Kevin Scallon, C.M.
Tôi khởi động chương trình Cầu nguyện cho các linh mục vì nỗi ưu tư rất lớn mà tôi đã cảm nghiệm khi đang làm linh hướng tại trường All Hallows vào đầu những năm 1970. Thời gian đó, các báo cáo liên tục phản hồi về việc các cựu sinh viên rời bỏ chức linh mục, đôi khi chỉ sau vài năm lãnh nhận thánh chức. Vấn nạn được đặt ra là, có thể làm được gì và, trong khi có nhiều người nói về vấn đề đó nhưng dường như chẳng có ai có thể làm gì. Vào năm 1974, tôi được nghe nói về phong trào Cầu nguyện cho các linh mục ở Hoa Kỳ. Ý tưởng này đã đánh động tôi và tôi tự nhủ: “Đúng vậy, ít nhất chúng ta có thể cầu nguyện cho việc canh tân tâm linh của chức linh mục.” Đó là khoảng thời gian tôi đột nhiên có được một kinh nghiệm hoán cải rất ý nghĩa về thực tại Đức Kitô trong chính cuộc đời tôi, điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nội tâm và thừa tác vụ linh mục của tôi.
Vì vậy, vào năm 1976, cùng với cha Myles Rearden CM, tôi đã lên kế hoạch tổ chức kỳ Cầu nguyện cho các linh mục lần đầu tiên mà hầu như không biết mình đang làm gì. Phản ứng ban đầu từ phía các linh mục rất đáng thất vọng. Người ta đã đăng ký tham dự và rút lui vào thời điểm cuối cùng, vì vậy tôi đã rất băn khoăn liệu tôi có nên tiếp tục với công việc này hay không. Tôi đã trình bày vấn đề nan giải của mình với Đức cha Dermot O’Mahoney, giám mục phụ tá của Dublin, ngài đang ở All Hallows để tĩnh tâm năm. Tôi nói: “Thưa Đức cha, con đã lên kế hoạch thực hiện kỳ Cầu nguyện cho các linh mục này nhưng sẽ không ai đến cả.” Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời ngài nói với tôi. Ngài nói: “Dù chỉ có hai người thôi, cha cũng cứ bắt đầu”. Đối với tôi, dường như Chúa đã nói với tôi qua Đức cha ngày hôm đó. Và nhờ vậy, vào ngày 16 tháng 7 năm 1976, ngày lễ kính Đức Mẹ Núi Cát Minh, chúng tôi đã bắt đầu kỳ Cầu nguyện cho các linh mục với 12 linh mục.
Thời điểm đó, việc canh tân đoàn sủng nở rộ và nhiều linh mục đã cảm nghiệm được sự thức tỉnh tâm linh lớn lao từ điều đó. Năm 1976 đó, sau bốn tuần lễ đầu tiên, có khoảng 150 linh mục tham gia vào kỳ Cầu nguyện cho các linh mục đầu tiên. Bây giờ, vào những năm 1990, đã có hằng trăm linh mục từ khắp Ailen và nhiều quốc gia ngoài Ailen đến tham dự. Trong những năm qua, có khoảng 1000 linh mục đã tham gia chương trình Cầu nguyện cho các linh mục trong tháng Tám.
Phát triển
Một điều nhanh chóng được thấy rõ là, để chương trình Cầu nguyện cho các linh mục thâu nhận được nhiều khía cạnh khác nhau của kinh nghiệm linh mục, thì công việc này phải bám rễ vững chắc vào những điểm chung của các linh mục, hơn là những gì đôi khi chia rẽ họ. Từ đầu cho đến giờ, chúng tôi đã để những người đến với chương trình này rất tự do. Thí dụ, họ không buộc phải đăng ký trước hay thông báo cho chúng tôi việc họ sẽ đến. Trong chủng viện, chúng tôi luôn có nhiều phòng. Họ không cần phải nói cho chúng tôi biết họ sẽ ở lại bao lâu và khi nào họ sẽ rời đi. Sự sắp xếp này dường như rất phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu họ tham gia vào những gì diễn ra khi họ ở đó.
Tại sao Cầu nguyện cho các linh mục?
Chuyển cầu là sự đáp trả của chúng ta đối với niềm tin của chúng ta vào Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện và cầu nguyện trong Giáo hội là toàn bộ nhiệm thể của Chúa Kitô (Rm 8,26). Đối với thừa tác viên Tin Mừng được truyền chức thánh, đó là sự tham dự huyền nhiệm vào lời cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta; lời cầu nguyện của chính Chúa Kitô, Đấng “…khi còn sống kiếp phàm nhân, đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện” (Dt 5,7) và do đó, “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Dt 7, 25; GLHTCG 2634).
Chuyển cầu là một yếu tố thiết yếu trong chức tư tế vĩnh cửu của Chúa Giêsu, và cũng là yếu tố thiết yếu của thừa tác vụ linh mục. Cầu nguyện cho các linh mục có nghĩa là cầu nguyện cho các vị chuyển cầu như chính Chúa Giêsu đã làm. “Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh”. (Lc 22,31 – 32)
Chỉ có một chức tư tế, chức tư tế của Chúa Kitô; chỉ có một hy lễ cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã dâng trên thập giá. Qua Bí tích Thánh tẩy, toàn thể dân Thiên Chúa được thông phần vào chức tư tế này một cách linh thiêng và huyền nhiệm, khi đại diện cho Giáo hội – Nhiệm thể Chúa Kitô. Các linh mục đã được truyền chức thánh chia sẻ chức tư tế này một cách độc đáo bởi vì họ đại diện Chúa Kitô, là Đầu của Giáo hội. Nhờ thừa tác vụ linh mục mà toàn thể Giáo hội có thể thi hành chức tư tế thiêng liêng của mình, bởi vì chỉ có linh mục hành động nhân danh Đức Kitô mới có thể làm cho hy tế của Đức Kitô thực sự hiện diện giữa dân Thiên Chúa, là những kẻ hiệp nhất với Người trong việc hiến dâng chính mình.
Việc hành động nhân danh Đức Kitô đòi hỏi nhiều hơn việc truyền chức linh mục. Hiến chế Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium ) nhắc nhở chúng ta rằng, yêu cầu đầu tiên cho các linh mục là sự thánh thiện trong cuộc sống (số 41). Đây là lý do tại sao chúng ta có Cầu nguyện cho các linh mục – để cầu nguyện cho sự thánh thiện của chính chúng ta trong vai trò là linh mục và cho các giám mục và linh mục khắp mọi nơi:
-
-
- Chúng ta cầu cho các linh mục sẽ được tràn đầy tình yêu của Đức Kitô, để các ngài được kiên vững trong căn tính và ơn gọi của mình và tràn đầy sức sống với quyền năng của Chúa Thánh Thần
- Chúng ta cũng cầu nguyện trong tâm tình tạ ơn cho hàng ngũ đông đảo các linh mục trung thành để các ngài lớn lên trong tình yêu của Đức Kitô và để danh hiệu “Cha” có ý nghĩa vì tất cả những người được dẫn đưa tới đời sống mới và thánh thiện.
- Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục đang bị bách hại và giam cầm, các ngài là những những người bị chối bỏ và khốn khổ.
- Chúng ta Cầu nguyện cho các linh mục có được một đời sống nội tâm sâu sắc, để nhờ đó các ngài được thoát khỏi chủ nghĩa duy vật và khoái lạc, đồng thời chấm dứt sự chán nản, thờ ơ và hoài nghi nơi các ngài.
- Chúng ta cầu xin cho các linh mục được bảo vệ trước mưu mô của ma quỷ và được giữ gìn để không bị rơi vào sự lầm lạc về giáo huấn và sự phản kháng chống lại huấn quyền Giáo hội.
-
Cầu nguyện cho các linh mục luôn được đặc trưng bởi sự chân thành tuyệt vời. Điều đáng nói là ở đây không có những lời đàm tiếu và giễu cợt. Mọi người đều khiêm tốn thừa nhận sự cần thiết phải sám hối, chữa lành và đổi mới tâm linh. Niềm vui của Thiên Chúa được biểu lộ rất rõ. Hàng năm, chúng tôi xác nhận rằng, các linh mục đến để cầu nguyện cho những người khác thì khi ra đi chính họ đã được hưởng nhiều ân phúc. Chắc chắn điều đó là sự thật trong những năm qua. Cầu nguyện cho các linh mục là một việc làm của đức tin, nhưng hơn bất cứ điều gì khác, đó là một cử chỉ của tình yêu cao cả đối với hồng ân linh mục và đối với mọi “bình sành” chứa đựng hồng ân đó.
Các đề tài cho mỗi ngày
Mỗi ngày có một điểm nhấn cụ thể, dựa vào chủ đề dành cho ngày đó. Ví dụ:
Thứ Hai: Sám hối và Hòa giải.
Sự phủ nhận tội lỗi lan tràn của thế giới thế tục đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều linh mục. Việc nhấn mạnh đến tội lỗi xã hội là điều rất cần thiết trong bối cảnh riêng của nó, nhưng điều đó đã ngăn cản nhiều linh mục nhắm vào tội lỗi trong đời sống cá nhân của họ. Trong bối cảnh của một nghi thức sám hối, chúng tôi giải quyết nhu cầu sám hối rất trực tiếp và chi tiết. Chúng tôi kêu gọi các linh mục đến với việc cử hành Bí tích Hòa giải.
Thứ Ba: Chữa lành và Thăng tiến
Thừa tác vụ chữa lành là một trong những hoa trái lớn lao của việc canh tân trong Giáo hội. Như với Chúa Giêsu trong các sách Phúc Âm, chữa lành và loan báo Tin Mừng đi đôi với nhau. Các khoa học về tâm thần học và tâm lý học rất hữu ích trong vai trò những công cụ chẩn đoán, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng chữa lành. Chỉ có ân sủng của Đức Kitô mới có thể mang lại sự toàn vẹn cho một cuộc đời đổ vỡ. Đó là lý do tại sao vào ngày này chúng tôi đề nghị của hành Bí tích Xức dầu bệnh nhân trong thánh lễ, và sau đó vào buổi tối là giờ cầu nguyện chữa lành. Thành quả của thừa tác vụ này trong những năm qua hầu như không phóng đại chút nào.
Thứ Tư: Đức Maria, Mẹ Giáo Hội
Càng ngày chúng tôi càng nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc các linh mục có lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Vào ngày này, chúng tôi nói về lòng sùng kính đó, kết thúc bằng một Hành vi dâng hiến cho Đức Mẹ.
Thứ Năm: Chức linh mục và Bí tích Thánh Thể
Điểm nhấn mạnh trong ngày này là các linh mục chúng tôi hồi tưởng lại việc thụ phong linh mục của mình và sự hoán cải cho chức vụ tư tế (2 Tm 1,6-7). Để làm điều này, chúng tôi cử hành một nghi thức phụng vụ kép, bao gồm việc lặp lại các lời hứa của Bí tích Thánh tẩy và các lời tuyên hứa của chúng tôi với Đức Giám mục trong Thánh lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh, đỉnh cao của nghi thức này là lời cầu nguyện cho thừa tác vụ trước Thánh Thể Chúa. Các linh mục nhận thấy buổi lễ nhỏ này là một trải nghiệm rất mạnh mẽ và cảm động.
Thứ Sáu: Tinh thần môn đệ
Các giám mục, cùng với những cộng sự viên là các linh mục, “trước tiên có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Thiên Chúa cho mọi người,” theo lệnh của Chúa Kitô. Các ngài “là sứ giả đức tin đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, là thầy dạy đích thực” của đức tin tông truyền, “có uy quyền của Chúa Kitô.” (GLHTCG 888).
“Giám mục và các linh mục thánh hoá Hội Thánh địa phương bằng kinh nguyện và công việc của các ngài, bằng thừa tác vụ Lời Chúa và các bí tích, bằng gương mẫu, ‘đừng lấy quyền mà thống trị những ngƣời Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.’ Nhờ đó, “cùng với đoàn chiên Chúa giao phó, các ngài đạt tới đời sống vĩnh cửu.” (GLHTCG số 893)
“Ơn gọi của chúng ta là mang lấy con tim của toàn nhân loại, để làm những gì Con Thiên Chúa đã làm, Người là Đấng đã đến trần gian để thắp lên ngọn lửa. Vì vậy, tôi được sai đi không những để yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn để làm cho người ta yêu mến Người. Một mình tôi yêu mến Thiên Chúa thôi thì chưa đủ, nếu người lân cận của tôi chưa yêu mến Người.” (Thánh Vinh Sơn Phao lô – SV. XII, 262)
“Nếu đúng là chúng ta được kêu gọi để đem tình yêu Thiên Chúa đến khắp mọi nơi xa cũng như gần, nếu chúng ta phải thắp sáng lên tình yêu đó nơi mọi quốc gia, nếu ơn gọi của chúng ta là ra đi đốt ngọn lửa thần linh này trên khắp thế giới, thì tôi nghĩ rằng, hỡi anh em, ngọn lửa tình yêu thần linh đó phải được bùng cháy trong chính tâm hồn của chúng ta” (Thánh Vinh Sơn Phaolô – SV. XII, 263)
Thời gian biểu hàng ngày
Thời gian biểu này bắt nguồn từ kinh nghiệm cầu nguyện thân thuộc với tất cả các linh mục.
8.30 Điểm tâm sáng
9.30 Kinh Sáng (Các Giờ Kinh Phụng Vụ), Cầu nguyện
10.15 Thời gian Thinh lặng ( cầu nguyện riêng, cầu nguyện và suy niệm trong thinh lặng)
11.15 Uống cà phê
11.45 Thánh lễ (Vào Thứ Ba và Thứ Năm có Phụng vụ Xức dầu Bệnh nhân cho bất cứ ai yêu cầu)
1.00 Ăn trưa (sau đó nghỉ ngơi, thư giãn, v.v)
3.30 Uống trà
4.00 Thứ Hai – Nghi thức sám hối
Thứ Ba – Nghi thức chữa lành
Thứ Tư – Chia sẻ đức tin
Thứ Năm – Nhắc nhở về chức linh mục
5.15 Kinh Chiều (Kinh Phụng Vụ) và Cầu nguyện với Chầu Thánh Thể
6.00 Ăn tối
7.15 Lần hạt – sau đó thảo luận ngắn hoặc trò chuyện
Qua nhiều năm, chúng tôi học được một điều quan trọng của việc các linh mục đến với chương trình Cầu nguyện cho các linh mục là các ngài có một kinh nghiệm mới mẻ về việc cử hành Các giờ Kinh Phụng vụ và Phụng vụ Thánh Thể. Vì lý do đó, chúng tôi đã cố gắng duy trì một khuôn mẫu cử hành phụng vụ cao nhất có thể. Nhiều linh mục đã chia sẻ với chúng tôi rằng họ đã thấy được điều này hữu ích cho họ thế nào.
Sự phát triển liên tục
Từ Ailen, Cầu nguyện cho các linh mục đã lan rộng tới nước Anh, Scotland, Pháp, Úc, Papua New Guinea, Nigeria, Philippine và trở lại Hoa Kỳ. Để có thể hình dung về quy mô của tác vụ này và nó đã được đón nhận thế nào, thì việc tham khảo kinh nghiệm của chúng tôi ở Philippines có thể hữu ích cho quý vị. Vào tháng 11 năm 1993, chúng tôi đã tiến hành hai kỳ tĩnh tâm ở Philippine, một ở Manila và một ở Cebu. Kỳ tĩnh tâm ở Manila có 380 linh mục và 13 giám mục tham dự. Kỳ tĩnh tâm ở Cebu có 210 linh mục và 9 giám mục, trong đó có Hồng y Vidal. Vào tháng 11 năm 1994, chúng tôi tổ chức thêm hai kỳ tĩnh tâm nữa, kỳ thứ nhất ở Tagaytay, Luzon, có 620 linh mục và 10 giám mục tham dự. Kỳ tĩnh tâm thứ hai ở Mindinao, có 230 linh mục và 80 chủng sinh. Một anh em Vinh Sơn Hoa Kỳ đã sống phần lớn cuộc đời ở Trung Hoa và Việt Nam, và là người đã tham dự cuộc tĩnh tâm đầu tiên đã nói về kỳ tĩnh tâm đó: “Đó là kỳ tĩnh tâm tốt nhất mà tôi thực hiện trong cuộc đời mình.” Vì vậy, trong hai năm qua ở Philipines, chúng tôi đã phục vụ cho các linh mục của 42 giáo phận. Năm tới, chúng tôi đang dự tính tiến hành thêm hai kỳ tĩnh tâm nữa cho các giáo phận còn lại. Vào năm 1996, chúng tôi đã được đề nghị tiến hành kỳ tĩnh tâm Cầu nguyện cho các linh mục cho toàn thể hàng giáo phẩm Philippine.
Khi chúng tôi hoàn tất công việc ở Philippine vào năm 1994, chúng tôi đã đến phục vụ cho các linh mục ở Hong Kong và Macao. Ở đó chúng tôi đã gặp ba giám mục từ Giáo hội hầm trú ở Trung Quốc, các ngài tha thiết đề nghị chúng tôi đến Trung Quốc và thực hiện các kỳ tĩnh tâm cho các linh mục ở đó. Chúng tôi đã chuẩn bị lên các kế hoạch để thực hiện sứ vụ này.
Trong toàn bộ công việc này, sức mạnh của đặc sủng của thánh Vinh Sơn là minh nhiên và chắc chắn, nhưng cũng giống như tất cả những công việc tương tự, sức mạnh đó chỉ thực sự được hiểu khi trải nghiệm nó. Tuy nhiên, hướng làm việc nhằm canh tân tâm linh cho hàng linh mục này đã không thiếu sự chỉ trích. Một số người cho rằng điều này không thích hợp với một Giáo hội đang đề cao vai trò của giáo dân. Những người khác thì cho rằng việc này quá nặng tính linh mục, tính giáo sĩ, cũng như quá chú trọng vào chức tư tế. Về tầm quan trọng cân xứng giữa vai trò của giáo dân và thừa tác viên chức thánh thì không ai biết rõ hơn thánh Vinh Sơn. Bất cứ sự đề cao nào với vai trò của giáo dân và việc thi hành chức tư tế mà họ được lãnh nhận từ Bí tích Thánh tẩy đều không bao giờ được phép làm giảm bớt tầm quan trọng và vai trò độc đáo của chức tư tế thừa tác: Các tín hữu thi hành chức tư tế cộng đồng bằng việc mở rộng ân sủng của Bí tích Thánh tẩy – một đời sống Tin, Cậy, Mến, một đời sống theo Chúa Thánh Thần. Còn chức tư tế thừa tác dành để phục vụ chức tư tế cộng đồng. Nó nhắm vào việc mở rộng ân sủng Bí tích Thánh tẩy của mọi Kitô hữu. Chức tư tế thừa tác là một trong những phương thế Đức Giêsu luôn dùng để xây dựng và dẫn dắt Hội Thánh. Vì thế, chức tư tế này được chuyển trao bởi một bí tích riêng là Bí tích Truyền chức. Khi thừa tác viên có chức thánh thi hành chức vụ trong Hội Thánh, thì chính Đức Kitô hiện diện với tư cách là Đầu của Thân Thể, là Mục Tử của đoàn chiên, là Thượng Tế của hy lễ cứu độ, là Thầy dạy Chân Lý. Đó là điều Hội Thánh muốn diễn tả khi nói, tư tế thi hành chức vụ thủ lãnh của Đức Kitô (in persona Christi Capitis) ( GLHTCG 1547 – 1548)
Những người khác chỉ trích chương trình Cầu nguyện cho các linh mục vì đã quay trở lại một kiểu sùng đạo của Giáo hội thời xưa, với sự chú trọng quá mức đến việc Chầu Thánh Thể, xưng tội riêng, lần chuỗi mân côi, v.v… Có lẽ vậy; tuy nhiên, trong hơn hai mươi năm làm việc với các linh mục, tôi đã biết được rằng, nếu không có ân sủng của việc sám hối tội lỗi thường xuyên và không có sự gặp gỡ Chúa Kitô chữa lành qua lời cầu nguyện và trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, thì không thể đạt đến bất kỳ hình thức đổi mới tâm linh nào với tư cách là một con người hay là một thừa tác viên có chức thánh. Từ kinh nghiệm của chính tôi trong những cuộc chiến đấu với tội lỗi trong cuộc sống của mình, cùng với việc trải qua nhiều giờ dài lắng nghe những lời thú tội của các linh mục ở mọi nơi trên thế giới, tôi xác tín về sự cần thiết lâu dài của sứ vụ này. Trong những năm này, trong khi nói rất nhiều về việc canh tân chức linh mục, tôi cũng biết được rằng Chúa đã chúc lành cho chương trình Cầu nguyện cho các linh mục và đó đã là một nguồn mạch ân sủng, canh tân và cứu rỗi cho vô số linh mục.
Sơ Briege Mckenna OSC
Sơ Briege thuộc Dòng Clare Hèn Mọn, một nhánh ở Ailen của Dòng Nữ tu thánh Clara. Sơ là tác giả của cuốn sách Miracles Do Happen, cuốn sách đã trở thành một loại tác phẩm thiêng liêng kinh điển theo đúng nghĩa của nó và đã được dịch ra 14 thứ tiếng, kể cả tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Vào năm 1970, sơ được chữa lành bệnh viêm khớp dạng thấp cấp tính ngay trong khi tham dự cử hành bí tích Thánh Thể ở Florida, nơi sơ đã sống từ năm 1967. Sơ đã đến thăm tôi bởi vì sơ quan tâm đến công việc của chương trình Cầu nguyện cho các linh mục. Tôi đã thấy rõ ngay rằng Thiên Chúa đã ban cho sơ nhiều ân sủng. Sơ đã nổi tiếng với ơn chữa lành, nhưng điều đánh động tôi về sơ là đặc sủng phi thường của sơ trong việc giúp đỡ các linh mục canh tân đời sống thiêng liêng và chức vụ linh mục của các ngài. Kể từ thời điểm đó, sơ Briege đã phục vụ cho trương trình Cầu nguyện cho các linh mục. Từ năm 1985, nhờ hồng phúc và sự nâng đỡ tận tình của các bề trên đáng kính của chúng tôi, sơ Briege và tôi đã đi đến nhiều nơi trên thế giới để phục vụ cho việc canh tân tâm linh của các linh mục. Tôi ý thức sâu sắc rằng, thành quả của sứ vụ của chúng tôi là ân ban độc đáo mà Chúa đã ban cho sơ vì chức linh mục trong những thời điểm này.
Nhóm nòng cốt
Bênh cạnh sứ vụ của sơ Briege, tôi cũng may mắn nhận được sự giúp đỡ của nhiều linh mục khác: hai anh em Vinh Sơn, một linh mục Phan Sinh, hai linh mục triều, một linh mục Hội truyền giáo Pallotine, một linh mục Don Bosco, một linh mục Đa Minh. Hàng năm, tất cả những linh mục này đều tình nguyện dành thời gian của các ngài để đến và làm việc suốt bốn tuần lễ cho chương trình Cầu nguyện cho các linh mục. Sự cống hiến này và sự trung tín của các ngài đã trở thành một nguồn ân phúc rất lớn cho các linh mục tham dự.
Sự tham gia của giáo dân
Từ khi bắt đầu chương trình Cầu nguyện cho các linh mục, các giáo dân đã tham gia theo nhiều cách khác nhau. Trong 8 – 9 năm đầu, tất cả các việc phục vụ ẩm thực và nhà cửa đều do các Nữ tử Bác ái đảm trách. Mỗi tối thứ sáu, họ tụ họp lại trong một nhà nguyện ở All Hallows để cầu nguyện trước Thánh Thể cho các linh mục trên thế giới. Tờ rơi lần chuỗi mân côi được chuẩn bị cách đặc biệt cho họ và theo yêu cầu của họ. Tờ rơi này đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, và mười ngàn bản đã được phân phát theo nhiều cách khác nhau trên toàn thế giới. Người giáo dân cảm thấy được sự khẩn thiết, cũng như một thiện ý rất lớn, để cầu nguyện cho các linh mục của Giáo hội.
Kết luận
Tác vụ Cầu nguyện cho các linh mục này được khởi sự trong tinh thần của thánh Vinh Sơn. Lòng nhiệt thành của ngài với việc canh tân hàng linh mục là một điều độc đáo trong lịch sử Giáo hội. Cho phép tôi kết thúc bằng những lời của Đấng Sáng Lập thánh thiện của chúng ta:
“Ồ, thưa các cha, một linh mục tốt lành là một điều tuyệt vời biết bao. Có điều gì mà một linh mục tốt lành không thể làm? Có điều gì ngài không thể mang lại từ những cuộc hoán cải? Chẳng hạn như cha Bourdoise, một linh mục xuất sắc. Có điều gì ngài đã không làm và không thể làm? Hạnh phúc của đời sống Kitô hữu tùy thuộc vào các linh mục, bởi vì các giáo dân tốt lành nhìn vào một linh mục tốt lành; họ kính trọng một mục tử nhân từ và đi theo sự dẫn dắt của ngài; thực ra, họ cố gắng bắt chước ngài. Ồ, chúng ta hãy cố gắng làm cho họ mọi điều tốt lành vì đây là công việc của chúng ta và vì chức linh mục thực sự là một ơn gọi siêu phàm. Lạy Đấng Cứu Thế, các nhà truyền giáo đáng thương sẽ hoàn toàn dâng hiến chính bản thân họ cho Chúa vì việc đào tạo các giáo sĩ tốt lành, vì đây là công việc cao siêu và khó khăn nhất, và dĩ nhiên là quan trọng nhất cho ơn cứu độ của nhân loại và sự phát triển của Kitô giáo.” (Thánh Vinh Sơn Phao lô, XI 7- 8)