Quốc Dương, CM
1. Lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất Kon Tum, tôi ngỡ ngàng khi bà con chê nước bình. Sợ người ta đau bụng nên tôi mang bình nước để ngoài hiên nhà, vì nó tiện cho bà con uống nước. Tôi thấy bà con cứ uống nước giọt và khen ngon, ngọt hơn nước bình. Bởi từ nhỏ bà con đã quen thế rồi và không còn thấy đau bụng mỗi khi uống nước giọt.
Nhưng khi quay lại Kon Tum, tôi sống với bà con lâu hơn thì phát hiện ra: bà con ít uống nước giọt hơn và thường nấu với lá chè tươi hơn để uống. Nước giọt không còn ngon như ngày trước nữa hay sao?
Nước giọt mới nghe thường làm cho người ta lầm tưởng. Bởi nghĩ ngay là nước chảy ra từ vách núi và được bà con mang về để uống, hoặc sinh hoạt nấu ăn hằng ngày. Nhưng thực ra đây là nguồn nước được dẫn từ trên cao về, và thường không biết nguồn nước này bị ô nhiễm như thế nào.
Theo chân các em đi tìm hiểu nguồn nước mình đang sử dụng hằng ngày như thế nào. Tôi bắt gặp các em dùng những chiếc lá lớn hứng nước và đưa lên miệng uống ngon lành, không một suy nghĩ, không một đắn đo nào. Trong khi tôi không dám uống và không bao giờ có ý định uống đó một lần nữa. Và biết bao ký ức ngày xưa lại đến.
Nhớ ngày còn bé, mỗi lần quay nước giếng lên tôi phải uống một hơn thật dài, uống cho thỏa thuê rồi mới đổ nước vào lu. Nước giếng sao mà ngọt mà ngon thế. Không cần phải đun sôi rồi mới uống vẫn không sao cả. Thậm chí ngày đi lên rẫy không may bị hết nước, tôi xách can đi múc nước ở những mạch nước nhỏ để uống vẫn không sao, không bao giờ đau bụng. Nhưng khi đi xa nhà một thời gian, tôi vẫn uống giếng nước đó thì lại đau bụng, không bao giờ dám uống nước đó nữa. Có phải chăng sức đề kháng của tôi không còn nữa, hay nguồn nước đã bị ô nhiễm.
Khi đi lên tới nguồn nước, tôi mới phát hiện ra: nguồn nước ở đây chắc chắn đã bị ô nhiễm. Bởi ở đây, bà con vẫn làm ruộng, cấy lúa hằng năm, trâu vẫn dầm nước ở đây, mỗi lần cuốc ruộng thì nước bị đục lên, và bà con có sử dụng thuốc trừ sâu hay không nữa. Nhìn thấy thế, tôi mới biết thảo nào bà con cứ xếp hàng xin thuốc đau bụng. Và một lần tôi nghe nói: con không dám sử dụng nước với bà con, vì nước đó dơ lắm, con phải kéo dây khác và nhà thầy đang sử dụng đường nước đó. Tạ ơn Chúa vì lòng tốt của họ. Chứ đi tắm mà thấy con đĩa trong sô nước thì ai mà dám tắm nữa, huống hồ là phải sử dụng nước đó để nấu ăn.
Tưởng là một hồ nước rộng lớn, nhưng thực ra chỉ là một vũng nước khiêm tốn, úp một cái rỗ tre đã rách nát để cho lá khỏi làm nghẹt ống dẫn nước. Đây được coi là nước sạch, nước bà con vẫn uống. Đường ống phải dẫn hơn 2 km mới về được tới nhà. Nước mới đủ mạnh để cho vào bồn được, chứ khi nhà đông người phải hứng từng xô một để đổ vào bồn. Nhớ ngày nào vừa ngắm trăng vừa hứng nước, không thể nào tưởng tượng được.
Nước là nguồn sống của con người, là thứ thiết yếu nhất của bà con nơi đây mà vẫn còn như thế, thử hỏi những gì cần cho cuộc sống hằng ngày sẽ như thế nào đây.
2. Cuộc sống hằng ngày của bà con. Tuy lớn tuổi nhưng vẫn lao động hằng ngày, vẫn còn sức khỏe để mang những bó củi trên rẫy về để nhóm bếp.
3. Một vùng đất bạt ngàn cafe, đất đai màu mỡ nên bà con cũng đỡ vất vả hơn, nhưng vào sâu trong đó vẫn còn những bệnh nhân phong. Những con người vẫn còn bị kỳ thị, vẫn còn nhiều mặc cảm. Nhiều người đã phải sống cách ly với bà con, vẫn còn phải đi vào sâu hơn nữa.
Nơi đây các Ya vẫn âm thầm phục vụ bà con trong các làng. Cuộc sống của các Ya vẫn còn nhiều khó khăn, sống trong những căn phòng ngăn vách bằng tôn, hứng chịu cái nóng cái gió của vùng đất này. Các Ya còn phải kèm cái chữ cho các em biết đọc biết viết, còn phải lo cơm nước cho các em mỗi buổi đến lớp. Vì thế, mảnh đất sau nhà được tận dụng trồng rau để cải thiện bữa cơm cho các em.
Chân thành cảm ơn quý ân nhân đã chia sẻ cho bà con bệnh nhân phong, cho họ cảm nhận được tình yêu thương quan tâm của mọi người để họ vơi bớt nỗi đau của mình.
Thăm bệnh nhân phong cho ta cảm nhận niềm vui phục vụ và trở lại của thân yêu, nhớ lại người anh em trong nhà được biến đổi, vững tin vào Chúa qua đời sống phục vụ người khác khi chăm sóc bệnh nhân phong. Họ bị cưa tay cưa chân, họ bị đau chứ anh có bị cưa tay cưa chân đâu. Họ đau chứ anh có đau đâu. Nên phục vụ như thế nào cũng không thể bù đắp hết được nỗi đau của họ.
Thôi thì làm tốt công việc của mình là được, mọi sự sẽ được bù đắp thêm. Cầu chúc mọi người tìm được niềm vui trong cuộc sống.
4. Tôi ngồi đợi ông về vì có tý việc cần phải giải quyết trước khi về lại cộng đoàn. Ngồi lân la hết chuyện nọ đến chuyện kia, đợi mãi trên đầm ông mới về. Là thực khách bất đắc dĩ, tôi buộc phải ở lại dùng cơm với gia đình họ. Chén cơm ngon bên bếp lửa hồng thật tuyệt. Nhà không có điện, xin mãi giờ vẫn chưa bắt được.
Gia đình dùng bữa buộc phải bật những chiếc đèn pin để thấy đường ăn cơm. Cơm chỉ có ít lá rau hái trên rừng luộc tạm, một ít cá lòng tong nhỏ xíu, nhưng thật ngon. Ăn những con cá bé xíu, nhưng thấy được sự vất vả của những người mẹ phải dầm nắng để bắt từng con cá một. Vất vả cả ngày chỉ được bữa cơm có đồ ăn mặn cho cả nhà. Cứ nghĩ mà thấy thương, cứ nghĩ mà thấy tiếc, cứ nghĩ mà muốn nhắc nhở: nếu bạn ăn không hết trên bàn, xin bạn nghĩ đến những người khác không có gì ăn nên bạn đừng phung phí thức ăn, biết bao người đang đói, đang thiếu của ăn. Nhiều người vẫn còn ăn củ mì thay cơm hằng ngày, nhiều người vẫn còn ăn cháo với măng chua hằng ngày.
Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng rất ngon, đầy những yêu thương và cảm thông cho nhau.