Hướng về ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất

0
917

Năm nay là năm đầu tiên, chúng ta cử hành ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao tuổi theo sáng kiến của Đức giáo hoàng Phanxicô, như khi ngài tuyên bố thành lập ngày này vào Chúa nhật 31/01/2021, tại buổi đọc Kinh Truyền Tin. Ngày này sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật thứ IV của tháng Bảy, gần với ngày lễ hai thánh GioaKim và Anna, là ông bà ngoại của Đức Giêsu.

Cách nào đó, có thể có những ảnh hưởng của các bậc ông bà đến đời sống cá nhân của Đức giáo hoàng, mà nhất là bà nội của ngài, như ngài đã từng chia sẻ về bà nội Rose. Bà là người có đức tin vững mạnh, đơn sơ. Bà xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Piemont, di cư sang Argentina để thoát khỏi cảnh nghèo. Như trong một lần, ngài đã thổ lộ về tâm tình biết ơn dành cho bà nội của mình “Tôi có được một ơn lớn, tôi lớn lên trong một gia đình có đức tin được sống một cách đơn sơ và cụ thể; nhưng nhất là bà nội, người đã đánh động mạnh trong hành trình đức tin của tôi. Bà là người giải thích, nói về Chúa Giêsu, dạy giáo lý cho chúng tôi.”[i]

Lý do thứ hai để Đức giáo hoàng Phanxicô quan tâm một cách đặc biệt đến các bậc ông bà và người lớn tuổi, đó là trong thời kỳ đại địch này, chính ngài đã phải đau lòng chứng kiến tận mắt cả hàng dài các quan tài, mà những người lớn tuổi và các bậc ông bà, đã phải ra đi vĩnh viễn vì đại dịch Covid. Xem ra họ là những thành phần dễ tổn thương nhất trong cơn đại dịch này và ngài cảm nhận được sự cô đơn của họ, khi phải ra đi vĩnh viễn mà không có con cái, cháu chắt bên cạnh.

Như trong một thống kê đã cho biết, số người trên 75 tuổi chết vì Covid chiếm 25 % trong tổng số các nạn nhân.[ii] Theo một thống kê khác tại Mỹ, số người chết vì Covid trên 75 tuổi là 48,7 %. Số người chết ở Mỹ tại thời điểm hiện tại, thì số người trên 75 tuổi là 339.229 so với tổng số 592 682.[iii] Nhất là các bậc ông bà, cha mẹ trong các nhà dưỡng lão, từ lúc sống cho đến lúc chết, dường như chỉ cô đơn vò võ một mình. Qua đây, chúng ta thấy thấm thía những tư tưởng từ Thông điệp Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), Đức giáo hoàng Phanxicô đã viết “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn” (Tv 71,9). Đó là tiếng kêu van của người cao tuổi lo sợ bị lãng quên và coi khinh. Như thể Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên khí cụ của Ngài, để lắng nghe những lời kêu xin của người nghèo, Ngài cũng chờ đợi chúng ta lắng nghe tiếng kêu cứu của những người tuổi cao sức tàn” (Amoris Laetitia, số 191). Đấy cũng chính là lời kêu mời được lặp lại ngay trong đoạn đầu của sứ điệp ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao tuổi năm nay.

Ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao tuổi sẽ giống như một lời nhắc nhở thường niên cho tất cả bậc con cháu, biết nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của các đấng bậc đã sinh ra mình. Những người đã “mang nặng đẻ đau” và mang đến cho các con các cháu “một tấm hình hài”. Nhưng dưới tác động của một xã hội vật chất và mải miết với công việc, đôi khi con cháu đã không để ý và quan tâm cho đủ đối với cha mẹ, ông bà của mình. Điều tệ hại hơn nữa, là còn quên đi công ơn hồng ân đức tin, mà các bậc ông bà đã truyền lại cho con cháu.

Vì dù sao, các bậc ông bà đã đóng một vai trò quan trọng trong việc gầy dựng đức tin cho các thế hệ mai sau, như trong Thông điệp về người trẻ Christus vivid (Đức Kitô sống) đã khẳng định “Giới trẻ vươn mình đến tương lai và đầy nghị lực cùng sức năng động để đối phó với cuộc sống. Tuy nhiên […] đôi khi họ có khuynh hướng ít để ý đến ký ức của quá khứ mà mình xuất thân, đặc biệt là những điều tốt họ đã lãnh nhận được từ ông bà, cha mẹ, và hành trang văn hoá mà xã hội đã đem lại cho họ” (Christus vivid, số 187). Nên điều Đức giáo hoàng muốn nói ở đây, đó là dưới ảnh hưởng của những xu hướng văn hóa mới hay những tác động xã hội, thì vấn đề sẽ dẫn đến một nguy cơ “Đó là những bài ca quyến rũ làm mê ngủ về một tương lai không cội rễ và mất gốc” (số 188). Đó chính là sự đoạn tuyệt giữa các thế hệ, điều mà ngược lại, sự liên đới giữa các thế hệ sẽ là “nếu như người trẻ có sự hiểu biết và người già có sức mạnh, thì không có gì không thể làm được” (số 188).

Ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao tuổi cũng nhắc nhớ chúng ta về một nền văn hóa biết ơn và tri ân các thế hệ tiền bối “có những nền văn hoá biểu lộ một sự kính trọng đặc biệt và một tình yêu thương to lớn đối với những người cao niên: thay vì bị gạt ra khỏi gia đình hoặc bị coi như một gánh nặng vô ích, người già vẫn được hội nhập vào cuộc sống gia đình, tiếp tục dự phần vào đó một cách tích cực và có trách nhiệm – dù vẫn phải tôn trọng sự độc lập của gia đình mới – và nhất là người ấy thi hành một sứ mạng quý báu là trở nên chứng nhân cho quá khứ và nguồn mạch khôn ngoan cho các người trẻ và cho tương lai” (Familiaris Consortio, số 27). Đó là điều mong mỏi mà bất kỳ ai, dù trong nền văn hóa hay tôn giáo nào cũng đều cổ vũ. Đồng thời tinh thần này cũng chính là điều căn bản của một cuộc sống xã hội đạo đức.

Như vậy, thế hệ lớn và thế hệ nhỏ sẽ không bao giờ là sự gián đoạn, nhưng luôn là là một dòng chảy liên tục của dòng thời gian. Sự nối kết sẽ làm nên sức mạnh của một gia đình, mà người trẻ chính là giấc mơ của người già, như trong một buổi gặp gỡ tại chuyến công du Romani, Đức giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ “các ông bà nội ngoại mơ cho cháu của mình tiếp tục đi trên con đường đức tin và các cháu có được can đảm khi chúng được bén rễ.” Đây cũng chính là một trong ba trụ cột quan trọng trong sứ điệp ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao tuổi mà chính Đức giáo hoàng đã chia sẻ.[iv]

Quả thật, nhìn lại một số điều trong Kinh Thánh, chúng ta cảm nhận được tuổi già thật đáng quý trọng, nhưng cũng cảm nhận được sự yếu đuối của cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Như sách Đệ Nhị Luật đã khẳng định: “Yêu mến Đức Chúa… nghĩa là được sống, được sống lâu” (Đnl 30, 20). Người cao niên luôn được Thiên Chúa chăm sóc cách đặc biệt như hình ảnh tiên tri Isaia nói về dân Chúa: “Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát” (Is 46,4). Chính người già cả luôn có một chỗ trong trái tim Chúa.

Vì vậy, tất cả xã hội và Giáo hội cũng được nhắc nhở để ý quan tâm và chăm sóc đến họ, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng quan tâm nhắc nhở “cần nâng cao trong công luận ý thức rằng những người cao niên, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng đều là một nguồn lực đáng trân trọng. Vì thế, phải kiện toàn sự trợ giúp về kinh tế và những sáng kiến về pháp luật giúp họ khỏi bị loại trừ khỏi đời sống xã hội. Thật ra, trong thập niên qua, xã hội đã chú ý nhiều hơn đến các nhu cầu của họ, và y khoa đã phát triển những phương cách chữa trị giúp giảm đau, cùng với một phương cách tiếp cận toàn diện đối với người bệnh, tỏ ra đặc biệt có ích cho những ai bệnh hoạn lâu dài” (Sứ điệp Mùa Chay 2005 của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II)[v].

Cho nên, là các bậc con cháu hãy luôn cố gắng chú ý quan tâm chăm sóc ông bà cả về tinh thần lẫn vật chất, nhất là khi ốm đau bệnh tật, liệt giường liệt chiếu. Đấy là lúc càng ngài cần đến chúng ta và là lúc chúng ta đón lấy cơ hội để trả ơn và tri ân ân nghĩa sinh thành. Qua việc chăm sóc đó, không những chúng ta mang đến cho các ngài sự mạnh khỏe về thể chất, tinh thần, mà thậm chí còn đem lại đảm bảo cả sự sống đời này, lẫn đời sau cho các ngài (x. 1 Cr 6,13-20), vì“Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16,31).

Một vài tâm tình tản mạn cho ngày Quốc tế Ông Bà và Người Cao tuổi. Mong sao mỗi người trẻ và các gia đình, luôn biết quan tâm và kính trọng ông bà và người lớn tuổi trong gia đình, nhất là trong lúc các ngài ốm đau bệnh tật, và khi các ngài đang bị đe dọa cướp đi sinh mạng vì con Covid quái ác này.

Giáo hội Việt Nam lỡ hẹn một cử hành ngày lễ này năm nay với sự đông đúc nhất của các bậc ông bà và người cao tuổi, như Đức giáo hoàng khích lệ tổ chức một lễ như thế, vì đại dịch đang bùng phát tại Việt Nam. Mong sao Sài Gòn mau “khỏe,” Việt Nam và thế giới mau “khỏe” lại từ dịch Covid, để những ông bà lại được tiếp tục sống khỏe bên lũ cháu đàn con, trong tuổi già ân phúc của mình.

“Nhờ trời,… ước gì đây không là một bi kịch khác của lịch sử mà lại một lần nữa chúng ta chẳng học được gì. Ước gì chúng ta luôn nhớ đến những người già đã chết vì thiếu máy trợ thở, … Ước gì nỗi đớn đau dằn vặt lớn lao đó không trở nên vô ích, nhưng là bước tiến giúp chúng ta biết đổi mới cách sống. Ước gì chúng ta tái khám phá và vĩnh viễn nhận biết rằng chúng ta cần đến nhau, chúng ta mắc nợ lẫn nhau để nhờ đó, gia đình nhân loại được tái sinh”(Fratelli Tutti, số 35).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM


[i] Xem “Bà, cháu và giáo hoàng: niềm vui của đức tin không lời”, tại http://phanxico.vn/2019/06/02/ba-chau-va-giao-hoang-niem-vui-cua-duc-tin-khong-loi/  

[ii]Xem “Covid-19 Deaths Worldwide: Taken Together, People Under 75 Account for Most of the Years of Life Lost”, tại https://www.demogr.mpg.de/en/news_events_6123/news_press_releases_4630/press/covid_19_deaths_worldwide_taken_together_people_under_75_account_for_most_of_the_years_of_life_lost_8843

[iii] Xem “Number of coronavirus disease 2019 (COVID-19) deaths in the U.S. as of July 7, 2021, by age” https://www.statista.com/statistics/1191568/reported-deaths-from-covid-by-age-us/  

[iv] Xem thêm “Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ nhất”, tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-06/su-diep-dtc-phanxico-ngay-the-gioi-ong-ba-nguoi-cao-tuoi-lan-i.html

[v] Xem Augustinô Đan Quang Tâm, Đức Chân Phúc Gioan Phaolô Ii Bàn Về Tuổi Thọ Và Người Cao Tuổi http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=109&ia=9965