Đôi Nét Về Giáo Xứ Thánh Antôn Padua Gusaweta
Trên đảo Kiriwina có hai giáo xứ: Giáo xứ Đức Mẹ ở Wapipi và Giáo xứ Thánh Antôn Padua ở Gusaweta. Hai giáo xứ cũng như đa số dân cư tập trung về phía bắc của hòn đảo. Từ xứ này qua xứ kia mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi xe đạp hoặc hơn 2 tiếng đi bộ (ước chừng trên dưới 10km).
Giáo xứ Gusaweta có khoảng 4 ngàn giáo dân ở rải rác đều nhau trong 6 giáo họ theo cách nói của Việt Nam, chứ bên đây người ta chỉ gọi là cộng đoàn (community) hoặc làng (village): Gusaweta, Luia, Kapwapu, Losuia, Bawai và Oluweta. Mỗi giáo họ đều có nhà nguyện riêng (trừ Losuia nhà nguyện bị cháy mấy năm nay nhưng chưa làm lại được).
Giáo họ là một đơn vị tổ chức gần như độc lập hoàn toàn với đầy đủ cơ cấu như một giáo xứ ở Việt Nam. Trong khi hội đồng mục vụ giáo xứ lại rảnh rang hơn, vì hầu hết các sinh hoạt đều được tổ chức ở giáo họ.
Trong giáo họ, có hai nhân vật quan trọng: chairman và catechist. Chairman, hiểu nôm na là trưởng giáo họ, là người điều hành chung mọi sinh hoạt cộng đồng, cách riêng những hoạt động bên ngoài. Trong khi, Catechist, thường được dịch là giáo lý viên, là người chịu trách nhiệm về các sinh hoạt tôn giáo trong cộng đoàn. Cả hai đều là những người rất có uy tín trong cộng, được người dân bầu hoặc chọn.
Catechist ở đây hoàn toàn khác với người giáo lý viên chỉ là người dạy giáo lý như ở Việt Nam. Giáo lý viên được ưu đãi hơn trưởng cộng đoàn, vì ông sẽ được cấp nhà trong khuôn viên nhà thờ, một kiểu như ông từ coi sóc nhà thờ. Ai được bầu chọn làm giáo lý viên thì sẽ đưa vợ con cháu chắt đến đây ở và được hưởng hoa lợi trên một phần đất giáo xứ.
Hiện nay, tạm thời chỉ có một thánh lễ ban chiều tại nhà thờ giáo xứ với khoảng 200 thiếu nhi đi tham dự, và khoảng chục người lớn. Việc đưa các em thiếu nhi đến nhà thờ là sáng kiến của các soeur. Trước đây có ít các em hơn, chỉ khoảng vài chục. Nay các soeur tổ chức lại ban giúp lễ, ban đọc sách và tổ chức các sinh hoạt ca hát múa nhảy cho các em sau thánh lễ. Nhờ vậy bầu khí chung ở nhà thờ nhộn nhịp hơn.(Giáo lý được dạy ở trường học như một môn học, nên không có lớp giáo lý ở nhà thờ như Việt Nam).
Ngày Chúa Nhật, thánh lễ ở giáo xứ lúc 8g, sau đó linh mục đi vào 1-2 giáo họ dâng thánh lễ. Trong khi các giáo họ khác cử hành phụng vụ Lời Chúa. Có thể thấy được người dân rất thiếu thánh lễ, mà lâu ngày thành quen nên họ không còn thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của thánh lễ nữa. Cũng vì thiếu linh mục, hoặc linh mục không đảm đương hết công việc, nên vai trò của linh mục đôi khi không còn thiết yếu đối với họ. Điều này quả thực là nguy hại đến đời sống thiêng liêng của người dân.
Đó là đôi nét tình hình hiện nay, sắp tới, sẽ có một vài thay đổi, sắp xếp. Xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện!
Cao Viết Tuấn, CM


