Đôi Mắt Nhân Từ Của Mẹ

0
796

Marlio Nasayó Liévano, CM

Tỉnh dòng Colombia

Khi gần đến tháng Năm, tháng kính Đức Mẹ, tôi có một mong ước viết đậm nét về đôi mắt của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Hơi chút táo bạo, nhưng với sự trợ giúp của Đức Mẹ, tôi tin tưởng rằng, Mẹ sẽ soi sáng cho tôi, khi tôi suy tư về điều này.

Sự suy tư này được truyền cảm hứng từ lời chia sẻ của một trong những cựu chiến binh truyền giáo của chúng tôi: trước năm 1950, các chủng sinh Vinh Sơn thường có kỳ nghỉ của mình trong một trang trại gần các thảo nguyên Bogotá. Trong thời gian rảnh rỗi đó, Đức Tổng Giám mục của Bogotá, Ismael Perdomo (một người bạn thân của Tu hội, người được tuyên phong là bậc Đáng Kính vào ngày 7 tháng 7 năm 2017), đã đến thăm chúng tôi và có lần, ngài đã hỏi các chủng sinh ngồi gần ngài rằng: thầy thấy ánh mắt của Đức Mẹ như thế nào? Ngay lập tức, thầy Eduardo Arboleda, với trí tuệ và tâm hồn nhạy bén, đã mau mắn trả lời Đức Tổng: Thưa Đức Tổng, đôi mắt của Mẹ thật nhân từ! Tôi đã bị hấp dẫn bởi câu trả lời của thầy ấy và vì vậy, tôi đã hỏi thầy rằng: tại sao thầy lại dám nói như thế? Thầy trả lời rất đơn giản: vì kinh Kính Mừng mà chúng ta cầu nguyện mỗi ngày.

Xin cho phép tôi chia sẻ đôi chút tâm tình:

Đôi mắt: Đôi mắt của chúng ta “nói” một cách hùng hồn bằng một ngôn ngữ không lời và chúng giống như những cửa sổ nhỏ, mà qua đó tâm hồn chúng ta hé lộ. Đôi mắt của chúng ta cũng có thể tiết lộ cảm xúc của chúng ta (với cường độ ít hay nhiều). Không có gì ngạc nhiên khi người ta đã nói rất hay rằng: đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Đúng vậy, đôi mắt của chúng ta tỏ lộ tất cả cảm xúc, nỗi sợ hãi và những cảm xúc sâu xa và thầm kín nhất.

Nhân từ: trước tiên chúng ta hãy nhớ lại nghĩa gốc của từ này. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Latinh: misere (khốn khổ, cần thiết), cor, cordis (trái tim) và ia (đối với người khác). Vì vậy, “lòng thương xót” hay “nhân hậu” có nghĩa là có tấm lòng liên đới với những người có nhu cầu nào đó… Nó bao hàm sự sẵn sàng thông cảm với những đau khổ và bất hạnh của anh chị em chúng ta.

Và nếu đây là sự thật, thì làm sao tôi có thể nói về đôi mắt nhân từ của Mẹ Maria, nếu tôi chưa bao giờ chiêm ngắm đôi mắt ấy, như thánh Bernadette, hay những trẻ chăn cừu ở Fatima và đặc biệt là Mélanie Calvat ở Salette, hay thánh Catherine Labouré, là những người đã được diễm phúc chiêm ngưỡng đôi mắt ấy? Nhưng thật tốt cho chúng ta khi suy ngẫm về những lời chứng đó, điều này có thể mang đến cho chúng ta nhiều trợ giúp trong cuộc hành trình của chúng ta, với tư cách là những người hành hương.

Trong lần hiện ra đầu tiên vào đêm 18-19 tháng 7 năm 1830, nữ tu Labouré nói với chúng ta: “sau đó, tôi nhận ra Đức Trinh Nữ, tôi nhanh chóng quỳ xuống trước mặt Mẹ trên bậc thềm của bàn thờ và đặt tay trên đầu gối của Mẹ… Ở đó, tôi đã có khoảnh khắc trọng đại nhất của cuộc đời tôi.” Ai đã nhìn kỹ vào đôi mắt của Đức Trinh Nữ cho bằng Catherine Laboure? Đức Mẹ âu yếm nhìn Catherine, người chắc chắn đang ngây ngất, nhưng ngài không để mất cơ hội chiêm ngưỡng Đức Mẹ, Đấng đã truyền cho ngài một thông điệp, không chỉ bằng tiếng nói mà còn bằng ánh mắt.

Đức Trinh Nữ bày tỏ nỗi đau đớn và nỗi thống khổ của mình về những khó khăn nội bộ của gia đình Vinh Sơn, nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ và những thiên tai dịch bệnh đã gây ra đau khổ cho rất nhiều người. Đức Mẹ dường như không thể nói được một lời nào và vì vậy, Mẹ đã nói với chúng ta qua nỗi thống khổ hiện rõ trên khuôn mặt và những giọt nước mắt tuôn trào từ đôi mắt của Mẹ. Nhưng thông điệp của Đức Maria không chỉ là một trong những yêu cầu và than trách, mà còn mang đến cho chúng ta sự hiện diện liên lỉ, sự đồng hành và bảo vệ của Mẹ dành cho chúng ta, ngay cả trong những tình huống dường như vô vọng. Mẹ Maria nhìn vào sự khốn cùng của chúng ta và mong đợi chúng ta đặt niềm tin vào Mẹ và vào Con của Mẹ. Ở đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, Đức Mẹ đã nói với Catherine nhiều điều, qua đôi mắt đẫm lệ của Mẹ hơn là bằng những lời nói của Mẹ… và đôi mắt đẫm lệ đó cho chúng ta biết rằng, Mẹ nhìn chúng ta với đôi mắt nhân từ.

Trong lần hiện ra vào ngày 27 tháng 11, Catherine khẳng định: đôi chân của Đức Mẹ đang đặt trên một quả địa cầu và những gì dường như đối với tôi là một nửa địa cầu. Mẹ giơ hai tay lên một cách duyên dáng, và đôi mắt của Mẹ hướng lên trời. Khuôn mặt của Mẹ khá đẹp. Tôi không thể diễn tả được điều đó… Đức Trinh Nữ đã cúi xem và nhìn tôi… và một hình bầu dục được hình thành xung quanh Đức Mẹ. Ở phần đầu của hình ảnh này được viết bằng vàng có dòng chữ: “lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ”. Ở đây, chúng ta có hai hình ảnh từ Đức Maria: Mẹ nâng quả địa cầu trên tay lên và ngước mắt lên và dâng quả địa cầu cho Chúa, rồi cúi nhìn xuống, Mẹ nhìn Catherine và tất cả mọi người trên khắp thế giới. Mẹ đã chia sẻ với nhân loại ánh sáng nhân từ phát ra từ đôi tay của Mẹ.

Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại với một thị kiến ​​khác, người đã cho chúng ta chìa khóa cuối cùng cho sự suy tư này. Ở đây tôi đề cập đến Mélanie Calvat, người mà Đức Trinh Nữ đã hiện ra trên núi Salette. Mélanie nói với chúng ta rằng, không thể diễn tả được đôi mắt của Đức Trinh Nữ, người Mẹ dịu dàng của chúng ta. Để làm được như vậy, cần phải có chính ngôn ngữ của Thiên Chúa… Đôi mắt của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm xinh đẹp giống như cánh cửa vào thiên đàng, từ đó chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ có thể làm say đắm tâm hồn.

Cho chính chúng ta:

      • Chúng ta không thể nhìn thấy Chúa và Mẹ Maria bằng đôi mắt phàm nhân của chúng ta, nhưng chúng ta có thể chiêm ngưỡng các ngài bằng con mắt linh hồn, bằng con tim, đó là đức tin và đức mến. Chỉ khi sở hữu một tâm hồn trong sáng, chúng ta mới có thể nhìn và chiêm ngưỡng Thiên Chúa và Mẹ của Người “phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, họ mới được nhìn xem Thiên Chúa”. Thánh Augustinô soi sáng cho sự suy tư của chúng ta khi ngài khẳng định: Chỉ có con tim trong sáng mới có đôi mắt nhìn thấy Thiên Chúa.
      • Nếu điều trên là đúng, thì nó sẽ không xảy ra với Đức Mẹ. Đôi mắt của Đức Mẹ chắc hẳn rất xinh đẹp, với vẻ đẹp tự nhiên của một người phụ nữ Do Thái, thì không cần bất kỳ loại trang điểm nhân tạo nào để khiến chúng trở nên lôi cuốn. Mẹ có đôi mắt đơn sơ, đó là đôi mắt nhìn người khác mà không tỏ vẻ kiêu ngạo hay khinh thường, một đôi mắt nhân hậu, không thù hận hay hằn học, ngay cả khi quan sát ánh mắt giận dữ kẻ thù của người Con yêu dấu của Mẹ. Một đôi mắt chân thành, không dối trá, thể hiện một trái tim không có bóng dáng của sự “hai lòng”. Nhìn thấy nhu cầu của người khác như kinh nghiệm ở Cana xứ Ga-li-lê.
      • Đôi mắt biết suy ngẫm về đức tính của người khác, thay vì để ý và bị quấy rầy bởi những lỗi lầm và khiếm khuyết của họ. Đôi mắt mà Giuđa đã lảng tránh khi rời Phòng Tiệc Ly trong đêm diễn ra hành động phản bội của mình và Phêrô cũng đã tránh né trong ba lần chối bỏ thầy … đôi mắt sưng húp vì những giọt nước mắt tuôn rơi khi Con của Mẹ bị đóng đinh và sau đó được hạ xuống trong vòng tay của Mẹ … nhưng những đôi mắt trở nên rạng rỡ và vui tươi khi được kể về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và cũng chính đôi mắt ấy đã trở thành đôi mắt chào đón và điềm tĩnh chờ đợi sự hiện đến của Chúa Thánh Linh trong Nhà Tiệc Ly.
      • Sau khi lên trời vinh hiển, đôi mắt Mẹ không bao giờ ngừng đoái nhìn chúng ta trong lũng đầy nước mắt này, “sau khi được đưa về trời, Đức Maria không rời bỏ vai trò của Mẹ trong công trình cứu độ, nhưng vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta hồng ân cứu độ đời đời. Với tình hiền mẫu, ngài chăm sóc những người em của Con ngài còn đang lữ hành với bao nguy hiểm và thử thách, cho đến khi họ đạt được hạnh phúc quê trời.” (Lumen Gentium, # 62).
      • Với những thế hệ đã cầu nguyện kinh Salve Regina từ thế kỷ 11, chúng ta cũng có thể trông cậy vào đôi mắt nhân từ đó, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều người muốn làm cho lòng thương xót của Chúa biến mất khỏi trái tim nhân loại. Chúng ta đang tiến tới một xã hội, trong đó con người muốn cố gắng trở thành chủ nhân ông của thế giới, thông qua những tiến bộ đáng kinh ngạc trong khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đó, con người vẫn không thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề của chính họ và của thế giới.

Với tư cách là những người nam và nữ có đức tin, chúng ta kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, để tìm ra giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Trong tình huống này, chúng ta có thể cầu khẩn Đức Maria, Mẹ của mọi sự an ủi và chiêm ngưỡng ánh mắt dịu dàng của Mẹ. Với đôi mắt nhân từ ấy, Mẹ cầu bầu trước Con của Mẹ cho chúng ta, đặc biệt là trong những thời khắc vô cùng phức tạp của sự vô tín, thiên tai, chiến tranh, nạn đói và hiện tại đại dịch đang hoành hành ngay cả những nơi xa xôi nhất trên thế giới.

Vâng, lạy Mẹ nhân lành, chúng con cần sự thương xót của Mẹ vì chúng con nghèo vô cùng. Tình yêu bao la của Mẹ trở thành đại dương của điều thiện, lòng thương xót và lòng sùng mộ đối với chúng con. Chúng con cảm ơn tình yêu thương của Mẹ, và trên hết, chúng con nhận ra sự nhân hậu trên khuôn mặt và trái tim của Mẹ. Mẹ có đôi mắt và trái tim nhân từ… Ôi Khoan thay, Nhân thay, Dịu thay, thánh Maria trọn đời đồng trinh Amen!

Phêrô Phạm Minh Triều chuyển ngữ từ cmglobal.com