Sống trong Thánh Thần – Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

0
1805

1. Các bài đọc 

  • Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

           Sách Công vụ Tông đồ: Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ đang tề tựu nhau tại Giêrusalem.

  • Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

            Thánh vịnh 103: Thần Khí của Thiên Chúa canh tân trái đất.

  • Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

           Thư thứ nhất thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô: chúng ta tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô.

  • Tin Mừng: Ga 20, 19-23

Tin Mừng theo thánh Gioan: Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và trao ban ân sủng của Chúa Thánh Thần.

2. Chia sẻ

Có lẽ, một điều có thể dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đó chính là sức sống của Giáo hội qua dòng thời gian. Từ một nhóm các Tông đồ đầu tiên trong ngày lễ Ngũ Tuần, mà hôm nay Giáo hội đã lan rộng ra khỏi bờ cõi Giuđêa và đến tận cùng trái đất. Công cuộc loan báo Tin Mừng và sự khai sinh của Giáo hội ở mọi nơi là do bởi Chúa Thánh Thần. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong những ngày đầu khai sinh Giáo hội và trong đời sống người Kitô hữu.

Bài đọc I: sách Công vụ Tông đồ tường thuật lại quang cảnh của ngày lễ Ngũ Tuần khi mà Chúa Thánh Thần ngự xuống từng người trên các Tông đồ. Dân chúng tại đó đã được chứng kiến những hiện tượng kỳ lạ mà họ chưa từng thấy bao giờ, nhất là nơi bản thân các Tông đồ, người mà vừa được đầy tràn Chúa Thánh Thần.

Bài đọc II: thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô nói về sự hiệp nhất nhờ Thánh Thần trong Đức Kitô. Tất cả chúng ta, trong Thánh Thần đều được thanh tẩy để trở nên một thân thể.

Bài Tin Mừng là câu chuyện Đức Giêsu hiện đến với các Tông đồ sau khi Người từ cõi chết sống lại để ban quyền tha tội cho các ông nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Trong niềm vui của ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tôi cảm nghiệm một vài tâm tình về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống qua ánh sáng của Lời Chúa hôm nay.

Chúa Thánh Thần đem lại quyền năng biến đổi

Điều này được thấy rất rõ nơi bài đọc I sách Công vụ Tông đồ. Sự biến đổi diễn ra cách hiển hiện và mọi người đều nhận ra sự biến đổi ấy. Đó là các Tông đồ từ những kẻ đang ẩn nấp trong sợ hãi, thì sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã trở nên mạnh mẽ và can đảm. Đó là các dân đang tề tựu tại Giêrusalem đã đến từ nhiều vùng khác nhau, nhưng đã nghe và hiểu các Tông đồ như các ngài đang nói với họ bằng tiếng mẹ đẻ của họ vậy.

Nơi bài Tin Mừng, đó là các Tông đồ được Chúa ban quyền tha tội qua Chúa Thánh Thần. Một quyền năng để biến đổi tâm hồn người tỗi lỗi trở nên sạch tội và hoán cải đời sống.

Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong đời sống của Giáo hội và Ngài cũng tiếp tục mang lại quyền năng biến đổi qua các bí tích, qua việc cầu nguyện, qua đời sống kết hợp với Chúa nơi mỗi người tín hữu… Nên điều này cho thấy, có thể có những điều chúng ta nghĩ rằng nó không thể thay đổi được: như tình trạng sống trong tội lỗi của một người thân nào đó trong gia đình, những kế hoạch không có lối giải quyết, gắn bó với một tật xấu trường kỳ… Thế nhưng, Chúa Thánh Thần sẽ có quyền năng để biến đổi những điều ấy thành tốt, thành thánh thiện.

Hãy kiên nhẫn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần giúp biến đổi bằng cách lãnh nhận các bí tích, kiên nhẫn trong cầu nguyện… Chúa Thánh Thần sẽ tuôn đổ sức mạnh của Ngài xuống và giúp chúng ta được biến đổi để trở nên mạnh mẽ và được đổi mới trong tâm hồn. Chúng ta có thể nhận ra quyền năng này của Thánh Thần qua Chúa Giêsu như Kinh thánh đã thuật lại “quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10,38)

Chúa Thánh Thần mang lại hiệp nhất trong sự đa dạng

Chúa Thánh Thần đã làm cho đám đông dân chúng nói nhiều thứ tiếng khác nhau đều cùng hiểu những gì các Tông đồ nói với họ “tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình” (Cv 2,6). Chúa Thánh Thần đã làm cho những vết thương của tháp Babel được chữa lành. Chúa Thánh Thần là nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất. Trong Chúa Thánh Thần mọi ngăn cách về ngôn ngữ, chủng tộc, v.v… đều bị phá đổ để đi đến hiệp nhất. Chúa Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Giáo hội trở thành Giáo hội của mọi dân tộc.

Bài đọc II thánh Phaolô đã diễn tả sự hiệp nhất ấy qua hình ảnh của một thân thể, dù có nhiều tác vụ khác nhau, ơn ban khác nhau, nhưng tất cả nhờ Thánh Thần là để mang đến sự hiệp nhất “cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy” (1 Cr 12,12).

Hiệp nhất là dấu chỉ để giúp nhận ra sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi một gia đình, một giáo xứ hay một cộng đoàn. Vì thông thường những tập thể này sẽ gồm những con người với tính khí rất khác nhau, cách nghĩ khác nhau, quan điểm khác nhau… nhưng nếu tất cả biết làm việc chung theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì vẫn giữ được sự hiệp nhất và thậm chí đó là sự hiệp nhất mang đến sự phong phú nhờ có những khác biệt. Ngược lại, nếu không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, những khác biệt đó sẽ là nguy cơ của sự chia rẽ, gièm pha, ganh tỵ và trở nên gương xấu cho người khác.

Chúa Thánh Thần ban ơn sủng

Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài ban tràn ân sủng cho các Tông đồ để các ông mạnh dạn “mở toang cánh cửa phòng” của sự nhút nhát, để bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng. Ân ban đó được ban cho từng người tùy theo khả năng mà họ sẽ lãnh nhận, mà bài đọc II đã nhấn mạnh điều này: “sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích” (1 Cr 12,11). Chính khi Đức Giêsu thổi hơi trên các Tông đồ để ban Chúa Thánh Thần, thì Ngài cũng ban ơn bình an cho các ông. Có một sự nối kết hiệp nhất giữa ơn bình an, sự tha thứ và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Mỗi người được Chúa ban cho mỗi ơn, mỗi khả năng khác nhau và được mời gọi để làm cho những ơn ban ấy sinh ích lợi không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đoàn, cho gia đình, cho giáo xứ. Cho nên mỗi người cần cố gắng nhận ra những ơn ấy và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần ban và làm cho nó sinh ra nhiều ích lợi qua việc phục vụ cho cộng đoàn mà mình đang hiện diện. Và khi mỗi người đều cộng tác như thế, chúng ta sẽ làm cho cộng đoàn, gia đình, giáo xứ được đầy tràn sự năng động và đầy sức sống. Vì thế, hãy trân trọng mọi ân ban của Chúa Thánh Thần nơi bản thân mỗi người và làm cho ân ban ấy sinh ích cho bản thân và cho anh chị em của mình.

Chúa Thánh Thần đang âm thầm hoạt động nơi đời sống mỗi người Kitô hữu hầu thánh hóa họ trở nên những thụ tạo mới trong ơn cứu độ của Chúa. Chúa Thánh thần cũng đang hoạt động nơi Hội thánh để làm cho bốn phương nên anh em một nhà. Hãy sống kết hợp cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, cộng tác với Ngài và sống trong tình hiệp nhất với Ngài.

Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM