Lòng sùng kính Đức Mẹ nơi người Kitô hữu Việt Nam

0
3493

Có thể nói rằng lòng yêu mến Đức Mẹ luôn có một vị trí quan trọng đối với bất kỳ người Công giáo nào. Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium đã nói về việc tôn kính Đức Maria như sau: “Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày truyền tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến bên Thập Giá. Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời …. Vì thế, trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian” (LG số 62). Còn đối với người tín hữu Công giáo Việt Nam thì lòng sùng kính Đức Mẹ được thể hiện như thế nào?

Có lẽ, không một ai trên đất việt là người Công giáo mà lại không yêu mến Đức Mẹ. Vì thế, người Kitô hữu Việt Nam đã dành nhiều thời gian, tình cảm đặc biệt và nhiều hoạt động trong năm để tỏ lòng tôn kính, yêu mến Đức Mẹ như: dâng hoa vào tháng Năm; lần chuỗi Mân Côi vào tháng Mười; tổ chức rước kiệu, kính nhớ Đức Mẹ vào mỗi thứ bảy hàng tuần; cử hành tuần tam nhật, cửu nhật hay kỷ niệm các ngày Đức Mẹ hiện ra hằng tháng; suy ngắm bảy sự đau đớn của Đức Mẹ…

Để tìm hiểu đề tài này cụ thể hơn chúng ta hãy thử lược qua đôi nét về lịch sử từ những ngày đầu Kitô giáo đến Việt Nam cho đến nay, để thấy lòng sùng kính Đức Mẹ của người tín hữu Việt Nam như thế nào.

Nguồn Gốc Lòng Sùng Kính Đức Maria Trong Văn Hóa Người Việt

Từ tâm thức hướng về Mẫu của người Việt

Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng thánh Mẫu (còn gọi là thờ Mẫu) là tín ngưỡng mang đậm tính chất bản địa và nguyên thuỷ. Tín ngưỡng thờ cúng này có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí trụ cột gia đình. Do vậy, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong văn chương – nghệ thuật, thì chữ “Mẫu”, chữ “Mẹ” vẫn giữ nguyên giá trị của nó cho đến tận bây giờ.

Mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng tư tưởng của Trung Hoa là trọng nam khinh nữ, nhưng nó vẫn không làm lu mờ nét đặc trưng của nền văn hóa  người Việt, vì người Việt phát xuất từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước: trọng tình cảm, trọng phụ nữ và rất hiếu hòa. Vì vậy, các vị thần của người Việt đa số là nữ thần, đặc biệt là các bà Mẹ, hay các Mẫu.

Đối với người Việt, tiếng “Mẹ” gợi lên bao tình cảm mến yêu, thân thương và gần gũi. Người Mẹ rất quan trọng trong đời sống của người con, nếu thiếu vắng người Mẹ thì cuộc đời người con sẽ sống bơ vơ vất vất vưởng, không nơi nương tựa, không nhìn thấy tương lai “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường.” Hay người Việt vẫn thường nhắc nhở công ơn sinh thành của cha mẹ như: “Công cha như núi thái sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Hình ảnh người Mẹ gợi lên bao nhiêu tâm tình trìu mến trong tâm hồn người Việt. Người Mẹ mang nặng đẻ đau, cho bú mớm, nuôi dạy và mong cho con thành người. Hay như hình ảnh người Mẹ trong Kinh Thánh đã diễn tả tình yêu Thiên Chúa khi mượn hình ảnh của người Mẹ: “Có phụ nữ nào quên được con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”( Is 49,15). Tình mẫu tử diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với con người cũng được ngôn sứ nhắc lại như sau: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa Mẹ, được bồng ẳm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như Mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,12-13).    

Lòng yêu mến đối với Đức Maria một khi đã được khai sinh trong tâm hồn người Việt, chắc chắn sẽ trở thành tình Mẫu tử thiêng liêng cao quý. Khi đã được nghe các nhà truyền giáo nói về Đức Maria, thì niềm tin đơn thành của dân gian đã quy hướng về Mẹ, và Đức Maria trở thành biểu tượng của Mẫu trong niềm tin Kitô giáo.[i]

Từ Mẫu – gương các nhà truyền giáo

Các nhà truyền giáo Tây phương khi đến Việt Nam đã sớm nhận ra tâm thức hướng về Mẹ của người Việt, nên đã nhanh chóng truyền bá lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Trong đất nước Việt Nam, sự tôn kính Đức Maria đã đâm rễ sâu ngay từ những ngày đầu Tin Mừng bắt đầu được gieo xuống mảnh đất này.

Lịch sử truyền giáo đã nói nhiều về công chúa Mai Hoa, là người đã được cha Ordoney de Cevallos (người Tây Ban Nha thuộc dòng Đa Minh) rửa tội cho với tên Thánh là Maria (Maria Flora) vào thời Lê Thế Tông (1573-1590). Công chúa Mai Hoa sau khi đã được nghe về đời sống thánh hiến đã lập một tu viện ở An Trường (Thanh Hóa) năm 1591, để sống đời dâng hiến cho Thiên Chúa. Tại miền Trung vào khoảng 1624, cha Đắc Lộ cũng nhắc đến bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi, mẹ của Hoàng Khê, bà là điểm dựa cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu tại miền Trung. Lại một người phụ nữ của buổi đầu truyền giáo theo đạo và rửa tội với tên thánh Maria[ii].

Vào thế kỷ 16, hầu hết các nhà truyền giáo xuất thân từ Ý, Pháp, và Bồ Đào Nha là những nước có truyền thống sùng kính Đức Maria lâu đời. Họ đã truyền đạt vào tâm hồn hướng về mẫu của người Việt lòng sùng kính Đức Maria cách đặc biệt. Các ngài cũng đã đặt các cộng đoàn Kitô hữu dưới sự bảo trợ của Đức Maria.

Cha Đắc Lộ trong cuốn “Phép giảng tám ngày” đã trình bày giáo lý về Đức Maria, ngài là Mẹ Thiên Chúa, và luôn luôn đồng trinh và được đặc ân Vô Nhiễm. Cha diễn tả về Đức Maria như sau:

“Lại có vua chúa nước ấy (Ít-ra-en), tên là David, Đức Chúa Trời đã nói hứa cùng, ngày sau có sinh đẻ, ra đời trong con cháu ông ấy. Từ lời hứa này, khi đã qua một nghìn năm đồ, có hai vợ chồng đã già cả, đẹp lòng Đức Chúa Trời lắm, tên là Joankim, bà Anna, chính dòng họ David. Song le chẳng có con, dẫu giữ đạo hết sức; mà kẻ làm thầy ở nước ấy, thì cũng chê hai ông bà, khi đem của cúng Đức Chúa Trời trong đền thánh, vâng phép lời răn; mà lại ông bà vì sự ấy lo lắng da diết, song le phó mọi sự mình mặc ơn Đức Chúa Trời, mà cầu khẩn liên.

Vậy mà Đức Chúa Trời thật lòng nhân lành, khi đã chọn hai ông bà ấy là thánh cho đẻ con gái rất thánh, mà Đức Chúa Trời dọn ra đời chuộc tội bởi rất thánh con gái ấy. Mà sai Đức Thánh Thiên Thần đến cùng, giáng tin lành là có sinh đẻ con gái đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn mọi sự Đức Chúa Trời sinh, cùng hơn các Thánh Thiên Thần nữa.

Vì chưng, Đức Chúa Trời đã chọn mà bởi đáy lấy mình người thật làm Mẹ Đức Chúa Trời, và đồng trinh, đặt tên là Maria. Hai ông bà chịu tin lành làm vậy, càng khiêm nhường, và cám ơn Đức Chúa Trời hết lòng, mà sinh đẻ con gái là hoa đồng thân, cũng chẳng có phải tội gì ông Adam truyền cho như nhiều người thánh luận, vì chưng Đức Chúa Trời đã chọn lấy làm mẹ mình, từ toan ra đời chuộc tội cho loài người ta, khi chưa có thế giới này.

Vậy thì hai ông bà đẻ ra con, là rất thánh Đức Chúa Bà Maria, trọng đời đồng thân, đã định ngày sau làm mẹ Đức Chúa Trời. Khi đã nên ba tuổi, cha mẹ thì đem đi đền thánh cúng Đức Chúa Trời. Khi ấy rất thánh Đức Chúa Bà đã có chủ ý mình, mà từ ấy đã khấn cùng Đức Chúa Trời giữ trọn đời đồng thân. Lại ở trong đền thánh, với con gái đồng thân khác, giữ phép mọi nhân đức cho kẻ khác bắt chước, trong nhà Đức Chúa trời cho đến mười bốn tuổi. Mà khi con gái nào đến tuổi ấy, thì quen gả chồng cho. Vậy ý Đức Chúa Trời, mà các thầy trao rất thánh đồng thân cho người rất thánh và rất trọng, tên là Joseph, cũng là dòng dõi vua chúa David, dẫu khó khăn mà là thợ mộc. Đức Chúa Trời cho rất thánh đồng thân chồng ấy, khi chưa có chịu thai mà đẻ Con là Đức Chúa Trời, vì cũng bắt chước rất thánh đồng thân mà đã toan giữ trọn đời đồng thân vậy, để giữ, và làm chứng cho vợ chồng mình đồng thân sạch sẽ, chẳng ô uế gì sốt. Lại cho kẻo khi rất thánh đồng thân đến sau bởi phép Đức Chúa Trời có chịu thai mà chẳng có chồng, người Judaeo thấy thì ném đá cho đến chết, mà lại khi đã đến sau rất thánh Đức Chúa Bà phải đi ngoại quốc, trong kẻ vô đạo, có chồng nhân đức đi cùng mà an ủi vậy. Sau nữa, cho ma quỷ chẳng hay Con Đức Chúa Bà đẻ ra đồng thân, nhờ bởi chồng mà đẻ Con ra, ấy vậy mà ông thánh Joseph thì đem rất thánh đồng thân về thành Nazareth, mà đấy đêm ngày hay cầu khẩn khóc lóc”[iii].

Lối trình bày giáo lý về Đức Maria của cha Đắc Lộ cho chúng ta thấy phần nào gần gũi với những câu chuyện về Mẫu của tín ngưỡng người Việt. Ngài cũng đưa ra những lời khuyên rất thực tiễn hợp với tâm tình người Việt Nam. Sau những bài giáo huấn, ngài thường cho người nghe xem bức ảnh rất đẹp của Đức Trinh Nữ với Con của mình. Và người ta đã cúi sấp mình xuống lạy bức ảnh đó.

Trong khi cha Đắc Lộ tìm hiểu nghiên cứu về quốc ngữ thì chính cha Giêrônimô Majôrica lại hướng đến một nền giáo lý cho chính người Việt đọc, đó là công trình chữ Nôm của ngài. Trong đó hai tác phẩm quyển Thượng và quyển Chung (Trung) về Đức Mẹ với tựa đề “Thiên Chúa Thánh Mẫu”. Nhân đây xin lược qua nội dung về các trình bày giáo lý về Đức Maria của cha Giêrônimô Majôrica:

Quyển Thượng gồm 21 chương: nói về các mầu nhiệm liên hệ đến cuộc đời Đức Maria từ lúc đầu thai cho đến ngày được đưa lên trời. Quyển Trung gồm 22 chương: dạy về lòng tôn kính Đức Maria mà mỗi người Kitô hữu phải có đối với Mẹ. Ngài cũng đưa ra những cách thực hành bình dân để tỏ lòng tôn kính Mẹ. Xin được trích nguyên văn một đoạn để độc giả cùng suy gẫm để qua đó, thấy được tâm tình của những nhà truyền giáo bước đầu đem Tin Mừng cho người Việt Nam bằng con đường tình Mẹ như Đức Maria. Qua đó, ta hiểu phần nào cách trình bày giáo lý về Đức Maria của cha Majôrica. Trong chương I của quyển Thượng, nói về lòng tôn kính Đức Bà vì những ơn lành ta đã nhận được, tác giả viết:

“Trước hết phải kính mến Đức Bà Maria vì những sự trọng bởi tay Người xuống cho ta xưa này. Các thánh rằng: mọi sự lành bởi Đức Chúa Trời mà ra chẳng khác gì mạch nước chảy xuống. Song le Đức Bà Maria như xe lấy nước liền chạy đi mọi nơi cho tốt đất. Chẳng có sự lành gì Đức Chúa Trời xuống cho thiên hạ mà chẳng qua tay rất rộng Đức Bà Maria. Ấy vậy, bao nhiêu ơn ta được xưa nay về linh hồn cùng xác, là bấy nhiêu lẽ giục ta cho được trả nghĩa cùng Người. Hễ là lần ta muốn sự lành, cùng ghét sự dữ thì là bấy nhiêu ơn người. Hễ là lần ta lánh khỏi sự tội lỗi cùng được Garasa (ân sủng) trong linh hồn, thì cũng là ơn Đức Bà. Vì chưng công nghiệp vô cùng Con Người ở tay Đức Mẹ đã mới xuống cùng ta. Lại khi ta chưa có xin sự gì, vì chưa có muốn hay là chưa biết sự ta dùng, thì Người cho ta trước. Vậy Đức Bà trọn đời chỉ lo cho ta, hơn mẹ sinh lo cho con, kẻo phải sự gì khó về mình.”

Linh mục Majôrica đã trình bày giáo lý về Đức Maria theo cách thức bình dân, vừa có tính thần học nhưng cũng rất nhiều kiểu nói bình dân. Chỉ nhằm mục đích giúp người tín hữu hiểu biết về Đức Maria đồng thời khơi dậy trong họ lòng yêu mến Đức Maria. Chưa nói đến nội dung, nhưng một quyển sách viết về Đức Mẹ bằng chữ Nôm, với tựa đề Thiên Chúa Thánh Mẫu, đã nói lên sự quan tâm của các cha truyền giáo muốn cho giáo dân Việt Nam có một giáo lý thuần túy về Đức Maria, rất am hạp với tâm tình hướng về mẹ của người Việt.

Cha Cristoforo Bori, năm 1631 đã kể lại rằng chính Đức Trinh Nữ đã trực tiếp can thiệp vào việc rao giảng Tin Mừng của đất nước này. Ngài kể lại: “Một ngày nọ trong khi ở nhà, chúng tôi đã thấy uốn khúc xuyên qua cánh đồng một đám rước trọng thể, gồm một đám đông người tiến về phía chúng tôi. Khi họ đến, chúng tôi đã hỏi họ ước muốn điều gì. Họ trả lời, họ đã chứng kiến sự hiện ra của một bà rất đẹp, ngồi trên ngai những đám mây rực sáng, đã bảo họ đi đến Nước Mặn, nơi họ sẽ tìm thấy các cha dạy dỗ họ về con đường dẫn đến sự hiểu biết Đấng Cứu Độ thật của trời cao. Sau khi đã cảm ơn Đức Thánh Trinh Nữ vì một hồng ân lạ lùng như thế, chúng con đã dạy giáo lý cho tất cả mọi người và đã rửa tội cho họ, chúng tôi đã cho họ về lại nhà, rất sung sướng.”[iv]

Qua một vài sự kiện, ta thấy hình như các nhà truyền giáo tại Việt Nam từ thủa sơ thời đặt chân lên đất Việt đã có cùng cảm nhận về nét văn hóa trọng tình, trọng phụ nữ và đặc biệt là tín ngưỡng dân gian hướng về Mẫu của người Việt khá sâu sắc. Các ngài đã xây dựng niềm tin Kitô giáo dựa trên nhu cầu tâm linh của người Việt, hướng về Mẹ như là nguồn bình an hạnh phúc, và chỉ nơi Mẹ mới đáp ứng hết mọi nhu cầu của con cái. Lòng sùng kính Đức Maria được đặt trên nền tảng đức tin và được nuôi dưỡng bằng giáo huấn của Giáo hội, nhờ những nhà truyền giáo, đã đi vào trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam. Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc luôn chiếm “vị trí thứ nhất” [v] người công giáo Việt Nam.

Lòng sùng kính Đức mẹ qua các chứng nhân tử đạo[vi]

Lòng sùng kính Đức Maria của người Việt Nam ngày nay đã trở thành một “cây đại thụ” mọc ra nhiều nhánh, đó là sự phong phú trong các nghi thức phụng vụ cũng như những hình thức tôn kính của dân gian, như dâng hoa, làm việc kính Đức Mẹ trong các nhà thờ họ, trong gia đình, các cuộc rước kiệu rình rang trên những con đường thôn quê êm ả. Những hình thức trên diễn tả tâm tình của người Việt đối với Mẹ Maria cách đặc biệt. Nếu nói về lòng sùng kích Đức Maria, mà chúng ta không kể đến lòng sùng kính Đức Maria của các thánh Tử Đạo Việt Nam quả là một thiếu sót lớn. Một trong những gia sản đức tin mà người Công giáo Việt Nam thừa hưởng từ các bậc cha anh, đó là lòng sùng kính Đức Maria của họ, đặc biệt nơi các vị tử đạo Việt Nam.

Ba thế kỷ, người Công giáo Việt Nam bị bắt vì đức tin, cũng là ba thế kỷ “hạt giống của lòng tôn kính Đức Maria” được ươm trồng và phát triển. Những lúc gặp gian truân vì bắt bớ, người Công giáo chỉ còn biết cậy trông vào Đức Maria, Lời kinh Mân Côi luôn vang vọng trong những vùng xa xôi hẻo lánh khi ẩn núp, trong chốn ngục tù, và trên chốn pháp trường.

Thánh Năm Thuông hay Andrê Nguyễn Kim Thông (+ 07.1855), ông trùm cả của giáo xứ Gò Thị đã có lòng tôn kính Đức Maria cách đặc biệt. Tác giả cuốn Thiên Hùng Sử đã viết về ngài như sau:

“Ngoài mẫu gương liêm chính và ngay thẳng, ông đặc biệt chứng tỏ lòng sùng kính Đức Maria truyền thống của giáo xứ Gò Thị. Ông sốt sắng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày và kiến thiết trong vườn nhà ông một nhà nguyện nhỏ dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ […]. Khi vị chứng nhân đặt chân đến nơi lưu đày được chỉ định, Ngài chỉ kịp đọc kinh ăn năn tội và vài kinh Kính Mừng trước khi trút hơi thở cuối cùng đang khi nguyện với Đức Trinh Nữ Maria. Hôm đó là ngày 15 tháng 7 năm 1855”[vii].

Thánh Lý Mỹ (1840-1838) vốn là lý trưởng rất liêm khiết và công minh khi xử kiện. Ngài có thói quen đọc 50 kinh Mân Côi cùng với các phu tuần làng trước khi thi hành trách nhiệm tuần tra. Cha Dụ (1783-1839), cảm thấy ít lâu nữa mình sẽ bị bắt nên chuẩn bị một chuỗi tràng hạt làm hành trang, và đó là tài sản duy nhất ngài mang theo mình.

Cha Féderich Tế (1702-1745) tự xưng mình là “người con điên của Đức Mẹ”. Khi dừng chân ở Macao để trở lại Việt Nam, ngài đã cầu nguyện:

“Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái!

Tấu lòng con điên dại đáng thương,

Ngày đêm nung nấu can trường

Tình bao la Mẹ, đâu phương đáp đền.”

Thánh Philiphê Minh (1815-7-1863), trước khi bị xử trảm đã trao chuỗi tràng hạt cho Lý Phượng, người đang sẵn sàng thấm máu vị tử đạo. Ngài cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Mẹ, xin cầu cho chúng con trong giờ chết hiểm nguy như thế của chúng con”, trước khi lãnh nhát gươm của lý hình. Cha Gia và cha Liêm đã hát kinh Salve Regina, Mater Misedicordiae (kinh Lạy Nữ Vương) trên đường tới pháp trường.

Ngày 7 tháng giêng năm 1862, một nhóm Văn Thân đã chứng kiến cảnh 100 người đàn ông, 106 phụ nữ và 50 trẻ em bị thiêu sống trên đền thờ Bà Rịa, trong tiếng vang rền đọc kinh Mân Côi, lời kinh cứ vang vọng cho tới khi bị chìm tắt trong ngọn lửa bừng cháy. Hình ảnh tương tự như vậy, khi còn nhỏ, người viết cũng đã nghe các cụ già trong làng kể lại: khi bị dân các làng xung quanh vây ráp và dồn nhà thờ bằng mái tranh, họ chỉ biết đọc kinh Mân Côi và hát thánh ca làm việc kính Đức Mẹ btrong nhà thờ. Dân các làng xung quanh đã châm lửa đốt, và người làng tôi bị chết cháy trong nhà thờ.

Thánh Théophan de Venard (1829-1861) đã viết trong thư gửi cho Đức Giám Mục Theurel: “Lạy Mẹ Vô Nhiễm! Khi đầu con rơi xuống lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé này như một quả nho chín, như một bông hồng đang nở, hãy hái nó về dâng lên bàn thờ, Avê Maria.”[viii]

Thánh Gio-an Đoàn Trinh Hoan (1789-1861), linh mục, khi bị kết án tử ngày 25 tháng 5 năm 1861 đã nói: “đã hoàn tất, con tạ ơn Chúa”. Vị linh mục thánh mang áo Đức Bà, lính buộc ngài phải bỏ ra. Ngài nói “không ai có quyền lấy áo Đức Bà này ra khỏi cổ tôi. Vì đó là hình ảnh Đức Maria, Mẹ tôi.” Ngài nói thêm: “không cần trói tay tôi vào cột, vì cho dù các ngài có thể chặt đầu tôi tôi vẫn không sợ gì cả”.

Những lời kinh vang lên trong lúc khốn quẫn đã thấu tận cõi trời cao, và những hồng an đã tuôn xuống cho dân tộc Việt Nam cách dồi dào. Một trăm mười bảy vị Thánh Tử Đạo Việt Nam là hoa trái Đức Maria đã tặng ban cho dân tộc Việt Nam. Mẹ cũng đã đến với con dân Việt Nam trong lúc ngặt nghèo nhất của lịch sử. Những vùng đất mà Mẹ đã đến thăm viếng là dấu chứng của tình thương Mẹ. Những địa danh như La Vang, Trà Kiệu, mà khi gọi đến tên đã gợi lên bao nhiêu tình thương yêu của Mẹ Maria cho các con cái của Mẹ trên mảnh đất hình chữ S này.

Những Việc Đạo Đức Bày Tỏ Lòng Sùng Kính Đức Mẹ Của Người Tín Hữu Việt Nam 

Từ rất sớm trong phụng vụ cũng như trong đạo đức bình dân, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã thực hành nhiều nghi lễ tôn kính Đức Maria vói các hình thức như đi kiệu Đức Bà, múa hát dâng hoa, vãn Rôsa…

Tháng Đức Mẹ (tháng Hoa)

Từ nghìn xưa trước Kitô giáo xuất hiện, người dân Tây phương đã xem tháng Năm là tháng của hoa. Bước vào cao điểm của mùa xuân, khí hậu dịu mát, đi đâu người ta cũng thấy hoa nở rộ. Hoa dễ gây cảm xúc và gợi hứng trong lòng người. Thanh niên thiếu nữ thường múa hát và tặng hoa cho nhau. Kitô giáo luôn biết thích nghi với văn hoá của con người. Những yếu tố tự nhiên đây, mặc dù là của các tôn giáo cổ xưa đã được người Kitô hữu mượn để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Maria, tạo vật cao cả nhất, đồng thời cũng là người phụ nữ cao quý đẹp đẽ nhất.

Lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam xem ra khá đặc biệt. Bao nhiêu gian truân của cuộc sống, bao thương đau của các cuộc chiến tranh và các cuộc bách hại trên đất nước Việt Nam đã có biết bao người đã nhận được sự an ủi, nâng  đỡ, cứu giúp, chở che, giải gỡ những khó khăn và cả những ơn thiêng lạ lùng từ ơn ban của Đức Mẹ. Nên chúng ta thấy lòng kính mến Đức Mẹ của người Việt Nam rất dạt dào và thắm thiết.

Trong số vô vàn cách tỏ bày lòng tôn kính đối với Đức Mẹ nơi con dân Nước Việt, thì lòng đạo đức bình dân như: dâng hoa kính mẹ; rước kiệu Mẹ; lần chuỗi Mân Côi; rồi những bài thánh ca hết sức dễ thương được cất lên để tôn vinh Mẹ là Nữ Hoàng Thiên Quốc.

Tháng Hoa về, khắp các nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, dù tại các thành thị hay miền nông thôn xa xôi, những tâm tình dâng lên Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vẫn thật nồng ấm. Các bản tiến hoa được dâng lên Đức Mẹ cách long trọng. Có những đội hoa hàng mấy trăm người. Nhờ đó, lòng tôn sùng và yêu mến Đức Mẹ không ngừng được cổ võ và thăng tiến.

Bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người dân Việt Nam ngay từ lâu, đã có hình ảnh tốt đối với Đức Mẹ qua hình ảnh người mẹ trong đời thường. Việc dâng hoa tôn kính Mẹ trong tháng Năm không là một truyền thống riêng gì của người Kitô hữu Việt Nam. Tháng Năm ở vùng nhiệt đới như Việt Nam và một số nước Á châu khác, hẳn không phải là tháng của hoa mà phải là tháng của nắng cháy khô cằn, của cỏ khô thì đúng hơn. Việc dâng hoa kính Đức Mẹ đã bắt nguồn từ truyền thống Tây phương.

Trong tháng Năm, rất nhiều nhà thờ công giáo tại Việt Nam có tập tục truyền thống, đó là bà con giáo dân với lời ca tiếng hát, đều tiến lên dâng hoa chúc tụng cảm tạ và mừng kính Mẹ. Truyền thống đạo đức này đã có từ rất xưa. Nó xuất phát từ lòng mến mộ bình dân đối với Đức Mẹ. Con cái Mẹ, thì muốn tỏ lòng kính yêu Mẹ, một người Mẹ gần gũi, chăm chú đến từng người con, nhất là những đứa con yếu đuối, bệnh tật, nghèo hèn. Dâng hoa cho Đức Mẹ là một nghĩa cử thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ mỗi người chúng ta.

Trong tháng Năm, khi ngàn hoa với muôn sắc hương nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhịp nhàng: “Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa… Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời… Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.” Những bài ca này đã trở nên thật gần gũi và rất quen thuộc với mỗi chúng ta khi Tháng Hoa về.

Tháng Mân Côi

“Một năm hai tháng Đức Bà,

Một là Hoa Phượng, hai là Văn Côi”

Người công giáo Việt nam vẫn sùng kính Kinh Mân côi ngay từ lúc Tin Mừng được rao giảng trên Ðất nước. Thói quen tốt lành này đã được cha ông chúng ta truyền lại cho các thế hệ sau. Nhờ vậy, đức tin được vững mạnh và lòng sùng kính đối với Ðức Trinh Nữ Maria và Kinh Mân côi vẫn sâu rộng. Những cuộc hành hương đông đảo hằng năm, dù gặp nhiều khó khăn, tại Lavang minh chứng lòng sùng kính sâu xa này.

Với nếp sống tân thời, Ðức tin của nhiều người bị sa sút; thói quen tốt lành đọc kinh Mân côi không thể không bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình không còn đọc kinh Mân côi chung với nhau nữa. Có những người không bao giờ lần hạt, coi đây là “việc của phụ nữ và các trẻ em”. Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Kinh Mân côi và Năm Mân Côi (Rosarium Virginis Mariae) đã làm sống lại và tăng cường lòng sùng kính đối với Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội và Mẹ của mỗi tín hữu Kitô. “Các vị chủ chăn và các vị có trách nhiệm về giáo dục hãy làm gương trước và sau đó hãy cổ võ cộng đồng giáo phận, giáo xứ và các môi trường khác nhau thuộc quyền mình tái khám phá tính cách đơn sơ và sự sâu xa, phong phú của Kinh Mân côi, để cầu nguyện cách riêng cho các gia đình bị khủng hoảng và cho hòa bình thế giới, bị đe dọa khắp nơi bởi những nạn khủng bố” (Lời ĐGH trong Tông thư).

Xin cho từng lời kinh, từng tràng chuỗi được suy ngắm, mở ra khung cảnh thiên đàng cho những tâm hồn thiết tha yêu mến Mẹ, như lời vãn trong bài dâng hoa cổ:

“Tràng châu mở cảnh tràng sinh

Trông cây cực tốt cực lành Ro-sa

Đượm nhuần vũ-lộ-thi-a (gratia)

Bốn mùa hoa nở rum ra lạ lùng”.

Kinh Mân Côi hay tập Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ, là một trong những lời kinh đẹp nhất dâng về Thân Mẫu Chúa. Kinh Mân Côi là lời kinh được vô vàn các thánh yêu thích và được huấn quyền cổ võ. Lời kinh đơn sơ nhưng sâu sắc và dễ dàng hòa nhập vào đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam.

Kinh Mân Côi thật đẹp, đáng ca ngợi và chiêm ngưỡng vì có được chiều sâu của sứ điệp Tin Mừng. Suy ngắm từng mầu nhiệm kinh Mân Côi là ta đang dõi bước theo cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế. Kinh Mân Côi thường được đọc chung trong các nhà thờ, nhà nguyện trước hoặc sau thánh lễ, các đài Đức Mẹ, giờ kinh gia đình, nguyện giỗ, các cuộc rước…

Đặc biệt vào tháng Mười – tháng kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn đạo dâng nhiều kinh Mân Côi kính Mẹ. Không chỉ lần chuỗi 50 hay 150, bổn đạo còn tổ chức “Chuỗi Mân Côi sống”; hoặc kết hợp đọc kinh với suy ngắm trọng thể các mầu nhiệm Mân Côi. Sách kinh địa phận Hải Phòng – Bùi Chu – Thái Bình có ghi lại Phép Lần Hạt Rất Thánh Đức Bà Văn-Côi – mười lăm sự chia ra làm ba phần…;  Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca – Vườn Rosa quanh trái đất, cảnh thiên nhiên rất diệu hiền…; Văn Côi Thập Ngũ Sự Thi Ca – Phép ngắm Rosa nguyên cội rễ, suy ơn cứu chuộc loài người thế… để các bổn đạo đọc cách trang trọng trong tháng Mân Côi.

Cho tới đầu thế kỷ 21, Kinh Mân Côi bao gồm 15 mầu nhiệm, được chia ra thành ba tràng chuỗi: Mầu nhiệm năm sự vui;  Mầu nhiệm năm sự thương; Mầu nhiệm năm sự mừng.

Tất cả hầu như không có gì thay đổi cho đến năm 2002, Đức Giáo Hoàng GioanPhaolô II công bố thêm năm mầu nhiệm mới, đó là: Mầu Nhiệm năm sự sáng. Như vậy, Kinh Mân Côi ngày nay có 4 chuỗi, tổng cộng 20 mầu nhiệm. Kinh Mân Côi gắn liền với những cách thức tôn kính Đức Mẹ.

Hiệu quả của việc lần chuỗi Mân Côi

Hầu hết những tín hữu Công giáo đều biết đến kinh Mân Côi. Hình thức cầu nguyện này rất đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ và phù hợp với mọi người. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta miệng đọc, trí suy, tay lần chuỗi. Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi là cầu nguyện bằng cả con người trọn vẹn, thân xác và tâm hồn. Có người nói chuỗi tràng hạt sử dụng trong các tôn giáo là một phát minh kỳ diệu của loài người. Bởi lẽ tràng hạt giúp chúng ta tập trung tư tưởng vào một điều đang suy niệm, đồng thời gạt bỏ những phiền não đang ám ảnh. Ngón tay nhẹ đưa từng hạt lần chuỗi, kèm theo một lời kinh nơi môi miệng và tâm trí giống như mỗi bước đường đời nhẹ nhàng thanh thản, nâng cao tâm hồn để gặp gỡ Đấng Tối Cao.

Chuỗi Mân Côi gắn liền với người tín hữu. Một số hình ảnh thời xưa về người phụ nữ công giáo miền Bắc trình bày các bà các cô trên đường đi chợ, mặc áo tứ thân, đội khăn mỏ quạ, đầu đội chiếc thúng, bên trong chiếc thúng có vài món hàng để bán và cũng có khi lại một em bé mà mẹ muốn mang theo. Người mẹ, một tay giữ thăng bằng chiếc thúng trên đầu, tay kia cầm tràng hạt, miệng đọc kinh Mân Côi, cứ nhịp nhàng như thế trên đường đến chợ. Tràng hạt giúp bước đi của họ chắc hơn, nhất là giúp họ không bỏ phí thời gian vô ích, mà luôn tâm sự với Chúa.

Chúng ta gọi kinh Mân Côi là một hình thức đạo đức bình dân. Khái niệm “bình dân” dễ làm nhiều người coi nhẹ và hạ thấp giá trị của việc đạo đức này. Có lẽ vì hiểu sai về tính từ “bình dân” mà một số tín hữu công giáo, nhất là tại những nước châu Âu, có khuynh hướng lơ là với việc lần hạt. Trong lịch sử Giáo Hội, nhiều vị Giáo Hoàng đã nhiệt tình cổ võ kinh Mân Côi và coi đó là một phương thế để cứu Giáo Hội khỏi mọi hiểm họa bên trong bên ngoài. Tình trạng khủng hoảng và bi quan của Giáo Hội thế ở kỷ thứ 13 được trở lại an bình nhờ ơn Chúa, qua nỗ lực của Thánh Đaminh, đã chứng minh sức mạnh và hiệu quả của kinh Mân Côi. Lịch sử Giáo Hội công giáo Việt Nam cũng ghi lại, có những vị tử đạo bị giam trong cũi trên đường đến pháp trường, vẫn giữ nét mặt bình an thanh thản, tay cầm tràng hạt Mân Côi. Kinh Mân Côi đã ban cho các ngài sức mạnh để can đảm làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.

Một số người quan niệm kinh Mân Côi là việc đạo đức sùng kính Đức Mẹ, trong khi Đức Mẹ là người “cổ võ” việc lần hạt Mân Côi. Khi hiện ra ở Lộ-Đức, cũng như ở Fatima, Đức Mẹ đều cầm cỗ tràng hạt trên tay. Những lần hiện ra tại Lộ-Đức, Mẹ đã lần hạt Mân Côi với chị Thánh Bênađêta bằng việc dùng ngón tay đưa từng hột chuỗi theo mỗi kinh Kính Mừng chị đọc. Sau mỗi chục kinh thì Mẹ đọc chung với chị Kinh Sáng Danh. Trong cả 6 lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta vào năm 1917, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày. Trong lần hiện ra thứ ba, Đức Mẹ đã xin các em thêm vào sau mỗi chục kinh lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Mệnh lệnh được Đức Mẹ truyền đi từ Fatima là “Hãy siêng năng lần hạt, lo cải thiện đời sống, tôn sùng trái tim Mẹ”. Đức Mẹ cam kết, nếu nhân loại thực hiện những mệnh lệnh đó thì chiến tranh sẽ mau kết thúc và thế giới sẽ sống trong an bình.

Như thế, kinh Mân Côi trước hết là tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa. Những mầu nhiệm Mân Côi nhắc lại cho chúng ta những biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu Kitô, từ khi Người nhập thể cho đến khi Người chịu chết trên thập giá và sống lại, lên trời vinh quang. Đọc kinh Mân Côi là suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế. Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, tất cả hòa quyện vào nhau để làm nên cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người. Tất cả những biến cố ấy đều đem lại giá trị cứu độ, đều là gương mẫu cho mỗi người chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa và với đồng loại. Các mầu nhiệm ấy cũng phác họa cuộc sống con người với những lo toan bận rộn và buồn vui của kiếp nhân sinh. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong các mầu nhiệm Mân Côi là học nơi Người những nhân đức cần thiết, nhờ đó mà chúng ta được sức mạnh thiêng liêng bước đi giữa biển đời đầy sóng gió gian truân.

Nếu kinh Mân Côi là tôn vinh Thiên Chúa và ngắm suy cuộc đời Chúa Cứu thế, thì kinh Mân Côi cũng gắn liền với Đức Trinh nữ Maria. Khi đọc kinh Mân Côi là chúng ta đọc 50 (hay 200) kinh Kính Mừng. Sau mỗi mầu nhiệm liên quan đến ơn Cứu độ được xướng lên, chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabrien chào kính Đức Mẹ: “Ave Maria – Kính mừng Maria đầy ơn phúc…” lời chào ấy được lặp đi lặp lại và đi liền với ngón tay nhẹ đưa trên chuỗi hạt. Khi xướng lên lời chào “Ave Maria”, chúng ta xin Đức Mẹ hướng dẫn soi sáng để chúng ta có tâm tình yêu mến Chúa Giêsu như Đức Mẹ. Bởi lẽ Đức Mẹ luôn hiện diện trong suốt hành trình loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đức Mẹ chia sẻ niềm vui và âu lo của Chúa. Có thể nói, từng nhịp đập của con tim và từng hơi thở của linh hồn Đức Mẹ đều gắn liền với Chúa Giêsu. Vì thế, khi lần hạt là ta cùng với Đức Mẹ chiêm ngưỡng chân dung Chúa Giêsu trong các biến cố Vui, Sáng, Thương, Mừng.

Nhờ kinh Mân Côi, chúng ta tìm được sức mạnh, vững vàng cậy trông và tin tưởng vào Chúa. Cũng nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta không còn đơn lẻ trong hành trình cuộc đời, nhưng có Mẹ Maria đồng hành và phù trợ. Lời cầu xin“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” đã diễn tả lời cầu bầu từ ái ấy.

Tầm quan trọng của kinh Mân Côi đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác định: “Kinh Mân Côi chuyển đưa chúng ta cách huyền diệu đến bên cạnh Đức Maria, khi Mẹ đang bận tâm lo cho Đức Kitô được lớn lên về phương diện con người trong ngôi nhà ở Nazarét. Điều đó giúp Mẹ có khả năng dạy dỗ và uốn nắn chúng ta, với cùng một sự chăm sóc cho tới khi Đức Kitô được ‘thành hình trọn vẹn’ trong chúng ta” (Tông thư Kinh Mân Côi, số 15).

Tràng hạt Mân Côi quả là chuỗi kinh huyền diệu. Lời kinh ấy làm cho đường xa thêm gần, biến nỗi buồn thành niềm vui và đổi bi quan thành hy vọng. Kinh Mân Côi còn là vũ khí chiến thắng ma quỷ, là sự bao bọc chở che trước mọi cám dỗ. Đọc kinh Mân Côi với tâm tình yêu mến cậy trông, chắc chắn ta sẽ tìm được sự thư thái và bình an của tâm hồn.

Trước đây người công giáo Việt Nam có thói quen đọc kinh nhiều, sau công đồng Vaticanô II thì Giáo hội đã bớt đi khá nhiều. Về phía giáo dân việc cầu nguyện thường có nghĩa là đọc kinh lần hạt. Đọc kinh lâu, lần hạt nhiều, tức là cầu nguyện nhiều. có  ván kính sáng, có ván kinh chiều, xưa gọi là tảo khóa kinh và vãn khóa kinh.  Trừ một vài kinh đọc tùy lúc, tùy mùa, thì ván kinh thường theo một thứ tự nhất định, cho nên dễ nhớ để đọc thuộc lòng hết kinh nọ đến kinh kia, từ các kinh thờ phượng Thiên Chúa cho đến các kinh xin ơn Đức Bà và kinh các Thánh cầu bầu cho[ix].

Việc Làm Và Ý Nghĩa Kính Đức Mẹ Ngày Thứ Bảy

Tu viện trưởng Alcuin (735-804), dòng Bênêđictô, khởi đầu truyền bá lòng sùng kính này, trong thời gian ngài làm “Bộ trưởng Giáo dục” dưới triều vua Charlemagne, nước Pháp. Cha Alcuin biên soạn sáu bài lễ Đức Mẹ cho mỗi ngày trong tuần. Riêng ngày thứ Bảy có hai bài lễ. Phụng vụ này mau chóng được lan truyền khắp nơi.

Dần dần, Thánh lễ ngày thứ Bảy được cử hành trong những ngày ngoại lịch và các linh mục cao niên mắt kém được phép cử hành hằng ngày. Có năm ý nghĩa kính Đức Mẹ ngày thứ bảy sau đây:

      • Thời Giáo hội sơ khai, ngày thứ Bảy là ngày vọng Chúa nhật, bắt đầu Phụng vụ Chúa nhật. Do đó, ngày nay, Thánh lễ Chúa nhật được cử hành chiều thứ Bảy.
      • Thời các Giáo phụ, ngày thứ Bảy kính nhớ lòng tin của Đức Mẹ trong ngày thứ Bảy Thánh, khi xác Chúa Giêsu còn nằm trong mồ thánh.
      • Theo tu đức, ngày thứ Bảy là ngày Hãm mình, Đền tội.
      • Ngày thứ Bảy là ngày Giáo hội dâng kính Đức Mẹ, đặc biệt trong Phụng vụ và các Giờ kinh.
      • Ngày thứ Bảy đầu tháng là ngày Đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ theo mệnh lệnh Fatima.

Trong những ngày dành riêng cho Đức Mẹ, ngày thứ Bảy chiếm một vị trí đặc biệt, vì nó được nâng lên thành ngày kính nhớ Đức Maria. Người ta không biết những lý do khiến ngày thứ Bảy đã được chọn, chỉ biết đây là truyền thống cổ kính của Giáo Hội, nhắc nhở cho con cái Giáo Hội biết Đức Mẹ luôn luôn hoạt động trong đời sống Giáo Hội. Trong ngày này, ngoài việc lần chuỗi Mân Côi, bổn đạo cũng cử hành suy ngắm về Bảy Sự Đau Đớn Đức Bà.

Ngoài việc kính nhớ Đức Mẹ ngày thứ Bảy mỗi tuần, bổn đạo còn dùng ngày 13 mỗi tháng để kính nhớ việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và để đáp trả sứ điệp Mẹ nhắn nhủ với tất cả con cái Giáo Hội của Mẹ là: Cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim Mẹ. Ở các giáo xứ trong miền Nam, trong ngày này, các bổn đạo thường đi hành hương kính Đức Mẹ ở Fatima Bình Triệu, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn, Đức Mẹ La Mã – Bến Tre, thuộc giáo phận Vĩnh Long. Những năm gần đây có thêm hành hương Đức Mẹ Tà Pao, thuộc giáo phận Phan Thiết. Nhìn chung bổn đạo rất sốt sắng và thành kính. Hiện tại, có thêm trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, Giáo phận Xuân Lộc.

Riêng Gia đình Vinh Sơn thì dành một tâm tình yêu mến đặc biệt với Đức Mẹ Ảnh Phép Lạ và ra sức quảng bá thông điệp lòng sùng kính Ảnh Đức Mẹ đã được truyền cho thánh nữ Catherine Labore khi Đức Mẹ hiện ra với chị năm 1830 tại Paris.

Kết Luận

Như vậy, lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam mang đậm nét kính trọng và mến yêu vì bản chất con người cũng như văn hoá người Việt Nam mang nặng tình mẫu tử. Qua hình ảnh người mẹ trần gian, thôi thúc người kitô hữu Việt Nam hướng về Mẹ trên Trời. Thật vậy, trong cuộc sống những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn hay cả những lúc thành công, nhiều người người Việt Nam đã thuộc nằm lòng những bài hát để ca ngợi và cầu xin tha thiết lên người Mẹ dịu hiền, rất gần gũi và đầy lòng kính trọng…

Hằng ngày những kinh Kính Mừng, tràng chuỗi Mân Côi đã luôn được người kitô hữu đọc lên trong các thánh đường, nơi các gia đình, trong mọi biến cố vui buồn, và cả trong thành công cũng như thất bại…

Những thói quen tốt đẹp đó đã đem lại cho Giáo Hội Việt Nam, mỗi người tín hữu Việt Nam một tinh thần sốt sắng, giàu đức tin, lòng mến và trung kiên giữ đạo, dù trải qua trăm nghìn thử thách gian truân của cuộc sống.[x]

Nữ vương rất thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con

Tháng Mân Côi 2020

Nhóm Hoa Hồng


[i] Một Luận Văn Tốt Nghiệp Thần Học, “Tâm Thức Người Việt và Đức Maria,” trang 79.

[ii] Phan Phát Huồn, CSSR, Việt Nam Giáo Sử, Chúa Cứu Thế tùng thư, 1997, trang 60.

[iii] De Rhodes. A, Phép giảng Tám ngày (Cathechismus in octo dies divisus Cathechisme divise en huit jours), Tủ sách đại kết, 1993, trang 146.

[iv] Trích lại theo Đức Mẹ La Vang , 67: X. BORRI. C., Relazione dé gelici succesi della fede ptrredicata da Patri della… egno della Cocincina, trong Bonifacy A. “Bulletin des Amis du Vieux Hue” 1931, trang 395.

[v] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater (Mẹ Đấng Cứu Chuộc), số 6.

[vi] Tài liệu Đức Mẹ La Vang, tài liệu Thánh Mẫu Học, trang 80.

[vii] Đức Mẹ La Vang-Thiên Hùng Sử, trang 226.

[viii] Đức Mẹ La Vang –Thiên Hùng sử, trang 53.

[ix] Trần Văn Đoàn, Đạo Trung Tùy Bút, NXB Tôn giáo, trang 172.

[x] Ngoài ra bài viết cũng có tham khảo một số tài liệu khác như: Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Rôma 2001; Nguyễn Hồng Dương, Nghi Lễ Và Lối Sống Công Giáo Trong Văn Hóa Viêt Nam, Viên Nghiên Cứu Tôn Giáo, Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 2001; Trần Công Nghị, Suy Tư Và Đóng Góp Cho Thần Học Việt Nam, năm 2000; Thiên Hữu – Nguyễn Thành Thống, Đức Trinh Nữ Maria, NXB Tôn Giáo; Trần Xuân Nhàn, Lòng Sùng  Kính Đức Mẹ Của Giáo Dân, lưu hành nội bộ, năm xuất bản không rõ. Và một số tài liệu internet khác.