Một linh mục truyền giáo Công giáo ở Madagascar nổi tiếng với việc phục vụ những người nghèo sống trên bãi rác đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm nay.
Cha Pedro Opeka, 72 tuổi, là một linh mục Vinh Sơn (Tu Hội Truyền Giáo) đến từ Argentina, người đã làm việc với người nghèo ở Madagascar trong hơn ba thập kỷ. Cha đã thành lập Hiệp hội Nhân đạo Akamasoa vào năm 1989 như một “phong trào đoàn kết giúp đỡ những người nghèo nhất trong số những người nghèo” sống trên vị trí của một bãi rác.
Janez Janša, Thủ tướng Slovenia, đã thông báo rằng ông đã đề cử cha Opeka cho Giải Nobel Hòa bình năm 2021 vì những cống hiến của cha trong việc “giúp đỡ những người sống trong điều kiện sống tồi tệ”.
Hiệp hội Akamasoa (có nghĩa là “người bạn tốt”) đã cung cấp cho những người vô gia cư và các gia đình trước đây 4.000 ngôi nhà bằng gạch và đã giúp giáo dục 13.000 trẻ em và thanh niên.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm “Thành phố của Tình bạn” của cha Opeka được xây dựng trên đỉnh một bãi rác ở ngoại ô thủ đô Antananarivo trong chuyến thăm mục vụ của ngài tới Madagascar vào tháng 9 năm 2019.
Pedro Pablo Opeka sinh ra ở Buenos Aires, Argentina, vào năm 1948. Cha mẹ ngài là những người tị nạn từ Slovenia di cư sau khi chế độ cộng sản ra đời ở Nam Tư.
Năm 18 tuổi, cha vào chủng viện của Tu Hội Truyền Giáo của thánh Vinh Sơn Phaolô ở San Miguel, Argentina. Hai năm sau đó, cha đến Châu Âu để học triết học ở Slovenia và thần học ở Pháp. Sau đó, cha đã trải qua hai năm như một nhà truyền giáo ở Madagascar.
Năm 1975, cha được thụ phong linh mục tại Vương cung thánh đường Lujan, và năm 1976 cha quay trở lại Madagascar, nơi cha vẫn tiếp tục sứ vụ truyền giáo cho đến ngày nay.
Khi nhìn thấy cảnh nghèo đói tuyệt vọng ở thủ đô Antananarivo, đặc biệt là tại các bãi rác nơi người dân sống trong các thùng các-tông và trẻ em tranh giành thức ăn với lợn, cha đã quyết định làm điều gì đó cho người nghèo.
Với sự giúp đỡ từ nước ngoài và công việc của người dân Madagascar, cha đã thành lập các ngôi làng, trường học, ngân hàng thực phẩm, các cơ sở kinh doanh nhỏ và thậm chí là một bệnh viện để phục vụ người nghèo thông qua hiệp hội Akamasoa.
Trong đại dịch coronavirus, cha Opeka đã làm việc để giúp đỡ các gia đình đã rơi vào cảnh nghèo đói hơn do hậu quả của các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
“Hoàn cảnh thì thật khó khăn cho các gia đình, cho các nhà nghèo đông con. Chúng tôi không có gạo. Chúng tôi không có nước uống. Chúng tôi cần nước và xà phòng.” – cha Opeka nói với Đài phát thanh Vatican vào tháng 4 năm 2020.
Madagascar là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Cha Opeka bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô vì đã kêu gọi các nước giàu hủy bỏ khoản nợ cho các nước nghèo do đại dịch. Cha nói: “Nó là điều cần thiết nếu chúng ta muốn sống đàng hoàng.”
Đây không phải là lần đầu tiên cha Opeka được đề cử cho giải thưởng Nobel hòa bình. Các đại diện Quốc hội Slovenia cũng đã đề cử cha vào năm 2012.
Trong số các đề cử khác cho giải Nobel Hòa bình năm nay có phong trào Black Lives Matter (vấn đề mạng sống người da đen), Tổ chức Y tế Thế giới, Greta Thunberg, Donald Trump, Stacey Abrams, Jared Kushner, nhà hoạt động chính trị người Nga Alexei Navalny và lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya.
Một luật sư Công giáo, người đã giúp thành lập phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông cũng đã được đề cử để nhận giải Nobel Hòa bình. Martin Lee Chu-ming, 82 tuổi, đã biểu tình cho quyền phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông trong gần 40 năm.
Lee là chủ tịch sáng lập vào năm 1990 của đảng ủng hộ dân chủ đầu tiên của Hồng Kông, Đảng Dân chủ Thống nhất của Hồng Kông, và đã lãnh đạo người kế nhiệm của đảng, Đảng Dân chủ, trong khi phục vụ trong cơ quan lập pháp của lãnh thổ trong hơn hai thập kỷ.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình năm ngoái là Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc. Người chiến thắng năm nay dự kiến sẽ được công bố vào mùa thu năm sau.
Phạm minh Triều, CM chuyển ngữ theo www.catholicnewsagency.com/