Cao Viết Tuấn, CM
Gần 6g tối, chúng tôi mới đặt chân đến xã Mang Buk, huyện Kon Plông. Nơi đây vốn chỉ có lác đác một vài gia đình người Sơđăng theo Công giáo, thuộc giáo xứ Kon Xơmluh. Vào các dịp lễ lớn, họ phải đi 2-3 ngày đường đến giáo xứ Kon Xơmluh hoặc nhà thờ Chính Toà để tham dự thánh lễ.
Từ năm 2008, các cha Vinh Sơn đã vào đây giúp đỡ bà con trong việc dạy giáo lý, phát thuốc, giúp đỡ những người nghèo và tìm đất xây dựng nhà nguyện. Ngày 9 tháng 4 năm 2015, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đã chính thức bổ nhiệm cha Gioan Nguyễn Đức Hoà đến Đăk Ngó, xã Mang Buk làm công tác mục vụ và truyền giáo. Đến ngày 19 tháng 3 năm 2016, Đức Cha Alosio Nguyễn Hùng Vị đã quyết định thành lập giáo xứ Đăk Ngó và cha Gioan được bổ nhiệm làm cha chính xứ.
Trong thời gian đó, giáo xứ chưa có cơ sở vật chất gì đáng kể. Sau những nỗ lực của bà con giáo dân cùng với quý cha, quý thầy, quý sơ và các ân nhân, giáo xứ đã có một ngôi nhà thờ tạm bằng gỗ dựng cheo leo trên đồi cao làm nơi để bà con đến tham dự thánh lễ và các cử hành phụng vụ. Công trình vẫn đang còn tạm bợ và dang dở.
Ngồi ở nhà xứ, chúng tôi nhìn xuống cánh đồng lúa chín bạt ngàn đang còn được bà con thu hoạch. Một cảnh tượng rất đẹp mắt và đầy ý nghĩa, cũng giống như mảnh đất truyền giáo nơi đây vẫn đang chờ đợi các thợ gặt lành nghề đến thu hoạch lúa, một mùa lúa đang chín. Mình càng thấm thía và tâm đắc lời than thở của Chúa Giêsu năm xưa: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ đi gặt lúa về.
Chúng tôi ăn cơm tối với có hai thầy Đại chủng sinh đến đây giúp xứ trong mùa hè này. Nhìn ra bên ngoài, chúng tôi thấy các ánh đèn pin lập loè leo lên đồi. Tuy là mùa gặt, nhưng bà con vẫn dìu dắt nhau nhau đến lần hạt, cõng địu theo các em nhỏ. Một điều rất dễ thương đó là mỗi người mang theo một cánh hoa đem dâng cho Đức Mẹ.
Lần hạt xong, các em trong ca đoàn ở lại tập hát cho thánh lễ Chúa nhật vào hôm sau. Nhìn khuôn mặt non trẻ của các em người ta có thể đoán được các em còn ở tuổi 18-20, nhưng hầu hết các em đã có chồng con từ mấy năm nay. Tối hôm nay các em tập dợt lại cùng với cây đàn Tơ-rưng để ngày mai hát lễ. Đây sẽ là lần đầu tiên cây đàn Tơ-rưng được đưa vào sử dụng trong phụng vụ tại nhà thờ Đắc Ngó này.
Sương đêm xuống mịt mờ làm cho bầu khí tĩnh lặng của núi rừng nơi đây càng thêm tĩnh mịch. Nằm ngủ ở đây, mình phải đắp chăn dày. Dường như căn nhà gỗ với nhiều khe hở không chặn được sương gió từ bên người ùa vào. Sương đọng lại trên mái tôn chảy xuống theo các sóng tôn nhỏ xuống mái tôn lớp dưới tạo nên những tiếng tí tách đều đặn theo một giai điệu chậm rãi, như tiếng đàn tơ rưng gõ chậm từng nốt một…
5 giờ sáng, các cha và thầy đọc kinh phụng vụ. Sau đó, người dân cũng lần lượt lên nhà thờ. Nhiều người mẹ, người chị địu theo những em bé còn đang ngái ngủ sau lưng mẹ và chị. Như một thói quen đạo đức tốt lành, rất đông người xếp hàng dài xin giải tội, trong khi cộng đoàn đọc kinh bằng tiếng Sơđăng nhịp nhàng du dương.
6 giờ, thánh lễ bắt đầu trang nghiêm sốt sắng trong ngôi nhà nguyện gỗ đơn sơ đang còn thiếu thốn nhiều thứ. Tiếng ca hát, tiếng đàn Tơ-rưng chuyển tải những tâm tình con thảo của người dân đối với Thiên Chúa mà đa số họ chỉ mới biết 2-3 năm gần đây. Tiếng Kinh, Sơđăng, tiếng Banah xen lẫn nhau cho thấy một Giáo hội Công giáo và duy nhất.
Chiều nay, các thầy sẽ rời giáo xứ trở về Đại chủng viện. Do đó, người đại diện giáo dân nói lời cám ơn các thầy. Sau đó, các thầy nói lời cám ơn cha xứ và giáo dân. Lễ xong, các em thiếu nhi ở lại cùng chia nhau cái bánh, hộp sữa, cùng ca hát, chơi trò chơi một lần cuối với các thầy.
Khi mọi người đã giải tán, chúng tôi vội ăn sáng, mỗi người một gói mì để tiếp tục hành trình, ghé thăm một vài giáo điểm trước khi về lại cộng đoàn. Đi xuống chân đồi trước khi rời Đắc Ngó, cha xứ hướng dẫn người dân làm vệ sinh một căn nhà nhỏ ven đường mà cha đã chuẩn bị để đón các sơ sẽ đến phục vụ lâu dài. Sắp tới đây, sẽ có thêm các cha tăng cường cho điểm truyền giáo nơi đây. Nhờ đó, công cuộc truyền giáo sẽ được đẩy mạnh và thu hoạch được nhiều hoa trái. Đoàn dân Chúa sẽ được thêm đông số, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được cải thiện. Mùa gặt bội thu vẫn còn đầy hứa hẹn ở trước mắt.