Canh tác thiêng liêng – Lời Chúa Chúa Nhật thứ XI TN Năm B

0
686

I. Các bài đọc

Bài đọc 1: Ezekiel 17,22–24

Bài trích sách ngôn sứ Ezekiel: Thiên Chúa sẽ hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp.

Đáp ca: Tv 92,2–3,13–16

Thánh vịnh 92: Chúng đã được trồng nơi nhà Chúa và sẽ trổ bông trong tiền đình nhà Chúa.

Bài đọc 2: 2 Cr 5,6–10

Bài trích thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô: Đời sống của tất cả đã được tỏ lộ trước tòa Thiên Chúa.

Tin Mừng: Mc 4,26–34

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Vương quốc của Thiên Chúa thì như hạt cải.

II. Chia sẻ

Trong nông nghiệp, việc gieo trồng hay chăm sóc để cây trồng đơm bông kết quả, luôn là mối ưu tư của các người nông dân. Tùy vào giống và tùy vào đất, người nông dân sẽ chọn lựa ra một phương thức chăm sóc thích hợp để sinh lợi cho mình.

Từ kinh nghiệm đời thường ấy sẽ giúp chúng ta đọc và hiểu phần nào các bài đọc Lời Chúa hôm nay, dựa trên những dụ ngôn và những hình ảnh của thiên nhiên, là cây rừng, là hạt cải, là mùa gặt, để diễn tả sự tăng trưởng đời sống thiêng liêng của một người.

Chúa nhật của Laudato Si (thông điệp về môi sinh)

Chúng ta đang sống trong cơn đại dịch Covid 19. Nguyên nhân chính xác từ đâu thì chưa biết nguyên nhân rõ rằng, nhưng có thể nói rằng, một phần là do mất sự quân bình trong môi trường sống của chúng ta. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra thảm kịch thời đại đau lòng đó.

Cả bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một tiến trình phát triển của cây trồng. Nơi bài đọc I, sách ngôn sứ Ezekiel: chính Chúa là chủ nhân của thiên nhiên. Ngài lấy mầm của cây này và đem trồng chỗ khác theo ý Ngài, để chúng phát triển “Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi” (Ez 17,22). Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất” (Mc 4,26). Một dụ ngôn về Nước Trời từ chính bài học của công việc nông nghiệp.

Thiên nhiên và con người luôn có một mối tương quan chặt chẽ và con người có nhiệm vụ chăm sóc thiên nhiên, để chúng phát triển hài hòa với cuộc sống con người.

Thuật ngữ “canh tác” có nghĩa là trồng trọt, khai hoang hay làm việc, và thuật ngữ “gìn giữ” có nghĩa là bảo vệ, cứu giúp, giữ gìn, chăm sóc, canh chừng. Cả hai từ này cho thấy mối liên kết hỗ tương giữa con người và thiên nhiên.

Điều này được chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong thông điệp về môi sinh Laudato Sí: “Mỗi cộng đoàn được quyền thu nhặt từ trái đất những gì cần thiết để sống, nhưng có trách nhiệm bảo vệ và làm cho sự phì nhiêu được tiếp tục dành cho thế hệ tương lai. Dứt khoát “trái đất thuộc về Thiên Chúa” (Tv 245,1), “trái đất và tất cả những gì sống trên trái đất” (Đnl 10,14) đều thuộc về Người. Vì lý do đó, Thiên Chúa phủ nhận tất cả ý đồ chiếm hữu tuyệt đối: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23)” (Laudato Si, # 67).

Điều này nhắc nhở chúng ta về vai trò của con người trước môi trường sống của chúng ta. Vì thiên nhiên chính là quà tặng mà Chúa đã ban cho chúng ta, như là phương tiện để mưu sinh và tồn tại cách bình an trên trái đất này.

Sự “canh tác” đời sống thiêng liêng

Chính Chúa đã là người canh tác thiêng liêng cho chính đời sống chúng ta. Mỗi người được kêu gọi để cộng tác vào việc thiêng liêng ấy. Nhưng xem ra chúng ta đóng góp vào tiến trình thăng tiến thiêng liêng một cách rất thụ động: chỉ là người vãi giống, rồi ăn, rồi ngủ, còn hạt giống lớn lên như thế nào, anh không biết, thế rồi khi đến mùa, anh chỉ thu gặt.

Nhìn vào hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự nhỏ bé của chúng ta trong công trình của Chúa. Đứng trước đại dịch này, người ta mới thấy được sự bất lực hoàn toàn của con người trước thiên nhiên. Giờ đây, chúng ta chỉ còn một cách là cầu nguyện xin Chúa cho chấm dứt đại địch. Rõ ràng, chúng ta nhận ra rằng chính Chúa đang quan phòng chúng ta hằng ngày. Ngài mới là người làm cho chúng ta: “Vì chính ở nơi Thiên Chúa mà ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,27). Chúa chính là tác nhân chính trong tiến trình tăng trưởng đời sống thiêng liêng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cần phải cộng tác trong tiến trình ấy.

Chúng ta đóng góp rất nhỏ trong tiến trình canh tác thiêng liêng ấy. Vì vậy, chúng ta cần nhận ra vị trí của Thiên Chúa ở trong đời sống chúng ta. Mỗi người đều biết rằng mình được kêu gọi cộng tác, vì thế hãy cố gắng để cùng với Chúa “canh tác” mảnh ruộng tâm hồn chúng ta, chứ không, chúng ta chẳng làm được gì cả.

Để Chúa chăm sóc chúng ta, sửa dạy và cắt tỉa chúng ta, miễn sao để làm đẹp lòng Chúa, như sự nối kết giữa bài đọc I và bài đọc II “nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2 Cr 5,9). Đó chính mục đích của việc “canh tác” mảnh đất tâm hồn của mỗi người chúng ta, như Chúa muốn.

Việc chúng ta làm, sẽ quyết định kết quả

Trong bài đọc II chúng ta thấy: “vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5,10).

Chính chúng ta là người quyết định sự hạnh phúc và niềm vui của chính mình. Các hành động của chúng ta sẽ là điều kiện để chúng ta tìm thấy kết quả đời sống của mình. Nhờ ơn phúc của Chúa, những mảnh đất đã được chuẩn bị kỹ càng, sẽ trổ sinh hoa trái. Và điều kiện chính chúng ta hãy làm tốt phần còn lại, còn chính Chúa sẽ quyết định.

Chính chúng ta cũng phải làm điều ấy cho người khác, để Chúa làm cho nảy sinh bông hạt nơi tâm hồn người khác. Hồng y Henri New Nouwen đã có một khát vọng “tôi muốn làm một vị thánh vĩ đại, nhưng tôi còn muốn trải nghiệm mọi cảm giác mà những người tội lỗi đã cảm nghiệm.” Đó là một khát vọng nên thánh trong tất cả sự dằn vặt về con người yếu đuối mỏng dòn của mình, như kinh nghiệm của Phaolô trong bài đọc hai.

Một bài học về môi sinh và một bài học về “canh tác thiêng liêng” trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Xin cho mỗi người luôn biết sống trách nhiệm với môi trường sống của mình, dù là một hành động nhỏ như không xả rác môi trường, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước… Và biết quan tâm đến “môi sinh” tâm hồn, để luôn là những người “nông dân” cần cù và chăm chỉ, để Chúa có điều kiện làm mọc lên nơi tâm hồn chúng ta những vụ mùa tốt tươi, nhờ vào những hạt giống tốt mà chúng ta đã giao trồng.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM