Chúa Nhật Thứ XIX Thường Niên – Năm C

0
319

Sự Trung Tín Của Thiên Chúa Và Của Chúng Ta

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Kn 18:6-9

Bài trích sách Khôn Ngoan: dân Do Thái đã chờ đợi Đấng Cứu Độ của sự công bình.

Đáp ca: Tv:  33:1,12,18-22

Thánh vịnh 33: Hạnh phúc thay người Chúa chọn làm gia nghiệp riêng mình.

Bài đọc II: Hipri 11:1-2,8-19

Trích thư Hipri: Chúng ta tìm kiếm thành đô được kiến thiết và xây dựng bởi Thiên Chúa.

Tin Mừng: Lc 12:32-48

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: các ngươi hãy sãn sàng, vì vào lúc các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ đến.

2. Chia Sẻ

Khi đang chuẩn bị viết bài chia sẻ này thì nghe tin cha Khamsan, một linh mục người Lào, người bạn cùng lớp đã được Chúa gọi về. Cha đã kết thúc cuộc hành trình dương thế sau gần nửa năm chống chọi với căn bệnh ung thư và gần 2 tháng tuổi của đời linh mục. Sự ra đi của cha đã được báo trước, nhưng nó đã để lại những luyến lưu cho bạn bè và người thân.

Sự ra đi của cha nhắc nhớ cho tất cả chúng ta về sứ điệp của Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay về sự sẵn sàng giờ Chúa đến viếng thăm mỗi người chúng ta trong sự trung tín. Điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng kế hoạch đời mình theo kế hoạch của Thiên Chúa. Cuộc sống mỗi người là một cuộc hành trình theo Chúa, chúng ta có sẵn sàng cho Chúa mọi sự? Hay còn theo đuổi một chương trình hay kế hoạch riêng của mình.

Hồng ân đức tin

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều cho chúng ta thấy tầm quan trọng của đức tin trong đời sống của mỗi người. Đức tin đó giúp chúng ta hy vọng và kiên tâm chờ đợi điều Thiên Chúa hứa. Đức tin đó chúng ta có thể nhận ra qua một chiều dài lịch sử lâu đời của các tổ phụ chúng ta.

Nơi bài đọc I, sách Khôn Ngoan nhắc lại cả một hành trình lịch sử lâu dài của dân Israel và Thiên Chúa đã cứu dân khỏi ách nô lệ Ai Cập, khi họ nhắc lại đêm vượt qua cách oai hùng “Lạy Chúa, đêm vượt qua đã được báo trước cho cha ông chúng con, để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào, các ngài thêm can đảm”(Kn 18,6).

Niềm tin này đã được củng cố qua các thời cha ông của họ. Để rồi họ vững tin vào Chúa khi biến cố xảy ra. Và từ đó, chính họ đã được giải phóng và được Thiên Chúa bảo vệ khỏi tay Pharaoh. Nên mỗi khi cùng nhau cử hành biến cố này hằng năm, họ được canh tân lại đức tin vào lời hứa của Thiên Chúa trong cuộc đời và vững tin vào Ngài hơn.

Cụ thể hơn nơi bài đọc II, thư Hipri nhắc nhớ cụ thể về gương mẫu đức tin của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop. Các Tổ phụ đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa và đã thi hành những gì Thiên Chúa muốn. Trọn cả cuộc đời và tương lai cuộc sống được dành cho Chúa. Tác giả sách Hipri đã nêu lại gương mẫu ấy cho mọi người và nhân tiện đã muốn đưa ra định nghĩa đức tin là gì “Thưa anh em, đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Hr 11,1). Mô tả thái độ chủ quan của người tin đối với Thiên Chúa. Được đặc trưng bởi sự nhận thức và xác tín, đức tin của người tin thật khá giống với niềm mong đợi háo hức và đáng tin cậy, sau này được định nghĩa là niềm  hy vọng.

Đối với Abraham, điều đó có nghĩa là đặt ý chí, lý trí và hy vọng của mình vào Thiên Chúa. Tổ phụ có thể đã tranh luận trường hợp của mình trước Thiên Chúa, nhưng ông đã không làm như vậy. Thay vào đó, ông tin tưởng Thiên Chúa mà không cần sự hiểu biết đầy đủ. Với sự đảm bảo về tương lai và niềm tin ở hiện tại, chúng ta phải đi theo sự dẫn dắt của Abraham, bỏ lại phía sau tất cả những nỗi sợ hãi, những ý tưởng định trước và tất cả những điều khác có thể cản trở đức tin đích thực. Sau đó, chúng ta có thể cho phép Thiên Chúa hành động, và thông qua chúng ta, trở thành một sự hiện diện dễ nhận biết hơn trong thế giới của chúng ta.

Thi hành sứ vụ cách trung tín

Từ những gì chúng ta tin sẽ dẫn đến những gì chúng ta hành động. Chính Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng đã kể về dụ ngôn người tôi tớ. Trong bối cảnh ban đầu của nó, những người quản lý hoặc tôi tớ trong dụ ngôn của Chúa Giêsu là những nhà lãnh đạo tôn giáo của dân chúng. Họ lẽ ra phải cởi mở với những gì Thiên Chúa đang bày tỏ cho họ trong Chúa Giêsu. Nhưng nhiều người đã không.

Ở mức độ đáng nói hơn, dụ ngôn như một lời cảnh báo cho những người lãnh đạo trng thời của Chúa Giêsu. Được tin cậy với Tin Mừng về món quà cứu rỗi lớn lao của Thiên Chúa, họ có trách nhiệm lớn lao và họ sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn và bị Thiên Chúa phán xét, có nghĩa là đáng trách hơn nếu họ lơ là trách nhiệm của mình.

Chỉ vì thiếu niềm tin, nên người tôi tớ đã bỏ bê công việc của mình và rơi vào sự lơ là “Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín” (Lc 12, 45-46). Một thái độ nói lên sự thờ ơ với chính trách nhiệm và bổn phận của mình.

Mọi người Kitô hữu đều đã lãnh nhận đức tin và cần phải sống niềm tin đó với niềm hy vọng. Khi có niềm hy vọng chúng ta biết chúng ta sẽ phải hành động như thế nào, để làm cho đức tin sống động và sinh hoa kết quả.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng bị thách đố để sống đức tin của mình. Có những điều chúng ta cầu xin hay mong ước mà chẳng thấy Chúa nhận lời. Từ đó đức tin trở nên hoang mang và lung lay. Hay có khi sống đức tin, nhưng cũng thấy không “khá” hơn thiên hạ là bao nhiêu, thì cho rằng có đức tin hay không thì cũng chẳng quan trọng; hoặc đôi khi đức tin bị thử thách, thì nản lòng và mất can đảm để sống niềm tin ấy.

Nhưng niềm tin vào Chúa cũng chính là niềm hy vọng cho những điều ta chưa thấy hoặc không thấy bằng con mắt thể lý. Đức tin đòi hỏi một mức độ tín thác trọn vẹn nơi sự quan phòng cho Thiên Chúa trong mọi điều của cuộc sống chúng ta. Đó chính là gương sống đức tin các Tổ phụ đã để lại cho chúng ta. Khi sống như thế, chúng ta sẽ trở nên người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta” (Lc 12, 43). Như vậy đức tin sẽ giúp chúng ta dám bước đi theo con đường Chúa muốn chúng ta đi, cho dù phía trước có mịt mù.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM