Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, khi vào lớp đệ tử ở Đà Lạt thì được nghe các cha lớn tuổi nói nhiều về “bộ cốt – Coste”. Vì là mới chân ướt chân ráo vào Tu hội nên chúng tôi cũng chẳng hiểu rõ cái ‘bộ’ đó là cái gì. Chúng tôi chỉ biết là đó là một cuốn sách viết về thánh Vinh Sơn Phaolô rất nổi tiếng bên Pháp.
Dần dần, sau này khi học triết học và vào thư viện thì chúng tôi mới biết đó là một bộ tổng hợp gồm 14 cuốn sách dày do cha Pierre Coste, một linh mục Tu Hội Truyền Giáo người Pháp đã viết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ coi qua, lật mở vài trang và chẳng thể đọc được vì thời đó chỉ có bộ bằng tiếng Pháp. Thế là anh em lại đặt lại chỗ cũ và chỉ biết một điều là nó viết về thánh Vinh Sơn tổ phụ.
Bây giờ thì trong thư viện có cả bản tiếng Anh và tiếng Pháp nhưng xem ra nó cũng vẫn còn là một bí ẩn. Để khám phá bộ sách này đòi hỏi một sự đam mê, kiên nhẫn và thời gian cũng như lòng yêu mến giá trị lịch sử và nhất là về cuộc đời của thánh Vinh Sơn.
Tuy nhiên, với cha Pierre Coste, bộ tuyển tập đó không phải là duy nhất. Ngài còn viết nhiều sách nữa về thánh Vinh Sơn, nhưng đặc biệt hơn cả là một kiệt tác về tiểu sử cuộc đời của thánh Vinh Sơn Phaolô gồm 3 tập với tổng số hơn 1800 trang, qua 54 chương (tập I: 24 chương; tập II: 19 chương và tập III: 11 chương).
Bộ tiểu sử này nguyên bản bằng tiếng Pháp: Monsieur Vincent: Le Grand Saint Du Grand Siecle (Paris: Desclée de Brouwer, 1932). Chính nhờ bộ sách này mà tháng 6/1933 Cha Pierre Coste đã được viện Hàn Lâm Pháp (L’Académie Française) trao giải thưởng cao nhất Grand Prix Gobert cho công trình văn học lịch sử này của cha.[i]
Bản tiếng Anh của bộ sách này đã được cha Joseph Leonard, CM thuộc tỉnh dòng Hoa Kỳ chuyển ngữ với tiêu đề: Pierre Coste, The Life & Works Of Saint Vincent De Paul (New York: Brooklyn, New city press, 1987).
Tuy nhiên tác phẩm này của cha đã có một vài ghi nhận:[ii]
Chính cha Pierre Coste là người đầu tiên đã khai thác một cách có hệ thống công trình của mình, và kết quả là cuốn tiểu sử về thánh Vinh Sơn của cha đã ra đời. Quan niệm tiềm tàng trong sách này, và cách tác phẩm được triển khai, phù hợp với những yêu sách gắt gao nhất của chủ nghĩa thực chứng lịch sử (historical positivism).
Cha Pierre Coste quan tâm đến các sự kiện và nhìn từ góc độ này, cuốn tiểu sử của ngài không có gì khiếm khuyết. Ngoài một vài khám phá mới đây, ta có thể nói rằng tác phẩm này gom lại tất cả những sự kiện quan trọng liên hệ tới lịch sử của thánh Vinh Sơn Phaolô.
Tuy nhiên, có hai vấn nạn liên quan tới tác phẩm này. Một đàng, tác giả trung thành với những xác tín của mình, phạm cái lỗi “thái quá” gắn liền với chủ thuyết phê bình thực chứng. Cha quá chú trọng đến tài liệu đến độ từ chối chấp nhận bất cứ bằng chứng nào không thành văn. Thứ đến, cha Coste không thiếu tài năng nhưng chắc chắn thiếu khả năng giải thích tư liệu. Việc cha đọc các bản văn không đưa đến chỗ thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu bên trong đằng sau các lời nói và biến cố, mà đó lại là điều cốt yếu đối với mọi tiểu sử. Dầu vậy, bộ kiệt tác này của cha Pierre Coste là cuốn sách thiết yếu phải đọc nếu muốn tìm hiểu nghiêm túc về thánh Vinh Sơn.
Cha Pierre Coste được coi là cha đẻ của những nghiên cứu Vinh Sơn đương đại trong Tu Hội Truyền Giáo và là người có công to lớn trong việc tổng hợp và hệ thống hóa toàn bộ các thư từ, bút tích, tài liệu liên quan đến thánh Vinh Sơn, để ngày nay chúng ta có được bộ sách như trên.
Chính vì những cống hiến to lớn như thế, nên tên của cha đã được đặt cho một giải thưởng mang tên Pierre Coste. Giải thưởng này được thiết lập năm 2003 trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thành lập Học Viện Nghiên Cứu Vinh Sơn (Vincentian Studies Institute) tại trường đại học DePaul (Chicago – Hoa kỳ). Giải thưởng này sẽ được trao cho các tác giả có những cống hiến đặc biệt trong công trình nghiên cứu về thánh Vinh Sơn hoặc về Tu Hội Truyền Giáo.
Tuy nhiên để có được công trình nghiên cứu đầy đủ và quý giá ấy về cuộc đời và sự nghiệp của thánh Vinh Sơn chúng ta phải nói đến một người. Chính nhờ người này mà Tu Hội Truyền Giáo mới có và lưu lại được những gì liên quan đến thánh Vinh Sơn mãi từ thế kỷ XVII. Đó là thầy Bertrand Ducourneau.
Thầy Ducourneau (1614-1677) được nhận vào trong Tu hội ngày 28 tháng 7 năm 1644 và sau đó vài năm, trở thành là một thư ký của cha Vinh Sơn. Thầy còn làm chức vụ này cho đến hai đời tổng quyền kế thánh Vinh Sơn là cha René Alméras, CM và cha Edmond Jolly, CM. Thầy đã đóng vai trò như người quản thư cho những công việc đầu tiên trong việc ghi chép, thu thập các lá thư và tài liệu liên quan đến thánh Vinh Sơn tại nhà Saint Lazare cho đế khi qua đời.[iii]
Cha Pierre Coste, CM (1873-1935)
Cha Pierre Coste một linh mục thuộc Tu Hội Truyền Giáo (CM). Cha sinh ngày 03/02/1873 gần Dax. Như vậy, cha Pierre Coste và thánh Vinh Sơn là đồng hương. Cha gia nhập Tu Hội năm 1889 tại Dax, nhưng vì vấn đề sức khỏe cho nên cha đã không làm lời khấn cho đến năm 1895. Do sức khỏe quá kém, cho nên trong thời gian cha chịu chức phụ phó tế (subdiaconate), cha quản lý nhà thời bấy giờ đã không chi tiền để mua cho cha cuốn sách kinh mới, vì nghĩ rằng cha sẽ chết trong nay mai – chính cha đã thổ lộ.
Sau khi hoàn thành việc học tại Dax, cha được chịu chức linh mục năm 1896. Sau đó cha tiếp tục ở lại đấy với vai trò của một giáo sư Kinh thánh, Tín lý và Lịch sử. Tuy nhiên, cha có khiếu về môn lịch sử hơn và có kỹ năng tốt trong nghiên cứu và phương pháp lưu trữ văn khố dù cha không được học chúng một cách bài bản. Năm 1909 cha được chỉ định là nhân viên phụ trách văn khố ở Nhà Mẹ của Tu Hội Truyền Giáo ở Paris và năm 1927 trở thành tổng phụ tá của Tu Hội. Cha mất năm 1935 sau một thời gian dài sống trong ốm đau, bệnh tật. [iv]
Ngoài ba tập sách cha đã xuất bản như chúng ta nói ở trên, thì trước đó cha đã xuất bản một bộ sưu tầm toàn bộ bút tích của thánh Vinh Sơn dưới nhan đề: Saint Vincent de Paul: Correspondance, Entretiens, Documents, 14 tập (Paris: Librarie LeCoffre, 1920-1925).
Bộ sách này gom tất cả những văn thư của thánh Vinh Sơn mà chúng ta được biết – các lá thư ngài đã viết và các thư đã nhận, các bài đàm luận thiêng liêng với các nhà thừa sai và với các Nữ Tử Bác Ái và một số lớn những tài liệu, văn kiện đủ loại (tông sắc, qui định, luật lệ, hợp đồng, tuyên ngôn,…).
Nói cho đúng, đây không phải là một ấn bản mang tính phê bình về bút tích của thánh Vinh Sơn, nhưng điều này không làm giảm tính khả tín của nó, vì cha Pierre Coste cẩn thận trình bày cho người đọc chính ngôn từ của cha Vinh Sơn. Giá trị nổi bật nhất của ấn bản này là mối quan tâm của tác giả, gom tất cả mọi thông tin khả dĩ chiếu sáng vào con người, các biến cố, địa danh và ý tưởng, mà bút tích của cha Vinh Sơn đã nói đến.[v]
Không thể nào có thể biên soạn một tiểu sử hay một cuộc nghiên cứu về thánh Vinh Sơn mà lại không đào sâu văn phẩm của cha Pierre Coste. Đây là nguồn tư liệu hàng đầu cho mọi việc tra cứu về Vinh Sơn. Cha John Rybolt, CM là một sử gia đương đại của Tu Hội Truyền Giáo và cũng đã giành được giải thưởng Pierre Coste, đang làm việc tại đại học Depaul (Chicago), đã tổng hợp được một mục lục với hơn 1000 cuốn sách nói về thánh Vinh Sơn được viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và tất cả đều bắt nguồn từ bộ sách vĩ đại này.[vi]
Kể từ khi tập sách đầu tiên ra đời (1920) thì hơn 60 năm sau, năm 1985 phiên bản đầu tiên bằng tiếng Anh được xuất bản: Saint Vincent de Paul, Correspondence, Conferences, Documents (New York: New city press, 1985).
Đây là một công trình nghiên cứu và chuyển dịch (Vincentian Translation Project) công phu của Viện Nghiên Cứu Vinh Sơn – Hoa Kỳ (Vincentian Studies Institute) từ trước đó. Sơ John Marie Poole, Nữ Tử Bác Ái với vai trò tổng biên tập của công trình dịch thuật này, cùng với rất nhiều các cộng sự gồm các cha Tu Hội Truyền Giáo, các Nữ Tử Bác Ái và giáo dân thành viên gia đình Vinh Sơn như Sơ Jacqueline Kilar, D.C; Sơ Helen Maria Law, D.C; cha James R. King, CM; cha Francis Germovnik, CM (latin); cha W. Carven, C.M…
Tập cuối (14) của công trình dịch thuật bộ sách 14 tập của tác giả Pierre Coste từ tiếng Pháp sang tiếng Anh đã được hoàn thành vào tháng 09/2014, tức là sau 40 năm làm việc miệt mài và nghiêm túc.
Hiện tại với phiên bản tiếng Anh, công trình của bộ sách này vẫn đang tiếp tục. Hy vọng rằng trong năm 2020, Học Viện Nghiên Cứu Vinh Sơn do cha John E Rybolt, CM chủ biên, sẽ xuất bản thêm ba tập sách với 2 volume những tài liệu của thánh Vinh Sơn mà chưa được in trước đó. Đây được xem như là một công trình kế thừa cho bộ sách vĩ đại của cha Pierre Coste.
Bộ sách mới này tổng hợp gồm cả tiếng Anh và tiếng Pháp gồm Volume B và Volume C (phần I và Phần II): John E Rybolt, CM. “Unpublished Conferences” (2020). Saint Vincent de Paul/ Correspondence, Conferences, Documents (EnglishTranslation). (Truy cập tại: https://via.library.depaul.edu/coste_en/4.)
Một điều thú vị là tập sách này đã luôn thu hút độc giả trong việc nghiên cứu và khám phá về cuộc đời thánh Vinh Sơn Phaolô. Theo như trong mục theo dõi của thư viện online tại trường đại học Depaul (Chicago), năm vừa qua (2019) đã có 936 lượt downloads với tổng 11.059 lượt downloads cho riêng bản tiếng Pháp, kể từ khi bộ sách được cập nhật bản online. Như thế, có lẽ với bản tiếng Anh con số đó còn lớn hơn nhiều.
Việc trích dẫn từ bộ sách
Như đã nói ở trên, là vì cuốn sách được coi như là nguồn đầu tiên cho tất cả những dữ kiện liên quan đến thánh Vinh Sơn cũng như Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Vì vậy mà trong rất, rất nhiều sách đều có cước chú liên quan đến bộ sách này. Tuy nhiên, có những cách cước chú xem ra không ổn về mặt khoa học và chúng ta cần phải chú ý hoặc điều chỉnh.
Chẳng hạn, trong các sách Vinh Sơn tiếng Việt, ngày nay chúng ta có thể thấy có các hình thức trích dẫn vắn tắt từ bộ sách này như:
-
-
(Coste: X, 13): số La mã chỉ số tập và số kế tiếp chỉ số trang – coi cha Pierre Coste là tác giả.
-
(SV: XII, 23): được hiểu lấy từ bản tiếng Pháp: (Saint Vincent de Paul: Correspondance, Entretiens, Documents) nhưng cũng có thể hiểu lấy từ bản tiếng Anh: (Saint Vincent de Paul, Correspondence, Conferences, Documents). Cả hai đều lấy tên tác giả chính là thánh Vinh Sơn. Tuy nhiên, kiểu trích dẫn này từ trước đến nay vẫn thường được hiểu là trích dẫn từ bản tiếng Pháp hơn là từ bản tiếng Anh.
-
(CCD: V, 285): lấy từ bản tiếng Anh, nhưng không dẫn tên tác giả mà dẫn tên tác phẩm: (Saint Vincent de Paul, Correspondence, Conferences, Documents.)
-
(CED: V, 135): rất hiếm gặp, dẫn theo bản tiếng Pháp và không dẫn theo tên tác giả những cũng dẫn theo tên tác phẩm: (Saint Vincent de Paul: Correspondance, Entretiens, Documents.)
-
Trước hết chúng ta cần phải xác nhận như lịch sử đã để lại đó là, chính thánh Vinh Sơn là tác giả của bộ sách, mặc dù có những phần không phải do đích thân ngài viết nhưng do thư ký ghi lại. Như vậy cha Pierre Coste đóng vai trò là tổng biên tập cho bộ sách và điều này thì rõ ràng.
Do đó, với bốn cách ghi chú vắn tắt cho trích dẫn như ở trên thì trích dẫn (2) (SV: XII, 23) xem ra là đúng về mặt khoa học nhưng có thể gây nhầm lẫn giữa hai bản văn vì không biết là bản tiếng Pháp hay bản dịch tiếng Anh.
Cách trích dẫn đầu tiên (1) thì có thể chưa chính xác về mặt khoa học. Vì Pierre Coste không phải tác giả bộ sách này và ông còn có những cuốn sách khác nữa, như vậy có thể hiểu lầm là lấy từ những sách khác.
Hai cách trích dẫn sau (3) và (4) xem ra là một giải pháp để tránh nhầm lẫn. Vì dùng CCD hay CED thì người ta sẽ biết rõ chính xác là trích dẫn từ bản tiếng Anh hay Pháp.
Tuy nhiên để chuẩn xác nhất cho việc trích dẫn về mặt khoa học và tránh các trích dẫn sai trong các bài viết hay các sách thì cách trích dẫn sẽ nên là:
Nếu trích từ bản tiếng Anh:
-
-
Saint Vincent de Paul, Correspondence, Conferences, Documents, biên tập: Pierre Coste, tập mấy (New York: New city press, năm xuất bản), trang mấy.
-
Ví dụ : Saint Vincent de Paul, Correspondence, Conferences, Documents, biên tập: Pierre Coste, tập I (New York: New city press, 1985), 33-34.
-
Hoặc có thể chấp nhận cách viết tắt như sau: (CCD: I, 33-34).
-
Nếu trích từ bản tiếng Pháp:
-
-
Saint Vincent de Paul, Correspondance, Entretiens, Documents, biên tập: Pierre Coste, số tập (Paris: Librarie LeCoffre, năm xuất bản), số trang.
-
Ví dụ: Saint Vincent de Paul, Correspondance, Entretiens, Documents, biên tập: Pierre Coste, tập I (Paris: Librarie LeCoffre, 1920), 33-36.
-
Hoặc có thể chấp nhận cách trích dẫn vắn tắt: (CED: I, 33-34).
-
Kiểu ghi trích dẫn này cũng áp dụng chung cho bản tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.
Vì vậy cần cẩn thận tra cứu và đối chiếu khi có những trích dẫn từ bộ sách này. Vì nếu không để ý, có thể có những trích dẫn không chuẩn xác mà khi người đọc muốn tìm lại bản gốc thì không thể tìm được, hoặc cũng có thể việc trích dẫn từ một sách khác và đổi cách ký hiệu trích dẫn đã làm xuất hiện nhưng câu nói “ma” mà nó không hề có trong tác phẩm này.
Như vậy, Đại Tập 14 cuốn của cha Pierre Coste được chia làm ba phần chính:
-
-
Phần thứ nhất: Thư Từ (từ tập I – Tập VIII(a và b trong bản tiếng Anh) gồm có 3296 thư do chính thánh Vinh Sơn viết cho mọi thành phần, tầng lớp khác nhau trong giáo hội, xã hội thời bấy giờ.
-
Phần thứ hai: Đàm Luận (từ tập IX – tập XII) gồm có hàng trăm bài huấn đức – đàm thoại với Tu Hội Truyền Giáo và Tu hội Nữ Tử Bác Ái và đã được các thư ký của cha Vinh Sơn và các Nữ Tử Bác Ái công khai hoặc lén lút ghi lại được.
-
Phần thứ ba: Tài Liệu, Văn Thư (tập XIII) liên quan đến thánh Vinh Sơn, Tu Hội Truyền Giáo, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái và Hiệp Hội Bác Ái và Hiệp Hội Các Bà Bác Ái.
-
Phần bổ sung: tập XIV trong tiếng Anh và XIV- (XV) trong bản tiếng Pháp.
-
Đến đây thì chúng ta có thể thấy một cách tổng quát và hệ thống về bộ sách quý giá mà cha Pierre Coste đã để lại cho gia đình Vinh Sơn. Đây là một di sản quý báu về mặt tinh thần mà từ khi ra đời cho đến nay nó đã không ngừng được các thành viên Vinh Sơn khám phá cũng như học hỏi. Qua bộ đại sưu tập này, các thành viên có thể hiểu rõ về thánh tổ phụ hơn cũng như biết về lịch sử của Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái cách tường tận hơn.
Hy vọng rằng điều này sẽ tiếp tục khởi hứng cho mọi thành viên Vinh Sơn tiếp tục hành trình khám phá về đời sống và sự nghiệp của thánh Vinh Sơn Phaolô vị tông đồ của người nghèo và bắt trước ngài trên con đường rao giảng Tin Mừng, phục vụ người nghèo cũng như con đường nên thánh.
“Việc biết lịch sử của chính mình cho phép một Tu hội hiểu được đó là ai, nhiệm vụ của chính Tu hội trong Giáo hội là gì, đâu là những điểm mạnh và điểm yếu mà nó đã trải qua nhiều thế kỷ, như thế nào mà Tu hội có như bây giờ và Tu hội sẽ đi về đâu trong tương lai. Một nhóm mà biết lịch sử của chính mình thì cũng biết, trong phôi, chính tương lai.” (Cha Robert Maloney, CM)[i]
Manila, ngày đầu năm mới 2020
Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM
[i] Cha Robert P. Maloney CM, là bề trên tổng quyền thứ 23 của Tu Hội Truyền Giáo (từ 1992 đến 2004).
[i] Pierre Coste, The Life & Works Of Saint Vincent De Paul, trans Joseph Leonard, CM, volume 1 (New York: Brooklyn, New city press , 1987), tr viii.
[ii] José María Román, Saint Vincent De Paul, A Biography, trans : Joyce Howard, D.C (Melisende UK, 1981), tr 5-10.
[iii] Hugh. F. O’donnell and Frances Ryan and Louise Sullivan and others, Vincent De Paul And Louise De Marillac, Rules, Conference And Writtings, edited Frances Ryan and John Rybolt (New York: Paulist press, 1995), tr 280.
[iv] Stafford Poole, C.M, “Pierre Coste and Catherine Laboure: The Conflict of Historical Criticism and Popular Devotion,” trong Vincentian Heritage Journal: Vol. 20 : Iss. 2 , Article 3 (1999), tr 255. https://via.library.depaul.edu/vhj/vol20/iss2/3.
[v] José María Román, Saint Vincent De Paul, A Biography, tr 5-10.
[vi] John E Rybolt, C.M, “Saint Vincent de Paul: Bibliography to Present Day,” trong Vincentian Heritage Journal: Vol. 20 : Iss. 1, Article 10 (1999), tr 107-160. Available at: https://via.library.depaul.edu/vhj/vol20/iss1/10.