Nhà Túc Trưng – Một chặng đường
Hôm nay cha Giám Tỉnh làm phép Nhà Nguyện nhà Tĩnh dưỡng của Tỉnh Dòng và làm phép Nơi an nghỉ của các thành viên Tỉnh Dòng. Đây là môt biến cố quan trọng và vui. Thiết tưởng còn hai biến cố khác quan trọng mà khởi đầu không vui.
Tiền thân Nhà Túc Trưng:
Sau ngày 30/4/1975, Chủng viện Vinh Sang, Tam Hiệp, Biên Hòa, giải tán, gần 300 em học sinh nội trú, trong đó là khoảng 60 em đệ tử học cấp III,- lớp 10 mới được nhận làm đệ tử – và khoảng 10 em lớp 13; các em lớp 13 là các chủng sinh đã tốt nghiệp cấp III, nhưng chưa được gửi lên Nhà Đàlạt. Các em ở lại chủng viện để giúp việc Văn Phòng Trường Trung Học Vinh Sang và làm Tổ trưởng 4 tổ các chủng sinh. Chủng viện Vinh Sang là tên gọi Nhà đệ tử thời đó, tên mà cha cố Giuse Phạm Tuấn Trang đặt lúc ngài lập nhà đệ tử của Dòng, tôi nhớ rõ trước năm 1968, còn năm chính xác thì tôi không nhớ. Một mình cha cố Giuse Trang điều hành Trường Trung Học Vinh Sang và Chủng viện Vinh Sang
Trường Trung học Vinh Sang Tam Hiệp là trường lớn vào thời đó về cơ sở và học sinh: trên dưới 2000 nghìn học sinh cấp II và cấp III, có lớp 12; có hai lớp 4 và 5 cấp I.
Hè năm 1974, ba thành viên của Tu Hội về tăng cường cho Chủng viện Vinh Sang: Cha Rôcô Trần Hữu Linh (Bề trên), cha Phêrô Mai Đào Hiền (Quản lý, Giám học…) và cha GB Nguyễn Quốc Thư (Người trách nhiệm các tông đồ), cha Giuse Phạm Tuấn Trang (Hiệu Trưởng trường Vinh Sang). Những ngày trước 30/4/1975, cha cố Giuse Phạm Tuấn Trang xuống thành phố Sài Gòn chạy loạn ra biển Tầu vớt đi. Cha Rôcô Linh gọi tôi và cha Hiền vào phòng ngài và gợi ý cho chúng tôi ra đi. Nhưng chúng tôi cương quyết ở lại đất nước.
Những ngày sau 30/4/1975, cha Hiền, Quản lý chủng viện Vinh Sang, tôi Giám đốc chủng viện Vinh Sang – Tôi nhớ mãi, Cha Giám tỉnh người Pháp viết giấy bổ nhiệm tôi làm “Le Responsable des Apostoliques”, dịch là Giám đốc chủng viện cho sang vậy. – Hai anh em đi tìm đất tốt cho các chủng sinh làm, dù Nhà Tam Hiệp – tạm gọi Chủng viện Vinh Sang Tam Hiệp như vậy – có 10 mẫu tây đất ở dọc đường xe lửa Khu Nghĩa Sơn Hố Nai, hồi đó nghĩ là đất không mầu mỡ.
Ông cố thầy cố Sáu Long cho mấy mẫu ruộng ở Dốc Mơ, nhưng hai anh em tôi cho là xa đường khó đi, không nhận. Ông cố thở dài lắc đầu.
Sau đó lên Túc Trưng, 10 em lớp 13 trụ lại tại Nhà Thầy Mùi, quen gọi như vậy, canh tác đất của các Nữ Tử Bác Ái. Khi Đại Chủng Viện Sài Gòn mở lại, tôi có xin cho các em này được học tại đây.
Ngày 15/2/1976, Nhà Tam Hiệp bị khám xét và ba chúng tôi: Cha Rôcô Trần Hữu Linh, cha Phêrô Mai Đào Hiền và tôi, cha GB Nguyễn Quốc Thư bị bắt.
Hơn 10 em chủng sinh cấp III còn lại bị quản thúc tại chủng viện trên dưới nửa năm, lúc hết gạo ăn thì “được cho về” khỏi phải tu nữa.
Cha Hiền ra tòa xử, án 3 năm, sau đó được giảm 1 năm; cha về ở Túc Trung với các thầy, rồi đi vượt biên.
Tôi, cha Thư: án tập trung cải tạo, sau 9 năm, đầu năm 1985 được trả tự do. Cha Trần Hữu Linh: án tập trung cải tạo, sau 11 năm, năm 1987 được trả tự do.
Cộng Đoàn Túc Trưng:
Tháng 01/1985, tôi được trả tự do. Trong giấy thả tự do có ghi tội danh: tổ chức FCM – phản cách mạng. Tôi ấm ức: mình có theo cách mạng đâu mà mang tội phản, có tổ chức gì đâu mà mang tội tổ chức!
Tôi về ở với mẹ và các anh chị ở xứ Kim Thượng, Gia Kiệm. Các thầy vẫn tá túc ở nhà thầy Mùi, làm nông sinh sống. Hàng ngày, sáng tôi lên Túc Trung sinh hoạt với các thầy, tối về Gia Kiệm ngủ.
Sau ít lâu, cha cố Giuse Phan Thái Hòa, lúc đó chưa chịu chức linh mục, làm quản lý Nhà Đàlạt, nói với tôi: bây giờ anh về rồi, chắc nên mua đất làm nhà cho các thầy rồi anh lên…
Thế là Nhà Dòng quyết định mua đất ở Túc Trưng. Các thầy tìm đất, cuối cùng, mua miếng đất này của Ông Bà Tư. Tiền mua đất do một ân nhân cho: đó là anh chị Kiệt-Ly, em gái của cha Alexis Tống Phước Hậu. Còn phần đất nhà tiền chế, nhà bát giác phía tay phải Tượng Chúa Chiên Lành, sân banh và ao cá là khoảng 5000m2: do ông trùm Dương xứ Túc Trưng hiến tặng. Mua đất và làm ngôi nhà gỗ to, có gác lửng, nội trong năm 1986 là xong. Tôi vẫn ngày ngày lên xuống với các thầy. Các thầy than phiền không được học hành, tôi dạy các thầy về triết nhập môn, được vài tuần, các thầy xin nghỉ xả hơi, chả biết hồi đó tôi dạy ra sao… Còn tôi, tôi chỉ biết lắc đầu …
Năm 1987, cha Rôcô Trần hữu Linh được trả tự do, về ở Túc Trưng.
Rồi năm Nhà tập niên khóa 1988-1989 được mở cho các thầy. Tôi nhớ rõ bốn thầy tập sinh: thầy Long, thầy Hải, thầy Đức, thầy Hòa. Còn các thầy khác nữa hay không tôi không nhớ. Cha Rôcô được coi như là bề trên, còn mọi chuyên quản lý tôi lo.
Biến cố I buồn nhưng quan trọng, làm Cả Giáo phận quan tâm, biết đến Nhà Túc Trưng : Dòng các thầy chết giếng:
Ngày 18/3/1989, ngày thứ bẩy, Lễ thánh cả Giuse: Thầy Phêrô Nguyễn Văn Hải và Thầy Giuse Nguyễn văn Mùi, và Anh Lớn, người hàng xóm của Cộng đoàn chết giếng.
Sự việc xảy ra là: cái giếng rộng, tròn đường kính gần 2m, sâu chỉ khoảng 6, hay 7m. Gần bên giếng có mái 1 tấm tôn phơi bát đĩa. Trước đó mấy ngày, các thầy đào sâu thêm, dưới đáy giếng đào hầm vào xung quanh, cho nổ mìn vì có đá… Rồi mấy ngày đó trời mưa. Giếng đầy nước. Sáng 18/3 ngày đó, có gió lớn thổi rơi hết bát dĩa xuống giếng. Một em cựu đệ tử Vinh Sang vất vả lặn xuống trồi lên nhặt bát đĩa… Thầy Hải bảo vất vả làm gì, nổ máy hút hết nước, rồi xuống lấy. Sau khi giếng cạn, thầy Hải xuống xỉu, thầy Mùi xuống xỉu, anh Lớn xuống xỉu, thầy sáu Long xuống xỉu!!! Sáng đó tôi ở Gia kiệm không lên nhà Túc Trưng. Không hiểu sao ai xuống là xỉu mà cứ xuống! Nghe đâu sau đó, anh Quyền vào và buộc giây thừng vào người, tụt xuống giếng, dặn khi anh giật giây thì kéo lên – vì đã có hai cột hai bên giếng có giây thừng và xà ngang quay múc nước sử dụng hằng ngày – lần lượt anh Quyền ôm rồi quay kéo 4 người lên. Các sự việc này chắc là phải lâu…??? Thầy sáu Long tư thế ngồi ngửa, được đưa lên trước nên sống; còn ba người kia về với Chúa. Việc xuống giếng rồi lên là việc thường xuyên như cơm bữa. Song lần này có lẽ khí độc của mìn còn lại ở hầm xung quanh chưa thoát do nước mưa.
Tang tóc, buồn. Người người vào thăm viếng. Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc thời đó cũng đến thăm an ủi Cộng đoàn.
Thứ hai hay thứ ba sau, Thánh lễ Đồng Tế an táng các thầy tại nhà thờ xứ Túc Trưng; nhiều cha thương đến đồng tế, nhất là Hạt Gia kiệm và Hạt Túc Trưng. Hai thầy được nằm an nghỉ tại Nghĩa trang xứ Túc Trưng, và hiện nay thì…
Thiết tưởng: Biến cố các thầy chết giếng là biến cố giới thiệu và cổ vũ Ơn gọi Vinh Sơn. Nhiều ơn gọi đã đến qua các cha xứ giới thiệu. Chấm dứt năm Tập Viện, thầy sáu Long trụ lại, sau đó thầy Đức và thầy Hòa xin qua Giáo phận Phú Cường. Mùa hè 1990, Mùa ơn gọi bắt đầu, có các đệ tử vào nhà Túc Trưng nhập tu.
Biến cố II: vui và quan trọng. Cả giáo phận và các dòng biết đến Dòng Vinh Sơn:
Ngày 16/2/2004: Năm thành viên Vinh Sơn được chịu chức linh mục ở Giáo Phận Xuân Lộc, cùng các dòng khác. Lễ truyền chức linh mục diễn ra tại Cộng Đoàn Tu Hội Nhà Chúa, Giáo xứ Thánh Gia ở Long Khánh, do tay Đức cha phụ tá Giáo phận, Tôma Nguyễn Văn Trâm, Đặc trách Tu sĩ.
Anh em Cộng đoàn mừng vui, tạ ơn Chúa. Nhà dòng mừng vui; các thân nhân của các tiến chức mừng vui; ai biết tin cũng chúc mừng. Những ngày đó, chính bản thân tôi mừng vui tạ ơn Chúa, thưa với Chúa như ông già Simeon ẵm Chúa trên tay: xin cho con được an bình ra đi. Ngày 16/2/2004 tưng bừng. Ngày hôm sau thánh Lễ Tạ Ơn tưng bừng tại Cộng đoàn Túc trưng của cả 5 anh em tân chức. Có đông người tham dự.
Biến cố hôm nay cha Giám Tỉnh về làm phép Nhà Nguyện, Nhà Tĩnh dưỡng, và nơi an nghỉ… Biến cố III: quan trọng và vui mừng, mở ra một tương lai tươi sáng:
Tĩnh dưỡng: hưu dưỡng và nghỉ dưỡng. Có phải là thời gian chờ được Chúa gọi về? Nôm na mà nói là chờ chết. Có phải là Thời gian được nghỉ: khỏi phải làm gì và không được làm gì nữa sao?
Ngày 13/7/2019, Tổng Công Nghị của Dòng Đaminh, đã diễn ra ở Đại chủng viện Giáo Phận Xuân lộc, đã bầu được cha Tổng Quyền mới, người Á châu đầu tiên, người Phi, Cha Timoner. Trong nghi thức tuyên xưng đức tin nhậm chức, cha Tân Tổng quyền lần đầu tiên nói với Gia đình Đaminh, với tư cách Tổng Quyền:
“Chúng ta là nhà giảng thuyết không phải vì những gì chúng ta làm, mà là căn tính của chúng ta. Chúng ta là nhà giảng thuyết ngay khi chúng ta đã về hưu, ngay khi chúng ta nằm trên giường bệnh, ngay cả khi chúng ta không là linh mục. Chúng ta là nhà giảng thuyết ngay cả khi chúng ta một mình lặng lẽ âm thầm nghiên cứu trong thư viện. Chúng ta là người Đaminh vì thế chúng ta là người giảng thuyết. Đó là căn tính của chúng ta”.
Vậy, thưa cộng đoàn phụng vụ, chúng ta là Gia đình Vinh Sơn, là Tu Hội Truyền giáo, là NTBA, căn tính của chúng ta là gì?
Căn tính của chúng ta là truyền giáo và phục vụ người nghèo
Chúng ta truyền giáo thế nào?
Tổng Thống Kennedy của nước Mỹ, khi đến thăm cơ quan NASA, cơ quan vũ trụ của Mỹ, đã hỏi anh phu đang quét rác: “Anh đang làm gì đấy?” – Anh ta trả lời dõng dạc: “Thưa Tổng Thống, tôi đang làm công việc chuẩn bị đưa con người lên mặt trăng”. Làm việc trong cơ quan NASA, cơ quan vũ trụ nghiên cứu đưa con người lên mặt trăng dù quét rác cũng là việc chuẩn bị đưa con người lên mặt trăng. Quét nhà cũng là việc truyền giáo, đi chợ, làm bếp nấu ăn cũng là việc truyền giáo, khi chúng ta có tâm hồn truyền giáo.
Chúng ta truyền giáo thế nào?
Thánh Phanxicô Assisi, một ngày kia gọi một thầy và nói: – Sáng nay, thầy đi giảng với tôi. Thầy đó hớn hở được đi giảng với đấng thánh, đến một xứ nào đó, một cộng đoàn nào đó. Song, cả buổi sáng hai cha con ‘dạo hết’ phố này sang phố khác, mệt nhoài mồ hôi vã ra. Thầy mới hỏi cha mình: “Cha ơi, cha bảo đi giảng mà, sao từ sáng tới giờ cứ đi loanh quanh…” Ngài mới trả lời: “Ô hay, thì từ sáng đến giờ, thầy với tôi đi giảng qua bao đường phố còn gì!” Hóa ra… đi đường cũng là truyền giáo, lời ăn tiếng nói, nét mặt cũng phải là truyền giáo. Tất cả mọi sự chúng ta làm, chúng ta nói, chính cả con người chúng ta phải thể hiện căn tính truyền giáo.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ ở trong Đan viện, Thánh Phanxicô Xaviê ngang dọc khắp vùng Đông Nam Á rao giảng, cả hai đều được tôn vinh làm Bổn mạng các xứ truyền giáo. Đấng nào lao công vất vả hơn đấng nào? Nữ thánh tiến sĩ Têrêxa Hài Đồng Giêsu lấy việc đau chân làm lời kinh sống động dâng lên Chúa làm lời kinh truyền giáo, làm việc truyền giáo: xin Chúa cho đôi chân các nhà truyền giáo vững mạnh. Những bước đi đau đớn, những lời kinh trong Đan viện tăng sức cho những bước chân của những nhà truyền giáo – Chúa mới biết.
Hưu dưỡng, nằm trên giường bệnh chờ chết về với Chúa, chúng ta không còn mang danh nhà truyền giáo nữa hay sao? Còn chứ!
Lời dạy của cha thánh Vnh Sơn: “Ô! Nếu chúng ta biết hành động như một người đầy tớ tốt lành của Chúa, người này, khi đang ở trên giường bệnh, đã biến giường bệnh thành một ngai vàng công đức và vinh quang! Người ấy đầu tư các mầu nhiệm thánh của đạo chúng ta. Trên giường, anh đặt tượng Chúa Ba Ngôi; ở đầu giường, ảnh Mầu Nhiệm Chúa Nhập thể; ảnh Chúa Cắt bì, một bên giường; bên kia, ảnh Bí tích Thánh Thể; và phía chân là ảnh Chúa Chịu Nạn. Và như vậy, bất kể phía nào anh ta quay sang, phải hay trái, anh ta đưa mắt nhìn lên hay xuống, anh ta luôn được bao bọc bởi các mầu nhiệm thánh thiện này, và như được Chúa bao quanh và đầy Chúa[1]. Ánh sáng quá đẹp, thưa anh em, ánh sáng quá là đẹp! Nếu Chúa ban cho chúng ta ân sủng này, chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao!” (Entretiens 203).
Tạ ơn Chúa. Chúng ta là thành viên Gia đình Vinh Sơn, có căn tính là nhà Truyền giáo và Phục vụ người nghèo. Cái chết là của lễ sau hết chúng ta dâng lên Chúa.
Các thành viên Vinh Sơn đang an nghỉ ngoài kia không còn là nhà truyền giáo nữa sao? Cũng như tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay những người thân đã qua đời của chúng ta không giúp gì cho chúng ta, cho con cháu nữa sao? Còn chứ! Có chứ! Và giúp rất nhiều!
Thánh Vinh Sơn gọi họ là những người được Chúa gọi về trời rao giảng Tin Mừng.
Cha Teillard Chardin, nhà thần học Dòng Tên, đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa con tin có hỏa ngục vì Giáo Hội dạy thế, nhưng con tin Chúa lòng lành vô cùng không nỡ để ai sống trong đó.”
Các thành viên anh em đó, cũng như tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay những người thân đã qua đời của chúng ta, nhờ tình thương của Chúa lòng lành vô cùng, đang hưởng hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc quá tuyệt vời không miệng lưỡi nào tả nổi. Khi thấy chúng ta còn mê mải sự đời, không cố công gắng hết sức để về trời, chắc chắn họ tha thiết khẩn xin Chúa ban ơn cho chúng ta ra sức lao công, để về hưởng nhan Chúa với họ.
Nữ thánh Tiến sĩ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng nói:“Khi về trời, tôi sẽ mưa hoa hồng xuống trần gian”.
Xin Chúa ban bình an, niềm vui và nhiệt tình tông đồ cho tất cả chúng ta.
Đức Kitô đang sống, và ở cùng chúng ta.
Lm GB Nguyễn Quốc Thư, CM