Mừng Chúa Giáng Sinh nơi vùng truyền giáo KonTum

0
1218

Một mùa Giáng Sinh nữa lại về trên vùng truyền giáo cao nguyên KonTum. Có thể nói giáo họ biệt lập chúng con như đứa trẻ sơ sinh. Vì chúng con mới được tách ra từ giáo xứ mẹ Đăk Tân hơn ba tháng nay (Đức Cha Alosio ký quyết định tách ngày 10/09/2020). Giáo họ “Vinh Sơn Kon-Slak” của chúng con có năm làng Kon-Slak 1, Kon-Slak 2, Kon-xa-muôn, Kon-bơ-de, Kon-cơ-tu. Có cha xứ tiên khởi là cha Giu-se Nguyễn Đức Thoại, cha phó là cha Giu-se Lưu Xuân Minh Trường, cả hai cha đều là cha dòng Vinh Sơn. Trước đây chúng con có thánh lễ gián đoạn trong tuần. Nhưng từ khi lên giáo họ biệt lập, mỗi ngày chúng con đều có thánh lễ vào buổi sáng, riêng chiều thứ bảy và sáng Chủ nhật là hai thánh lễ. Vì là tách ra từ giáo xứ mẹ và trước đây chúng con cũng có thánh lễ riêng ở làng, tại nhà Rông, nên các cơ cấu ban ngành vẫn không thay đổi, như Ban hành giáo đứng đầu là các chú giáo phu, ca đoàn, các anh chị giáo lý viên… Bên cạnh đó, chúng con cũng có một lợi thế là có một cộng đoàn quý Sơ Đức Bà Truyền giáo tọa lạc ở làng Kon-xa-muôn, đã hiện diện với chúng con từ lâu rồi, khoảng năm 2010. Công việc của quý Sr thì rất đa dạng, ngoài việc dạy giáo lý, đánh nhịp, tập hát cho ca đoàn trong thánh lễ. Ngoài thánh lễ, quý Sơ còn đi thăm viếng những gia đình có người già đau ốm, phát thuốc, thực hiện chương trình nồi cháo tình thương luân phiên tại các làng.

Trên đây là một vài hoạt động tiêu biểu tại giáo họ biệt lập của chúng con. Giờ đây, chúng con xin kể đôi nét về chính mình: 99% người dân trong làng là người BaNa ngôn ngữ chính là tiếng BaNa (không có chữ viết riêng), theo văn hóa BaNa, có chế độ phụ hệ. Mỗi làng có một ngôi nhà chung lớn, gọi là nhà Rông, các sinh hoạt chung, hội họp, đám cưới, đám ma đều diễn ra tại nhà Rông. Hơn 95% người dân trong làng theo đạo Công giáo, gần làng Kon-bơ-de có một nhà máy chế biến mì, nên một số người dân gần đó được nhận vào làm công nhân, đa số còn lại làm nghề nông trồng lúa, trồng khoai mì công nghiệp để bán cho nhà máy mì. Một số ít còn lại đi về các khu công nghiệp ở các tỉnh thành khác làm công nhân. Các em nhỏ đều được đi học với một học phí ưu đãi cho người đồng bào. Nhưng đa số các em chỉ học đến lớp 9, một số rất ít còn lại học hết cấp III, sau đó đi làm phụ gia đình. Trong một gia đình có cả ba thế hệ ở cùng: ông bà, cha mẹ, con cháu. Vì còn nghèo nên nhà của chúng con rất sơ sài, đa số nhà cấp bốn, mái tôn vách tường, còn một số ít là vách gỗ. Do ảnh hưởng mạnh văn hóa của người Kinh, nên những ngôi nhà xây sau này chúng con không làm kiểu nhà sàn nữa.

Nhìn lại năm 2020 là một năm có nhiều biến động, tuy nhiên do đặc thù chúng con làm nông nghiệp, ít tham dự vào “Toàn cầu hóa”, nên chúng con ít chịu ảnh hưởng của cơn đại dịch Vũ Hán. Đó cũng là một thách thức và là một điều may mắn của chúng con. Làm thế nào để người dân nơi đây thoát nghèo bền vững, trở thành một khu kinh tế phát triển. Còn một chặng đường dài nhiều gian truân phía trước, đang đợi chờ chúng con khai mở.

Lạy Chúa Hài Đồng, Ngài là vua bình an đích thực, xin giữ gìn giáo họ nhỏ bé chúng con trong bình an, giữ gìn đất nước Việt Nam tươi đẹp an bình và dẫn đưa thế giới vượt qua cơn sóng dữ đến bến bờ hạnh phúc như lòng Chúa muốn. 

Cao Lương Bằng, CM