Thánh Louise và việc linh hướng
Tương quan linh hướng giữa thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh Louise de Marillac
Có lẽ không dễ để nói về mối tương quan linh hướng giữa Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise chỉ trong một vài sự kiện. Nhưng đây là mối quan hệ sâu sắc và lâu dài giữa hai vị tông đồ bác ái, đã gắn bó với nhau trong nhiều năm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu mối tương quan này trong giai đoạn đầu tiên, khoảng 1624-1633. Nghĩa là từ lúc Thánh Louise chọn Thánh Vinh Sơn làm linh hướng, rồi sau cuộc gặp gỡ đầu tiên và tiến triển cho đến khi thành lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái.
Một trong những yếu tố chính trong mối dây liên kết này, đó là Thánh Vinh sơn là linh hướng của Thánh Louise và sau đó Thánh Vinh Sơn đã giới thiệu Hiệp hội Bác Ái (Confraternity of Charity) cho Thánh Louise và mời bà cộng tác, cho đến khi cả hai cùng tiến một bước. Một bước quan trọng là thành lập Tu hội Nữ tử Bác Ái.
Trước tiên, chúng ta hãy điểm lại sự ra đời của Hiệp hội Bác Ái do Thánh Vinh Sơn thành lập khi ngài còn là cha sở tại một giáo xứ nhỏ ở miền quê. Đó là vào ngày Chúa Nhật, biến cố đã xảy ra đánh dấu cả cuộc đời của thánh Vinh Sơn “Tôi đang mặc áo lễ để cử hành Thánh Lễ vào một Chúa Nhật thì được tin rằng, trong một ngôi nhà biệt lập cách đó một phần tư dặm, mọi người đều bị ốm. Không ai trong số họ có thể giúp đỡ những người khác, và tất cả họ đều đang túng thiếu không thể diễn tả được. Điều đó khiến tôi cảm động tận đáy lòng.”[1]
Sau đó, Thánh Vinh Sơn kêu gọi những giáo dân trong giáo xứ của ngài, những ai có thể giúp đỡ gia đình này, hãy cộng tác với ngài để phục vụ người nghèo. Nhiều thành viên là phụ nữ đã tình nguyện tham gia các hoạt động này, để giúp đỡ gia đình đó. Vì không có tổ chức, nên các hoạt động này trở nên kém hiệu quả và rời rạc. Điều này khiến Thánh Vinh Sơn nghĩ rằng, ngài sẽ thành lập một Hiệp hội Bác ái. Như đã nói “Tại Chatillon, thánh nhân nhận xét rằng người nghèo ‘…đôi khi phải chịu đựng rất nhiều, do thiếu sự hỗ trợ có tổ chức, hơn là do thiếu những người làm việc bác ái.”[2]
Năm 1617 được đánh dấu bằng việc thành lập Hội Bác Ái của Thánh Vinh Sơn Phaolô để giúp đỡ người nghèo và người bệnh. Từ biến cố khởi đầu này, Thánh Vinh Sơn bắt đầu phục vụ người nghèo bằng cách tham gia cùng các người phụ nữ làm từ thiện cho những người cơ nhỡ. Thánh Vinh Sơn cũng đã viết các nội quy cho hội bác ái của họ, nhằm mục đích rằng, họ có thể làm việc hiệu quả hơn bằng cách tổ chức tốt.
Các hoạt động được phát triển từ từ cho đến năm 1624, đó là năm Thánh Vinh Sơn được chọn làm linh hướng cho Thánh Louise, có lẽ do giới thiệu Thánh Phanxicô de Sales và Jean Pierre Camus, một người bạn lớn của Thánh Phanxicô de Sales. Năm này, Thánh Vinh Sơn bắt đầu việc linh hướng cho bà. Như một tác giả đã nhấn mạnh rằng “khoảng năm 1624, cha Vinh Sơn trở thành vị linh hướng cho một góa phụ hay bồn chồn này, người mà ẩn chứa nhiều phẩm chất tuyệt vời mà vẫn chưa được phát huy hết mức. Giữa hai người họ, sẽ luôn có một cuộc trao đổi những ân ban. Cha Vinh Sơn muốn hiện thực hóa các nhân đức và tài năng của bà Louise, nên đã hướng sự năng động và sáng tạo của bà vào việc phục vụ người nghèo. Đồng thời, bà Louise trở thành cộng tác viên không thể thiếu của cha Vinh Sơn trong nhiều công việc bác ái khác nhau.”[3]
Về Thánh nữ Louise de Marillac, trong buổi nói chuyện với các Nữ Tử Bác Ái, bà đã chia sẻ kinh nghiệm của mình khi do dự chọn thánh Vinh Sơn làm linh hướng cho mình:
Vào Lễ Hiện Xuống, trong Thánh Lễ hay khi tôi đang cầu nguyện trong nhà thờ, tâm trí tôi ngay lập tức thoát khỏi mọi nghi ngờ. Tôi được khuyên rằng, tôi nên ở lại với chồng tôi và sẽ đến lúc tôi có thể tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời và tôi sẽ ở trong một cộng đồng nhỏ nơi những người khác cũng sẽ làm như vậy. Sau đó tôi hiểu rằng, tôi sẽ ở một nơi mà tôi có thể giúp đỡ tha nhân của mình, nhưng tôi không hiểu làm thế nào điều này có thể xảy ra vì có rất nhiều thứ đến và đi.
Tôi cũng được đảm bảo rằng, tôi sẽ yên tâm về vị linh hướng của mình; rằng Chúa sẽ ban cho tôi một người mà dường như Ngài đã chỉ dành cho tôi. Tôi có chút không được hài lòng cho lắm khi chấp nhận ngài; tuy nhiên, tôi đã đồng ý. Đối với tôi, dường như tôi chưa phải thực hiện thay đổi này. [4]
Vì vậy, Thánh Louise đã gặp Thánh Vinh Sơn sau cái chết của chồng bà và sau sự kiện ánh sáng của Lễ Hiện xuống, một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Thánh Louise. Trong thị kiến đó, tương tự như thị kiến của Thánh Jane Frances de Chantal về Thánh Phanxico de Sales, Thánh Louise đã thị kiến thấy Thánh Vinh Sơn, người sẽ thay thế vị linh hướng hiện tại của bà, Giám mục Pierre Camus của Belley.
Năm 1625, bà có cuộc gặp gỡ đầu tiên với cha Vinh Sơn Phaolô. Thánh Vinh Sơn nhấn mạnh đặc điểm của Thánh Louise là rất khó chịu và rất đau khổ khi vắng mặt mặt. Ngài liên tục nhận được những bức thư trong đó bà Louise bày tỏ sự lo lắng của mình. Và Thánh Vinh Sơn đã khuyên bà “Vâng, Thiên Chúa chắc chắn sẽ làm như vậy, và theo cách mà Ngài sẽ dẫn dắt cô nhận ra rằng đó chính là Ngài. Vậy thì hãy trở thành con gái yêu dấu của Ngài — thật sự khiêm tốn, phục tùng và đầy tin tưởng – và luôn kiên nhẫn chờ đợi sự thể hiện của Thánh Ý đáng yêu và thánh thiện của Ngài.”[5]
Từ năm 1625-1629, Thánh Vinh Sơn đã gửi nhiều thư cho thánh Louise và các ngài đã trả lời qua lại lẫn nhau. Theo thống kê có gần 500 lá thư của riêng Thánh Vinh Sơn gởi cho Thánh Louise. Và trong những năm đó, Thánh Vinh Sơn đã giúp Thánh Louise việc linh hướng và củng cố đức tin của bà, để vượt qua những thăng trầm và lo lắng trong cuộc đời trước cái chết của chồng bà và việc học hành của con trai. Sau những trao đổi thư từ, gặp gỡ và với sự giới thiệu của Thánh Vinh Sơn. Thánh Louise đã nhận thấy rằng, công việc bác ái là một nhu cầu có thật và công việc này sẽ phần nào giúp bà thoát khỏi những muộn phiền mà bà đang gặp phải trong tâm hồn.
Năm 1629: trong năm này, Thánh Louise de Marillac cũng đến thăm các Hiệp hội Bác Ái đã được thành lập bởi Thánh Vinh Sơn Phaolô. Lúc ấy, “Louise, một góa phụ trẻ ba mươi tám tuổi, đã gặp cha Vinh Sơn và chuẩn bị thực hiện hành trình truyền giáo đầu tiên của mình là đến thăm Hội Bác ái ở Montmirail. Điều này đánh dấu sự khởi đầu của chuyến đi của cô đến các thị trấn và làng mạc xung quanh Paris, những nơi mà cô sẽ đến thăm các hội bác ái đã được thành lập bởi những nhà truyền giáo.[6]
Trong thời gian này, Thánh Louise lo việc từ thiện, mở trường học và dạy các chị em cách chăm lo việc học hành cho các thiếu nữ thôn quê “Họ sẽ dạy các cô gái nhỏ trong làng khi họ ở đó. Họ sẽ cố gắng đào tạo các thiếu nữ địa phương để thay thế họ trong công việc này khi họ vắng mặt. Họ sẽ làm tất cả những điều này vì tình yêu của Chúa và không nhận bất kỳ khoản thù lao nào.”[7] Đồng thời, bà cũng đồng hành cùng các chị em trong hội bác ái chăm sóc người nghèo, bệnh tật. Như Thánh Vinh Sơn đã nói: “Hãy đi, thưa cô, hãy đi nhân danh Chúa của chúng ta. Tôi cầu xin rằng lòng tốt thiêng liêng của Ngài có thể đồng hành với cô, là niềm an ủi của cô trên đường đi, là bóng râm cho cô chống lại sức nóng của mặt trời, là nơi trú ẩn cho cô khi mưa và lạnh, là chiếc giường êm ái khi cô mệt mỏi, là sức mạnh cho cô trong sự vất vả của cô, và cuối cùng, để Ngài có thể mang cô trở lại với sức khỏe hoàn hảo và tràn đầy những việc lành.” [8]Vì vậy, vai trò chính của bà Louise trong giai đoạn này là đi thăm các hội bác ái và các bà bác ái để tổ chức và khuyến khích họ thực hiện các công việc bác ái theo tinh thần của Thánh Vinh Sơn. Bà Louise đã cộng tác tích cực với cha Vinh Sơn bằng tất cả trách nhiệm và bổn phận của mình, để điều hành hội bác ái mà Thánh Vinh Sơn đã thành lập. Chính nhờ sự điều hành này mà mối quan hệ giữa hai vị thánh rất gần gũi và thân thương, và có tiến triển là Thánh Louise mong muốn thành lập một Tu hội cho những cô gái thôn quê muốn dâng mình phục vụ Chúa qua người nghèo. Bà Louise bày tỏ sự ủng hộ về các nội quy của Hiệp hội được thành lập vào năm 1629 tại giáo xứ Saint-Sauveur của bà.
Dần dần qua những gì mà Thánh Vinh Sơn thấy được trong công việc Thánh Louise đã làm một cách khéo léo và đạt được nhiều thành công. Thánh Vinh Sơn dần dần nhận ra con người nội tâm của Thánh Louise và khả năng của bà trong việc tổ chức các hiệp hội bác ái mà ngài đã thành lập.
Nhờ nỗ lực và tài tổ chức khéo léo, hội bác ái ngày càng lớn mạnh và được thành lập ở nhiều nơi tại Paris. Mọi việc dường như diễn ra rất suôn sẻ và Thánh Vinh Sơn đã nhận ra dấu hiệu Thiên Chúa đã gửi đến ngài một con người đầy nhiệt huyết để cộng tác phục vụ người nghèo.
Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của các hội bác ái tại các giáo xứ khắp Paris, Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise nhận thấy rằng các thành viên của các hội này, và đa số phụ nữ, không thể hết lòng phục vụ người nghèo và người bệnh một cách thường xuyên và lâu dài, vì họ còn phải lo cho gia đình và con cái. Nên bà đã kêu gọi các cô thôn nữ dâng mình cho Chúa trong đời sống thánh hiến, hết lòng phục vụ người nghèo và bệnh tật. Và cô gái đầu tiên tình nguyện tham gia là Marguerite Naseau, người mà sau này Thánh Vinh Sơn đã nhận xét rất sâu sắc: “Marguerite Naseau từ Suresnes là Nữ Tử Bác Ái đầu tiên có niềm vui được chỉ đường cho người khác… mặc dù cô ấy hầu như không có giáo viên hay cô giáo nào khác, nhưng cô học từ Chúa.” Thánh Vinh Sơn nghĩ rằng cô ấy là “một người Nữ tử Bác ái lý tưởng.”
Vào năm 1633, Vinh Sơn Phaolô, một linh mục khiêm tốn người Pháp, và Louise de Marillac, một góa phụ, đã thành lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái gồm như một nhóm thiếu nữ chuyên phục vụ “những người nghèo nhất trong những người nghèo”. Cầu nguyện và đời sống cộng đoàn là những yếu tố thiết yếu trong ơn gọi phục vụ của họ.
Như vậy, sự ra đời của Tu hội Nữ Tử Bác Ái bắt nguồn từ tổ chức có trước nó là Hiệp hội Bác Ái do Thánh Vinh Sơn thành lập năm 1617. Qua bối cảnh lịch sử trên, chúng ta có thể thấy một vài điểm, trong tương quan giữa Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise. Những điều chính của mối quan tâm đó là cuộc sống cá nhân của thánh Louise và việc tổ chức các công việc bác ái. Thánh Vinh Sơn đã dạy Thánh Louise cách nhận biết ý Chúa cho chính mình và tín thác vào Người trong mọi sự. Vào năm 1630, cha Vinh Sơn đã viết cho bà Louise về công việc của hội bác ái “kinh nghiệm cho thấy phụ nữ không được phụ thuộc vào đàn ông trong hoàn cảnh này, đặc biệt là vì tiền bạc.”[9] Chính cha Vinh Sơn đã nói với bà rằng, ngoại trừ sự quan tâm của một người mẹ dành cho con trai mình, “tôi chưa bao giờ thấy một người mẹ nào như cô; cô hầu như không phải là một người phụ nữ trong bất cứ điều gì khác. Nhân danh Chúa, thưa cô, hãy để con trai cô cho Cha (Thiên Chúa) của nó chăm sóc nó, Người yêu nó hơn cô, hoặc ít ra cũng làm cô bớt lo lắng về nó.”[10] Nhận thức của bà Louise về cha Vinh Sơn là như một vị linh hướng, người hướng dẫn mục vụ và cộng tác viên, và là một người bạn thân thiết.
Như chúng ta thấy, Thánh Louise đã bày tỏ đời sống nội tâm của mình với Thánh Vinh Sơn Phaolô “ngoại trừ việc tước đi niềm an ủi duy nhất mà Ngài đã cho ban con trong ba mươi lăm năm. Con chấp nhận điều này vì tình yêu dành cho Ngài, như Đấng Quan phòng đã sắp xếp, bởi vì con hy vọng nhận được sự trợ giúp tương tự từ cha, nhưng theo cách bên trong. Con cầu xin cha điều này, vì sự kết hợp của Con Thiên Chúa với bản chất con người của chúng ta. Con vẫn hy vọng có thể gặp cha khi con có thể, mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe bấp bênh mà Chúa đang ban cho cha.”[11]
Đồng thời, Thánh Louise thể hiện với tư cách là một nhà tổ chức cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolô “con khiêm tốn xin cha chỉ dẫn cho con về công việc này. Con nghĩ con sẽ nói với bà de Beaufort nếu bà đồng ý, rằng bà ấy và những phụ nữ khác muốn tham gia vào công việc này nên đến gặp cha. Để tiết kiệm thời gian, con gửi cho cha kế hoạch của con, bởi vì những Quý cô này đã chờ đợi ngày này rất lâu, và con nghĩ chúng ta nên quyết định khi họ còn đang rất sốt sáng. Tuy nhiên, đừng ngần ngại gửi cho con các kế hoạch khác, vì cha biết rõ nhất những gì sẽ được thực hiện.”[12]
Qua một số chi tiết và sự kiện vừa kể trên, chúng ta có thể nhận ra một sự liên đới giữa Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise trong công việc bác ái. Nhưng điều này bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ cá nhân thông qua việc linh hướng. Chính Thiên Chúa hướng dẫn cách mầu nhiệm mối quan hệ thánh thiện này và làm cho nó đơm hoa kết trái tốt lành trong Giáo hội. Như Thánh Vinh Sơn sau này đã nói “chúng ta biết rằng ý muốn của Chúa không thể được chúng ta biết rõ ràng hơn trong các sự kiện, khi chúng xảy ra mà không có sự can thiệp hoặc theo cách khác với cách chúng ta cầu xin.”[13]
Thánh Vinh Sơn qua việc linh hướng và các hoạt động bác ái đã dần dần đưa đời sống của Thánh Louise ra khỏi bóng tối của đêm đen đức tin. Bà đã nhận ra ý Chúa trong cuộc đời mình và dấn thân vào một ơn gọi mới là phục vụ người nghèo và người bệnh. Quả thật đó là mối liên hệ lý tưởng và thánh thiện giữa hai tâm hồn tìm kiếm thánh ý Chúa trong cuộc đời mình, cũng như tài năng tổ chức bác ái giúp đỡ người nghèo khổ và bệnh tật.
Hy vọng rằng, những gì chúng ta thấy trong giai đoạn ngắn ngủi này trong cuộc đời của hai vị thánh này, cho thấy tầm quan trọng của việc linh hướng trong đời sống thiêng liêng của cả hai Tu hội và trong đời tu. Đó là một việc làm cần thiết và quan trọng trong đời sống của mỗi thành viên Vinh Sơn. Thánh Vinh Sơn thường nói về nhu cầu linh hướng. Thánh nhân đã viết cho chị Nữ Tử Bác Ái Jeanne Lepeintre vào ngày 23 tháng 2 năm 1650, “việc linh hướng rất hữu ích. Đó là cơ hội để được khuyên bảo trong lúc khó khăn, động viên trong lúc mệt mỏi, là nơi ẩn náu khi bị cám dỗ và là sức mạnh khi thất vọng; tóm lại, đó là nguồn an lạc và an ủi, nếu vị linh hướng thực sự bác ái, thận trọng và kinh nghiệm.”[14]
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM
[1]CCD: IX, 192.
[2]CCD: XIIIb, 8.
[3] Vinícius Augusto Ribeiro Teixeira, Cm, The Paths of God and the Poor: The Spiritual Journey of Saint Vincent de Paul. http://vincentians.com/en/paths-god-poor-spiritual-journey-saint-vincent-de-paul/
[4] Louise de Marillac, Bút Tích Thiêng Liêng, A2.
[5] Thư của Thánh Vinh Sơn gửi Thánh Louise Marillac, ngày 30 tháng 10 năm 1626 (CCD I:26).
[6] María Teresa Barbero Echavarría, Louise De Marillac And Education, [saint Vincent de Paul, yesterday and today, xxxiv Vincentian studies week], editorial ceme, santa marta de tormes, salamanca, 2010.
[7] Louise de Marillac, Bút Tích Thiêng Liêng, 729 [A.54].
[8] CCD I: 64.
[9] CCD I: 70, thư 42.
[10] CCD I: 577, thư 400.
[11]Louise de Marillac, Bút Tích Thiêng Liêng, 644 (24 tháng 12 năm 1659).
[12]Louise de Marillac, Bút Tích Thiêng Liêng, 6 (12/1636).
[13] CCD V: 459.
[14] CCD III: 603.