Kon Tum Kí Sự IV: Nhà Thờ Chính Toà (Nhà Thờ Gỗ) – Toà Giám Mục

0
1040

Cao Viết Tuấn, CM

Lên Kon Tum, người ta sẽ nghĩ ngay đến hai công trình kiến trúc độc đáo là nhà thờ chính toà và chủng viện thừa sai. Do đó, mình tranh thủ đến thăm hai nơi này, ghi lại một vài hình ảnh và giới thiệu đôi nét lịch sử.

Nhà thờ Chính Toà

Nhà thờ chính tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ Gỗ Kontum, được xây dựng vào năm 1913 do các linh mục người Pháp khởi xướng, và đến năm 1918 mới hoàn thành, với diện tích sử dụng hơn 700m2. Ngôi nhà thờ này theo kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na – sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên Việt Nam.

Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là gỗ cà chít. Các bức tường của nhà thờ đều được xây bằng kiểu vữa trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam. Bên trong nhà thờ, hệ thống cột gỗ, rui mè tuy không chạm khắc tỉ mỉ nhưng nét hoa văn đã thể hiện được chất đôn hậu, khoẻ mạnh của người Tây Nguyên.

Chủng viện Kon Tum

Chủng viện Thừa Sai Kon Tum bao gồm Toà Giám mục Kon Tum, được xây dựng vào năm 1935 và hoàn thành vào năm 1938. Chủng viện tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn, bốn phía được bao bọc bởi những bức tường cao, mặt chính nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum.

Đây cũng là một công trình kiến trúc kết hợp hài hoà giữa lối kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống. Vật liệu chính xây dựng Chủng viện được làm bằng những loại gỗ quý hiếm của núi rừng Kon Tum, có độ bền cao với thời gian. Từ mộng lắp ghép đến các hoa văn trang trí đều phù hợp với chức năng của từng phòng, thể hiện nét tài hoa, sắc sảo của bàn tay người thợ.

Nằm khuất sau hai rặng sứ (cây đại) lâu năm và những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát, Chủng viện mang dáng vẻ yên bình, tĩnh lặng như chính nhịp sống của người bản địa Kon Tum. Qua cánh cổng nhỏ, du khách có thể chậm rãi rảo bước và cảm nhận mùi thơm dìu dịu của hoa sứ, hoa ngọc lan.

Bên cạnh chủng viện còn có nhà hưu dưỡng dành cho các linh mục. Mình rất ấn tượng với bức tường dài được trang trí bằng các mảnh gạch vụn được ghép lại thành các hình ảnh rất nghệ thuật và giàu ý nghĩa. Đây là công trình của một cha cố đang nghỉ hưu ở đây. Thật đáng nể phục, khi ở tuổi xế chiều, cha cố vẫn nỗ lực đóng góp công sức của mình để làm cho thế giới đẹp hơn, ý nghĩa hơn.