Đồng Hành Với Người Trẻ – Ơn Gọi Truyền Giáo Nơi Người Trẻ

0
2555

“Tôi là một sứ mạng trên mặt đất này,
đó là lý do vì sao tôi hiện diện ở đây trong thế giới này.”

(Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium, số 273).

Các bạn trẻ thân mến!

Chắc hẳn trong các bạn đã từng nghe nói về việc truyền giáo, hoặc về các nhà truyền giáo như là các linh mục, tu sĩ nam nữ, hoặc các nhóm giáo dân khác. Nhưng, có bao giờ các bạn nghĩ rằng, các bạn cũng là một nhà truyền giáo trong Giáo Hội và được mời gọi để sống sứ vụ truyền giáo này cùng với Giáo Hội?

Với hoàn cảnh của các bạn hiện nay, như đang là sinh viên đại học, hay học sinh cấp hai, cấp ba, hoặc là công nhân, nhân viên, các bạn không thể bỏ lại sau lưng tất cả những điều ấy, để vác balô, lên đường, đến các vùng xa xôi, để rao giảng Lời Chúa giống như các linh mục hay các tu sĩ được. Tuy nhiên, các bạn vẫn có thể cộng tác và thực hiện việc truyền giáo, từ ngay chính hoàn cảnh thực tế hiện nay của các bạn. Đừng ngại ngùng để đáp trả lại lời mời gọi này. Chúng tôi, các linh mục và tu huynh trong Tu Hội Truyền Giáo, mời gọi tất cả các bạn cùng truyền giáo với chúng tôi và chúng tôi, cũng sẽ cùng đồng hành với các bạn, để sống ơn gọi truyền giáo mà các bạn đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, trong Giáo Hội Công Giáo.

Trước hết, xin chia sẻ với các bạn hai câu chuyên nhỏ:

Câu chuyện thứ nhất

Các bạn biết, chị Marguerite Naseau (1594 -1633) là nữ tu đầu tiên đã đến gặp thánh Vinh Sơn để xin được phục vụ người nghèo. Chị là một thôn nữ nghèo, thất học, ở tuổi đôi mươi giống như các bạn. Nhưng chị đã xin đến và ở trong cộng đoàn của thánh Vinh Sơn và thánh nữ Louise, để chăm sóc các bệnh nhân và người nghèo ở đó. Cả thánh Vinh Sơn và thánh Louise đều nhận thấy nơi chị Marguerite những phẩm chất của một người có khả năng biện phân tiếng gọi của Thiên Chúa, để trở nên nữ tỳ của người nghèo. Thánh Vinh Sơn đã nói về chị “Tạ ơn Chúa vì đã gửi đến cho con cô gái đơn sơ này. Cô ấy hiểu ngay điều mà con không thể hiểu ra, là phải cần đến người nghèo để cứu giúp người nghèo.”

Câu chuyện thứ hai

Hội Ozanam, hay còn gọi tên khác là Hiệp Hội thánh Vinh Sơn Phaolô, được thành lập tại Paris vào năm 1833, bởi một sinh viên 20 tuổi, tên là Frederic Ozanam. Vào thời điểm đó, nước Pháp đang trải qua những biến động chính trị và xã hội to lớn. Khi còn là một sinh viên trẻ của trường đại học Sorbonne, Frederic Ozanam phải đi bộ qua vùng ngoại ô nghèo trên đường đến giảng đường đại học mỗi ngày và Ozanam đã được truyền cảm hứng, để đáp trả một cách thực tế với những tình huống mà anh ta thấy xung quanh. Frederic Ozanam đã tập hợp một vài người bạn và bắt đầu đến thăm những người nghèo đó, nơi nhà của họ, để mang đến cho họ tình bạn và sự hỗ trợ. Từ đó, nhóm nhỏ này được biết đến với cái tên Hiệp Hội thánh Vinh Sơn Phaolô, được đặt theo tên của vị thánh bảo trợ của các công việc bác ái trong Giáo Hội, và cũng là Đấng Sáng Lập của Tu Hội Truyền Giáo. Ngày nay, Hiệp Hội thánh Vinh Sơn là một tổ chức quốc tế hoạt động tại 149 quốc gia, với đủ mọi thành phần tham gia như: chính trị gia, công nhân, thương nhân, sinh viên, hưu trí nam nữ vv…để phục vụ người nghèo khổ dưới mọi hình thức.

Từ hai câu chuyện trên, tôi muốn mời gọi các bạn, hãy cùng với các thành viên Vinh Sơn chúng tôi, dấn thân trên con đường truyền giáo trong Giáo Hội. Đó cũng là một cách cụ thể để các bạn thăng tiến bản thân về mặt thiêng liêng và tông đồ, trên tiến trình xây dựng tương lai tuổi trẻ của các bạn, cách trưởng thành và hoàn thiện.

Các bạn được mời tham gia vào sứ vụ truyền giáo trong Giáo Hội, bởi những gì các bạn là và những gì các bạn làm. Thông qua công việc của các bạn, các bạn có thể là một mẫu gương sống động về đời sống của thánh Vinh Sơn, thánh Louise de Marillac, chân phước Ozanam hay chị Marguerite Naseau hay tất cả các vị thánh trong Giáo Hội, trong thế giới ngày nay. Tại nơi làm việc của bạn – làm thế nào để bạn trung thực với các giá trị, đạo đức, lập trường đức tin của bạn? Những giá trị nào là mạnh mẽ nhất trong bộ phận hoặc tổ chức của bạn? Bạn muốn tăng cường điều gì trong đời sống thiêng liêng? Đâu là điều các bạn có thể dễ dàng nói về Chúa, cho những người khác chưa biết Chúa, xung quanh các bạn?

Tôi muốn mời gọi các bạn hãy trở nên một người trẻ của việc truyền giáo, qua ba chiều kích trong cuộc sống của các bạn cùng với chúng tôi.

1. Cầu Nguyện (một chiều kích Tân Phúc Âm hóa bản thân)

Cầu nguyện và hành động đi đôi với nhau trong linh đạo Vinh Sơn. Tách biệt khỏi hành động, cầu nguyện có thể chuyển sang thoát ly – lạc trong ảo mộng và tạo ra ảo tưởng về sự thánh thiện. Tương tự như vậy, lăng xăng việc phục vụ hay luôn bận rộn, mà tách ly khỏi việc cầu nguyện, có thể trở nên nông cạn và thiếu sức sống. Một linh đạo thì đẹp nhất, khi nó giữ lời cầu nguyện và hành động luôn gắn liền với nhau. Thánh Vinh Sơn đã khẳng định rằng: lời cầu nguyện là một sự nâng cao tâm trí lên với Thiên Chúa, qua đó linh hồn vươn cao lên cùng Thiên Chúa để tìm gặp Ngài, trong chính mình. Đó là một cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, một sự giao thoa của tinh thần, trong đó Thiên Chúa dạy cho các bạn biết những gì các bạn nên biết và nên làm, và trong đó linh hồn nói với Thiên Chúa những gì đang cần phải cầu xin hay thân thưa với Ngài.

Nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô của sự dịu dàng và giàu lòng trắc ẩn trong lời cầu nguyện, các bạn dễ trở nên sẵn sàng hơn, để gặp gỡ và trợ giúp cùng một Chúa Kitô ấy, khi các bạn trở lại thực tại, để phục vụ người nghèo hay những người khác trong cộng đồng của mình.

Cầu nguyện là nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu. Với tư cách là những người truyền giáo, chúng ta được mời gọi trở thành những người chiêm niệm trong hành động. Tất cả các hoạt động của chúng ta tuôn chảy từ một đời sống cầu nguyện, bao gồm cả cầu nguyện cá nhân và cộng đồng. Lời cầu nguyện của chúng ta, nhịp đập sống động của tâm hồn chúng ta có thể là thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, viếng Thánh Thể, đọc kinh Mân Côi, làm giờ kính lòng thương xót Chúa, viếng Đài Đức Mẹ hay các thánh trong khuôn viên nhà thờ vv…

Các bạn có thể cộng tác cho việc truyền giáo, qua những việc thực hành cầu nguyện ở trên. Cùng với việc cầu nguyện, mỗi ngày, xin các bạn hãy hy sinh một việc nhỏ để cầu nguyện cho việc truyền giáo và các nhà truyền giáo trong Giáo Hội. Và tốt hơn nữa, các bạn cũng hãy cầu nguyện, để trở nên một nhà truyền giáo nhé!

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của giới trẻ, đã nói trong Tông Huấn Gia Đình Kitô Hữu rằng:

“Khi nghĩ đến vần đề hệ trọng này, tôi hết lòng tin tưởng và tha thiết kêu gọi các gia đình và giới trẻ. Các gia đình, nhất là các cha mẹ, cần ý thức rằng, họ phải hiến dâng phần đóng góp đặc biệt cho lợi ích truyền giáo của Giáo Hội, bằng việc nuôi dưỡng các ơn kêu gọi truyền giáo, nơi con cái nam nữ của họ.” (Familiaris Consortio, số 54).

Và trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, ngài nói với các bạc cha mẹ rằng:

“Ðời sống nguyện cầu thiết tha, cảm thức đích thực trong việc phục vụ tha nhân của mình, và việc tham gia nhiệt thành vào các hoạt động trong Giáo Hội, cống hiến các gia đình những điều kiện thuận lợi gieo mầm ơn gọi nơi giới trẻ. Khi cha mẹ sẵn sàng để cho một trong những đứa con của mình ra đi truyền giáo, khi họ xin ơn này nơi Chúa, Ngài sẽ ban cho họ vui mừng vào ngày có đứa con trai hay con gái của họ nghe thấy Chúa gọi theo Ngài.” (Redemptorist Missio, số 80)

2. Đời Sống Tông Đồ (một chiều kích Tân Phúc Âm hóa cộng đoàn)

Vào mỗi cuối ngày, hoặc thường xuyên nhất có thể, hãy hồi tâm và suy nghĩ về nơi các bạn đã gặp Chúa Kitô ngày hôm đó. Chúa đã ở đó, trong lòng các bạn, trước mặt các bạn, trong con người của các bạn, ở những hoàn cảnh này, những sự kiện kia. Thiên Chúa ở đó trong những người nghèo, những người thân yêu trong gia đình, hàng xóm và trong kinh nghiệm của các bạn. Hãy chia sẻ suy nghĩ của các bạn với các bạn trẻ khác, hoặc những người khác trong cuộc sống của bạn. Một chìa khóa trong suy tư tông đồ, đó là sự linh thiêng của mỗi người trong nhóm mà bạn gặp gỡ, mỗi người là một thành viên của Thân thể Chúa Kitô và do đó, một món quà, bạn cần khám phá và cũng để mình cũng trở thành một quà tặng cho người khác.

Tất cả các nhà truyền giáo trẻ trong cuộc sống là những người môn đệ, cam kết với chính Chúa Giêsu Kitô và sứ mệnh của Ngài. Trở thành môn đệ của Chúa Kitô, đòi hỏi một lời đáp trả để đi ra vùng ngoại vi, “vùng an toàn, hay chiếc nôi ấm áp” và kêu gọi người khác cũng trở thành môn đệ. Là những người trẻ truyền giáo, các bạn mong muốn trở thành nhân chứng của Chúa cho tất cả mọi người, hãy hành trình với một nhóm nhỏ cách thân mật, nơi giáo xứ hay cộng đoàn Kitô hữu gần nhất nơi các bạn đang sống. Bạn đáp trả để trở nên một người trẻ truyền giáo như thế nào?

Trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ hãy đi ra:

“Các bạn trẻ thân mến, đừng để cho tính năng động của tuổi trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín, trong đó cửa sổ duy nhất thông ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa của cuộc sống các bạn! Cầu xin cho thời gian và không gian của các bạn tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những người thực, là những người các bạn chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể của bạn về cuộc sống hàng ngày”.

Vì thế, với chiều kích này các bạn hãy tìm kiếm mọi cơ hội để phục vụ và tỏ bày tình yêu thương. Trước hết cho cha mẹ, anh chị em trong gia đình, cho hàng xóm láng giềng, giáo xứ, cho bạn bè đồng nghiệp và cho tất cả những người khác qua khả năng và kỹ năng của cá bạn. Qua các việc phục vụ ấy, nó sẽ trở nên một lời giới thiệu sống động về Chúa Giêsu cho người khác. Đấy là một cử chỉ truyền giáo từ chính trong cuộc sống của các bạn. Điều này dễ phải không bạn?

 Đức Giáo Hoàng Phaxicô cũng đã nói riêng với các bạn về truyền giáo, trong Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống về người trẻ như sau:

“Tôi muốn nhắc nhở rằng, không cần phải cố gắng nhiều để làm cho những người trẻ trở thành các nhà truyền giáo. Ngay cả những em yếu nhất, bị giới hạn và thương tích nhất cũng có thể thành những nhà truyền giáo theo cách riêng của các em, bởi vì chúng ta phải luôn để cho điều tốt đẹp được truyền đạt, ngay cả khi nó cùng tồn tại với nhiều yếu đuối. Một người trẻ đi hành hương để xin Đức Mẹ giúp đỡ và mời một người bạn hoặc một người bạn khác cùng đi, với cử chỉ đơn giản này, em làm một việc truyền giáo quý giá. Không thể tách rời khỏi mục vụ giới trẻ phổ thông những hành động truyền giáo thông thường không thể cưỡng lại được, là điều chọc thủng mọi kiểu mẫu thông thường của chúng ta. Chúng ta hãy đồng hành với điều ấy, cổ võ nó, nhưng đừng có ý điều khiển nó một cách quá đáng. (Christus vivit, số 239)

3. Nhân bản trong cộng đoàn xã hội (một chiều kích truyền giáo)

Các cộng đoàn truyền giáo của chúng ta bao gồm những người trưởng thành, đã lập gia đình hay còn độc thân và đều cam kết sống trọn vẹn trong Chúa Kitô. Cộng đoàn truyền giáo chia sẻ một tầm nhìn chung, cầu nguyện và biện phân với nhau, và làm tất cả mọi thứ vì vinh quang của Thiên Chúa. Mỗi thành viên thực hiện điều này bằng cách nắm lấy vai trò duy nhất của họ và bằng cách xây dựng niềm tin, thông qua sự chia sẻ với những tổn thương, hay hạnh phúc bằng cách an ủi và khích lệ. Cuộc sống cộng đoàn cung cấp một nơi an toàn, nhưng cũng đầy thách đố để sống đức tin của chúng ta.

Ai là người thân cận của tôi? Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, yêu cầu chúng ta dừng lại và suy nghĩ về anh chị em của chúng ta, nhất là nơi những người chưa biết Chúa: những người mà đang bị đánh đập, lạm dụng và bị thiệt thòi, bị bỏ rơi, bởi một thế giới dửng dưng hay áp bức, với nhiều hình thái khác nhau. Chúng ta được yêu cầu tìm đến với các anh chị em của chúng ta trên thế giới này và để thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu trong họ.

Hàng xóm của chúng ta là người tìm và cần đến chúng ta, người đang tìm kiếm Chúa Kitô với hy vọng và đức tin. Đôi lúc, các bạn cũng nên hỏi chính bản thân mình: tôi có nhìn thấy Chúa Kitô khi gặp mặt với người hàng xóm của tôi và người hàng xóm của tôi có nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô trong tôi không?

Vì thế, các bạn hãy cố gắng sống đẹp nhất qua cộng đoàn mà các bạn đang thuộc về như trường học, bệnh viện, công ty, văn phòng, cửa hàng, quán xá ….với những đức tính nhân bản Kitô giáo như trung thực, thật thà, lễ phép, lịch sự, liêm chính…Qua những hành vi, thái độ và những cử chỉ nhân bản ấy nơi cộng đoàn xã hội, thì đó là cách để các bạn truyền giáo cho những người xung quanh mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng nhiều vào giới trẻ, trong Sứ Điệp Truyền Giáo 2018, Ngài tâm tình với người trẻ rằng:

“Người trẻ là niềm hy vọng của sứ vụ truyền giáo. Con Người của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng mà Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ. Họ tìm cách hiến thân phục vụ nhân loại với lòng can đảm và nhiệt tâm. Có nhiều người trẻ đang cung cấp sự đoàn kết của họ chống lại các sự dữ của thế gian và tham gia các hình thức khác nhau của đấu tranh và hoạt động tình nguyện…. Đẹp thay khi thấy rằng các người trẻ đang là ‘những người rao giảng ngoài đường’, vui sướng đem Chúa Giêsu ra mọi nẻo đường, mọi quảng trường của thành phố, đến mọi ngóc ngách của trái đất!”

Chúa cần các bạn để giới thiệu Ngài cho người khác, bạn có muốn trả lời “vâng, con muốn” với Chúa?  Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với giới trẻ Chilê tại Đền Thờ Maipú, thành phố Santiago khi ngài có chuyến tông du tại đất nước này: “Đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cho đi, hoặc nghĩ rằng không một ai cần các con. Nhiều người cần các con. Hãy nghĩ về điều đó! Mỗi người trong các con, hãy nghĩ trong tâm hồn mình: nhiều người cần tôi.” (Vatican Media 17/01/2018).

Hãy quan tâm đến một mối quan hệ thực tế và cá nhân với những người đến từ nền văn hóa khác. Đây là một cách sống đẹp, và cũng là một tiến trình hoàn thiện nhân bản dưới chiều kích thiêng liêng, như được mô tả trong đoạn trích này từ Hiến pháp của Tu Hội Truyền Giáo:

Ưu tiên cách rõ ràng và cụ thể đối với hoạt động tông đồ dành cho người nghèo, bởi vì rao giảng Tin Mừng cho họ là dấu chỉ nước Thiên Chúa đã đến thế gian này (x. Mt 11, 5);

Chú ý đến các thực tại xã hội, đặc biệt là những nhân tố gây ra việc phân phối không đồng đều của cải trên thế giới, để chúng ta chu toàn tốt hơn vai trò ngôn sứ trong việc rao giảng Tin Mừng;

Chia sẻ một cách nào đó hoàn cảnh sống của người nghèo, để chúng ta không chỉ chăm lo rao giảng Tin Mừng cho họ, nhưng chính chúng ta cũng được Phúc âm hóa nhờ họ nữa.

Chúng tôi, các thành viên Vinh Sơn, sẽ cùng với những người trẻ các bạn, chúng ta hãy mang Tin Mừng đến cho tất cả mọi người nhé. Chúng tôi tin tưởng rằng, các bạn sẽ đáp trả lời mời gọi này, với tất cả con tim trẻ trung, tràn trề nhiệt huyết và sáng tạo, trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, cùng với chúng tôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô một lần nữa ngỏ lời với chúng ta qua Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng:

“Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến.” (Evangelii Gaudium số 3).

Trong ngày lễ Valentine này, cầu chúc các bạn luôn có một Tình Yêu đặc biệt dành cho Giáo Hội và cách riêng cho việc truyền giáo và phục vụ người nghèo, như tấm gương của hai người trẻ trong câu chuyện ở trên. Với ba chiều kích như đã nói, đó cũng là một cách dễ dàng và thực tế để các bạn Đón Nhận Tin Mừng, Sống Tin Mừng và Loan Báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, với vai trò của một người trẻ Kitô giáo trưởng thành.

Lời cầu nguyện của những người đồng hành cùng những người trẻ:

Lạy Chúa toàn năng,
Chúa đã kêu gọi mọi người đến với Chúa.
Chúa cũng đã mời gọi con cùng bách bộ với người trẻ,
và đồng hành với họ trên hành trình đức tin.
Chúa đã nuôi dưỡng con bằng Mình và Máu Thánh Chúa,
gìn giữ con thông qua thân mình Chúa là Giáo hội.
Xin hãy khích lệ con qua Lời Chúa.
Xin giúp con trở thành cánh tay nối dài, đôi chân sải rộng,
và giọng nói trầm ấm của Chúa, cho tất cả những người trẻ mà chúng con gặp gỡ.
Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Manila, valentine’s day 2020
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM