Kontum Nỗi Nhớ !

0
872

Tạm biệt Đà Lạt mộng mơ với không khí trong lành cùng với những đồi thông vi vút gió, tôi bước chân lên xe để mục vụ tại một vùng đất chưa hề đặt chân đến. Kontum! Một cái tên nghe rất quen với những người con của vùng đất Tây Nguyên. Vùng đất với những cây rừng cổ thụ đứng sừng sững trước những thử thách của nắng gió mưa ngàn, là nơi cư trú cho 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Jẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm và muôn loại chim muông cầm thú.

Nhà thờ Kon Bơbăn

Tôi, một con người nhút nhát với biết bao nỗi trăn trở khi đi phục vụ tại vùng quê này. Trên con đường đi từ Đà Lạt đến Kontum, tôi không khỏi tự đặt câu hỏi cho mình: Tôi sẽ làm được gì đây cho những người con của Chúa ở vùng cao nguyên này? Liệu ngôn ngữ của tôi có làm họ khó hiểu không? Và tôi phải sống thế nào để họ biết Chúa ở cùng họ? Những câu hỏi đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Thế rồi, bóng chiều tàn phai theo thời gian, tôi giật mình tỉnh thức. Ôi! Kontum đây sao, tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh hiu buồn của nơi đây. Sau một chuyến đi dài khoảng 500km đường đèo và rừng, tôi đã ở đây.

Điểm kế tiếp tôi phải đi đến là một ngôi làng với cái tên nghe rất lạ Kon Bơbăn. Ở đây, tôi gặp cha phụ trách coi sóc giáo xứ Kon Bơbăn với ngôi nhà thờ đơn sơ nhưng chất chứa đầy tình người. Công việc đầu tiên, tôi dạy giáo lý cho các em xưng tội rước lễ lần đầu. Tôi vui khi được nhìn thấy những nụ cười thật hồn nhiên, ngây thơ cùng những trò chơi dân gian thật thú vị, mà đã từ lâu tôi chưa được thấy. Xen kẽ đó, lại có điều làm tôi buồn và suy nghĩ: có những em đã học đến lớp 8, 9, thế mà lại không đọc được chữ, tại sao? Đây có lẽ là một câu hỏi quá lớn trong đầu tôi và cho những ai chưa từng đến đây. Nhưng với sự giải thích nhiệt tình của cha xứ và anh em, tôi đã hiểu, xã hội ngày nay quá vật chất chạy theo số lượng và thành tích kể cả khi đào tạo con người.

Tưởng chừng chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng sau một thời gian cùng ăn chung ở cùng với họ, tôi cảm thấy đây có lẽ là nơi truyền giáo thực sự cho những người muốn dấn thân trong việc truyền giáo. Vài ngày rồi lại vài tuần, tôi dần tìm được hơi ấm từ những người dân xung quanh. Thật ra, chúng ta nói họ là Dân tộc, chắc họ rất hoang sơ và ứng xử theo “luật rừng”…, nhưng trái lại, họ có một thứ tình mà chính bản thân tôi cũng như bao người đang đi tìm kiếm, đó là sự chân thật, đó là tình người trong sự bình an. Sau những ngày sống ở đó, tôi tìm ra được nhiều lẽ sống rất hay cho chính mình và con đường mình đang đi. Tôi hỏi một em trong ca đoàn:

“Em có ước mơ gì cho tương lai không?

– Có chứ thầy, nhiều lắm!

Kể thầy nghe xem

– Lấy một người chồng tốt với mình, đủ ăn hằng ngày, sinh con đông (khoẻ).

Trời! tôi giật mình, đây có lẽ là ước mơ đơn giản nhất mà tôi từng nghe, lấy người chồng tốt ai cũng muốn, đủ ăn ai cũng ước, con đông (khoẻ) ai cũng thèm khát. Tuy nhiên, điều tôi giật mình ở đây là sự ngây ngô trong cách suy nghĩ, bởi ngày nay dù ở đâu đi nữa ai cũng muốn mình trở thành một phần tử nổi bật nào đó trong xã hội, họ cạnh tranh, chèn ép, áp bức, đẩy nhau vào chỗ tận cùng của xã hội, nhưng người dân ở đây thì không. Thế nên, tôi đã bị cuốn hút bởi lối suy nghĩ đó, tôi nói với em: “Em như vậy là hạnh phúc hơn tôi rồi đó”. 

Đại ngàn Tây Nguyên với những cơn mưa rừng lòng ta da diết, với những màn đêm làm ta sợ hãi, với không gian làm ta bồn chồn. Tây Nguyên là thế thưa các bạn! Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được thực tại khi đã đặt chân đến vùng đất này. Con người nơi đây, hình như được Chúa ban cho một ngọn lửa đầy ắp sự ấm cúng của tình người, chúng có thể xoá tan đi mọi âu lo trong tâm hồn của những vị khách lạ. Những đứa trẻ với nét ngây thơ, trong trắng là liều thuốc đánh tan đi sự mệt mỏi của công việc, cha xứ kể: “mỗi lần cha đi dâng lễ các làng về, người rất mệt, trên đường về, thấy mấy đứa nhỏ chạy ra lề đường chào Papa. Tự nhiên, cha hết mệt và vui trở lại.”

Thế là, tôi phải tạm biệt vùng đất Kontum với biết bao kỷ niệm mến thương gửi lại nơi vùng đất đầy lửa yêu thương này. Tôi lại lên đường trở về Học Viện, bắt đầu một chương trình học mới, với những khó khăn thử thách phía trước. Tôi thấy Thiên Chúa thật tài tình khi sắp đặt những con người như thế để hoà hợp vào một khung cảnh thiên nhiên đẹp như vậy. Kontum, xin cho tôi ghi vào tâm hồn sự sinh động, hồn nhiên, ngây thơ và ấm áp của ngươi. Ngươi đã cho tôi nhiều động lực để bước đi. Có lẽ Thiên Chúa đã cho tôi thấy cảnh khó nghèo này để xác tín hơn với linh đạo “Phục vụ người nghèo là phục vụ Đức Kitô” của Thánh Vinh. Xin Chúa ban muôn phúc lành cho ngươi, và cho tất cả những con người đã xem thiên nhiên nơi đây là nhà. Hỡi Kontum! Xin cho tôi gọi tên ngươi để nhớ mãi và xin gửi một lời cám ơn đến cha và những người giúp đỡ tôi trong những ngày phục vụ. Kontum nỗi nhớ của tôi.

Sinh viên Khóa 19