Tại sao phá thai thì trái đạo đức theo quan điểm Kinh Thánh

0
3278

I. Giới thiệu

Phá thái luôn luôn gây ra những tranh luận nảy lửa trong xã hội. Những người ủng hộ phá thai nói rằng phụ nữ có quyền phá thai, những người phò sinh thì cho rằng phá thai là trái đạo đức. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng để bảo vệ ý kiến của mình. Có nhiều nguồn tư liệu để cả hai bên có thể nại đến để thuyết phục người khác. Cả hai bên cũng muốn tìm nơi Kinh Thánh những đoạn, những câu phù hợp để đưa ra bảo vệ quan điểm. Kinh thánh là quyển sách thông dụng nhất đối với mọi người, có thể nói như thế. Kinh Thánh có ảnh hưởng to lớn đối với nhiều người trong cuộc sống hằng ngày. Giáo lý, dụ ngôn và những điều tốt đẹp trong Kinh Thánh thì được ghi sâu trong tâm trí con người. Kinh thánh nói cho mọi người biết cái gì nên làm và cái gì nên tránh. Vì vậy, cả hai bên trong cuộc tranh luận phá thái đều muốn tìm ra cái gì được nói trong Kinh Thánh để biện minh cho lập trường của mình.

Giáo hội Công giáo nói riêng vẫn chống đối phá thai, mặc dù có nhiều phong trào và cá nhân vẫn chống đối lập trường của giáo hội. Giáo Hội chống đối phá thai nhân danh quyền của đứa trẻ trong khi những người ủng hộ phá thai tập trung vào quyền của phụ nữ. Não trạng về phá thai thậm chí cũng khác nhau với những người cùng một tôn giáo. Trong bài viết này, tôi xin dựa vào Kinh Thánh để bảo vệ lập trường chống phá thai của giáo hội và cũng như tham khảo một số điều về triết học và khoa học. Mỗi khi giáo hội ủng hộ hay chống đối điều gì, giáo hội luôn có những lý do hay cơ sở để làm việc đó. Về việc chống đối việc phá thai, Giáo hội cho rằng con người là hình ảnh của Thiên chúa và vì thế, mọi người cần tôn trọng sự sống.

II. Cựu ước

Những người phò sinh cho rằng con người cần được tôn trọng và được bảo vệ vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, giá trị của con người được đề cập trong Sách Sáng thế đó là quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh. Chúng ta có thể thấy tiến trình và thứ tự qua đó Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, ánh sáng, bầu trời, cây cối v.v…

Người đọc không nên hiểu việc sáng tạo theo nghĩa đen. Khi có mọi thứ trên trái đất, Thiên Chúa nhận thấy rằng cần phải có con người để điểu khiển mọi thứ trên trái đất. Sau đó Thiên Chúa sáng tạo con người là một sinh vật cao quý nhất trong vũ trụ. “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,26-27). Trong đoạn này, chúng ta thấy Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Chúa để con người là hiện thân của Thiên Chúa trên trái đất điều khiển những sinh vật khác. Hình ảnh của Thiên Chúa nói lên rằng con người có một giá trị nội tại lớn lao luôn luôn cho thấy ân sủng của Thiên Chúa bất kể điều gì xảy ra. Không một sinh vật nào có được đặc ân là hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có giá trị hơn nhiều những sinh vật khác. [1]

Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, họ luôn luôn có giá trị người tại bất cứ lúc nào. “Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 9,6). Chúng ta có thể thêm rằng mặc dù đứa trẻ chưa được sinh ra, nó đã có đầy đủ tiềm thể là một con người từ cha mẹ của nó, tức là đứa trẻ có giá trị của một con người. Đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng sức sống của người mẹ truyền cho nó. St 9,6 một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Trong suốt tuần đầu của thai kỳ, một cái phôi chưa có đủ hình ảnh của một con người theo nghĩa có đủ não, tim, tay chân v.v… Nhưng nó thực sự là sự sống. Nó đã là hình ảnh của Thiên Chúa rồi. Vì vậy, chúng ta không thể không gọi nó là sự sống.  

Trong một gia đình, đứa con như là một sợi dây liên kết giữa vợ chồng. Người chồng có thể thấy đứa con mang nhiễm sắc thể của mình và người vợ cũng thế. Họ nhận ra hình  ảnh của họ trong chính đứa con của họ. Có thể đứa con không nhìn đẹp bằng bố mẹ nhưng nó là sản phẩm của tình yêu. Đồng thời, lý trí và ý chí sẽ làm cho con người khác với những sinh vật khác.  Đứa con sẽ mang những đặc điểm của cha mẹ, và đứa con không những phản ánh cha mẹ nó nhưng còn là hình ảnh của Thiên Chúa. Lý trí và ý chí đã có trong hình ảnh của Thiên Chúa và không cần đợi đến khi được sinh ra, khi mà hình ảnh của Thiên Chúa được xác nhận rõ ràng hơn.[2]

Thiên Chúa ban cho con người có một ơn trổi vượt từ ban đầu. “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Con người có thể tiếp tục tồn tại vì có sự sinh sản. Con người tôn vinh Thiên Chúa bằng sự cộng tác của mình trong việc sáng tạo. Thiên Chúa muốn con người lãnh nhận ân huệ của ngài để vũ trụ này sẽ là những bằng chứng cho tình yêu của ngài. Hơn nữa, tình mẫu tử cũng là một sự thánh thiêng của chức năng làm mẹ. Đứa con là sản phẩm chung giữa tình yêu của chồng và vợ. Chức năng làm mẹ thực sự là một ân ban. Khi người ta phá thai, họ đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa. Vì vậy, sự sống cần được tôn trọng vì đó là ân ban của Thiên Chúa.[3]

Trong sách Xuất Hành, những người ủng hộ phá thai nói rằng họ đã tìm ra được những đoạn Kinh Thánh cũng nói cho phép phá thai. “Nếu đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai nhưng không gây tổn thương nào khác, thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng, và phải trả trước mặt trọng tài. Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21,22-25). Những người ủng hộ phá thai nói rằng khi một phụ nữ bị làm cho sẩy thai, nó chỉ là một tai nạn, một mất mát tài sản. Việc bị làm cho sẩy thai không phải là giết người. Người đàn ông gây ra sự sẩy thai cho phụ nữ thì phải đóng phạt theo yêu cầu của người chồng. Những người ủng hộ phá thai dựa trên đoạn Kinh Thánh đó để cho rằng khi đứa trẻ chưa được sinh ra bị phá bỏ, thì nó không phải là một vụ giết người. Nếu như cái phôi được xác định như là một sự mất mát tài sản, nó không có giá trị của con người trong suốt thời kỳ mang thai. Hệ quả là phá thai không được xem là giết người nhưng chỉ là một tai nạn. Vì là thiệt hại tài sản, sự mất mát này chỉ cho gia đình hay cá nhân. Vì vậy, phá thai không được xem như là một tội nhưng nó thuần túy chỉ là vấn đề dân sự.[4]

Trái lại, người phò sinh cho rằng Xh 21,22-25 không có đủ thông tin để đi đến kết luận Kinh Thánh ủng hộ phá thai. Tác giả Scott Klusendorf nói rằng những tranh luận chỉ dựa trên đoạn Xh 21,22-25 cho quyền phá thai thì có một vài điều không ổn. Đầu tiên, đoạn Kinh Thánh đó không cho thấy là đứa trẻ chưa sinh ra thì không phải thực sự là một con người. Thứ hai, Xh 21,22-25 không cho thấy rằng phụ nữ có thể cố tình giết đứa trẻ nhờ việc phá thai chọn lọc. Thứ ba, đứa trẻ chưa sinh ra có cùng một giá trị như người mẹ theo nguồn gốc Do Thái. Vì vậy, sẽ là luôn luôn sai khi phá thai mà không có đủ lý do chính đáng. Đoạn Kinh Thánh này không nói bất cứ điều gì về việc phá thai chọn lựa. Vì vậy, người ta không thể chỉ dựa trên đoạn Kinh Thánh đó để chứng mình rằng con người có quyền phá thai.[5] Michael Gorman cũng nói rằng đoạn Kinh Thánh đó thì vẫn còn tranh cãi giữa những người phò sinh và những người ủng hộ phá thai khi nào thì sự sống bắt đầu. Tuy nhiên, những người phò sinh không chấp nhận việc chủ ý phá thai.[6]

Scott Klusendorf nói rằng con người không cần có Kinh Thánh để nói việc phá thai chọn lựa là sai trước khi con người có thể hiểu điều đó là sai. Kinh thánh khẳng định con người có giá trị vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Khoa học cũng cho thấy rằng những đứa trẻ chưa sinh ra là những con người từ những giai đoạn sớm nhất của sự phát triển. Vì thế, chúng ta có thể coi những đứa trẻ chưa sinh ra như những con người thực sự. Không ai có quyền để giết những đứa trẻ đó. Những đứa trẻ chưa được sinh ra có quyền để sống như những người khác. Không ai có thể chủ ý giết những đứa trẻ chưa được sinh ra bằng việc nhân danh bất cứ điều gì. Những đứa trẻ chưa được sinh thực sự đã mang hình ảnh của Thiên Chúa rồi.[7]

Thật thế, Kinh Thánh không nói gì về việc phá thai. Người ta có thể kết luận rằng họ có quyền của Thiên Chúa ban để phá thai nếu Kinh Thánh không nói điều gì về phá thai? Những người ủng hộ phá thai có thể nói rằng bất cứ cái gì mà Kinh Thánh không lên án thì con người có thể làm. Tương tự, nếu Kinh Thánh không kết án phá thai, con người có thể phá thai. Điều này rõ ràng là lý luận không đúng. Có một vài thứ Kinh Thánh không kết án, nhưng con người kết án. Ví dụ, Kinh Thánh không nói về kỳ thị chủng tộc hay đồng tính. Kinh thánh không một cách rõ ràng kết án những điều đó nhưng người ta không chấp nhận. Một người không thể lý luận rằng vì Kinh Thánh không kết án việc phân biệt chủng tộc nên anh ta có thể làm điều đó. Nó rõ ràng là sai.[8]

Kinh Thánh nói chung không phải là cuốn sách bao gồm tất cả quy tắc đạo đức, nhưng Kinh Thánh chuyển tải những câu chuyện cứu độ của Thiên chúa. Mặc dù Kinh Thánh không một cách rõ ràng kết án hay đề cập đến phá thai, điều này không có nghĩa là tác giả kinh thánh ủng hộ phá thai. Hơn thế nữa, kinh thánh không giải quyết tất cả mọi vấn đề về đạo đức hay luân lý, cách đây một thế kỷ, những người kỳ thị chủng tộc cho rằng những người da đen không phải là người, mặc dù Kinh Thánh không nói như thế. Một số người đi đến chỗ cực đoan khi họ nói rằng người da đen không có linh hồn. Kinh Thánh không cụ thể đề cập đến người da đen. Kinh Thánh chỉ dạy rằng con người có giá trị vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy, mọi người phải tôn trọng và bảo vệ sự sống. Nếu người da đen là những con người, họ cần được tôn trọng vì họ cũng mang hình ảnh của Thiên Chúa. Người da đen cũng cần được đối xử như những chủng tộc khác mà không cần những bằng chứng từ Kinh Thánh. Tương tự, những đứa trẻ chưa được sinh ra cần được đối xử như những người khác. Như đã đề cập ở trên, những đứa trẻ chưa được sinh ra thực sự là những con người. Vì vậy, người ta không cần phải có thêm những bằng chứng Kinh Thánh để nói rằng những đứa trẻ chưa được sinh ra thì cần được bảo vệ.[9]

Một số người ủng hộ phá thai cũng nói rằng những nhân tố của sự riêng tư và đồng thuận có thể cho phép có quyền phá thai. Điều này không thể chấp nhận được. “Đáng nguyền rủa thay kẻ giết trộm người đồng loại” (Đnl 27,24). Thật vậy, Klusendorf nói rằng tất cả các thành viên của gia đình không thể cùng nhau đồng ý để giết một đứa trẻ trong căn phòng bí mật. Vì vậy, cuộc sống của đứa trẻ chưa được sinh ra phải được tôn trọng. Không ai có thể nhân danh sự riêng tư hay bí mật để giết đứa trẻ chưa được sinh ra. Điều quan trọng là người ra không thể giết đứa trẻ chưa được sinh ra vì giá trị con người nội tại của nó dù là giết hại bí mật hay công khai.[10]

Trong Cựu Ước, giết người là một tội trọng và được lặp lại nhiều lần. “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13; Đnl 5,17). Bất cứ ai phạm tội giết người phải bị chết, vì sự sống đền cho sự sống. “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Chúng ta không được giết người, giết người là một điều ghê tởm với Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng như Tân Ước.

Yiu Sing Lucas Chan cho thấy quan điểm của mình về điều răn thứ 5 trong Xh 20,13 và Đnl 5,17. Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, vì vậy sự sống thì linh thiêng. Khi người ta tôn trọng sự sống, họ tôn trọng Thiên Chúa là đấng tạo hóa. Thiên chúa là nguồn mạch của sự sống. Vì vậy, chỉ Thiên Chúa có quyền tuyệt đối trên sự sống và sự chết.[11] Chúng ta cũng cần phải nói thêm rằng tôn trọng sự sống không chỉ là không giết người nhưng cũng phải bảo vệ sự sống, con người có quyền được sinh ra và được chết một cách tự nhiên. Khi người ta giết một đứa trẻ chưa được sinh ra, họ giết Thiên Chúa được mang trong đứa trẻ. Tôn trọng sự sống cũng cho thấy rằng con người muốn nhấn mạnh quyền năng của Thiên Chúa trên con người. Nếu một người có quyền lấy mạng sống người khác, anh ta là Thiên Chúa. Anh ta không phải là con người thụ tạo nhưng là đấng sáng tạo. Vì vậy, không ai có thể lấy mạng sống của đứa trẻ chưa được sinh ra chỉ vì nó chưa được sinh ra. Sự thánh thiêng của sự sống có nghĩa sự sống là bất khả xâm phạm và người khác phải tôn trọng và bảo vệ nó. Phá thai không chỉ là cắt đứt tương quan giữa người mẹ với đứa trẻ nhưng cũng chấm dứt tương quan với Thiên Chúa. Điều này sẽ cắn rứt lương tâm những người ủng hộ phá thai đặc biệt là người mẹ đã phá thai.

Trọng tâm của vấn đề giữa những người phò sinh và những người ủng hộ phá thai là thời gian khi nào một người thực sự là con người. Sự khám phá của khoa học cho thấy con người có thể là một người hoàn chỉnh ngay từ lúc thụ thai với khả năng rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói chính xác khi nào một người trở thành một con người toàn vẹn. Chúng ta có thể xem xét một số đoạn Kinh Thánh đáng làm cho chúng ta suy nghĩ về điều này.

Ví dụ, từ Ngũ Thư cho đến những đoạn khác trong Cựu Ước, chúng ta có thể thấy rằng không có khái niệm thời gian với Thiên Chúa. “Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi” (Tv 90,2-4). Rõ ràng là khái niệm một ngày, hai ngày, một tuần hay hai tuần thì được áp dụng cho con người chứ không phải cho Thiên Chúa. Vì vậy, một người tại giây phút thụ thai có cùng một giá trị sống như một đứa trẻ đã 4 tuần tuổi. Vì thế, cái phôi đã thực sự là một con người trong mắt Thiên Chúa. Thời gian thì không thành vấn đề với Thiên Chúa dù là đó là lúc đầu mang thai hay lúc con người chết.

Hơn thế nữa, Thiên Chúa chúc lành và thánh hóa đứa trẻ từ khi nó ở trong bụng mẹ. “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139,13-14). Một đứa trẻ chưa được sinh ra thì đã được xem là khởi đầu cho một sinh vật mới. Một cách cụ thể hơn, Nicanor Pỉe Giorgio Austriaco nhận định rằng “Từ giây phút thụ thai, phôi người là con người duy nhất.”[12] Những nghiên cứu khoa học cũng cho thấy có những dấu chỉ đáng kể về cuộc sống con người tại giây phút lúc thụ thai. Điều này có nghĩa là một đứa trẻ chưa được sinh ra đã thực sự là người khi nó ở trong bụng mẹ. Austriaco thêm rằng “Từ giây phút thụ thai, hợp tử là một con người riêng biệt.”[13] John Rziha cũng nói rằng “Một người thì được xem như là người ngay từ giây phút đầu tiên của việc thụ thai.”[14] 

Khi nói về đứa trẻ trong bụng me, Di Mauro nói rằng G 10,8-12 cũng là đoạn kinh thánh nói về việc tạo dựng đứa trẻ từ trong bụng mẹ. “Chính tay Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà huỷ diệt? Xin Ngài nhớ cho: Ngài đã tạo ra con bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi. Há chẳng phải Ngài đã tạo nên con như sữa lỏng, rồi làm con đặc lại như bơ? Ngài đắp lên con bằng da bằng thịt, rồi lấy gân lấy cốt mà dệt mà thêu. Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở của con” (G 10,8-12). Thiên chúa đã quan phòng con người từ khi con người còn ở trong bụng mẹ.[15]

Như đã đề cập ở trên, Thiên Chúa thì không phụ thuộc thời gian. Vì vậy,giá trị của một người không phụ thuộc thời gian. Điều này muốn nói tuổi thọ của một người không quyết định giá trị của người đó. Đứa trẻ hai tuổi không có nghĩa là người hơn đứa trẻ một tuổi. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Như Tv 139 và G 10,8-12, Gr 1,5 cũng cho thấy rõ ràng là sự sống đến từ Thiên Chúa, Thiên Chúa lo cho con người từ khi còn trong bụng mẹ. Thiên Chúa yêu thương và quan phòng khi con người mới lọt lòng. Vì vậy, chúng ta không thể nói cái phôi một tuần tuổi thì ít giá trị người hơn đứa bé một năm tuổi.

Những xem xét của triết học cũng bổ túc cho ý tưởng dựa trên Kinh Thánh và sinh học này là con người đáng được tôn trọng ngay khi trong bụng mẹ. Charles Camosy nói rằng bất cứ hữu thể nào có bản chất lý trí thì được xem như là người vì hữu thể đó có tiềm thể chủ động cho việc trở thành người. Một cái cây có tiềm thể để trở thành một cái bàn, nhưng cái cây cần có một ngoại lực để làm điều đó. Một người thợ mộc có thể làm một cái bàn từ một cái cây. Cái cây có tiềm năng thụ động trở thành cái bàn. Trái lại, một hạt bắp có tiềm năng chủ động trở thành cây bắp mà không cần ngoại lực. Tiềm năng của hạt bắp là tiềm năng chủ động. Vì vậy, đứa trẻ chưa được sinh ra có tiềm năng chủ động để trở thành một con người hoàn chỉnh.[16] Mặc dù cái phôi chưa là một người hoàn chỉnh theo nghĩa có đủ chi thể, não, tim và thân mình, nhưng nó thực sự là một con người. Một đứa bé trai không có râu, nhưng nó sẽ trở thành một người đàn ông trưởng thành và sẽ có râu. Chỉ vì chúng ta không thấy râu của đứa bé, điều đó không có nghĩa là nó không thể trở thành một người đàn ông trưởng thành. Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó chưa thể nói tại lúc đó, nhưng chúng ta không thể kết luận là đứa bé câm. Con người phát triển theo thời gian. Con người luôn mang hình ảnh của Thiên Chúa dù ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời.

III. Tân Ước

Khi chúng ta nói đến Tân Ước, Tin Mừng Luca cho thấy rằng sự sống thực sự bắt đầu khi Thiên Chúa có ý định làm điều đó, và Thánh Thần đã bao phủ điều đó. Đức Mẹ thực sự đã mang thai Đấng Cứu Thế khi mẹ nhận được sứ điệp từ Sứ Thần. “Sứ Thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Từ đó trở đi, Đức Mẹ trở thành mẹ của Thiên chúa mà không cần phải đợi tới khi Chúa Giêsu được sinh ra.

Chúng ta cũng có thể thấy điều đó với sự xác tín rằng cái phôi thì đã là con người trong bụng mẹ qua trình thuật Đức Mẹ đi viếng bà Elisabet. “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,41). Điều này rõ ràng Gioan tẩy giả đã nghe tiếng chào của Mẹ Maria và nhảy lên trong bụng mẹ. Danh từ đứa trẻ được dùng ở đây chứ không phải là cái phôi hay một cái gì khác. Đứa trẻ có thể cảm nghiệm được tương quan xã hội ở đây. Điều này làm chúng ta nghĩ về khả năng của đứa trẻ chưa được sinh ra. Nếu một cái phôi được xem như là một tài sản, nó không có hành vi nhân linh và sự cảm nhận. Sự cảm nhận của Gioan tẩy giả khẳng định rằng ngài đã thực sự là người hoàn chỉnh từ lúc còn trong lòng mẹ. Đức Mẹ muốn viếng thăm bà Elisabet để chúc mừng đứa con của bà chứ không phải để chúc mừng một tài sản hay bất cứ cái gì khác. Đồng thời tác giả Tin Mừng cững nói rõ ràng rằng đứa trẻ nhảy lên để chào đón Đức Mẹ. Điều này cũng cho thấy Gioan tầy giả có một chiều kích xã hội với mọi người và với môi trường xung quanh trước khi ngài được sinh ra.

Di Mauro cũng nói rằng Lc 1,42-44 cũng cho thấy khả năng của đứa trẻ trong bụng mẹ. Đứa trẻ nhảy lên vui mừng khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Gioan tẩy giả đã có một hành động như một con người khi ngài còn ở trong bụng mẹ. Luca chương 1 cũng có nhiều câu đánh giá cao cuộc sống của con người.[17] Khi Chúa muốn Đức Maria trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế, thì ngay lập tức, mẹ trở thành mẹ và Chúa Giêsu trở thành con người. Thật vậy, sau biến cố này, khi Đức Mẹ đi viếng bà Elisabet, Đức Mẹ thực sự đem con Thiên Chúa đến cho Gioan tẩy giả và bà Elisabet. “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1,43-44). “Đứa trẻ” ở đây là Gioan tẩy giả. Mặc dù Gioan tẩy giả còn ở trong bụng mẹ lúc đó, nhưng ngài vẫn được xem như một đứa trẻ, một đứa con chứ không phải là một điều gì khác. Khi Thiên Chúa muốn một người mẹ có một đứa con, ngay lập tức, người mẹ trở thành mẹ của đứa bé đó. Đồng thời, đứa trẻ chưa được sinh ra trong bụng mẹ trở thành một con người. Đứa trẻ không cần phải đợi tới khi được sinh ra để được gọi là con người. Vì vậy, một đứa trẻ trước khi sinh ra là một hồng ân của Thiên Chúa, một giao ước Thiên Chúa làm với con người.

Thật vậy, một chỗ khác trong Kinh Thánh khi một người thanh niên hỏi Chúa Giêsu làm sao để có sự sống đời đời, Chúa Giêsu đã trả lời anh là không được giết người. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà” (Mt 5,21). Trong Tân Ước, chúng ta có thể thấy điều răn này, “Quả thế, đây là lời loan báo anh em đã nghe từ lúc khởi đầu, chúng ta hãy yêu thương nhau. Chúng ta đừng bắt chước Ca-in: nó là người của Ác thần, nên đã giết em mình. Tại sao nó đã giết em? Bởi vì các việc nó làm thì xấu xa, còn các việc em nó làm thì công chính” (1 Ga 3,11-12). Không ai muốn bị giết hại bởi người khác. Vì vậy, con người cũng cần phải tuân theo một trong hai điều răn quan trọng nhất là: “Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Rm 13,9). Trong những câu trên, chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc tôn trọng sự sống của người khác. Chân lý không thuộc về số đông. Chân lý đến từ Thiên Chúa. Và đôi khi nó nghe có vẻ vô lý và khó để nghe theo nhưng nó lại là sự thật.[18] Chỉ có Thiên Chúa mới biết được lòng dạ con người. Vì thế, Thiên Chúa muốn cảnh báo những người muốn theo Chúa để trở nên hoàn thiện như ngài. “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tinh thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).

Thật thế, ý niệm của chân lý dần đi vào cuộc sống thường ngày của con người, mặc dù người ta đôi khi không nhận ra nó. Khi một phụ nữ mang thai, những người bạn và họ hàng của cô ta thường hỏi thăm cô ta đứa trẻ như thế nào hay là đó là đứa con thứ mấy trong gia đình. Người ta không hỏi đó là cái phôi hay hợp tử thứ mấy nhưng hỏi là đứa con thứ mấy trong gia đình. Vợ chồng thường nói với nhau “Chúng ta phải chuẩn bị một số thứ để chăm sóc đứa con của chúng ta” chứ không nói chúng ta chăm sóc cái phôi mặc dù là đứa bé vẫn ở trong bụng mẹ. người ta thường dùng chữ “đứa trẻ” hay “đứa con” để nói về đứa bé khi ở trong bụng mẹ. Nó là ngôn ngữ hằng ngày nhưng một phần nào đó cũng phản ánh một thực tại là cái phôi đã thực sự là một đứa trẻ, một sự sống.

IV. Giáo lý của Giáo hội Công giáo

Giá trị của sự sống thì đáng quý và giáo lý Giáo hội Công giáo cũng khẳng định điều này. “Sự sống con nguời phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội.”[19] Con người, đặc biệt là những người công giáo, phải tuân theo điều luật này và tôn trọng sự sống để hoàn thành những điều mà Thiên Chúa muốn con người thực hiện. Khi sự sống được tôn trọng, con người cũng cho thấy được sự tôn trọng của họ với Thiên Chúa là người thực sự là chủ của sự sống chứ không phải là con người.

Giáo hội Công giáo dạy rằng con người có linh hồn và thân xác. Tuy nhiên, giáo hội không trả lời chắc chắn là khi nào thì một người có linh hồn. Mặc dù khoa học cũng không thể chứng minh thực nghiệm khi nào thì linh hồn được phú vào trong con người. Kết luận của khoa học về phôi người cũng cho thấy những dấu chỉ đáng kể về việc sử dụng lý trí của phôi ngay từ lúc mới thụ thai. Làm sao một người có thể trở thành một con người nếu trước đó anh ta đã không phải là người? Thật vậy, một cái phôi không thể là một con người nếu nó không phải là con người trước đó. Người ta phải cần đối xử với những cái phôi như những con người thực sự. Người ta có thể gây ra một cái chết oan uổng cho một phôi người nếu người ta chỉ xem chúng không phải là những con người. Nói cách khác, thậm chí chúng ta không biết chính xác khi nào chúng ta có linh hồn thì chúng ta vẫn phải tôn trọng sự sống. Có thể là một cái phôi có linh hồn có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng sự sống của nó.[20]

Trong thông điệp Tin mừng về sự sống, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói rằng nghiên cứu của khoa học trên phôi người cũng cho những bằng chứng rằng sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Tuy nhiên, Giáo hội cũng khẳng định rằng nghiên cứu khoa học thì chưa đủ quyết định khi nào sự sống bắt đầu vì con người còn có linh hồn ngoài thân xác. Khoa học không thể nói về linh hồn. Đó là tại sao chúng ta không thể chỉ dựa vào khoa học để kết luận khi nào sự sống con người bắt đầu.[21]

V. Kết luận

Hơn bao giờ hết, những phong trào đấu tranh cho quyền phụ nữ mọc lên khắp nơi. Nhiều phụ nữ muốn có quyền để kết thúc việc mang thai bất cứ khi nào họ muốn. Trong một vài trường hợp, nó thực sự là vấn đề tranh cãi để xác định cái gì nên và cái gì không nên. Theo nghĩa giữ danh dự hay danh tiếng, phụ nữ thường muốn phá thai để che giấu việc có quan hệ với người khác. Phụ nữ không muốn mang gánh nặng khi một đứa trẻ được sinh ra. Hơn thế nữa, họ không muốn người khác biết họ có quan hệ tình ái với một người đàn ông. Nhiều trường hợp phá thai xảy ra chỉ để biện minh cho mục đích cá nhân, đó là để bảo vệ sức khỏe người mẹ, bảo vệ danh tiếng và vv nên phải dùng đến việc phá thai. Tuy nhiên, giáo hội không chấp nhận bất cứ hình thức phá thai nào trừ khi có lý do chính đáng phù hợp, và nguyên tắc song hiệu được áp dụng ở đây. Ví dụ, khi một người mẹ có thai ngoài tử cung, cô ta có thể được điều trị mặc dù việc điều trị có thể gây ra cái chết cho đứa bé trong bụng.[22]

Khi đứa trẻ ở trong bụng mẹ, Thiên Chúa đã sáng tạo và phó thác nó cho người mẹ. Vì thế, nó là sự thánh thiêng của tình mẫu tử mà người phụ nữ cần giữ gìn và họ nên hợp tác với Thiên Chúa trong việc duy trì sự sống.[23] “Quyền bất khả xâm phạm đối với sự sống của những người vô tội là hiến pháp và luật pháp.”[24] Thật vậy, một đứa trẻ chưa được sinh ra là một người vô tội và nó có quyền sống. Đứa trẻ là hình ảnh của Thiên Chúa, và nó cho thấy tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại. Phụ nữ thường muốn phá thai dưới vỏ bọc là quyền tự do công dân. Tuy nhiên, người ta thường nghĩ cái người ta đạt được khi người ta phá thai. Người ta hầu như không nghĩ về họ sẽ cảm thấy như thế nào sau khi họ giết đứa trẻ. Hãy đặt chúng ta vào vị trí của những bào thai, chúng ta sẽ nghĩ gì và chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu cha mẹ của chúng ta muốn giết chúng ta?

Tóm lại, trong một vài trường hợp, giữ lại bào thai thì không phải là một việc làm dễ dàng cho người mẹ và cho gia đình. Nhưng một điều có thề giúp chúng ta giữ lại bào thai là ân huệ và sự trợ giúp của Chúa. “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Nhiều người vô tội sẽ tiếp tục bị giết nếu người ta không đặt chính bản thân họ vào vị trí của các đứa trẻ chưa được sinh ra. Thật thế, nhà thần học luân lý Gregg Cunningham nói rằng “Hầu hết những người chỉ nói suông là phản đối việc phá thai thì chỉ đủ để trấn an lương tâm của họ, chứ chỉ nói phản đối thì không đủ để dừng lại việc tiếp tục giết hại các thai nhi.”[25]

Đaminh Maria Vũ Ngọc Thạch, CM


[1] Dennis Prager, Rational Bible: Genesis (Washington, DC: Regnery Faith, Regnery Publishing, 2019), 15-30.

[2] D. Brian Scarnecchia, Bioethics, Law, and Human Life Issues : A Catholic Perspective on Marriage, Family, Contraception, Abortion, Reproductive Technology, and Death and Dying (Lanham, MD: Scarecrow Press, 2010), 275-285.

[3] Kurt Bayertz, Sanctity of Life and Human Dignity (Dordrecht: Kluwer, 1996), 40-60.

[4] See, e.g., George Dennis O’Brien, The Church and Abortion: A Catholic Dissent (Lanham, MD: Rowman & Littlefield Publishers, 2010), 72-73.  

[5] Scott Klusendorf, The Case for Life: Equipping Christians to Engage the Culture (Wheaton, Ill.: Crossway Books, 2009), 141-144. 

[6] Michael J. Gorman, Abortion & the Early Church: Christian, Jewish & Pagan Attitudes in the Greco-Roman World (Eugene, OR: Wipf and Stock, 1998), 44-46

[7] Klusendorf, The Case for Life, 135.

[8] Ibid, 136-137.

[9] Ibid, 136-137.

[10] Ibid, 19-34.

[11] Yiu Sing Lúcás Chan, The Ten Commandments and the Beatitudes: Biblical Studies and Ethics for Real Life (Lanham, MD: Rowman & Littlefield Publishers, 2012), 83-91.

[12] Nicanor Pier Giorgio Austriaco, Biomedicine and Beatitude: An Introduction to Catholic Bioethics (Washington, DC: Catholic University of America Press, 2011), 51.

[13] Ibid, 53.

[14] John Rziha, The Christian Moral Life: Directions for the Journey to Happiness, 1 edition (Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 2017), 244

[15] Dennis Di Mauro, A Love for Life: Christianity’s Consistent Protection of the Unborn (Eugene, OR: Wipf & Stock Pub, 2008), 7-9

[16] Charles C. Camosy, Peter Singer and Christian Ethics: Beyond Polarization (Cambridge: Cambridge University Press, 2012), 34-39.

[17] Di Mauro, A Love for Life: Christianity’s Consistent Protection of the Unborn, 7-9. 

[18] Paul W. Chappell, Contemporary Issues: The Biblical Sanctity of Life : What the Bible Says About Abortion. (Lancaster, CA: Striving Together Publications, 2009), 21-31.

[19] Catechism of the Catholic Church, 2nd ed. (Vatican City: Vatican Press, 1997), 2270.

[20] Austriaco, Biomedicine and Beatitude, 69-70.

[21] John Paul II, Evangelium vitae, encyclical letter, Vatican website, March 25, 1995, http://www.vatican.va/edocs/ENG0141/_INDEX.HTM, sec. 60.

[22] Austriaco, Biomedicine and Beatitude, 62-65

[23] Bayertz, Sanctity of Life and Human Dignity, 1-18.

[24] Catechism of the Catholic Church, 2273

[25] Klusendorf, The Case for Life, 10.