Loan Báo Tin Mừng Cứu Độ Tiếp Bước Thánh Vinh Sơn

0
1185

Emeric Amyot d’Inville, C.M.

Với tư cách là những nhà truyền giáo, một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của chúng ta cốt ở việc xây dựng đức tin cho những con người thường hay bối rối, yếu đuối trong đức tin, những người bị cám dỗ bởi các bè phái, hoặc đôi khi, những người vô tín đang tìm kiếm đức tin. Như vậy, điều thiết yếu là loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Nói cách khác, đó là lời rao giảng kerygma đã được Giáo Hội loan báo kể từ ngày lễ Ngũ Tuần. Và từ nền tảng đó chúng ta trình bày về đức tin cách toàn diện, để giúp con người trong thời đại chúng ta hiểu thấu đáo hơn đức tin của họ và sống đức tin ấy một cách sắc nét. Việc loan báo đức tin này thông qua các cuộc đại phúc – khởi đầu khi chúng ta đặt trọng tâm vấn đề vào cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Kitô vì ơn cứu rỗi của chúng ta – sẽ là chủ đề cho ngày hôm nay. Vào ngày mai, chúng ta sẽ tiếp cận một khía cạnh khác: thái độ đạo đức và việc hoán cải đời sống.

Suy tư mà tôi đang đưa ra cho anh em sẽ khởi đi từ kinh nghiệm của thánh Vinh Sơn. Đối với thánh nhân, đây chính là khía cạnh trung tâm trong sứ vụ truyền giáo của ngài. Tôi mong muốn kinh nghiệm và giáo huấn từ vị sáng lập có thể mưu ích cho chúng ta khi suy ngẫm về lãnh vực giảng đại phúc ngày nay vốn không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng theo như tôi nhận định lãnh vực đó phải luôn được xem là điều căn bản.

1. Tình trạng ngu dốt về tôn giáo

Như chúng ta đã thấy vào ngày hôm qua, thánh Vinh Sơn đã bị đánh động bởi sự ngu dốt hoàn toàn về đức tin nơi những người dân quê nghèo khổ bị Giáo Hội bỏ rơi. Theo như thánh nhân, họ ngu dốt đến mức ơn cứu độ của họ có nguy cơ rơi vào nguy hiểm. Thánh nhân nói với các nhà truyền giáo: Sự thiếu hiểu biết của người nghèo thật không thể tưởng tượng được.”[1] Ngài viết thêm: “Họ thậm chí không biết có bao nhiêu Thiên Chúa, có bao nhiêu Ngôi vị Thiên Chúa.”[2] Các bản báo cáo về việc truyền giáo cung cấp nhiều mô tả về sự thiếu hiểu biết trầm trọng này. Cha Etienne Blatiron viết từ Corsica, khi hỏi liệu có một Thiên Chúa không hay có vài Thiên Chúa? và ai trong số Ba Ngôi đã mặc lấy xác phàm vì chúng ta? thì cũng giống như chúng ta đang nói tiếng Ả Rập với họ vậy! Các thí dụ như thế có lẽ phải nhân thêm bội phần, vì các báo cáo có đầy dẫy những mô tả về tình trạng tồi tệ nơi những người dân vùng quê đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo nhưng thiếu hiểu biết và không sống theo đức tin. Và do đó tại một số vùng, nhiều người trong số đó đã chuyển sang Tin lành, vì họ nói rằng họ không được nghe Giáo Hội Công giáo đề cập đến Thiên Chúa! Đó chính là những lời than thở của thánh Vinh Sơn.[3]

Tại sao sự ngu dốt về tôn giáo này lại trở nên nghiêm trọng đến thế? Thánh Vinh Sơn đưa ra câu trả lời sau đây cho các nhà truyền giáo của ngài: “Làm sao một linh hồn không biết gì về Thiên Chúa, cũng như không biết gì về những điều Ngài đã thực hiện vì tình yêu, lại có thể tin tưởng, trông cậy và yêu mến? Và làm sao linh hồn ấy có thể được cứu rỗi nếu không có đức tin, đức cậy và đức mến?”[4] Chính vì lí do đó mà cần phải loan báo Đức Kitô là Đấng cứu độ.

2. Loan báo Tin Mừng ơn cứu độ

Phương thế mà thánh Vinh Sơn đưa ra để giải quyết tình trạng đáng buồn này chính là các cuộc đại phúc. Thánh Vinh Sơn nói với các anh em của ngài: “Giờ đây, Thiên Chúa mong ước lòng thương xót vô biên của Ngài mang đến một phương dược cho tình trạng này ngang qua các thừa sai, khi sai họ đi để cho những con người đáng thương ấy được cứu độ.” Và thánh nhân còn thêm: Ôi Lạy Đấng Cứu Thế! Ngài đã khởi sự một Tu Hội vì mục đích này; Ngài đã sai Tu Hội ấy đến với những người nghèo và mong ước Tu Hội làm cho danh Ngài được biết đến là Thiên Chúa thật và Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Ngài đã sai đến trần gian, để nhờ đó họ có được sự sống đời đời.”[5] Chính qua sự nhận biết Thiên Chúa duy nhất chân thật và Con của Người là Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế mà ơn cứu độ đã đến với chúng ta. Đó chính là cốt lõi của đức tin. Đức tin ấy nằm ở trung tâm của việc dạy giáo lý, nhờ đó, những người tin nhận và sống đức tin ấy sẽ lãnh nhận được sự sống mới là sự sống vĩnh hằng.

Trong Luật Chung, chúng ta biết một sự kiện đó là thánh Vinh Sơn đã đặt ra cho các nhà truyền giáo mục tiêu ra đi đến các làng mạc và thôn xóm theo gương Chúa chúng ta và các môn đệ của Người, bẻ bánh Lời Chúa cho những người bị bỏ rơi.[6] Việc đầu tiên là giảng dạy về các chủ đề đạo đức nhằm nỗ lực bù đắp nhiều xáo trộn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của người thường sống xa rời với lý tưởng Phúc Âm.

Về phần này, việc dạy giáo lý có mục đích là sự chuyển giao đức tin. Chính điều sau làm cho chúng ta quan tâm và dầu sao đi nữa đó cũng là điều hệ trọng nhất trong mắt thánh Vinh Sơn, như đã được viết vào năm 1638: “Hoa trái từ các cuộc giảng đại phúc đến từ các lớp học giáo lý[7] bởi vì đức tin của người giáo dân được xây dựng và củng cố nhờ những lớp học ấy.

Cách cụ thể, việc dạy giáo lý có mục đích là loan báo các mầu nhiệm chính yếu của đức tin (mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể và Bí tích Thánh Thể) cũng như các điều răn của Thiên Chúa, kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha. Các nhà truyền giáo phải giải thích cho họ trong cách thức đơn giản nhất bằng cách thích nghi với khả năng của những con người rất đơn sơ vốn không được giáo dục đầy đủ này. Thật không may, chúng ta chỉ có một bản văn duy nhất về các bài giảng giáo lý của chính thánh Vinh Sơn. Đó là bài giảng về Chúa Ba Ngôi được giảng trong một cuộc đại phúc dành cho những người nghèo ở nhà tế bần (hospice) Danh Thánh Đức Giêsu, trong khoảng thời gian mùa hè năm 1631 (XIII, 156 -163). Bài giảng đó thật tuyệt vời. Chúng ta có thể tìm thấy trong đó những đoạn đối thoại kiên nhẫn của thánh Vinh Sơn với tất cả những hình ảnh đơn sơ nhưng hùng hồn mà ngài đã chọn lựa để đưa vào thông điệp của mình.

Đọc sơ qua về thánh Vinh Sơn có thể khiến chúng ta nghĩ rằng, qua những bài giáo lý, chính ngài và các nhà thừa sai đã hài lòng với việc truyền bá đức tin, một mức nào đó, bắt học thuộc lòng những chân lý quá trừu tượng với những người không có khả năng đón nhận bất cứ thông điệp ơn cứu rỗi nào. Điều đó không thể không có đối với một số thừa sai có thể đã tỏ ra có khuynh hướng đó, hay được lợi dụng sự sợ hãi quá độ của dân chúng và đe dọa về hỏa ngục nếu người dân không phục tùng, cho dẫu sự phóng đại này đã khá thịnh hành trong thời điểm đó.

Tuy nhiên, mục đích sâu xa nhất của thánh Vinh Sơn, và rất có thể là thói quen của ngài, thì lại khá khác biệt với điều trên. Đối với thánh nhân, Tin Mừng chính là điều cần phải được loan báo phù hợp với những gì mà ngài đã đặt làm khẩu hiệu trên con dấu của Tu Hội: Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Điều ấy có nghĩa là sự sống mới và tình yêu đến từ Chúa Kitô giải thoát chúng ta và chúng ta được mời gọi noi gương theo tình yêu ấy đối với Thiên Chúa và những người xung quanh. Đó là ngọn lửa nơi tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bắt nguồn từ chính Đức Giêsu và ngọn lửa ấy phải được lan truyền. Chúng ta sẽ phủ đầy thế giới này bằng tình yêu ấy, thánh nhân nói với các nhà truyền giáo: “Do đó, ơn gọi của chúng ta là ra đi không phải tới một giáo xứ hay chỉ trong một giáo phận mà thôi nhưng đến tận cùng trái đất này. Mục đích là gì? Để làm bừng cháy tâm hồn con người điều mà Con Thiên Chúa đã thực hiện; ngài đã đến ném lửa vào thế gian và tỏa lan tình yêu của Ngài; chúng ta còn mong ước điều gì khác hơn tình yêu của Ngài bừng cháy và thiêu đốt tất cả? Chúng ta hãy suy ngẫm về điều ấy. Sự thật đó là chúng ta được sai đi không chỉ để yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn là để Người được yêu mến. Chỉ mình tôi yêu Chúa thôi thì chưa đủ nếu người anh em tôi chưa yêu Chúa. Tôi phải yêu mến người lân cận là hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng của tình yêu Ngài và khiến cho mọi người yêu mến Đấng Tạo Hóa đáng mến nhất của họ, Người biết họ và nhìn nhận họ là anh em và đã yêu họ đến nỗi sai Con Của Ngài đến để chết cho họ…[8] Đó là toàn bộ mục đích của cuộc đại phúc, bắt đầu với việc loan báo Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

3. Nhà truyền giáo phải có kinh nghiệm được cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô

Thực vậy, làm sao tôi có thể chuyển giao ngọn lửa thần linh này nếu ngọn lửa ấy không bừng cháy trong chính con người tôi là một nhà truyền giáo? Điều đó không thể xảy ra được. Việc đó sẽ giống như là người mù dẫn người mù. Đó là lý do khiến thánh Vinh Sơn tuyên bố: “Giờ đây, nếu chúng ta thật sự được mời gọi mang tình yêu của Thiên Chúa tới mọi nơi, nếu chúng ta bắt buộc phải đốt cháy tâm hồn của những người đó bằng ngọn lửa ấy, thì lẽ nào chính tâm hồn của chúng ta lại không bừng cháy ngọn lửa thánh thiêng này! … Chúng ta sẽ lan truyền ngọn lửa ấy cho người khác thế nào được nếu chính chúng ta không có nó?[9]

Giờ đây, thánh Vinh Sơn biết mình nói gì khi loan báo Tin Mừng được cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, khi ngài nói về tình yêu của Người và về các tổ chức bác ái xuất phát từ Thiên Chúa và toả ra cho những người xung quanh. Chúng ta biết rằng giữa cơn khủng hoảng cá nhân và đau khổ về tinh thần, thánh Vinh Sơn đã trải nghiệm ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu Kitô mang đến. Tại một thời điểm nào đó, cuộc đời ngài đã được biến đổi và được mở ra cho Thiên Chúa và cho những người lân cận thông qua việc tận hiến bản thân. Biến cố ấy có thể được gọi là cuộc hoán cải của ngài. Chúng ta đều biết rõ những gì đã xảy ra. Hãy nhớ lại rằng trong nhiều năm, cuộc sống của thánh nhân chỉ tập trung vào chính bản thân ngài. Ngài đã tìm kiếm của cải vật chất và danh vọng trong xã hội, theo đuổi phẩm vị trong Giáo Hội và lợi ích cá nhân bằng cách tiếp xúc với những người có uy thế.

Nhưng điều ấy chỉ mang đến cho thánh nhân sự trống rỗng và vỡ mộng. Vì vậy, để thoát khỏi tình trạng ấy, ngài đã tìm một vị linh hướng là Đức Giám mục Berulle. Thời kỳ đen tối ấy đã kết thúc qua cuộc khủng hoảng tinh thần lâu dài và đau đớn trong lúc ngài trải qua những hoài nghi về chính nền tảng đức tin của bản thân. Đó là một đêm tối kéo dài khoảng bốn năm khi ngài ở trong gia đình de Gondi. Tất cả các hành động hãm mình và bác ái mà ngài có khả năng thực hiện không thể xua tan đi nỗi nghi hoặc của bản thân ngài. Cha Abelly nói với chúng ta rằng thánh nhân đã viết Kinh Tin Kính trên một tờ giấy và đặt chính ngay bên cạnh trái tim ngài như một phương thuốc chống lại sự dữ mà ngài đang chịu đựng. Và để bày tỏ một sự kháng cự đối lại mọi suy nghĩ chống lại đức tin, ngài đã lập một thoả ước với Chúa rằng mỗi lần ngài đặt tay lên trái tim mình và trên tờ giấy này là ngài quyết chí từ bỏ cám dỗ cho dẫu ngài không nói một lời nào.[10]

Có lẽ không lâu trước biến cố tại Folleville, thánh Vinh Sơn đã làm lời khấn tận hiến trọn cuộc đời mình cho tình yêu Thiên Chúa để phục vụ người nghèo. Cha Abelly một lần nữa nói với chúng ta, đó là khi tất cả những lời mời mọc của ma quỷ đã tan biến và qua đi. Trái tim bị đè nặng bấy lâu nay của thánh nhân đã được giải thoát thư thái trở lại, và tâm hồn ngài tràn ngập ánh sáng chứa chan đến nỗi thánh nhân đã nhiều lần tuyên bố rằng ngài dường như đã nhìn thấy các chân lý đức tin một cách đặc biệt rõ ràng.[11]

Qua biến cố ấy, thánh Vinh Sơn đã có một kinh nghiệm sâu sắc về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô và về ơn cứu độ mà Người mang lại. Kinh nghiệm ấy đã biến đổi cuộc đời thánh nhân và ở lại với ngài luôn mãi. Thánh nhân đã đi từ bóng tối sang miền ánh sáng, từ nô lệ đến tự do, từ nỗi thống khổ bởi nghi hoặc đến niềm hân hoan và ánh sáng đức tin. Thánh nhân đã chuyển từ một cuộc sống qui về bản thân tới một cuộc đời hoàn toàn trao hiến cho Thiên Chúa và người nghèo. Kể từ đó, nhờ kinh nghiệm chứ không phải lời giảng dạy đơn thuần, ngài biết rằng Đức Kitô là Đấng cứu độ và Ngài thực sự hiện diện luôn mãi trong cuộc sống hằng ngày cho đến tận thế. Giờ đây, Đức Kitô là sự hiện diện đầy yêu thương và trao ban sự sống. Ngài có thể loan báo điều ấy với sức mạnh và uy quyền.

Thật tốt đẹp biết bao nếu mỗi người chúng ta tự vấn: đâu là kinh nghiệm cá nhân của chính tôi về ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô – một kinh nghiệm vốn có thể là nền tảng cho những lời loan báo của tôi rằng Ngài đang sống và Ngài là nguồn mạch của sự sống và tình yêu? Liệu rằng lời loan báo của tôi dựa trên những gì đã nghe được hay bằng chính kinh nghiệm của bản thân?

4. Việc chuyển giao sự hiểu biết về đức tin

Từ đó trở đi, thánh Vinh Sơn được nung đốt bởi ngọn lửa thần linh thúc đẩy ngài hướng đến người nghèo. Thánh nhân có thể nung đốt các tâm hồn nhờ ngọn lửa thần linh ấy. Ngài có thể ra đi loan báo về Đức Giêsu Kitô. Trong những bài nói chuyện đơn sơ của thánh nhân với dân chúng, ngài có thể tìm được những từ ngữ phù hợp để đụng chạm tới các tâm hồn và làm cho đức tin và tình yêu bừng cháy nơi các tâm hồn ấy. Chúng ta không có bản ghi chép những điều thánh Vinh Sơn đã nói về Chúa Kitô trong các bài giảng giáo lý; nhưng trong bài nói chuyện với các nhà truyền giáo, thánh nhân đã mở tâm hồn mình ra để khích lệ niềm tin và tình yêu Thiên Chúa nơi các anh em ngài, như được thấy trong buổi nói chuyện vào ngày 30 tháng 5 năm 1659:

Chúng tay hãy hướng nhìn về Con Thiên Chúa. Ôi, trái tim nhân lành dường bao! Ngọn lửa mến yêu dường nào! Lạy Chúa Giêsu xin hãy nói với chúng con một chút thôi về điều gì đã quyến rũ Chúa rời bỏ cõi trời để Chúa phải đến và chịu đựng những lời nguyền rủa của thế gian này, cùng bao nhiêu bách hại và khổ đau? Lạy suối nguồn tình yêu, Ngài đã tự hạ tới thân phận của chúng con và thậm chí đến mức chịu ngược đãi như một nô lệ. Lạy Đấng Cứu Độ, Ngài đã đến để tỏ lộ chính Ngài trong những nỗi thống khổ của chúng con, mặc lấy thân phận tội nhân, để đi vào một cuộc đời đau khổ và để chịu đựng cái chết khổ nhục vì chúng con! Có tình yêu nào ví được như tình yêu ấy? Nào ai có thể yêu thương nhiều hơn trên tình yêu vô biên ấy? Nào có ai khác ngoài Ngài ra đã say mê các thụ tạo của mình đến độ rời bỏ ngai tòa của Chúa Cha để đến mặc lấy xác phàm yếu đuối? Và bởi lý do nào? Chính là để khơi lên giữa chúng ta lòng bác ái đối với tha nhân qua gương mẫu và lời nói của Ngài. Tình yêu ấy đã đóng đinh Ngài vào thập giá và phát sinh ơn cứu độ tuyệt diệu cho chúng con.[12]

Nhờ kinh nghiệm cá vị về Đức Giêsu Kitô mà thánh Vinh Sơn có thể trình bày các bài giáo lý một cách sống động về Thiên Chúa và về Đức Kitô Đấng cứu độ, cũng như về các chiều kích khác nhau của đức tin, biến những bài giảng ấy trở nên dễ hiểu bằng cách sử dụng những thảo luận đơn sơ và lối diễn tả thân thuộc. Chúng ta hãy nhớ lại rằng từ nơi các bài giáo lý ấy mà các nhà truyền giáo đã giải thích về các mầu nhiệm chính yếu của đức tin (mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể và Bí tích Thánh Thể), cũng như các giới răn của Chúa, Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha. Nhờ vậy, nhà truyền giáo đưa ra được một cái nhìn tổng quan về các khía cạnh nền tảng của đức tin, trình bày một tổng hợp bao quát để dưỡng nuôi tâm hồn dân chúng cũng như để đánh động tâm hồn của họ. Thánh Vinh Sơn nói rằng các nhà truyền giáo sẽ thực thi điều này tốt hơn khi luôn lắng nghe Thiên Chúa, Đấng sẽ linh hứng cho lời rao giảng của họ. Thánh nhân còn nói: “Họ phải hướng lòng trí về Thiên Chúa để lãnh nhận từ Ngài những điều họ phải nói cho dân chúng. Bởi lẽ, Thiên Chúa là nguồn mạch khôn ngoan, nguồn sáng và yêu thương vô biên. Những điều chúng ta nói cho người khác phải được rút ra từ chính Người.”[13]

Việc giảng dạy tín điều trong “các bài giáo lý” trong suốt một ngày được hoàn tất bằng “bài giảng” bàn về những vấn đề luân lý. Mọi khía cạnh của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội được nêu lên, nhờ đó sự hoán cải sẽ tác động đến mọi khía cạnh cụ thể trong đời sống chứ không chỉ đơn thuần là một tình yêu cảm tính với Thiên Chúa. Bởi lẽ, nếu các bài giảng bỏ quên tình yêu hữu hiệu vốn thôi thúc việc phục vụ các anh chị em nghèo khổ và đau yếu, thì các bài giảng ấy thực sự đáng ngờ. “Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, thưa anh em, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa! Nhưng hãy yêu mến Thiên Chúa bằng sức mạnh của đôi tay và những giọt mồ hôi trán. Bởi lẽ rất thường xuyên, nhiều hành vi do bởi lòng yêu mến Chúa, bởi sự tận tâm, bởi lòng ao ước tốt lành, bởi các tình cảm trìu mến và bởi sự cảm kích nhạy cảm bên trong tâm hồn cho dẫu rất tốt đẹp và đáng ao ước, nhưng chúng rất đáng nghi ngờ nếu không trở thành tình yêu thiết thực.”[14] Về phần thánh Vinh Sơn, ngài không thể bị nghi ngờ là lẩn trốn trong một linh đạo trừu tượng. Tại sao? Bởi vì thánh nhân đã có một cảm thức về hành động cụ thể trong việc phục vụ tha nhân, một năng lực nối kết giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, giữa việc loan báo Đức Giêsu Kitô và việc phục vụ người nghèo về mặt thể lý. Thánh nhân mời gọi chúng ta hành động như thế.

Phần chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta đang thực hiện lời loan báo nào về Đức Kitô là Đấng đã chết và sống lại và là Đấng cứu độ chúng ta? Chúng ta đưa ra sự hiểu biết đức tin nào cho thế giới hôm nay? Liệu chúng ta có cảm thấy dễ dàng loan báo lời rao giảng kerigma, cốt lõi đức tin của chúng ta như các tông đồ đã làm trong ngày Lễ Ngũ Tuần? Chúng ta trải nghiệm những khó khăn nào với những người mà chúng ta đang rao giảng Tin Mừng? Và đâu là những trở ngại mà chúng ta khám phá ra nơi chính bản thân mình?


[1] SV XI, 81

[2] SV XII, 305

[3] SV I, 514

[4] SV XII, 81

[5] SV XI, 81

[6] LC 2

[7] SV I, 429

[8] SV XII, 262 – 263

[9] SV XII, 263

[10] Abelly 1, 167

[11] Sđd

[12] SV XII, 264, 265

[13] SV XII, 15

[14] SV XI, 40