Đào tạo Vinh Sơn và Đặc sủng của thánh Vinh Sơn Phaolô

0
1985

Anthony J. Dosen, C.M.

Đã có thời cái tên thành viên Vinh Sơn được dùng để gọi các linh mục và tu huynh thuộc Tu Hội Truyền Giáo. Hơn 10 năm trở lại đây, cụm từ này được mở rộng để nói về cả các Nữ Tử Bác Ái, Các Sơ Dòng Bác Ái, Các Bà Bác Ái, Hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô và các hiệp hội giáo dân hay tu sĩ lấy cảm hứng từ Thánh Vinh Sơn hoặc chọn Ngài làm Đấng Bảo trợ. Mục đích của bài viết này là trình bày về việc Đào tạo Vinh Sơn bao gồm mọi nỗ lực đào tạo cho tất cả những ai yêu mến Thiên Chúa qua việc phục vụ người nghèo. Việc đào tạo Vinh Sơn, chính là việc đào tạo Công giáo, bao gồm 4 chủ đề: a) một sự hiểu biết về tính thống nhất giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân; b) đào tạo Vinh Sơn có tính toàn diện; c) Đào tạo Vinh Sơn là một nỗ lực cộng tác; d) trọng tâm của hoạt động đào tạo Vinh Sơn là rao giảng Tin Mừng.

VINH SƠN PHAOLÔ

Các nhà đào tạo Vinh Sơn cần hiểu rõ người cha tinh thần của mình, Thánh Vinh Sơn Phaolô. Ngài sinh ra trong một gia đình nghèo tại Pouy, gần Dax, vào mùa xuân năm 1576. Để cố gắng thoát khỏi vùng quê thấp kém của mình, Vinh Sơn đã bắt đầu sự nghiệp của mình trong chức linh mục, ngài được thụ phong linh mục năm 1600 (Abelly 1993). Thời trẻ của Vinh Sơn đầy dẫy những chuyện kể về việc ngài bị bon cướp biển bắt cóc trên Bờ biển Barbary và trở thành một nô lệ. Nhiều người tin rằng đó chỉ là những điều ngụy tạo (Coste 1987).

Kinh nghiệm giảng dạy của thánh Vinh Sơn chủ yếu được thủ đắc khi làm gia sư cho các người con của Phillipe Emmanuel de Gondi, Tổng tư lệnh các chiến thuyền nước Pháp. Ngoài việc làm gia sư, Vinh Sơn còn là cha giải tội cho bà Gondi và sau này ngài trở thành tuyên uý cho các nô lệ chèo thuyền. Đó là những tù nhân bị bắt làm việc trên chiến thuyền. Nhờ cộng tác với gia đình Gondi, Vinh Sơn đã khám phá ra nhu cầu tâm linh của người nghèo – các nô lệ chèo thuyền dưới quyền của ngài Gondi hoặc những người nông dân sống trên lãnh địa của gia đình Gondi. Những người dân quê này chính là sứ mạng của ngài. Nơi họ, ngài được gợi hứng để loan báo Tin Mừng cho người nghèo, cũng như để sáng lập hiệp hội các linh mục là Tu Hội Truyền Giáo, những người sẽ biến hứng khởi đó trở thành thực tế (Abelly 1993).

Những cuộc đại phúc mà thánh Vinh Sơn đã xúc tiến mạnh mẽ chính là những hoa trái phát xuất từ kinh nghiệm mục vụ của ngài trong việc giải tội cho một người nông dân đang hấp hối tại Folleville. Người nông dân này từ lâu đã âu lo với tội lỗi mình chưa được xưng thú đã bày tỏ cõi lòng với Vinh Sơn. Người nông dân này đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với bà chủ của Vinh Sơn, bà Gondi. Chính bà đã thuyết phục Vinh Sơn giảng cho các nông dân trong lãnh địa của bà. Vì thế, ngày 25 tháng Giêng năm 1617, Vinh Sơn đã giảng một bài về tầm quan trọng của việc xưng tội chung. Số người chạy đến với bí tích Hoà giải quá đông đến nỗi Vinh Sơn đã phải kêu gọi các cha dòng Tên trợ giúp. Khi nhận thấy rằng công trình đại phúc và giải tội đòi hỏi sự cộng tác của các linh mục khác, đồng thời không bị lệ thuộc vào lòng quảng đại của hàng giáo sĩ địa phương, Vinh Sơn bắt đầu tập hợp một số linh mục để cùng làm việc với mình trong các cuộc đại phúc và do đó, khai sinh ra Tu Hội Truyền Giáo. Khi các nhà truyền giáo bắt đầu công cuộc giảng đại phúc, họ tiếp tục công việc của chính Vinh Sơn: rao giảng về tầm quan trọng của việc xưng tội chung và chuẩn bị cho mọi người trong giáo xứ lãnh bí tích Hoà giải và Thánh Thể cách xứng đáng. Ý thức tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân không phải là những thực tại tách biệt nhưng hoà quyện vào nhau, các nhà truyền giáo cũng đã thiết lập một Hội Bác Ái như là một phần của cuộc đại phúc (Abelly 1993).

Hội Bác Ái đánh dấu những bước khởi đầu của họ vào những ngày Vinh Sơn làm cha xứ ở Chatillon. Trước khi cử hành thánh lễ Chúa Nhật, Vinh Sơn đã được biết mọi người trong một gia đình thuộc giáo xứ của ngài bị đau, và không có ai chăm sóc họ. Vinh Sơn đã nói điều đó trong bài giảng của mình, và sau ngày hôm ấy, ngài đi thăm viếng gia đình kia. Khi tới nơi, ngài gặp rất nhiều người trong giáo xứ đang mang đồ ăn và những vật dụng thiết yếu khác đến cho gia đình này. Căn nhà tràn ngập đồ cứu trợ do giáo dân trong giáo xứ mang tới. Khi nhận thấy lòng bác ái dạt dào đó, dù hết sức cảm kích, nhưng cũng có sự lãng phí – bởi vì gia đình đó không thể dùng hết toàn bộ số thức ăn người ta mang cho – và sau ngày hôm đó, họ có thể lại phải nhịn đói một lần nữa, Vinh Sơn đã đi đến quyết định cần phải tổ chức lại lòng quảng đại này. Mỗi người sẽ thay phiên nhau chăm sóc những người nghèo và bệnh nhân, rồi báo cáo lại cho nhóm và điều phối các nỗ lực của họ. Các cuộc họp của họ đã đem lại một chương trình làm việc nhờ đó mọi người có thể theo dõi và phục vụ người nghèo cách hiệu quả hơn. Quan trọng hơn, chương trình này còn mang lại cơ hội để các thành viên cầu nguyện cho những người  mà họ giúp đỡ (Abelly 1993).

Vinh Sơn Phaolô không chỉ tìm cách hoán cải người nghèo mà còn cả hàng giáo sĩ nữa. Hàng giáo sĩ Pháp thế kỷ 17 là một tổ chức mờ nhạt. Có lẽ tốt hơn nên dùng từ “gương mù gương xấu” để mô tả hành vi của họ. Họ chỉ thích nắm giữ những vị trí danh dự trong triều đình và tìm kiếm bổng lộc chứ không màng gì tới bổn phận thiêng liêng của mình. Đời sống của linh mục nông thôn chỉ là say xỉn và phóng đãng. Điều này dẫn tới mối âu lo rằng nếu một giáo xứ có được canh tân nhờ cuộc đại phúc đi chăng nữa thì giáo xứ ấy sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, duy trì thành quả của sự canh tân ấy, bởi vì tình trạng gương mù gương xấu giữa các giáo sỹ. Do đó, Vinh Sơn đã xác quyết rằng con đường duy nhất mang lại sự thay đổi lâu dài, tốt đẹp không thể chỉ là nỗ lực biến đổi tâm hồn của những người dân quê mà còn cả giữa các mục tử của họ nữa. Tu Hội Truyền Giáo đã mở rộng cánh cửa Nhà Mẹ, St Lazare, cũng như tất cả các nhà khác của họ để chào đón hàng giáo sĩ giáo phận. Các linh mục thuộc Tu Hội đã đem lại những chỉ dẫn mục vụ, các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức và linh hướng cho các chủng sinh, cũng như linh hướng và hội thảo với các tiến chức (Abelly 1993; Coste 1987).

Trong 60 năm thi hành thừa tác vụ linh mục của mình, Vinh Sơn Phaolô đã phát triển một hệ thống bác ái đòi hỏi cả việc chăm sóc nhu cầu tâm linh lẫn thể chất cho người nghèo, cũng như trợ giúp hàng giáo sĩ giáo phận trong việc thực thi ơn gọi của họ một cách xứng đáng. Sự vĩ đại nơi lòng bác ái của Vinh Sơn không chỉ được thể hiện nơi lòng trắc ẩn của ngài mà còn thể hiện cả trong khả năng tổ chức cho người khác vượt ra khỏi chính mình để thực thi lòng trắc của họ.

Công cuộc đại phúc Vinh Sơn không chỉ bao gồm một tấm lòng chia sẻ lòng trắc ẩn của Vinh Sơn, nhưng còn là tỏ chức cách hiệu quả, lòng trắc ẩn của con người có thể vượt ra khỏi những giới hạn của bất cứ cá nhân nào. Mong ước tổ chức cuộc đại phúc của Vinh Sơn đã trở thành hiển nhiên qua việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo, Nữ Tử Bác Ái và Hội Bác Ái. Sự xuất hiện của các hiệp hội về sau như Hội dòng các sơ Bác ái, Hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô và những hiệp hội giáo dân và tu sĩ khác không chỉ là bằng chứng về tính năng động trong sứ vụ của Vinh Sơn, mà còn là bằng chứng về sự cần thiết phải thực hiện sứ vụ đó giữa các đoàn thể khác nhau.

NGUỒN GỐC CỦA ĐẶC SỦNG VINH SƠN

Vinh Sơn Phaolô đã nhận được một vị trí danh dự trong trái tim  của những người Công Giáo trên khắp thế giới. Được biết đến như vị Tông đồ Bác ái, danh tánh của ngài gắn liền với các công trình bác ái nhắm đến người nghèo, bệnh nhân, cô nhi và quả phụ. Những bức chân dung phổ biến thường trình bày vị thánh được vây quanh bởi các trẻ mồ côi và người ăn xin. Rõ ràng công trình của ngài đã truyền cảm hứng và chắc chắn nhiều người đã sử dụng các phương thức về các chương trình trổi vượt của ngài như nền tảng cho các hoạt động công từ thiện và công bình của họ. Tuy nhiên, thách thức đối với những ai thực sự tìm cách theo thánh Vinh Sơn Phaolô là phải có sự thống nhất của trái tim và tâm hồn trong việc thực thi bác ái. Vinh Sơn không chỉ đơn thuần là một người làm việc thiện để thức tỉnh xã hội, một người thúc đẩy công bằng xã hội, một biểu tượng đúng nghĩa về chính trị. Những giải thích đơn giản này không chạm đến được những động lực sâu xa đã duy trì cách liên lỉ nơi Vinh Sơn trong hơn 60 thi hành sứ vụ linh mục.

Trong một buổi huấn đức, Vinh Sơn đã giáo huấn cho các linh mục và trợ sĩ về việc truyền giáo: “chúng ta phải yêu mến tha nhân vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, và hành động theo cách thức mà mọi người, đến lượt mình, sẽ yêu mến Đấng tạo hoá yêu thương của họ. Chúng ta phải phát triển nơi chính chúng ta tình yêu thương lẫn nhau, vì tình yêu của Chúa, Đấng đã yêu chúng ta đến nỗi đã sai Con của Người chết vì chúng ta.” (Abelly 1993, tr 107).

Sự dấn thân của Vinh Sơn cho người nghèo tuôn chảy ra từ tình yêu Thiên Chúa của ngài và sự nhận thức của ngài rằng người ta bắt gặp khuôn mặt Thiên Chúa qua việc chiêm ngắm khuôn mặt tha nhân. Tình yêu Chúa và tình yêu tha nhân là một. Mỗi con người, vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, xứng đáng được tôn trọng và kính mến cho dù địa vị của họ có thấp kém và tầm thường thế nào đi chăng nữa. Chính trong các công trình yêu thương của Chúa, trong thụ tạo của Ngài, trong các anh chị em của chúng ta mà những kẻ bước theo Vinh Sơn biểu lộ được tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa.

MỤC ĐÍCH CỦA TRƯỜNG VINH SƠN

Nếu có ai nghiên cứu các bản văn thành lập của Tu Hội Truyền Giáo, về các cha và thầy Vinh Sơn, thì hẳn họ sẽ tìm thấy rất ít tài liệu viết về vai trò của Tu Hội như những nhà giáo dục. Mặc dầu vậy, trong suốt dòng lịch sử của mình, nhất là trong khoảng 200 năm trở lại đây, Tu Hội bảo trợ cho cả các trường trung học lẫn đại học. Công việc của Tu Hội tại nước Mỹ từ khi được thành lập chủ yếu là giáo dục – đào tạo chủng viện, tiếp tục theo đuổi sứ vụ cốt lõi, và đào tạo giáo dân – vừa vì nhu cầu cấp bách của các Giám mục vừa như phương tiện cung cấp tài chính cho các chương trình của chủng viện của họ. Trong những năm 1970 và 1980, khi Tu Hội đang điều chỉnh hiến pháp trong ánh sáng của Công Đồng Vatican II, những vấn đề nghiêm trọng đã nảy sinh liên quan đến tính thích đáng của các tổ chức này trong đời sống của cộng đoàn Vinh Sơn (Poole, 1988). Việc tìm về bản chất (cốt lõi) này, đặc biệt giữa những thành viên để hết tâm trí vào sứ vụ tông đồ nơi các đại học ở Mỹ, đã đưa đến sự tập chú linh hoạt trong sứ vụ phục vụ người nghèo. Qua việc xem xét lại các đặc sủng và ý định của chính thánh Vinh Sơn, đã trở nên rõ rằng các trường học đó mang đặc tính Vinh Sơn vì:

      • Việc giáo dục người nghèo và con cái họ, bằng cách đó, phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong phạm vi gia đình.
      • Việc giáo dục các sinh viên đại học thế hệ đầu tiên, bằng cách trang bị khả năng cho các nhóm nhập cư mới, cũng như các nhóm dân cư cách ly hội nhập vào nước Mỹ.
      • Trình bày truyền thống Công giáo Rôma như một khung quy chiếu và cột trụ thiêng liêng cho đời sống cá nhân và nghề nghiệp của các sinh viên, trong khi đó vẫn tôn trọng và được làm phong phú nhờ tính đa dạng về tôn giáo tiêu biểu cho các cộng đồng đại học.
      • Truyền đạt cho tất cả các sinh viên một tình yêu cảm tính và hữu hiệu đối với những người khốn khổ.
      • Khảo cứu tình trạng nghèo đói trong xã hội và tìm kiếm những cách thế sáng tạo để làm dịu bớt sự dữ xã hội này.
      • Cung cấp cho các đại học nguồn lực đáng kể (chẳng hạn các chuyên viên có kiến thức uyên thâm, các tình nguyện viên, không gian gặp gỡ, trợ giúp tài chính, các mối liên hệ) cho các cơ quan quốc tế, quốc gia, địa phương cũng như các nhóm cộng đồng nhằm mục đích bổ trợ. (Holtschneider & Udovic, 2001, pp. 7-8)

SINH VIÊN TRONG TRƯỜNG VINH SƠN

Để trung thành với đặc sủng Vinh Sơn, việc giáo dục trong trường Vinh Sơn phải nhắm phục vụ hai nhóm học viên: người nghèo và người có tiềm năng cộng tác vào công trình xoá đói giảm nghèo. Hai nhóm này không bao giờ được phép tách biệt nhau. Họ phải gặp gỡ nhau trong lớp học, thư viện, nhà nguyện, phòng tập thể dục, và phòng giải trí. Khi hai nhóm này tác động qua lại lẫn nhau, họ nhận được một sự giáo dục toàn diện được đánh dấu bởi công bằng, niềm tin, trí tuệ và cảm xúc.

Phí tổn lớn nhất đối với người nghèo là việc đánh mất khả năng thay đổi tình trạng của mình. Giáo dục đem lại cho các cá nhân khả năng này. Nó mở ra những cánh cửa. Trong vở kịch Educating Rita (Russell, 1981), một giáo sư nghiện rượu đã cố gắng khuyên can Rita đừng theo đuổi những điều ông ta nhận thấy là trống rỗng. Rita đã trả lời kẻ hoài nghi đó và cũng là người thầy say xỉn liên miên của cô rằng nền giáo dục của ông đã cung cấp cho ông kiến thức để chống lại nền văn chương kinh điển. Còn cô thì tìm kiếm một nền giáo dục bởi vì nó đem lại cho cô khả năng tự do để lựa chọn đời sống của mình. Lời tuyên bố của cô rõ ràng đã cho thấy tác động của giáo dục trên những người nghèo. Nếu những người tuyên hứa sống theo đặc sủng Vinh Sơn muốn ảnh hưởng đến cuộc sống của người nghèo một cách tận căn, thì những người ấy phải lưu tâm đến những cơ hội giáo dục dành cho người nghèo. Trong bất cứ một trường Vinh Sơn nào, người nghèo cũng phải được chào đón như chính Đức Kitô được chào đón vào giữa cộng đoàn.

Nhóm sinh viên còn lại, những người sẽ gia tăng hàng ngũ trong các trường Vinh Sơn, là những người tìm cách phục vụ người nghèo và là những người mong muốn cải thiện tình trạng nghèo đói và những người bị thiệt thòi. Hoặc họ là những người chuẩn bị cho chức linh mục, giáo viên hay hiệu trưởng đang chuẩn bị phục vụ trong các trường ở nội thành hoặc ở nông thôn, hoặc họ là những người sẽ cộng tác với người nghèo theo cách nào đó. Tất cả những người này đều được chào đón trong trường Vinh Sơn. Việc đào tạo dưới mái trường Vinh Sơn mang lại cho sinh viên không chỉ những kỹ năng trí tuệ cần thiết nhằm truyền thụ tri thức, nhưng là một việc đào tạo nhằm thay đổi con tim của họ. Hiệu quả của các trường Vinh Sơn được đo lường bằng mức độ nhạy cảm của những người đam mê kinh doanh hay văn chương, chuyên viên vi tính hoặc phục vụ chính phủ. Họ là những người có hoàn cảnh nghèo, từng chịu sự tác động của cái nghèo và đã thực sự gặp gỡ người nghèo. Các thành viên giảng dạy trong trường Vinh Sơn lôi kéo sinh viên của họ gặp gỡ người nghèo, cùng với họ giúp đỡ người nghèo và cùng họ suy tư về kinh nghiệm của họ  với người nghèo.

PHẨM CHẤT CỦA MỘT NHÀ GIÁO TRONG TRƯỜNG VINH SƠN

Đặc sủng giáo dục của Vinh Sơn Phaolô tìm thấy hình thức, sinh lực và sự nhiệt tình nơi các giáo viên trong trường. Cho dù các giáo viên là thành viên của Tu Hội Truyền Giáo, một trong số các hiệp hội được thiết lập trong truyền thống Vinh Sơn Phaolô, hay là thành viên giáo dân thì họ cũng đều phải trau dồi những phẩm chất nhất định, các nhân đức mà bạn muốn mà chúng hỗ trọ họ trong sứ mạng giáo dục của mình. Các trường Vinh Sơn hoạt động với việc giả định rằng các giáo viên của họ thủ đắc cả khả năng trí tuệ lẫn kỹ thuật để có thể thi hành các nhiệm vụ họ đảm nhận. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần. Một giáo viên Vinh Sơn tốt phải mời gọi sinh viên đi vào cuộc đối thoại nghiêm túc về những chủ đề trong tầm tay, truyền đạt cho họ sự tự tin và hy sinh cần thiết để hoàn thành công việc được giao, và nêu gương về lòng nhiệt thành phải có để hợp nhất bài học với nhiệm vụ biến đổi xã hội.

Các nhân đức mà một nhà giáo Vinh Sơn phải nuôi dưỡng và làm gương là đơn sơ, khiêm nhường, dịu hiền, hãm mình, và nhiệt thành. Đó là năm nhân đức mà thánh Vinh Sơn đã khuyên nhủ những ai được mời gọi là thành viên trong Tu Hội Truyền Giáo (General Curia, 1989). Ngài giới thiệu năm nhân đức này cho các linh mục và tu huynh của Tu Hội Truyền Giáo như là cách thế trở nên bén nhạy với những người nghèo mà họ phục vụ. Không thể tiếp xúc với những người nghèo cách cụ thể nếu chúng ta là những người tài giỏi, kiêu căng, hống hách hay tự mãn. Người nghèo không muốn ở trong tình trạng bị phớt lờ. Điều này thường xảy ra là vì, một cách vô ý, một ai đó quá bận rộn với đời sống riêng tư đến nỗi không thể gác qua một bên các vấn đề của mình để lắng nghe người khác. Thành thật (đơn sơ) đi đôi với hoà nhã (dịu hiền) và ý thức về bản thân (khiêm nhường) trở thành một thái độ cần thiết cho việc kết giao với người nghèo trong một cách thức đầy ý nghĩa. Các nhà giáo trong truyền thống Vinh Sơn cần phải điềm tĩnh. Các nhân đức đơn sơ, dịu hiền và khiêm nhường là trung tâm điểm của sự điềm tĩnh đó. Càng dễ dãi với bản thân, họ càng dễ rơi vào cám dỗ sử dụng sinh viên để đánh bóng cái tôi của mình. Để trở nên hữu dụng, các giáo viên phải xây dựng hướng tiếp cận lấy con người làm trung tâm, một tiêu chuẩn của đào tạo Vinh Sơn, dựa vào ý thức nói trên về sự tiện nghi đối với bản thân.

Không có chỗ cho việc thiếu dấn thân nơi các nhà giáo Vinh Sơn. Những ai được mời gọi giảng dạy trong trường Vinh Sơn phải ý thức về sự dấn thân cho tiến trình dạy và học. Các nhà giáo Vinh Sơn phải mềm dẻo bởi các học viên của họ là những kẻ không chính thống. Tình trạng không chính thống này không thể là một miễn trừ cho những cố gắng hướng đến sự ưu tú. Chương trình giảng dạy của trường Vinh Sơn có tính toàn diện và thống nhất (Sullivan, 1997). Sự vượt trội trong hướng tiếp cận toàn diện và thống nhất này đòi buộc các nhà giáo không những phải rèn luyện trí tuệ mà còn huấn luyện cả tâm hồn nữa. Nó đòi hỏi các nhà giáo phải xem thế giới như là lớp học của họ, trong khi tạo nên một khuôn mẫu chỉ dẫn không chỉ có tính hàn lâm mà còn dựa trên kinh nghiệm nữa. Lòng nhiệt thành này đòi phải trả giá – cái giá của thời gian và công sức của mỗi nhà giáo. Đây là loại nhiệt thành được thực hiện bởi sự khổ chế, nghĩa là từ bỏ chính bản thân vì lợi ích của người khác.

HAI NHÀ GIÁO TRONG TRUYỀN THỐNG VINH SƠN

Khi nghĩ về các nhà đào tạo theo truyền thống Vinh Sơn, người ta phải nghĩ ngay đến thánh Elizabeth Ann Seton và chân phước Frederick Ozanam. Mẹ Seton ảnh hưởng đến nền giáo dục trung học của các trường Công giáo Mỹ trong khi Ozanam lại là một mẫu gương cho căn tính làm chứng của người Công giáo trong ơn gọi làm giáo sư đại học.

Seton  đã trở lại đạo Công giáo sau khi chồng bà qua đời. Ngài thành lập một trường học nhỏ. Trước lời thỉnh cầu của Đức cha John Carroll, Giám mục và Tổng Giám mục tiên khởi của Baltimore, ngài đã thiết lập các trường trung học Công giáo trên khắc nước Mỹ và ngài cũng sáng lập một dòng tu mới, dựa trên quy luật của Nữ Tử Bác Ái. Thánh Elizabeth Ann Seton đã thành lập hội Nữ tu Bác ái vào năm 1809 (Dirvin, 1962). Các công trình của ngài đã trở thành phương tiện mà nhờ đó đặc sủng Vinh Sơn được chuyển trao vào nước Mỹ, trước cả khi Tu Hội Truyền Giáo và Nữ Tử Bác Ái đặt chân đến Tân thế giới (Ryan & Rybolt, 1995). Các Nữ tu Bác ái của Mẹ Seton đã khai mở một nền giáo dục trung học mang tính Công giáo và miễn phí trên nước Mỹ cũng như an ủi và giúp đỡ các bệnh nhân và người hấp hối.

Thành tựu của Mẹ Seton còn lớn hơn cả cơ sở của hệ thống trường trung học địa phương. Không phải là việc thiết lập các trường học, nhưng đúng hơn, đó là việc ngài cung cấp một  giáo dục cho cả người giàu lẫn người nghèo. Công trình ban đầu tại Emmitsburg được thành lập dựa theo ý định về một ngôi trường miễn phí cho người nghèo tại đó (Hannefin, 1989). Khi sự thiếu thốn của các chị em của Mẹ Seton buộc họ phải nhận các học sinh giàu để có thể cấp dưỡng cho mình, họ vẫn tiếp tục dạy dỗ và kèm cặp các trẻ em con nhà nghèo. Mẹ Seton đối xử rất dịu dàng với các trẻ em được ngài phụ trách (Dirvin, 1962). Dù ngài không nói, nhưng chắc chắn ngài đã nhận ra “khuôn mặt Thiên Chúa” nơi mỗi đứa trẻ mà ngài coi sóc.

Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô, thường thấy xuất hiện trong các giáo xứ trên khắp nước Mỹ, Hiệp Hội Bác Ái là một sự tiếp nối truyền thống. Frederick Ozanam đã thành lập hiệp hội Vinh Sơn Phaolô trong quãng thời gian làm sinh viên ở Sorbonne. Là một chàng trai sùng đạo, Ozanam cảm thấy bị xúc phạm bởi những khuynh hướng thế tục trong phân khoa và nhất là nơi các sinh viên Sorbonne. Khi tham gia vào các cuộc tranh luận hàn lâm với những người theo phái Saint-Simon, ngài đã bị chất vấn: “Anh và những người theo đạo Công giáo của anh đã làm được gì cho người nghèo?” (Derum 1995, tr 72). Ozanam đã bị lôi cuốn bởi một số công trình của Sơ Rosalie Rendu, một Nữ Tử Bác Ái, nhưng đó chỉ là một kinh nghiệm riêng lẻ. Ngài tìm thấy trong các cuộc tranh luận của ngài với đối phương một thách đố hợp nhất tình yêu Thiên Chúa và tha nhân mà thánh Vinh Sơn, trước đó 2 thế kỷ, đã thực hiện một cách hùng hồn trong đời sống của ngài. Do đó, Ozanam đã tổ chức các sinh viên Công giáo để họ tham gia vào công tác giúp đỡ người nghèo (Derum 1995). Ngài đã hoàn thành khoá học và trở thành giáo sư tại Sorbonne. Ngài tiếp tục theo đuổi công việc của Hiệp hội và giúp các sinh viên của mình hợp nhất kiến thức của họ với đời sống đức tin trong việc phục vụ người nghèo (Ryan & Rybolt, 1995). Ozanam đã trở nên nổi tiếng trong vai trò là giáo sư. Sinh viên chen chúc trong các lớp học của ngài. Ngay cả sau cuộc cách mạng 1848, khi mà Đạo Công giáo bị nhìn với sự dè dặt, thì tiếng tăm của ngài vẫn không hề sút giảm. (Des Rivieres, 1989)

Ozanam đã mô tả bản chất của Hiệp hội thánh Vinh Sơn Phaolô qua hàng loạt các lá thư. Trong thư gửi Joseph Arthaud, ngày 9 tháng bảy năm 1839 Ozanam đã diễn tả hiệp hội như là trung tâm hoạt động của giới sinh viên.

Chỉ trong vài tháng, ba hội nghị đã được tổ chức tại các giáo xứ SaintSeverin, Saint-Louis d’Antin, và Saint-Medard. Đó là phương tiện dành cho các sinh viên Sư phạm và Bách khoa, khoảng 18 thành viên chiếm gần một phần ba số sinh viên. Ngoài ra, có lẽ đó buổi hội thảo nhiệt thành nhất, và họ đã xin hợp nhất buổi cầu nguyện thông thường thành một buổi cầu nguyện đặc biệt cho những người bạn của họ được ơn trở lại. Thật là một viễn tượng hạnh phúc biết bao cho những sinh viên trẻ của chúng ta! (trích trong Dirvin, 1986 tr 162).

Trong lá thư viết cho Ferdinand Velay, ngày 12 tháng Bảy năm 1840, Ozanam đã mô tả về tư cách hội viên này:

Tôi thấy khoảng hơn 600 thành viên tập họp trong giảng đường. Không phải là tất cả số họ là người Paris. Phần lớn là các sinh viên nghèo, ngoại trừ một số người thuộc tầng lớp cao trong xã hội. Tôi đã tiếp xúc với một thượng nghị sĩ Pháp, một nghị sĩ, một cố vấn chính trị, vài trưởng tu viện và một số nhà văn lỗi lạc (trích trong Dirvin 1986, tr 193).

Giống như thánh Vinh Sơn và Mẹ Seton, Ozanam đã thực hiện công việc chính là mang người nghèo và người giàu đến gần nhau. Công trình của Frederick Ozanam – trong tinh thần của thánh Vinh Sơn – xứng đáng là mẫu gương cho các nhà giáo Công giáo Mỹ đang theo đuổi sự nghiệp giáo dục toàn diện.

TỔ CHỨC TRONG TRƯỜNG VINH SƠN

Để trung thành với đặc sủng của mình, các trường Vinh Sơn phải nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác. Châm ngôn của thánh Phaolô “trở nên mọi sự cho mọi người” sẽ là điều bất khả đối với bất cứ cá nhân đơn lẻ nào. Con đường duy nhất để thực hiện sứ mạng mang Tin Mừng đến cho người nghèo của thánh Vinh Sơn là với sự giúp đỡ của nhiều người khác. Trong suốt hành trình sứ vụ của mình, thánh Vinh Sơn đã phát triển một cơ cấu tổ chức đồ sộ nhằm cứu trợ người nghèo, người bệnh và nhất là người bị bỏ rơi. Ngài quy tụ một nhóm linh mục và tu huynh, những người sẽ theo đuổi mục tiêu chính yếu là chăm sóc đời sống tâm linh cho người nghèo và đào tạo hàng giáo sĩ để giúp họ. Vinh Sơn cũng đã thành lập Hội Bác Ái để mang lại cho các thành viên giáo dân của mình phương tiện và cơ hội giúp đỡ người nghèo. Trong lúc các công việc của Hội gây được ấn tượng sâu sắc, ngài lại tìm cách tập họp một nhóm các bà sùng đạo để quyên góp đồ cứu trợ cho người nghèo. Cùng với Louise de Marillac, ngài thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Đó là một Tu hội nữ lớn nhất trong Giáo Hội (Ryan & Rybolt, 1995). Điều mà thánh Vinh Sơn đã thực hiện được qua việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, Hội Bác Ái là một sự cộng tác giữa các linh mục, tu huynh, nữ tu, và giáo dân nhằm loan báo Tin Mừng cho người nghèo một cách hiệu quả, vừa bằng lời nói vừa bằng việc làm.

Cha Luigi Mezzadri, một linh mục Vinh Sơn, đã diễn tả ngắn gọn về khả năng kêu gọi sự hợp tác của thánh Vinh Sơn và ảnh hưởng của nó trong đời sống Giáo Hội như sau:

Vinh Sơn đã cho thấy một khả năng ngoại thường trong việc cộng tác. Ngài không bao giờ hành động một mình, nhưng luôn tìm kiếm sự trợ giúp từ những người khác và ngài có thiên bẩm trong việc lôi kéo tài năng của họ. Ngài làm việc cho Giáo Hội, trong một khía cạnh nào đó, ngài đưa Giáo Hội đi đến chỗ sản sinh con cái. (1992, tr 25).

Nhờ cộng tác với người khác, Vinh Sơn không những phục vụ người nghèo mà còn rao giảng Tin Mừng cho họ nữa. Tuy nhiên, trong tiến trình tạo ra sự hợp tác này, ngài còn đem lại cho các cộng tác viên của ngài cơ hội để được rao giảng Tin Mừng bởi người nghèo nữa. Những cộng tác viên này đã nhận thấy sự nghèo nàn của chính mình và biết mở ra để khám phá Chúa Kitô trong người khác. Các nhà quản trị Vinh Sơn không những phải mời gọi các cộng tác viên của mình giỏi về các phận vụ riêng, mà còn phải làm cho họ được biến đổi nhờ những người mà họ phục vụ. Nhiệm vụ của nhà quản trị Vinh Sơn không chỉ là cung cấp sự thăng tiến nghiệp vụ cho các đồng nghiệp mà còn phải mang lại khả năng biến đổi cá nhân nữa.

SỰ THỐNG NHẤT CĂN TÍNH CÔNG GIÁO VÀ VINH SƠN TRONG ĐÀO TẠO VINH SƠN

Đặc sủng Vinh Sơn tập trung vào việc mở mang Tin Mừng. Đó không đơn thuần là việc chia sẻ Lời Chúa mà còn là việc thực thi sứ điệp Tin Mừng một cách năng động. Sứ mạng của Vinh Sơn dựa trên lời của ngôn sứ Isaia:

Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA. (Is 61, 1-2)

Dù đa dạng và đón nhận mọi người trong sự bình đẳng, các học viện Vinh Sơn, nhất là các đại học, vẫn phải có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Việc rao giảng Tin Mừng này không phải là vấn đề cưỡng bức, nhưng đúng hơn đó là vấn đề toả sáng gương sống. Tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 100 của Đại học DePaul, cha Robert Maloney, C.M, cựu Bề trên Tổng quyền Tu Hội Truyền Giáo đã đưa ra thách đố này đối với phân khoa Công giáo và các sinh viên tại Đại học DePaul:

Tất cả các bạn, những người yêu mến đại học này, phải thực sự là người Công giáo tại DePaul. Có các anh chị em thuộc các tôn giáo khác đến Đại học DePaul: Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo, Hồi giáo và Ấn giáo. Nhưng vì họ tự do lựa chọn một đại học Công giáo nên họ không ngại ngần để ánh sáng của các bạn chiếu toả trước các sinh viên của chúng ta, trong phụng vụ, thần học và trong mọi chứng từ riêng của các bạn về Chúa Kitô. Hãy chắc rằng đối với các bạn, Đức Giêsu là Chúa và ngài vẫn hiện diện trong Đại học Depaul ngang qua các bạn. Đức Giêsu nói “Thầy là chân lý” và “chân lý sẽ giải phóng anh em”. Thưa các anh chị em của tôi, hãy để chân lý là ánh sáng soi đường cho các bạn. Và hãy chiếu toả ánh sáng của các bạn. (Maloney,1998).

Thách đố mà các đại học Vinh Sơn phải đối mặt trong tư cách đại học Công giáo là phải trở thành nơi mà các học giả và sinh viên có thể quy tụ nhằm cải biến xã hội và tác động đến đời sống của người nghèo. Nó phải là nơi mà đặc sủng Vinh Sơn, sự thống nhất tình yêu Chúa và tha nhân có thể được tìm thấy, theo cách thức khiến nó trở thành một chứng tá cho các giá trị Tin Mừng giữa lòng xã hội đầy biến động.

Thách đố mà bất cứ học viện Vinh Sơn nào cũng phải đối mặt là sự cân bằng giữa những dấn thân đa dạng và sứ vụ nền tảng trong tư cách là học viện Vinh Sơn, tức là phải cho thấy rằng Thiên Chúa được yêu mến khi tha nhân được yêu mến, rằng người ta có thể vừa là một nhà trí thức vừa là một người tín hữu, và rằng rao giảng Tin Mừng là một lời mời gọi chứ không phải là hành động ép buộc. Các đại học Vinh Sơn phải mời gọi tất cả các sinh viên, các phân khoa, các nhân viên suy ngẫm về cảnh ngộ của người nghèo và dấn thân phục vụ họ. Tuy nhiên, họ phải đặc biệt kêu gọi các sinh viên, phân khoa, nhân viên Công giáo cộng tác sâu xa hơn nữa trong sứ mạng này. Các thành viên trong gia đình Vinh Sơn – Tu Hội Truyền Giáo, Nữ Tử Bác Ái và Các Nữ tu Bác ái, cũng như các cộng tác viên khác – phải giúp các sinh viên và đồng nghiệp suy ngẫm và lắng nghe lời mời gọi của Chúa trong tiếng kêu la của người nghèo, và gặp gỡ Đức Kitô qua việc chiêm ngắm khuôn mặt của Ngài nơi khuôn mặt những người khốn khổ.