựng, cứu độ và thánh hóa là diễn đạt sự truyền thông của Ba Ngôi trên thế gian. Rõ ràng hơn, điều này được tỏ lộ trong đời sống, lời nói, cuộc tử nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Đồng thời, đặc tính này cũng đã được trình bày trong Kinh Thánh và được theo sau đó bởi truyền thống của Giáo hội.

Giáo hội làm chứng cho sự hiệp nhất yêu thương của Ba Ngôi trên thế gian qua việc đi theo mô thức truyền thông Ba Ngôi được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Giáo hội thực thi điều này trong các hoạt động và trong các sứ vụ khác nhau. Thánh Vinh Sơn đã giải thích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi “như trong mặt trời có ba thành phần và những thành phần này thì không làm thành ba mặt trời, vì thế, trong Ba Ngôi chí thánh có Ba Ngôi vị và tất cả Ba Ngôi vị này chỉ là một Chúa duy nhất; trong mặt trời, như tôi đã nói, có ba thành phần, thân của mặt trời, tia sáng và nhiệt.”[i] Thiên Chúa Ba Ngôi là một Chúa có Ba Ngôi và sự thông hiệp (koinonia) Ba Ngôi là khuôn mẫu của đời sống cộng đoàn và truyền thông Vinh Sơn.

1. Truyền thông Ba Ngôi

Từ thủa ban đầu của công trình sáng tạo, Thiên Chúa Ba Ngôi qua sự truyền thông chính mình, loan báo Tin Mừng cho thế gian để dẫn nhân loại đến sự hoàn thiện. Lời Chúa nuôi dưỡng, soi sáng và thánh hóa thế giới đã được tạo thành và dẫn đưa chúng đến sự hoàn trọn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực tế, truyền thông là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi và nơi đó, từ lúc ban đầu của công trình sáng tạo để dẫn nhân loại đến cảnh giới thần linh (divine milieu).

1.1 Nguồn mạch của truyền thông

Chúa Cha là Đấng sáng tạo của mọi sự thì cũng là nguồn mạch của truyền thông. Người làm cho sự truyền thông trở nên khả thể. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta đọc thấy: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Bằng việc sai Ngôi Lời đến thế gian, Chúa Cha đã ban cho chúng ta cơ hội để thấu hiểu sự truyền thông Ba Ngôi và để bắt chước sự truyền thông ấy. Mầu nhiệm nhập thể là đỉnh điểm của truyền thông và là sự diễn đạt vĩ đại nhất của sự truyền thông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu Kitô là sự truyền thông của Chúa Cha cho chúng ta.

1.2 Sự truyền thông của Chúa Cha

Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời và cũng là người phát ngôn hay là người truyền thông. Chúa Giêsu là lời của Chúa Cha. Đồng thời, Đức Giêsu cũng là người công bố thông điệp của Chúa Cha cho chúng ta. Mục đích của sự truyền thông là sự rao giảng về vương quốc của Thiên Chúa (Lc 4,18). Đó là trong Chúa Giêsu Kitô chúng ta nhận ra sự trọn vẹn trong truyền thông của Thiên Chúa với con người. Dân chúng, những kẻ mà đã tiếp xúc với Đức Giêsu đều đã ngạc nhiên về uy thế của Người trong sự truyền thông. Đức Giêsu là Đấng truyền thông cứu độ và là bậc thầy của các nhà truyền thông (Huấn thị Mục Vụ về truyền thông Communio et Progressio, số 10). Chúa Giêsu, Đấng truyền thông của Chúa Cha là món quà quý giá nhất cho tất cả chúng ta.

1.3 Chúa Thánh Thần trợ giúp để hiểu sự truyền thông của Thiên Chúa

Trong Chúa Thánh Thần, sự truyền thông chính mình của Chúa Cha mang lấy những chiều kích mới. Chúa Thánh Thần trợ giúp để hiểu biết ngôn ngữ thần linh theo đời sống và hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Tông đồ Phêrô đã đưa ra một thông điệp mà cho cả hơn ba ngàn người lãnh nhận phép rửa ngày hôm ấy đều có thể nghe và hiểu được thông điệp mà ngài đang công bố cho dân chúng về Đức Giêsu Nazareth. Cùng thể thức ấy, Chúa Thánh Thần đã làm cho các công việc của các tông đồ sinh hoa kết trái trong các sứ vụ khác nhau. Do đó, tiến trình của sự truyền thông đang diễn ra trong Giáo hội là qua Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu của truyền thông Vinh Sơn

Chúa Ba Ngôi cực thánh là khuôn mẫu của truyền thông Vinh Sơn. Trong buổi đàm luận ngày 23 tháng 05 năm 1655, thánh Vinh Sơn đã nhắc nhớ về lễ Chúa Ba Ngôi cực thánh: “Ngoài nghĩa vụ của chúng ta là các Kitô hữu phải cử hành lễ trọng này, thì chúng ta, các nhà truyền giáo càng có trách nhiệm hơn, vì Đức giáo hoàng trong đoản sắc chấp thuận cho việc thành lập của Tu hội đã nhìn nhận Ba Ngôi cực thánh là Đấng bảo trợ của chúng ta. Tôi ước muốn rằng, thứ nhất là tất cả chúng ta phải có một lòng sùng kính lớn lao đối với lễ trọng này và một ước muốn cháy bỏng để dạy về mầu nhiệm này cho người khác. Thứ hai, chúng ta phải quyết tâm là không bao giờ gặp một người nghèo mà không dạy họ sự thật cần thiết cho ơn cứu độ, nếu chúng ta nghĩ rằng người đó không biết về Chúa Ba Ngôi. Thứ ba, chúng ta hãy xin sự tha thứ của Thiên Chúa về sự sơ xuất chúng ta đã mắc phải điều này cho đến hiện tại và chúng ta hãy hạ mình xuống cách khiêm tốn cho lỗi lầm này trước mặt Thiên Chúa.”[ii]

Lòng yêu mến và sùng kính với Chúa Ba Ngôi sẽ giúp chúng ta bắt trước các nhân đức của Ba Ngôi trong cộng đoàn của chúng ta. Các sách luật của chúng ta đã nói rằng “tinh thần của Tu hội là sự tham gia vào tinh thần của Đức Kitô, dù thi hành bất kỳ hoạt động nào trong Giáo hội thì luôn có tâm tình mật thiết, tình yêu cá vị đối với Chúa Cha, sự ngoan ngoãn đối với sự quan phòng của Thiên Chúa và tình yêu thương xót cháy bỏng dành cho người nghèo, như đã được sống và khuyên bảo bởi thánh Vinh Sơn.”[iii]

2.1 Ba Ngôi hành động cùng nhau

Thánh Vinh Sơn Phaolô giải thích các đặc tính cơ bản của sự truyền thông Ba Ngôi: “Điều gì đã sinh ra sự hiệp nhất và tính cộng đoàn nơi Thiên Chúa? Không phải đó là sự bằng nhau và phân biệt của Ba Ngôi vị hay sao? điều gì đã sản sinh ra tình yêu thương lẫn nhau, nếu không phải là sự tương đồng hoàn hảo của Ba Ngôi sao? Nếu Ba Ngôi đã không yêu thương lẫn nhau, điều gì có thể đáng yêu nơi Ba Ngôi? Sự thông hiệp, do đó, tồn tại trong Ba Ngôi ân phúc: điều gì Chúa Cha muốn thì Chúa Con muốn và điều gì Chúa Thánh Thần làm thì Chúa Cha và Chúa Con làm; Ba Ngôi hành động trong cùng một phương thức; Ba Ngôi có chung một quyền năng và một hoạt động. Vì thế, đây là sự khởi đầu hoàn hảo của ơn cứu độ.”[iv] Chúa Ba Ngôi làm việc cùng nhau trong nhiệm cục ơn cứu độ. Mục đích của truyền thông là sự rao giảng vương quốc của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa rằng ơn cứu độ là của tất cả dân chúng.

2.2 Các cách khác nhau mà Chúa Cha truyền thông

Thánh Vinh Sơn nói rằng “Thiên Chúa thì dư tràn sự giàu có. Thiên Chúa thì quảng đại và giàu có vô hạn.”[v]Thiên Chúa thì giàu có trong sự trắc ẩn, lòng thương xót, sự tốt lành, sức mạnh, tình yêu, công lý và tất cả những ân ban khác. Truyền thông theo nghĩa sâu xa nhất là tình yêu tự hiến. Chúng ta hãy xem Chúa Cha đã diễn tả tình yêu của Người trong các cách khác nhau đối với con người như thế nào. Người đã mưa ân sủng của Người cho người nghèo. Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta với những ân ban này cho cuộc hành trình của chúng ta với sự truyền thông của Người.

Chúa Cha, Đấng yêu thương

Thánh Vinh Sơn đã nhắc nhớ thánh Louise de Marillac, đấng đồng sáng lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái rằng “Thiên Chúa là tình yêu và người muốn chúng ta đến với người qua tình yêu. Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta theo và giống như hình ảnh của Người để chúng ta có thể yêu Người. Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta với ý muốn đặt để nơi chúng ta bổn phận của việc yêu mến Người. Chúng ta đã được tạo dựng trong tình yêu và có bổn phận đáp trả lại ân ban lớn lao này của tình yêu. Vì thế, ai có thể từ chối một trách nhiệm vinh dự và chính đáng như thế khi yêu Người?”[vi] Chúng ta chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng cách yêu mến giáo huấn của Người và dạy nó cho người khác.

Chúa Cha, Đấng nhân hậu

Thánh Vinh Sơn đã kinh nghiệm sự chăm sóc dịu dàng và sự nuôi dưỡng liên lỉ của Thiên Chúa, vì thế ngài đã nhắc nhở, Thiên Chúa là “một người cha tốt lành và tự do như thế, Người có thể làm mọi thứ.”[vii]Thiên Chúa thì nhân hậu. Lòng thương xót của Người chạm đến mọi hạng người. Người tỏ lộ lòng nhân hậu của Người cho những người con hoang đàng của Người. Nhân hậu là tinh thần của Chúa và nó là dấu tích đặc thù của Người. Là những người con cái của Chúa, các thành viên Vinh Sơn cũng được kêu gọi để tỏa sáng sự chăm sóc dịu dàng và nhân hậu của Thiên Chúa và chữa lành những vết thương và những con tim cứng cỏi nơi những anh chị em đang đau khổ của mình.

Chúa Cha, Đấng đoan chính (phẩm hạnh)

Thánh Vinh Sơn đã nói về Thiên Chúa đoan chính, Đấng ngự trị giữa dân người và nhìn xem họ: “Thiên Chúa trị vì một cách đặc biệt trên những kẻ tôn vinh và phục vụ Người; trên những người tốt lành, kẻ đã hiến thân chính bản thân họ cho Thiên Chúa, sự khao khát của họ là thuộc về Chúa; trên những kẻ được chọn để tôn vinh Người mãi mãi.”[viii] Thiên Chúa nhìn xem những người ấy bởi vì họ sống cách đoan chính và trung tín điều họ đã lãnh nhận từ Chúa. Thiên Chúa thì đoan chính và tất cả nhân đức con người đều đến từ Thiên Chúa. Người cũng muốn mọi người truyền thông và chia sẻ những nhân đức này với người khác.

Chúa Cha, Đấng trao ban chính mình cho chúng ta

Thiên Chúa là đấng tốt lành và dẫn dắt chúng ta đến sự tốt lành. Chỉ mình Thiên Chúa là tác giả của mọi điều thiện hảo. Người tuôn đổ ân sủng đầy dư của Người cho những kẻ khiêm nhường. “Nếu chúng ta đến cùng với nhau trước Thiên Chúa chúng ta và trình bày chính bản thân của tất cả chúng ta cùng với nhau cho Người như các Kitô hữu đầu tiên đã làm như thế, Người sẽ trao ban chính bản thân Người cho chúng ta, sẽ chiếu sáng chúng ta với ánh sáng của Người và sẽ hoàn tất bản thân Người trong và qua chúng ta sự tốt lành mà chúng ta đang có ý muốn làm trong Giáo hội của người.” [ix] Người sẽ ban cho chúng ta ân sủng để đạt được mức độ của sự hoàn trọn mà Người ước muốn nơi chúng ta để chúng ta có thể một ngày nào đó sở hữu Người cách đầy tròn trong sự vĩnh cửu. Chúa Cha hoàn trọn điều này qua Chúa Giêsu Kitô, đấng truyền thông hoàn hảo nhất của Người. Do đó, tất cả chúng ta cũng có thể tham gia vào sự truyền thông của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúa Cha, Đấng an ủi

Các giáo huấn, việc cầu nguyện cũng như các hoạt động của thánh Vinh Sơn phản ánh đúng sự hiện diện đầy an ủi của Chúa Cha. “Thiên Chúa sẽ là sự an ủi, phẩm hạnh của tôi và sự ân thưởng của tình yêu.”[x] Vinh Sơn đã biết chính bản thân mình đã được nâng đỡ bởi tình yêu hiền phụ và mẫu tử của Chúa. Vinh Sơn đã nghỉ ngơi và hun đúc bản thân mình trong sự bảo vệ và chăm sóc đầy tình phụ mẫu của Thiên Chúa. Ngài tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và đã thấy Người là đấng chăm sóc, hướng dẫn, dưỡng nuôi, an ủi, bảo vệ, đồng hành và che chở ngài và các thành viên Vinh Sơn và người nghèo. “Thiên Chúa truyền thông sự hoàn trọn của sự sống và tình yêu. Tất cả thụ tạo lớn nhỏ, vô danh hay hữu danh đều là thụ tạo của Người. Người bảo vệ chúng và nâng đỡ chúng.”[xi]

2.3 Chúa Giêsu là khuôn mẫu của sự truyền thông

Thánh Vinh Sơn đặt cuộc đời mình và tất cả các thành viên Vinh Sơn nơi Đức Kitô. Điều này thì rõ ràng, khi trong một buổi đàm luận mà ngài đã nói rằng “tinh thần của Tu hội là một sự tham gia vào tinh thần của chính Đức Kitô. Chúa Giêsu Kitô là quy luật của Tu hội và phải được coi như là trung tâm của chính đời sống và hoạt động của Tu hội.”[xii] Đức Kitô là nguồn mạch và sức mạnh của các nhà truyền giáo. Tiêu chuẩn cho mọi hoạt động tông đồ của chúng ta phải là Đức Kitô. Bởi vì chúng ta là hiện thân cho Đức Kitô trên trần thế, thật thiết yếu để nhìn vào Người để biết điều cần làm và không cần làm trong đời sống của chúng ta. Truyền thông là công việc đem Tin Mừng đã được rao giảng nơi và bởi Đức Giêsu cho người nghèo. Điều này để bảo đảm rằng ơn cứu độ là cho tất cả.

Chúa Giêsu là một nhà truyền thông tốt lành

Chúa Giêsu nói trong nhiều dịp khác nhau về thân thể huyền nhiệm và các dấu chỉ của thế gian chính yếu qua Lời Chúa. Thánh Vinh Sơn nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã đề nghị để tìm kiếm nước Thiên Chúa trước tiên, nên mọi người nên dành trọn cả cuộc đời cho nhiệm vụ này. Điều này là ý Chúa cho chúng ta và người là quy luật của Tu hội. Thiên Chúa nói và chúng ta lắng nghe lời của Người và cam kết chính bản thân chúng ta cho Người trong việc sống theo lời của Người.

Chúa Giêsu là Đấng ban khả năng

Thánh Vinh Sơn đã tin tưởng vào Lời Chúa “ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài tin rằng sự hiện diện này của Thiên Chúa đã tiếp sức và Người sẽ giúp đỡ các thành viên Vinh Sơn trong tất cả mọi hoạt động. “Vì thế, chúng ta tin tưởng rằng, Chúa Giêsu sẽ ban cho mỗi người trong chúng ta ân sủng để sống theo mỗi châm ngôn và mỗi quy luật với mức độ hoàn hảo nhất.”[xiii]

Chúa Giêsu, Đấng đầy lòng thương xót

Thánh Vinh Sơn nói rằng ngài đã cảm nghiệm tình yêu của Con Thiên Chúa như thế nào, bởi vì ngài đã cảm thấy rằng Đức Kitô là đấng yêu thương và nhân hậu. Tình yêu dịu hiền của Người là lý do Người đến từ thiên đàng. Chúng ta cũng phải có lòng thương xót đối với các các anh chị em đau khổ của chúng ta và chia sẻ nỗi đau khổ của họ. Sự chiêm niệm về trái tim nhân hậu của Chúa Giêsu đã cảm hứng thánh Vinh Sơn để tỏa lan lòng thương xót đối với những trái tim tan vỡ và tổn thương của dân chúng.

Chúa Giêsu là nguồn mạch của tình yêu

Thánh Vinh Sơn đã ước muốn tha thiết để bước theo tình yêu vị tha của Đức Giêsu. Ngài đã thuật lại tình yêu của Đức Kitô như là ngọn lửa của tình yêu, nguồn mạch của tình yêu… Ngài đã muốn học hỏi nơi Chúa Giêsu tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa. Ngài đã nói rằng tình yêu của Thiên Chúa đã khiến Người bị đóng đinh trên thập giá và qua tình yêu của Người, chúng ta được cứu chuộc. Thánh Vinh Sơn nói “tình yêu dịu hiền của Đức Kitô đã là nguyên nhân khiến Người từ trời xuống. Người đã nhìn thấy con người bị tước đi vinh quang của Người. Người đã động lòng trắc ẩn bởi sự bất hạnh của họ.”[xiv]

Chúa Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo

Thánh Vinh Sơn đã nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Trong cuộc khổ nạn của Người, Người đã đón nhận lấy những đau khổ của thân phận con người. Đấng đã bị coi như một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng với tất cả điều đó, Người đã mô tả chính mính như là Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Điều này đã được nhận ra trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,16-18). Càng ngày càng hơn, đời sống của thánh Vinh Sơn đã luôn xoay quanh con người của Đức Giêsu, Đấng mà ngài đã gặp gỡ nơi người nghèo, người bệnh và người vô gia cư.

2.4 Chúa Thánh Thần, sức mạnh truyền cảm hứng của truyền thông

Như Chúa Giêsu đã từng tỏ lộ, để được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần của ngày lễ Ngũ Tuần là điều chính yếu để hoàn tất sứ vụ của các thành viên Vinh Sơn. “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,26). Điều này có nghĩa rằng chính bản thân chúng ta, chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả, và vì thế, chúng ta phải được đổ đầy và cảm hứng bởi Thánh Thần của Đức Giêsu.

Vì mục đích này, Chúa Giêsu đã tuôn đổ Thánh Thần của Người trên tất cả các tín hữu để mọi hành động và công việc của họ có thể được hướng dẫn bởi Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô. Điều này không chỉ mặc khải đức tin vào Chúa Ba Ngôi của thánh Vinh Sơn mà còn cho thấy sự khao khát mãnh liệt nơi ngài để được đổ đầy với quyền năng từ trên cao và phân tán ngọn lửa này trên mỗi và mọi thành viên trên thế giới. Truyền thông hiệu quả thì chỉ có thể có được nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần làm nảy nở thông điệp của Tin Mừng trong lòng người nghe.

Chúa Thánh Thần trợ giúp sứ vụ

Đời sống trong Đức Kitô thì được thực hiện qua Thánh Thần được sai đến bởi Chúa Cha. Nên thánh Vinh Sơn luôn luôn cầu khẩn Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần của Người đến và ngài đã đón nhận Chúa Thánh Thần trong đời sống mình. Ngài đã hiểu rằng sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần thì rất cần thiết để kính trọng và phục vụ người nghèo và qua họ là Chúa của chúng ta. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm để đối mặt với những khó khăn, thất bại, cũng như mọi vấn đề trong cuộc sống. Điều này chắc chắn rằng Đấng quyền năng từ trên cao sẽ soi sáng, tỏa chiếu, cảm hứng và hoạt hóa tinh thần để đối mặt với những trách nhiệm và những rủi ro của ơn gọi chúng ta. Lời Chúa bảo đảm sự giúp đỡ liên lỉ của Thần Khí: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Chúa Thánh Thần làm việc để thiết lập vương quốc của Thiên Chúa

Thánh Vinh Sơn tuyên bố rằng: vương quốc của Thiên Chúa thì được thiết lập trong bình an của Chúa Thánh Thần. Để hiện thực hóa vương quốc như đã được mô tả bởi Chúa Kitô, các nhà truyền giáo phải tôn vinh Thiên Chúa của bình an và tình yêu. Họ phải luôn luôn đón nhận Chúa Thánh Thần và làm đầy con tim của mình với quyền năng của Người. Khi Thiên Chúa tuôn đổ các ân sủng của Chúa Thánh Thần cách dư đầy trong các công việc của chúng ta, thì việc thiết lập vương quốc của Thiên Chúa sẽ sinh hoa kết trái.

3. Truyền thông đặt trọng tâm vào Chúa Ba Ngôi

Các công việc về truyền thông của Tu hội thì được đặt trọng tâm nơi Chúa Ba Ngôi. Hoạt động truyền giáo của các thành viên Vinh Sơn được đâm rễ sâu trong mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi ước muốn cháy bỏng cứu độ toàn thể nhân loại. Để cứu độ con người, Chúa Cha đã sai người Con duy nhất của mình xuống thế gian. Con Thiên Chúa vĩnh cửu đã mang ơn cứu độ đến tất cả qua mầu nhiệm vượt qua của Người. Chúa Thánh Thần ban khả năng cho con người để cảm nghiệm ơn cứu độ đã được mang đến bởi Chúa Kitô trong toàn thể đời sống của họ. Truyền thông không là gì ngoài việc tỏ lộ kế hoạch của Chúa, chính sự hiển hiện của nó và hiện thực hóa điều ấy trong thế giới và trong lịch sử. Do đó, truyền thông là sự tiếp nối sứ vụ của Chúa Ba Ngôi.

Kết luận

Kế hoạch sáng tạo, cứu chuộc, và thánh hóa của Ba Ngôi được nhận ra ngày nay qua sự rao giảng Tin Mừng đang diễn ra nơi Giáo hội trong Chúa Thánh Thần. Rao giảng Tin Mừng là một sự truyền thống chính mình của Thiên Chúa đang tiếp diễn cho các thụ tạo của Người để nhân hóa và thần linh hóa nhân loại. Bởi vì Chúa Ba Ngôi là bảo trợ và khuôn mẫu của các thành viên Vinh Sơn, nên chúng ta phải có trong mọi hoạt động và đời sống của chúng ta những nguyên lý nội tại và đặc tính của Chúa Ba Ngôi. Các thành viên Vinh Sơn thì được định hình để tôn kính và làm chứng nhân cho đời sống của Chúa Ba ngôi.

Do đó, chúng ta có trách nhiệm của việc trình bày tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu chuộc của Chúa Con và tình yêu thánh hóa của Chúa Thánh Thần cho thế giới. Chúng ta được kêu gọi để tỏ lộ ánh sáng của Chúa Cha và lòng nhân hậu của Người cho nhân loại. Ơn gọi của chúng ta là để thu hút dân chúng đến với Đức Kitô, Đấng là ánh sáng, là đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta được tách ra khỏi thế gian để ném ngọn lửa trên trái đất và bảo đảm cuộc hành trình về thiên đàng của dân Chúa. Một nỗ lực khiêm tốn để hiểu Chúa Ba Ngôi có thể là trong thuật ngữ Tình Yêu. Chúa Cha là Tình Yêu, Chúa Giêsu là Người Yêu, Đấng nhập thể Tình Yêu và Chúa Thánh Thần là kinh nghiệm của sự Yêu Thương mà chúng ta cảm nghiệm được vì Đức Giêsu.

Manila, đầu hè 2020

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM

(chuyển ngữ từ https://dannysteve.wordpress.com/)


[i] Giordani. Saint Vincent de Paul: Servant of the Poor, (trans.)  T.J. Tobin (Milwaukee: The Bruce Company, 1961), tr 270.

[ii] Miguel Pérez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M. The Way of St. Vincent is our way (Pennsylvania: Concord Publishing House, Inc., 1995), tr 199 hoặc (CCD XI, 175).

[iii] Statutes and Practical Norms of the “Vincentian Congregation” (Edappally: Vincentian Generalate, 2007), tr 19.

[iv] Miguel Pérez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M. The Way of St. Vincent is our way, tr 199.

[v] L. Abelly. The Life of the Venerable Servant of God Vincent de Paul, book 3, tr 23.

[vi] Jose Maria Roman, CM. Saint. Vincent de Paul: A Biography, trans. By J Howard (London: Melisende, 1999), tr 198.

[vii] Miguel Pérez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M. The Way of St. Vincent is our way, tr 81.

[viii] ibid, tr 123.

[ix] Ibid, tr 247.

[x] Thomas McKenna, CM. Praying with Vincent de Paul: Companies for the Journey (Minesota: St. Mary’s Press, 2002), tr 22.

[xi] George Plathottam. Theological Perspective of Social Communication. Book 3 (New Delhi: Don Bosco Communication India, 2010), tr 88.

[xii] Miguel Pérez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M. The Way of St. Vincent is our way. tr 65-66.

[xiii] Ibid, tr 69.

[xiv] Robert P. Maloney, CM. The Way of Vincent De Paul: A Contemporary Spirituality In The Service Of The Poor. New york: New city press, 1992, tr 25.