ROBERT MALONEY, CM
I. Thánh Vinh Sơn và tâm nguyện
1. Một vài lưu ý dẫn nhập
Tôi cố ý sử dụng cụm từ “tâm nguyện” trong chương này hơn là từ “nguyện gẫm.” Thánh Vinh Sơn hiếm khi sử dụng từ “nguyện gẫm.” Ngài thường dùng cụm từ “faire oraison.”[1] Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy những giới hạn của hạn từ “tâm nguyện”. Thánh Vinh Sơn nhắm tới không phải là sự thao luyện tâm trí, nhưng là cầu nguyện và chiêm ngắm cách hiệu quả. Phương pháp mà ngài đề nghị đơn thuần là một phương pháp, bao gồm việc sử dụng tâm trí trong việc tập trung vào một chủ đề nhất định. Nó nhắm đến những điều cao hơn.
Đối với thánh Vinh Sơn, có ít thứ được xem là quan trọng ngang với việc cầu nguyện.[2] Lần nọ, khi nói chuyện với các nhà truyền giáo, ngài đã từng tuyên bố:
“Hãy cho tôi một người cầu nguyện, người ấy sẽ có khả năng làm được mọi sự. Người ấy có thể nói được như thánh tông đồ: “Tôi có thể làm mọi sự với Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Tu Hội sẽ tồn tại bao lâu Tu Hội còn trung thành với việc cầu nguyện. Cầu nguyện là tấm khiên bảo vệ vững chắc các nhà truyền giáo chống lại mọi cuộc tấn công của kẻ thù.”[3]
Điều đáng lưu ý đây là từ ngữ mà ngài sử dụng là oraison. Ngài đang nói về tầm quan trọng của tâm nguyện. Trong nhiều dịp, ngài đã nói khá mạnh mẽ về vấn đề này, hơn nữa, ngài còn nhấn mạnh: không thức dậy sớm để tham dự giờ kinh nguyện với cộng đoàn là lý do khiến các thừa sai không bền vững trong ơn gọi.[4]
Để khích lệ con cái mình cầu nguyện, thánh nhân đã dùng nhiều kiểu ví von thường được các tác giả sách thiêng liêng thời bấy giờ sử dụng. Ngài nói rằng cầu nguyện cần cho linh hồn như thức ăn dành cho cơ thể vậy.[5] Cầu nguyện là “suối nguồn tươi trẻ” cho chúng ta thêm sinh lực,[6] là tấm gương để chúng ta thấy những tì vết nơi bản thân và tẩy rửa diện mạo của chúng ta, để làm đẹp lòng Chúa hơn.[7] Cầu nguyện là sự an nghỉ giữa những công việc khó khăn hằng ngày trong khi phục vụ người nghèo.[8] Ngài nói với các thừa sai rằng cầu nguyện là một bài giảng mà chúng ta phải giảng cho chính mình,[9] là cuốn sách tham khảo mà trong đó nhà giảng thuyết có thể tìm thấy chân lý vĩnh hằng để chia sẻ cho dân Chúa.[10] Ngài đã nói với các Nữ Tử Bác Ái: cầu nguyện là làn sương làm dịu mát tắm gội linh hồn vào mỗi buổi ban mai.[11]
Thánh Vinh Sơn đã thúc giục thánh Louis đào tạo thật tốt các chị em trẻ trong việc cầu nguyện.[12] Chính ngài đã tổ chức cho họ nhiều cuộc hội thảo hữu ích về đề tài này. Một điều dễ thấy là trong những hội thảo này, có nhiều người gặp khó khăn trong việc thực hành tâm nguyện.[13] Ngài đã đảm bảo với họ rằng việc đó thực sự khá dễ dàng. Nó giống như việc trò chuyện trong nửa tiếng đồng hồ. Ngài phát biểu với chút mỉa mai rằng người ta thường thích nói chuyện với nhà vua, nên họ phải vui thích hơn nữa khi có cơ hội trò chuyện cùng Chúa.[14] Ngài đã đưa ra nhiều mẫu gương về những người đã học cách cầu nguyện, trong tất cả các tầng lớp xã hội: các thôn nữ, người hầu, binh sĩ, nam nữ diễn viên, luật sư, chính khách, phu nhân và quan chức ở triều đình, thẩm phán. Trong nhiều cuộc hội thảo, khi nói về cái chết của các Nữ Tử Bác Ái, ngài đã thường ám chỉ về lòng yêu thích cầu nguyện của họ. Ngày 15 tháng 01 năm 1645, khi kể về chị Joan Dalmagne, ngài đã nhận xét: “Chị ấy đã bước đi dưới sự hiện diện của Chúa.”[15]
Ngài đã định nghĩa việc cầu nguyện như là “việc nâng tâm trí lên với Chúa nhờ đó linh hồn tự tách khỏi chính mình, như nó đã là, để tìm kiếm Thiên Chúa nơi chính Người. Đó là một cuộc đối thoại cùng Chúa, một cuộc trao đổi của tinh thần, trong đó Thiên Chúa dạy dỗ linh hồn ngay từ bên trong về những gì nó phải biết và làm, và trong đó, linh hồn nói với Chúa về chính những điều mà Người đã dạy nó cần xin.”[16]
Trong số các tâm tình cần thiết cho việc cầu nguyện, thánh Vinh Sơn đã liệt kê những điều quan trọng là khiêm nhường, không dính bén, và hãm mình. Người khiêm nhường nhận ra sự phụ thuộc tuyệt đối của mình nơi Chúa. Họ cầu nguyện mà lòng đầy ắp tâm tình biết ơn về những ơn huệ Chúa ban và ý thức những giới hạn và tội lỗi của chính mình.[17] Sự không dính bén giúp cho người ấy sống trong tình trạng siêu thoát và kết hiệp với Thánh Ý Chúa, nhờ đó, khi đến với cầu nguyện, họ chỉ tìm biết và thực thi những điều Thiên Chúa tỏ lộ.[18] Thánh Vinh Sơn thường nhắc đến sự cần thiết của đức hãm mình để có thể cầu nguyện tốt, đặc biệt là việc thức dậy đúng giờ vào buổi sáng. Ngài nói với các chị Nữ Tử, vào ngày 02 tháng 08 năm 1640 rằng cơ thể của chúng ta giống như những con lừa ngu ngốc: một khi đã quen với những con đường thấp kém, chúng sẽ luôn đi theo lối ấy![19]
Theo thánh Vinh Sơn, chủ đề cơ bản của cầu nguyện là cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu.[20] Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải trở đi trở lại tập trung vào con người của Đức Giêsu.[21] Thánh Vinh Sơn đã suy gẫm về những điều Đức Giêsu làm và giảng dạy trong Kinh Thánh,[22] ngài đề nghị chúng ta đặc biệt chú tâm đến Bài Giảng Trên Núi.[23] Tuy nhiên, trên hết, ngài đề nghị lấy cuộc khổ nạn và thập giá của Đức Giêsu làm đề tài cho việc cầu nguyện.[24]
Thánh Vinh Sơn đã không ngần ngại đề nghị việc sử dụng các hình ảnh[25] và những cuốn sách nói về việc cầu nguyện. Trong số những quyển sau đây, ngài đặc biệt chú ý đến cuốn Gương Chúa Giêsu,[26] tác phẩm Dẫn vào Đời Sống Trọn Lành[27] và Khảo luận về Tình Yêu Thiên Chúa[28] của thánh Phanxicô de Sales, những bài suy niệm của Busée,[29] tác phẩm Hướng dẫn Những Tội Nhân, Tưởng niệm Cuộc Đời Đức Ki-tô và Giáo lý của Ngài, của Louis Granada,[30] cũng như tác phẩm L’Année Chrétienne của Jean Souffarand.[31] Rõ ràng là các thừa sai Vinh Sơn và các Nữ Tử Bác Ái cũng đã sử dụng các sách nguyện gẫm khác, như các sách của Saint-Jure[32] và Suffrand.[33]
2. Cảm nguyện và chiêm niệm
Thánh Vinh Sơn rất xem trọng cảm nguyện, nhưng khi làm như thế, ngài cũng rất dè dặt với việc đi vào trong tình trạng cảm xúc cao độ. Ngài nhận thấy rằng những cảm xúc xuất hiện nhờ tâm nguyện (ví dụ, sự buồn rầu trước Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô) có thể khá hữu ích, dầu vậy thì tự chúng không phải là trung tâm của việc cầu nguyện. “Cảm tính” mà ngài chú trọng chủ yếu được hướng sang hành động của lý trí. Tình yêu “cảm tính” phải dẫn đến tình yêu “thiết thực”. Các hành động cảm tính của chúng ta phải có khuynh hướng ngày càng trở nên đơn thuần hơn, sau cùng vươn đến sự chiêm niệm.
Chiêm niệm là một ơn huệ từ Thiên Chúa. Trong khi chúng ta đi vào tâm nguyện và cảm nguyện bằng sự chọn lựa của chính chúng ta, chúng ta lại đi vào sự chiêm niệm chỉ khi chúng ta được Thiên Chúa chiếm lĩnh.[34] Trong chiêm niệm, chúng ta “cảm nếm và chiêm ngưỡng” Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Đối với thánh Vinh Sơn, sự chiêm niệm như thế, vốn là một ơn huệ thuần tuý từ Thiên Chúa, lại là một điều bình thường của đời sống thiêng liêng. Rõ ràng, qua các buổi nói chuyện, ngài đã xem một số Nữ Tử Bác Ái như các nhà chiêm niệm. Ngài khuyến khích họ trở thành những thánh Têrêsa khác.[35] Vào ngày 24 tháng 07 năm 1660, khi nói về các nhân đức của thánh Louise de Marillac, ngài đã tỏ ra vui mừng trước sự miêu tả của một chị em về Mẹ Louise: “Ngay khi được ở một mình, Người liền ở trong trạng thái cầu nguyện.”[36]
3. Phương Pháp
Phương pháp mà thánh Vinh Sơn dạy có nền tảng tương tự với phương pháp của thánh Phanxicô de Sales.[37] Ngài chỉ thay đổi cách nhìn. Trong khi đánh giá rất cao việc cảm nguyện, ngài lại nhấn mạnh nhiều lần về sự cần thiết của những quyết tâm thực tế. Đặc biệt trong các buổi trò chuyện của ngài với các Nữ Tử, có một sự hòa trộn đáng mến giữa sự thông thái thiêng liêng và cảm thức thông thường. Ngài tỏ ra dè dặt hơn thánh Phanxicô de Sales khi nói về việc sử dụng óc tưởng tượng. Ngài cảnh báo nhiều lần về việc coi cầu nguyện như là một đối tượng nghiên cứu. Ngài cảnh tỉnh rằng nó có thể trở thành một dịp cho tính kiêu ngạo hay cho “những tư tưởng đẹp đẽ” song lại chẳng dẫn đến đâu. Ngang qua con đường chuẩn bị cho việc cầu nguyện, Thánh Vinh Sơn đề nghị đọc một vài điểm vào buổi chiều tối hôm trước, các điểm này sẽ khơi dậy tâm nguyện vào buổi sáng hôm sau.[38] Ngài cũng xem sự thinh lặng trong nhà vào buổi tối và vào buổi sáng sớm như là một bầu khí căn bản của sự cầu nguyện.[39]
Phương pháp ngài đề ra có thể được trình bày với các bước như sau:[40]
a) Chuẩn bị. Đầu tiên, ta đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, bằng một trong vài phương thế sau: xem mình như đang hiện diện trước Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, nghĩ đến sự hiển trị của Chúa trên Thiên Quốc hay trong chính bản thân ta, ý thức lại sự hiện diện khắp nơi của Người, suy nghĩ về sự hiện diện của Người trong linh hồn những người công chính. Sau đó, ta xin sự giúp đỡ của Chúa để cầu nguyện sốt sắng; ta cũng có thể thỉnh cầu sự giúp đỡ của Đức Nữ Vương, thiên thần bản mệnh, và các thánh bổn mạng. Tiếp đến, ta chọn một chủ đề cho việc nguyện gẫm, chẳng hạn như một mầu nhiệm đức tin, một nhân đức luân lý hay một nhân đức hướng thần, hoặc một vài châm ngôn của Chúa chúng ta.
b) Phần chính. Ta bắt đầu suy gẫm chủ đề (ví dụ, Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô). Nếu chủ đề là một nhân đức, ta hãy suy nghĩ về những động lực dẫn tới việc yêu mến và thực hành nhân đức đó. Nếu đó là một mầu nhiệm, ta hãy nghĩ về chân lý hàm chứa trong mầu nhiệm ấy. Khi suy gẫm, ta tìm cách khơi dậy những hoạt động của lý trí (ví dụ, tình yêu của Đức Kitô, Đấng đã chịu khổ hình quá nhiều vì chúng ta), bằng cách đó, dưới sự tác động của ân sủng, ta biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa, buồn phiền vì tội lỗi hay khao khát trở nên hoàn thiện. Rồi sau đó, ta đưa ra một quyết tâm cụ thể.
c) Phần kết. Ta cám ơn Chúa về khoảng thời gian nguyện gẫm, và về những ân ban cho ta trong lúc cầu nguyện. Ta đặt trước Chúa những quyết tâm mình đã lựa chọn. Sau đó, ta dâng lên Chúa toàn bộ những việc cầu nguyện mà ta đã thực hiện, với lời cầu xin Người giúp đỡ ta trong việc thực hiện những quyết tâm ấy.
4. Hai giáo huấn liên hệ với nhau
a) Thánh Vinh Sơn khuyến khích các thành viên trong hai Tu Hội của ngài chia sẻ việc cầu nguyện với nhau. Ngài đề nghị thực hiện điều này hai hay ba ngày một lần.[41] Ngài đã học cách thực hành này từ những người khác. Chẳng hạn, ngài nhắc lại phương pháp cầu nguyện của thánh Philip Neri.[42] Hơn nữa, khi giới thiệu nó cho các Nữ Tử Bác Ái, thánh Vinh Sơn đã đơn cử trường hợp của chân phước Madame Acrie.[43] Trong những buổi đàm luận của ngài với các Nữ Tử Bác Ái, chúng ta thấy có những mẫu gương tuyệt vời về sự đơn sơ khi họ chia sẻ với nhau về những suy tư của họ đối với việc cầu nguyện. Thêm vào đó, ngài thường lưu ý về cách thức các tu huynh[44] trong Tu Hội chia sẻ những suy nghĩ của họ về việc cầu nguyện. Ngày 15 tháng 8 năm 1659, cha Vinh Sơn đã nói với các nhà thừa sai rằng những chia sẻ về cầu nguyện là một ân sủng lớn trong Tu Hội.[45]
b) Một giáo huấn khác của thánh Vinh Sơn mà chúng ta thường thấy trong các buổi đàm luận của ngài với các Nữ Tử Bác Ái, đó là thực hành việc “rời Chúa để gặp Chúa.”[46] Người nghèo thường đến một cách bất ngờ và đưa ra những yêu cầu khẩn cấp với các Nữ Tử Bác Ái. Thánh Vinh Sơn khuyến khích họ hãy cứ đáp ứng, ngài nói với họ rằng họ sẽ không rời xa Chúa, Đấng mà họ đang gặp gỡ trong khi cầu nguyện, để đi tìm ngài trong chính những người nghèo. Đồng thời, thánh Vinh Sơn nài xin các Nữ Tử và các Thừa Sai Vinh Sơn rằng đừng bao giờ lơ là việc cầu nguyện.[47] Điều đáng chú ý là, mặc dù rất cứng rắn trong việc giữ luật thức dậy sớm vào buổi sáng và chẳng bao giờ bỏ bê việc cầu nguyện, thánh Vinh Sơn cũng đã đem những cảm thức thông thường của ngài vào trong việc áp dụng luật. Ngài nói với các Nữ Tử Bác Ái: “Chị em hãy nghĩ xem, bác ái thì cao trọng hơn tất cả các luật lệ, và điều cần thiết là mọi thứ phải liên kết với nó. Bác ái là một quý bà cao quý. Chị em phải làm điều bà ta yêu cầu. Trong trường hợp như vậy, đó là rời Chúa vì Chúa. Đấng kêu gọi chị em cầu nguyện cũng chính là Đấng kêu gọi chị em đến với những ai nghèo khổ, bệnh tật. Đó là rời Chúa vì Chúa.”[48]
II. Những thay đổi nhận thức về những gì xảy ra trong thời thánh Vinh Sơn và thời đại chúng ta
Ba thay đổi nhận thức ảnh hưởng đáng kể đến thái độ cầu nguyện ngày nay:
1. Phong trào canh tân Phụng vụ
Thánh Vinh Sơn đã rất quan tâm đến phụng vụ. Ngài để ý thấy các linh mục thường cử hành Thánh Lễ một cách cẩu thả và thậm chí họ còn không biết cách để giải tội. Ngài đã quy định về những hướng dẫn dành cho các tiến chức liên quan đến cử hành phụng một cách trang nghiêm, như là một phần trong các buổi tĩnh tâm dành cho họ. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực này, ngài vẫn là một người con của thời đại mình. Đây là thời đại nhấn mạnh vào sự tuân thủ chính xác về luật chữ đỏ. Phụng vụ thời này ít nhấn mạnh vào việc “cử hành chung” với sự tham gia của mọi tín hữu. Phần lớn phụng vụ mang tính riêng tư, như việc cử hành Thánh Lễ riêng hằng ngày, có thể với một người giúp lễ. Các cử hành phụng vụ đã thường bị nghiêng chiều về “lòng sùng mộ cá nhân” của vị linh mục hơn là việc chủ sự của ngài trong hoạt động cầu nguyện của cộng đoàn địa phương.
Trong công đồng Vaticanô II, phong trào canh tân phụng vụ và việc bổ sung Hiến Chế Phụng Vụ đã thay đổi các quan điểm và thực hành một cách đáng kể. Hiến Chế Phụng Vụ Thánh đã tuyên bố rằng phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội.[49] Dĩ nhiên, điều này ngụ ý rằng phụng vụ không phải là tất cả việc cầu nguyện. Trong vai trò là “chóp đỉnh”, nó phải dựa trên một nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, từ những nỗ lực lớn lao mà Giáo Hội đã đưa vào trong việc cải cách phụng vụ suốt 30 năm qua, rõ ràng phụng vụ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu. Ngày nay, chúng ta nói về một “lòng sùng mộ mang tính phụng vụ.”
2. Canh tân lòng yêu mến việc cầu nguyện cá nhân
Cùng lúc đó và không chỉ giữa các Kitô hữu, sự nhiệt thành trong việc cầu nguyện cá nhân cũng đang được hồi sinh. Các khoá học về linh đạo tại các chủng viện, tập viện và học viện đều tập trung vào một số tác phẩm kinh điển dạy về phương pháp cầu nguyện; chẳng hạn như Đám mây của sự vô minh,[50] Dẫn vào đời sống trọn lành,[51] Con đường hành hương.[52] Đã có nghiên cứu mới và mối bận tâm tới việc cầu nguyện của các tôn giáo đông phương cũng như việc sử dụng các công thức tụng niệm. Thomas Merton đã hướng sự quan tâm của chúng ta tới truyền thống phong phú của Giáo Hội Đông Phương liên quan đến chiêm niệm[53] và sự “khôn ngoan của sa mạc.” Karl Rahner cũng đã đặt cầu nguyện vào trọng tâm của linh đạo Kitô giáo.[54]
Các dấu hiệu cụ thể của mối bận tâm mới này được thể hiện rõ ràng nơi các nhóm cầu nguyện, các phong trào đặc sủng, sự gia tăng của các cộng đoàn mới, và những thực hành được hiện đại hoá của nhiều cộng đoàn dòng tu đã hiện diện từ trước.
3. Có một sự thay đổi trong việc nhấn mạnh từ tính cá nhân sang tính liên vị hay tính xã hội
Một trong những mối nguy hiểm dai dẳng đối với đời sống tâm linh Kitô giáo là “chủ nghĩa thân mật” – một hình thức đạo đức mà trong đó cá nhân trở nên mải mê với chính mình và dần dần cắt đứt khỏi những trách nhiệm liên vị và xã hội. Người đó trở nên thụ động, hầu như miễn nhiễm khỏi những ảnh hưởng của thế giới xung quanh.
Dĩ nhiên, thánh Vinh Sơn đã tránh được cám dỗ đó! Nhưng một vài người cùng thời với ngài đã không thể tránh được. Nhiều hình thức của chủ nghĩa an tịnh đã bị lên án trong thời của ngài.[55] Những người theo chủ nghĩa này nhấn mạnh đến tính hiệu quả độc quyền của ân sủng trong một thế giới sa đoạ và chủ trương chối bỏ hoàn toàn hành động của Thiên Chúa, chỉ còn lại sự thụ động cá vị.
Nhiều hình thức đạo đức trong thời thánh Vinh Sơn, thậm chí khi nó đã chuyển sang dạng lành mạnh hơn chủ nghĩa ẩn dật có xu hướng cá nhân hơn. Trong thế kỷ 20 chúng ta đã trải qua sự nhấn mạnh nhiều hơn về sự liên vị. Triết lý cá nhân chủ nghĩa đã ảnh hưởng sâu sắc trên suy nghĩa và hành động của người đương thời. Martin Buber [56] đã làm cho thuật ngữ “tôi-anh” trở thành một phần từ vựng của chúng ta hôm nay.
Hơn nữa, chúng ta đã nhìn thấy sự nhấn mạnh đang gia tăng về tính xã hội, với một ý thức phát triển về mối liên hệ hỗ tương[57] của tất cả mọi người và của tất cả mọi thực tế nhân loại. Hiến chế Mục vụ của Giáo hội trong Thế giới ngày nay công bố về những niềm vui và hy vọng, những nỗi đau và nỗi thống khổ của người nam và người nữ đương đại, đặc biệt là người nghèo và người đau khổ, cũng chính là những niềm vui và niềm hy vọng, những nỗi đau khổ và nỗi thống khổ của người môn đệ Đức Kitô.[58] Thông điệp xã hội trong suốt những thế kỷ trước đây đã đã nhấn mạnh nhiều và nhiều hơn về bổn phận của người Kitô hữu về công lý trên thế giới.[59] Giáo hội liên tiếp nhấn mạnh về sự ưu tiên lựa chọn người nghèo của mình.[60] Các Kitô hữu được khuyến khích phát triển một thế giới quan toàn cầu và đóng góp vào việc “biến đổi của thế giới.”[61]
Dĩ nhiên, có ba thay đổi nhận thức không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tâm nguyện. Thực ra, chúng tạo thành bối cảnh cho tâm nguyện. Nếu phụng vụ là “nguồn mạch và tột đỉnh” của hoạt động cầu nguyện trong Giáo Hội, thì khi đó, việc suy gẫm về các mầu nhiệm Đức Kitô, Tin Mừng và phận người là một trong những viên đá nền móng của nó. Nếu những người nam nữ đương thời, đặc biệt là người trẻ, đang thể hiện một mối bận tâm mới đến các hình thức cầu nguyện khác nhau, thì khi đó, tâm nguyện hay “nguyện gẫm” giữ một vị trí quan trọng trong số các hình thức này. Nếu có một khuynh hướng phê phán mạnh mẽ “chủ nghĩa an tịnh” trong đời sống thiêng liêng và một trào lưu nhấn mạnh đến tính liên vị và xã hội, thì khi đó, có những con đường mở rộng tầm nhìn về tâm nguyện, cũng như khắc họa đậm nét trọng tâm của nó.
III. Tâm nguyện ngày nay
Karl Rahner đã đặt vấn đề rất rõ ràng rằng: “Kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa là trọng tâm của mọi linh đạo.”[62] Thánh Vinh Sơn biết điều này, vì thế hết lần này đến lần khác, ngài cổ võ các anh em và các Nữ Tử Bác Ái cầu nguyện.
Luật Chung ngài viết cho Tu Hội Truyền Giáo đã kêu gọi mọi người thực hiện tâm nguyện mỗi ngày một giờ.[63] Hiến pháp Tu Hội Truyền Giáo năm 1984 đã xác định điều này khi nói đến việc cầu nguyện cá nhân mỗi ngày một giờ theo truyền thống của Thánh Vinh Sơn.[64] Trong khi công thức này rõ ràng rộng hơn so với Luật Chung, nó chắc chắn bao gồm một khoảng thời gian cần thiết của việc suy niệm.[65] Quy luật ban đầu của các Nữ Tử Bác Ái yêu cầu hai khoảng lần nửa tiếng.[66] Hiến pháp hiện tại của họ cũng kêu gọi thực hiện việc cầu nguyện mỗi ngày một giờ.[67]
Tôi xin minh họa từng phương pháp trên một cách ngắn gọn:
1. Cầu nguyện bằng tâm trí. Về cơ bản, đây là phương pháp mà thánh Vinh Sơn đề xuất. Một thừa sai Vinh Sơn sử dụng phương pháp này để suy gẫm về sự khiêm nhường sẽ tiến hành như sau:
a. Bản chất – Khiêm nhường là gì?
Ta nên tìm kiếm trong Kinh Thánh về những phần nói về đức khiêm nhường. Ví dụ, ta có thể suy gẫm đoạn Lc 1,46 – bài thánh ca Magnificat và lòng biết ơn của Mẹ Maria về những ân huệ Chúa thương ban. Hay ta có thể suy gẫm Pl 2,5 nói về Chúa Giêsu mang thân phận một người tôi tớ, hạ mình và trở nên vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Hay ta cũng có thể tập trung vào đoạn Mc 9,33, Đức Giêsu nói về đức khiêm nhường cần có nơi những người lãnh đạo. Ta sẽ hỏi: Sự khiêm nhường mà Phúc Âm đề nghị là gì? Nó liên quan đến điều gì? Dần dần, ta có thể hình thành những xác tín cá nhân: Khiêm nhường là nhận biết thân phận thụ tạo của tôi, để tôi có thể hoàn toàn cậy dựa vào Chúa. Đó là sự nhận biết về ơn cứu độ của tôi, rằng tôi phạm tội một cách thường xuyên và cần có sự giúp đỡ của Chúa để hoán cải. Tôi chậm chạp trong việc ham thích các giá trị Phúc Âm. Tôi nói quá nhẹ về những điểm tiêu cực của những người khác. Tôi đồng ý quá dễ dàng với các cấu trúc xã hội bất công. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng Thiên Chúa tha thiết tha thứ cho tôi, và tôi hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng Người có thể cứu chữa tôi. Sự khiêm nhường cũng là lòng biết ơn về những ân huệ Chúa ban. Một người khiêm nhường, giống như Đức Mẹ, khi kêu lên rằng “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh người là Thánh.” (Lc 1,49) Điều này đòi hỏi thái độ của người tôi tớ. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi “không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ.” (Mt 20,28) Đức khiêm nhường cũng bao gồm việc cho phép chính tôi được Tin Mừng hoá bởi người nghèo, “những vị Chúa và Chủ nhân của chúng ta”, như thánh Vinh Sơn thích gọi họ như thế. Khiêm nhường còn là biết lắng nghe và học hỏi.
Một cách tiếp cận khác dành cho những ai nghiên cứu các bài viết của thánh Vinh Sơn, hay truyền thống Vinh Sơn, liên quan đến đức khiêm nhường. Người ấy có thể tìm thấy trong Luật Chung II, 6-7 hay X,13-14 và suy gẫm về những bước thánh Vinh Sơn đã miêu tả để đạt được đức khiêm nhường. Người ấy cũng có thể tìm hiểu từ các bài viết cổ điển hay đương đại về chủ đề này.
Khởi điểm cho phương pháp này là suy nghĩ, lập luận. Điều này rất quan trọng trong một số giai đoạn của đời sống tâm linh, vì người ta phải suy nghĩ thông suốt, một cách hợp lý, những giá trị cá nhân của mình và ý nghĩa cụ thể của chúng; nếu không người ấy có thể kết thúc bằng một cái nhìn mờ nhạt về các sách phúc âm. Thật quan trọng khi một thành viên của cộng đoàn có thể diễn tả lưu loát, và có liên hệ với chính anh ta và với những người khác, về những giá trị của anh ta.
b. Những động lực – Tại sao tôi phải khiêm nhường?
Những nguồn tương tự như đã được đề cập ở trên cung cấp nhiều động lực. Mt 18,4 nói rằng người khiêm nhường là người lớn nhất trong Nước Chúa. Pl 2,9 nói rằng thật chính đáng, bởi nhờ thái độ này nơi Đức Giêsu Kitô, mà Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Thánh Vinh Sơn khẳng định rằng khiêm nhường là cốt lõi của sự hoàn thiện theo Tin Mừng và là trái tim của đời sống thiêng liêng.[68] Ngài còn thêm rằng, khiêm nhường sinh ra đức ái.[69] Các tác giả đương thời nhấn mạnh sự cần thiết trong việc nhận biết sự tùy thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Thiên Chúa, và để ca vang lời tán tụng và lòng biết ơn của chúng ta về những ân huệ của Người. Một lần nữa ở đây cần nhấn mạnh về sự suy nghĩ và lập luận, nhưng chúng thiên về hành vi của lý trí; ví dụ, tin tưởng vào Thiên Chúa, tình yêu, lòng biết ơn, sự quy phục với thánh ý của Người.
c. Những cách thức – Làm thế nào tôi có thể thăng tiến về đức khiêm nhường?
Một thừa sai đang suy niệm có thể tìm thấy một số cách thức sau:
-
- Làm những công việc khiêm hạ, như lau nhà hay đổ bô cho các bệnh nhân.
- Để cho chính mình được Phúc âm hóa bởi người nghèo.
- Tập trung vào những điều tốt của người khác thay vì các khuyết điểm của họ.
- Tập thái độ của người tôi tớ, thay vì thái độ của chủ nhân.
Trong tất cả những điều này, quan trọng là nhận ra rằng mục đích không chỉ đơn thuần là sự hồi tưởng lại, luyện tập tâm trí hay một sự mài dũa về kỹ năng lập luận hay nói năng. Mục đích trực tiếp là sự cầu nguyện trìu mến, để cho trái tim của người đó đi vào cuộc trò chuyện cùng Thiên Chúa. Cuộc đối thoại này cần dẫn đến giải pháp cụ thể và thay đổi đời sống. Nếu chúng ta trung thành, việc cầu nguyện sẽ trở nên đơn sơ hơn, ít ba hoa hơn, và dẫn đến sự sâu lắng để Thiên Chúa dần dần nắm bắt trái tim chúng ta. Lời cầu nguyện của tâm trí vô cùng quan trọng trong nhiều giai đoạn của đời sống của một người. Trong giai đoạn đào tạo sơ khởi, một cách cụ thể, đó là điều bắt buộc đối với một người nam hoặc người nữ trẻ tuổi tiến tới sự hiểu biết về ý nghĩa của những giá trị Tin Mừng. Nếu một người không thể diễn tả thông suốt về những giá trị có thể đụng chạm đến ý thức của cả đương sự lẫn người khác, khi đó Tin Mừng rốt cuộc sẽ có vẻ như không liên hệ gì đến cuộc sống. Có một loạt những chủ đề rất hữu ích với các nhà truyền giáo Vinh Sơn hay Nữ Tử Bác Ái. Thực ra, thánh Vinh Sơn đã hướng dẫn các cộng đoàn của ngài thông qua những chủ đề tương tự bằng cách yêu cầu họ dấn thân vào tâm nguyện và sau đó cùng họ trao đổi trong các buổi đàm thoại và mô tả lại việc cầu nguyện. Trong giai đoạn khác nhau của đào tạo sơ khởi và trường kì, chúng ta có thể tăng triển nhiều hơn nữa bằng cách sử dụng tâm nguyện với các chủ đề sau đây:
-
- Tình yêu nhân loại sâu thẳm của Đức Giêsu.
- Mối tương quan của Người với Chúa Cha
- Vương quốc mà Người rao giảng
- Cộng đoàn của Người với các tông đồ
- Lời cầu nguyện của Người
- Tội lỗi
- Sự sẵn sàng tha thứ của Đức Giêsu/quyền năng chữa lành của Người
- Thái độ của Người như một người tôi tớ
- Tình yêu của Người đối với sự thật/nhân đức đơn sơ
- Đức khiêm nhường của Người
- Sự khát khao sự công chính của Người.
- Sự khát mong của Ngài dành cho sự hòa bình
- Việc chiến đấu của Người đối với cám dỗ
- Thập giá
- Sự phục sinh
- Đức vâng phục của Đức Giêsu đối với thánh ý Chúa Cha
- Sự dịu hiền của Đức Giêsu/ Nhân đức dịu hiền
- Nhân đức hãm mình
- Sự nhiệt thành tông đồ
- Đức khó nghèo
- Đức khiết tịnh
- Đức vâng phục
- Niềm vui và lời tạ ơn của Đức Giêsu.
2. Cầu nguyện bằng trí tưởng tượng. Đây là phương pháp cơ bản của thánh I-nhã. Thí dụ, một Nữ Tử Bác Ái sử dụng phương pháp này, để nguyện gẫm về những bài tường thuật cuộc khổ nạn, có thể tiến hành như sau:
a. Bắt đầu tưởng tượng
Chị ta bắt đầu tưởng tượng về cảnh tượng. Chị nhìn vào bối cảnh địa phương, Giêrusalem, có mặt cùng với những người đến mừng lễ Vượt Qua. Chị cố gắng lắng nghe những âm thanh nơi đám đông, cảm nhận hơi nóng của ngày hôm đó, ngửi những mùi hương, nếm cảm những gì mà người tham dự đã có thể cảm nhận được. Chị lướt nhìn toàn cảnh để xem ai ở đó: những khuôn mặt hào hứng của khách hành hương, những người Pharisiêu, các kinh sư, những cư dân Rôma, Đức Giêsu và các môn đệ của Người. Chị lắng nghe những gì họ đang nói. Chị cảm nhận những gì mà họ đang cảm thấy. Chị ghi nhớ những nét đặc trưng cá nhân của họ.
b. Đóng vai một trong những nhân vật trong bối cảnh đó
Chị tưởng tượng mình vào vai Chúa Giêsu, thậm chí ở trong cả những chi tiết nhỏ nhất, những gì Người đang suy nghĩ, cảm thấy, đang làm. Chị yêu mến cùng Chúa. Chị đau buồn cùng Người. Chị động lòng trắc ẩn cùng Người. Chị đau khổ cùng Người. Chị bị bỏ rơi cùng Người.
c. Đặt câu hỏi
Chị đặt ra một số câu hỏi dành cho chính mình. Tôi là ai trong bối cảnh này? Tại sao? Điều gì về Đức Giêsu ở đây đã lôi cuốn tôi, điều gì cuốn hút tôi yêu mến Người? Có một vài cách thức Người muốn tôi sống theo những gì Người đang làm trong bối cảnh này không? Ai chứ? Cái gì? Tại sao? Khi nào? Cách thức? Cho ai? Tất cả điều đó có tạo ra một sự khác biệt không?
d. “Ở đó” trong sự tưởng tượng của bạn
Người nguyện gẫm trở lại cảnh tượng ấy, nhưng lần này như một người ngoài cuộc. Đơn giản là chị theo dõi, lắng nghe, và để cho cảnh tượng diễn ra nơi mình. Chị đứng bên thập giá, bên cạnh Đức Maria và Gioan. Chị giữ vai trò của một khán giả trong đám đông. Chị ở gần bên Phêrô hay tên trộm biết ăn năn.
e. Nếu nguyện gẫm về một giáo huấn (ví dụ, Bài Giảng Trên Núi), chị đọc bản văn 3 lần, dừng lại sau mỗi lần đọc: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)
Lần thứ nhất, chị hỏi: Đức Giêsu đã nói gì? Tôi có đang tập trung không? Chị cũng có thể tham khảo một vài chú giải để tìm ra ý nghĩa chính xác của lời Người. Những người có “tinh thần nghèo khó” là ai? Nước Trời được hứa ban cho họ là gì?
Đến lần thứ hai, chị ta sẽ cố gắng để chú tâm lắng nghe hơn. Đức Giêsu ám chỉ điều gì? Người muốn nói với tôi điều gì? Theo tôi thông thường người nghèo dường như không hạnh phúc. Tại sao Đức Giêsu nói những điều đó dành cho họ? Tôi có thuộc nhóm người có tinh thần nghèo khó không? Tôi có thực sự hạnh phúc chăng?
Ở lần thứ ba, chị nói chuyện trực tiếp với Đức Giêsu hay với Cha Người về đoạn văn. Chị thậm chí có thể hình dung cuộc đối thoại, ngồi cùng Đức Giêsu và các môn đệ của Người bên một đống lửa cạnh bờ hồ vào một buổi chiều, cảm nhận sự kính sợ đồng thời cảm nếm sự yêu mến sâu sa. Chị khẩn nài Người: “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu được tất cả những điều này. Con thực sự muốn trở nên nghèo về tinh thần, để cậy dựa hoàn toàn vào Ngài. Con biết Chúa yêu con. Xin hãy giúp đỡ con.”
3. Cầu nguyện bằng trái tim. Ngày nay, điều này thường được gọi là cầu nguyện trung tâm. Sự diễn đạt cổ điển của nó được tìm thấy trong những tác phẩm như Đám Mây Của Vô Minh hay Con Đường Của Một Khách Hành Hương. Một trong số người tiên phong nổi tiếng hiện nay của chủ đề này là Basil Pennington.[70] Chúng ta có thể tóm tắt trong bốn quy tắc.
Quy tắc 1 – Khi bắt đầu cầu nguyện, dành ra một hoặc hai phút thinh lặng rồi sau đó tiếp tục bằng niềm tin vào Thiên Chúa đang ngự trong bạn.
Một người giáo dân hay thành viên cộng đoàn tham gia hình thức cầu nguyện này trước hết cần tìm một nơi thanh vắng. Sau đó người ấy cần ở một tư thế thư giãn, có thể cố gắng hít thở sâu và đều đặn để có sự bình tĩnh rồi sau đó bắt đầu tập trung vào Thiên Chúa. Để nhận được sự trợ giúp, người ấy có thể hướng sự tập trung của mình vào những lời trong thư Gl 2,20: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.”
Quy tắc 2 – Sau khi thư giãn đôi chút trong trung tâm của tình yêu đầy tràn niềm tin, lặp lại một từ hay một cụm từ đơn giản thể hiện sự đáp trả của bạn và bắt đầu âm thầm lặp lại.
Người ấy gắng thực hiện điều này cách đơn giản, không căng thẳng. Người ấy chọn một từ hay một cụm từ thể hiện những gì là sâu thẳm nhất trong tâm hồn của mình: Thiên Chúa, tình yêu, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Người ấy có thể lặp lại một cách chậm rãi, nhẹ nhàng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Hoặc có thể: “Xin hãy phán, lạy Chúa, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe.”(1 Sm 3,9) Cũng có thể: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa; tạ ơn Ngài vì tình yêu của Ngài.” Có nhiều cụm từ có thể được đọc lặp lại: “Tôi chẳng thiếu thốn gì.” (Tv 23,1) “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.”(Tv 51,12) “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ.” (Tv 51,14) “Sống trong tình yêu trong sự hiện diện của Ngài.” (Ep 1,3-12) “Ân tình Ngài quý hơn mạng sống.” (Tv 63,4) “Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá.” (Is 43,4) “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10) “Dừng tay lại! Hãy biết ta đây là Thiên Chúa.” (Tv 46,11)
Quy tắc 3 – Bất cứ khi nào trong quá trình cầu nguyện bạn chia trí, hãy nhẹ nhàng quay trở lại lời cầu nguyện.
Những suy nghĩ và các hình ảnh khác luôn luôn gây chia trí. Người cầu nguyện có thể nhận thấy chính mình đang xét xem lời cầu nguyện có ý nghĩa gì, nhưng điều này nên tránh. Người ấy có thể đơn giản lặp lại từ đó và hướng lòng lên Chúa.
Quy tắc 4 – Vào cuối buổi cầu nguyện, dành ra vài phút để đọc kinh Lạy Cha.
Hình thức cầu nguyện này đi sâu vào nội tâm. Đột ngột kết thúc là điều không tốt (cũng giống như bước đi ngay lập tức sau khi ngủ say.) Tốt hơn, người cầu nguyện nên thư giãn, giữ thinh lặng vài phút, đọc kinh Lạy Cha, hồi tưởng lại sự hiện diện của Chúa, rồi sau đó kết thúc.
4. Lectio Divina. Phương pháp cầu nguyện thứ tư, thường được sử dụng trong truyền thống đan tu cổ kính của Giáo Hội, đó là lectio divina. Chúng ta có thể thấy những biểu hiện cổ điển của phương pháp này trong những tác phẩm của các đấng sáng lập đan viện vĩ đại.
Kinh Thánh là nguồn mạch chính yếu của lectio divina, nhưng không có nghĩa là độc nhất. Kinh Thánh là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Hiến chế Phụng Vụ dạy chúng ta rằng “trong các Sách Thánh, Chúa Cha, Đấng ở trên thiên quốc, gặp gỡ con cái Người với tình yêu bao la và trò chuyện cùng họ; và Lời Chúa có năng lực lớn lao, có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, cùng sức mạnh đức tin cho con cái mình, lương thực nuôi sống tâm hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng.”[71] Đối với các tín hữu, Kinh Thánh là nguồn nước mang lại sức sống cho tình trạng khô cằn của con người (Is 55,10-11), của ăn ngọt ngào hơn cả mật ong (Tv 19,11), chiếc búa đập vỡ sự thờ ơ cứng cỏi (Gr 23,29), và gươm hai lưỡi xuyên thấu sự bướng bỉnh cố chấp (Dt 4,12).
Kinh nguyện và linh đạo của thánh Vinh Sơn đã bén rễ sâu trong Sách Thánh. Abelly, tiểu sử gia đầu tiên của thánh Vinh Sơn, nói về ngài: “Cha Vinh Sơn dường như kín múc ý nghĩa từ các đoạn Sách Thánh như một đứa trẻ bú sữa từ mẹ của nó. Và ngài trích dẫn cốt lõi và nền tảng từ Kinh Thánh để được kiện cường và nuôi dưỡng linh hồn ngài… và ngài đã làm điều này với cách thức mà trong tất cả lời nói và hành động, ngài làm cho chúng đầy ắp Đức Giêsu Kitô.”[72] Ngài cũng thường đề nghị sử dụng các sách khác để hỗ trợ cho việc cầu nguyện.
Hồng y Carlo Maria Martini, Tổng Giám mục Milan, thường khuyến khích sử dụng lectio divina trong các bài nói chuyện của ngài với giới trẻ.[73] Ngài mô tả phương pháp này với các bước như sau:
a. Lectio. Bạn trẻ nên đọc đi đọc lại bản văn Kinh Thánh, cố gắng hiểu nó trong ngữ cảnh trực tiếp của nó và trong ngữ cảnh tổng thể của Kinh Thánh. Trọng tâm ở đây là câu hỏi: Bản văn thực sự nói gì? Martini gợi ý với bạn trẻ rằng họ nên sử dụng một cây bút để gạch chân những danh từ hay động từ hoặc các tính từ hay trạng từ quan trọng và họ viết các ghi chú ra bên lề. Bản văn được đọc chậm, nhờ đó người đọc để cho Sách Thánh nói với mình. Thông thường nó bộc lộ ý nghĩa khác khau nhau ở thời những điểm khác nhau trong đời sống người đọc.
b. Meditatio. Nếu điểm nhấn trong lectio là những gì chính bản văn nói đến, thì trọng âm trong meditatio là vấn đề khác: Bản văn nói gì với tôi? Nó đòi hỏi những giá trị, khuynh hướng, thay đổi nào trong cuộc đời tôi? Hôm nay nó đang nói gì, ngay tại đây và ngay bây giờ, như là Lời sống động của Thiên Chúa, như tiếng nói của Thánh Thần?
c. Oratio. Trọng tâm ở đây là cầu nguyện.Thông điệp của Thánh Kinh khơi gợi lên một sự đáp trả. Nó có thể là kính sợ Thiên Chúa bởi vì tôi ở quá xa lối sống mà lời Chúa thực sự đòi hỏi tôi. Hay đó có thể là lời chúc tụng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã quá đại lượng mặc khải chính Người cho tôi qua Lời Người. Nó cũng có thể là lời kêu khóc xin sự trợ giúp để đưa lời Chúa vào việc thực hành được tốt hơn. Trong mọi trường hợp oratio bao gồm việc nói chuyện với Chúa, sử dụng bản văn và thông điệp của nó như là khởi điểm. Trọng tâm của oratio là: Lời Chúa thúc đẩy tôi nói gì?
d. Contemplation. Cầu nguyện trở thành chiêm niệm khi nó vượt ra khỏi một bản văn cụ thể hay được thấm nhuần trong con người Đức Giêsu, Đấng hiện diện đàng sau và trong mọi trang Sách Thánh. Tại điểm này, cầu nguyện không còn là một thao luyện của tâm trí nữa nhưng là sự tán dương và thinh lặng trước Đấng đang được mạc khải, Đấng nói với tôi, Đấng lắng nghe tôi, Đấng hiện diện với tôi như một người bạn, như một người chữa lành, như một Vị Cứu Tinh. Trong contemplatio, người cầu nguyện nếm cảm lời Chúa và trải nghiệm đời sống của Chúa trong chính mình.
Hồng y Martini cho biết thêm, những ai tham gia lectio divina sẽ chắc chắn trải nghiệm bốn chuyển động trong tiến trình này, như các Giáo phụ đã chỉ ra. Kinh nghiệm bốn chuyển động trong tiến trình này. Thực ra, những thuật ngữ này, hay những từ tương tự, thường được sử dụng để mô tử những gì diễn ra khi một người áp dụng các phương pháp khác; ví dụ cầu nguyện theo phương pháp thánh I-nhã.
a. Consolatio (niềm an ủi). Ở đây, con người cảm nghiệm sự tốt lành của Thiên Chúa, sự vĩ đại của thế giới Người đã tạo dựng, sự hiện diện cứu độ của Người. Người cầu nguyện vui hưởng trong mầu nhiệm Đức Kitô, trong tình yêu Thiên Chúa, trong những mối phúc. Niềm an ủi là niềm vui của Thánh Thần được đổ đầy tràn trong tâm hồn khi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô được mặc khải trong Kinh Thánh.
b. Discretio (sự phân định). Niềm an ủi giúp gia tăng sự phân định thiêng liêng, khả năng để lượng giá các chuyển động khác nhau bên trong mà tôi cảm nghiệm trong tâm hồn, để phân định điều tốt với cái xấu, để nhận ra những động cơ mâu thuẫn của tôi. Nó là khả năng để xác định, trong tình trạng hiện thời của tôi (con người, giáo hội, xã hội, dân sự,) những điều đó cộng hưởng với thông điệp của Kinh Thánh và những điều không phù hợp với Kinh Thánh. Nó là khả năng để nắm bắt cái tốt hơn, nhiều hơn, tinh thần của những mối phúc. Nó là năng lực để suy nghĩ nhiều hơn và nhiều hơn nữa như Đức Kitô đã làm.
c. Deliberatio (sự cân nhắc). Sự phân định dẫn tới việc ra quyết định, những chọn lựa cuộc sống, hay một cam kết hành động theo lời Chúa. Chính trong giai đoạn deliberatio mà lectio divina sinh ra những phán quyết cụ thể dựa trên Tin Mừng.
d. Actio (hành động). Bước này là hoa quả của lời cầu nguyện của một người. Người cầu nguyện thực hiện những công việc của công lý, phục vụ bác ái, chăm chú lắng nghe, lao động, hy sinh, tha thứ.
IV. Một vài quy tắc thực tiễn cho việc cầu nguyện
Tôi xin đưa ra những “quy tắc” này dành cho những ai tìm cách cầu nguyện hằng ngày. Chúng không phải là những nguyên tắc trừu tượng; cũng không phải là những kết luận có thể minh chứng bằng một phương pháp suy luận. Đơn giản, chúng là một nhóm các quy tắc thực tiễn mà kinh nghiệm đã dạy là hữu ích cho những ai muốn cầu nguyện. Tôi đã tổng hợp chúng thành công thức, nhưng tôi mắc một món nợ tri ân sâu xa đối với những người đã dạy chúng cho tôi.
1. Trung thành cầu nguyện đòi hỏi kỷ luật. Thánh Vinh Sơn ám chỉ đến điều này khi ngài nói về đức hãm mình như một đòi hỏi tiên quyết cho việc cầu nguyện. Sắp xếp thời gianvà nơi chốn cầu nguyện là điều quan trọng. Tương tự, sẽ hữu ích hơn cả khi đi ngủ vào một thời điểm hợp lý nếu một người muốn thức dậy sớm để cầu nguyện. Ngày nay, khi mà có nhiều trò tiêu khiển có thể dễ dàng làm sao nhãng chúng ta khỏi giờ cầu nguyện (ví dụ: đài phát thanh, truyền hình, phim ảnh…), người ta thường xuyên phải từ bỏ một vài điều tốt lành, các chọn lựa hấp dẫn để là một người cầu nguyện trung thành.
2. Tâm nguyện đòi hỏi sự tĩnh lặng. Đương nhiên, một cộng đoàn tông đồ không thể cắt đứt hoàn toàn khỏi sự liên hệ với người nghèo, như là điều hiển nhiên trong các cuộc thảo luận của thánh Vinh Sơn với các Nữ Tử Bác Ái. Tuy nhiên, ta nên chọn thời điểm cầu nguyện khi mà sự ồn ào và sự gián đoạn sẽ không xảy ra, khi điện thoại hay chuông cửa sẽ không đổ chuông. Đó là một trong những lý do tại sao các cộng đoàn có truyền thống chọn lựa giờ cầu nguyện vào buổi sáng sớm trước khoảng thời gian bận rộn của những hoạt động trong ngày bắt đầu. Dietrich Bonhoeffer khẳng định: “Im lặng không gì khác hơn là chờ đợi Lời của Chúa.”[74]
3. Điều quan trọng là quen với nhiều phương pháp khác nhau, có thể xem như là có một “kho cầu nguyện.”[75] Bốn hình thức cầu nguyện đã được mô tả trong phần đầu của bài viết này có thể hữu ích cho vấn đề này. Các phương pháp khác nhau sẽ thích hợp ở các thời điểm khác nhau của cuộc sống. Chúng ta có thể tìm thấy chính mình, trong các giai đoạn sau của cuộc sống, sự trở lại với những phương pháp mà chúng ta đã từng sử dụng trước đó.
4. Người cầu nguyện cần được nuôi dưỡng. Một số yếu tốt cơ bản cung cấp dinh dưỡng đó là đọc Kinh Thánh, đọc sách thiêng liêng, và đặc biệt là trong một linh đạo tông đồ, gặp gỡ Đức Kitô một cách sống động và thiết thực nơi người nghèo.
5. Việc cầu nguyện cần dẫn đến việc tự định nghĩa mình một cách mới mẻ.[76] Qua cầu nguyện, giá trị của chúng ta sẽ được tái xác định và mang lấy đặc tính loan báo Tin Mừng ngày càng gia tăng. Cầu nguyện phải dẫn đến hoán cải không ngừng. Điều đó sẽ đưa đến những hành động bác ái và công bằng. Đây là lý do tại sao thánh Vinh Sơn đến “những giải pháp thực tế”.
6. Người cầu nguyện không nên tập trung quá nhiều vào những gì mình nói. Những gì Thiên Chúa đang muốn truyền thông thì quan trọng hơn. Về lâu về dài, cầu nguyện là một mối tương quan. Trong khi lời nói có một vị trí nhất định trong mối quan hệ, thì sự thông truyền lại vượt xa lời nói. Một vài hình thức sâu xa nhất của cầu nguyện đó là phi ngôn ngữ. Những ai đã chìm sâu trong tình yêu, họ thường dành nhiều thời gian cho nhau trong khi lời nói lại rất ít. Sự hiện diện “đơn thuần” là một dấu hiệu của sự trung thành. Thực vậy, Đức Giêsu đã cảnh báo chúng ta chống lại thói quen nói nhiều lời trong khi cầu nguyện.(Mt 6,7)[77]
7. Vì chúng ta thiếu thốn, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thường là một trong những lời thỉnh nguyện, nhưng điều rất quan trọng là lời cầu nguyện của chúng ta cũng mang những “tâm tình” khác trong Kinh Thánh: chúc tụng, tạ ơn, cầu xin, kinh ngạc, vững tin, sầu khổ, từ bỏ, nhẫn nhục. Kinh nguyện Kitô giáo điển hình luôn đầy tràn tâm tình tạ ơn.
8. Như Đức Giêsu đã truyền dạy, chúng ta phải thường xuyên khẩn nguyện để thi hành hay chấp nhận thánh ý Chúa (Mt 6,10), tuy nhiên điều đó có thể tự biểu lộ trong chính cuộc sống của chúng ta. Đây là điều mà thánh Vinh Sơn đã đề cập khi ngài đề nghị về không dính bén như là một khuynh hướng trong cầu nguyện. Điều này đặc biệt quan trọng trong những lần phân định.
9. Bởi vì chúng ta là con người có thân xác, nên các điều kiện thể lý và môi trường có thể giúp ích hay ngăn cản việc cầu nguyện: những hình ảnh, những cây nến, hương trầm, vẻ đẹp của khung cảnh, nhà tạm, ánh sáng, âm nhạc… tất cả có thể giúp ích cho việc cầu nguyện của chúng ta.
10. Chia trí là không thể tránh khỏi, vì tâm trí ta không thể tập trung vào một đối tượng duy nhất trong một thời gian dài. Khi chia trí xảy ra cách dai dẳng, tốt hơn hết là hãy tập trung vào chúng, thay vì cố thoát khỏi chúng, và biến chúng thành một chủ đề trong cuộc đối giữa ta với Thiên Chúa.
11. Việc chia sẻ những lời cầu nguyện có thể rất hữu ích. Hiểu biết của chúng ta có giới hạn. Chúng ta có thể thu lợi nhiều từ những người khác. Chứng tá đức tin của người khác có thể giúp đào sâu đức tin cho chính mình. Đây chắc chắn là lý do tại sao thánh Vinh Sơn khuyến khích việc thường xuyên lặp lại những lời cầu nguyện. Mặc dù việc thực hành đó đã trở nên lỗi thời nhiều năm, nhưng ngày nay ta vẫn có thể tìm được những hình thức linh động hơn.
12. Trung thành cầu nguyện đòi hỏi sự kiên trì. Việc tìm kiến Thiên Chúa là một hành trình dài, trong đó, người cầu nguyện leo lên những ngọn núi, tuột xuống những thung lũng, và đôi khi bị mắc kẹt nơi những vách núi cheo leo. Thánh Vinh Sơn động viên các Nữ Tử Bác Ái bằng cách kể cho các chị về thánh Têrêsa đã trải qua 20 năm không thể nguyện gẫm mặc dù ngài đã trung thành trong việc cầu nguyện.[78] Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy rằng mình đang “lãng phí thời gian”[79] trong việc cầu nguyện, hoặc chúng ta có thể rơi vào tình trạng “khô khan” kéo dài,[80] và bị cám dỗ bỏ cuộc. Chúng ta cần chống lại cám dỗ đó. Cuộc hành trình sẽ đem đến những phần thưởng lớn lao.
13. Tiêu chuẩn cuối cùng của việc cầu nguyện luôn là cuộc sống: “Xem quả thì biết cây.” (Mt 7,20; 12,33; Lc 6,44.) Thật không may, kinh nghiệm chứng minh rằng một số người cầu nguyện khá thường xuyên, lại có thể rất khó sống chung. Một cách rộng lượng, ta có thể nói rằng có lẽ họ sẽ tệ hơn nếu họ không cầu nguyện! Nhưng đồng thời, thật là hợp lý khi đặt vấn đề liệu rằng lời cầu nguyện của họ có mối liên hệ thực sự nào với đời sống không. Xét cho cùng, ta không được xét đoán, trong một trường hợp cá biệt, về những gì liên hệ giữa Thiên Chúa và một ai đó trong chiều sâu của sự hiện diện của người ấy. Nhưng nói chung, ta có thể kết luận chắc chắn rằng có điều gì đó rất sai lầm trong việc cầu nguyện khi không dẫn đến sự thay đổi cuộc sống.
Thánh Vinh Sơn thường lặp lại với các thừa sai Vinh Sơn, cũng như với các Nữ Tử Bác Ái rằng: “Chúng ta hãy hiến mình cho Chúa,”[81] Ngài có một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, Đấng mà ngài xem như là cha và là mẹ,[82] vào tay của Đấng mà ngài trao phó chính ngài và các công việc của ngài. Bài viết của Jean Gicquel đã thuật lại cách mà thánh Vinh Sơn đã nói với các cha Almera, Berthe, và Gicquel, vào ngày 7 tháng 6 năm 1660, khoảng bốn tháng trước khi ngài qua đời: “Hãy tiêu hao vì Thiên Chúa, không có của cải hay năng lực nào bị tiêu hao mà không vì Thiên Chúa. Đó là điều mà Đấng Cứu Thế của chúng ta đã thực thi nơi chính Người, Người đã bị tiêu hao vì tình yêu đối với Cha Người.”[83]
Con người của hành động vĩ đại này cũng là một nhà chiên niệm, được lôi cuốn vào Thiên Chúa và để tiêu hao bởi tình yêu của ngài. Sự chiêm niệm của ngài về tình yêu Thiên Chúa đổ tràn vào trong tình yêu thực tiễn dành cho người nghèo. Ngài đã khuyên bảo con cái của mình rằng:
“Tất cả chúng ta hãy tận hiến chính mình cho việc thực hành cầu nguyện vì nhờ điều đó mà tất cả những điều tốt lành đến với chúng ta. Nếu chúng ta bền chí trong ơn gọi của mình, đó là nhờ cầu nguyện. Nếu chúng ta thành công trong công việc của chúng ta, đó là nhờ cầu nguyện. Nếu chúng ta không rơi vào tội lỗi, đó là nhờ vào cầu nguyện. Nếu chúng ta vẫn còn sống trong bác ái và nếu chúng ta được cứu rỗi, tất cả những điều đó xảy ra, đó là nhờ Thiên Chúa và nhờ cầu nguyện. Giống như Thiên Chúa không từ chối điều gì cho người cầu nguyện, Người cũng hầu như không ban điều gì nếu không cầu nguyện.[84]
[1] Thực ra, ngài sử dụng từ “tâm nguyện” đến ba mươi lần, trong khi ngài sử dụng từ “nguyện gẫm” chỉ có sáu lần.
[2] Có một vài nghiên cứu quan trọng về những gì thánh Vinh Sơn đã dạy về việc cầu nguyện. Tôi xin liệt kê ra đây một thư mục, đã được chọn lựạ, mà có thể hữu ích cho độc giả. André Dodin, En Prière avec Monsieur Vincent (Paris: Desclée de Brouwer, 1982); Joseph Leonard, Saint Vincent de Paul and Mental Prayer (New York: Benziger Brother, 1925); Arnaud D’Agnel, Saint Vincent de Paul, Maître d’Oraison d’Oraison (Paris: Pierre Téqui, 1929); Jacques Delarue, L’Idéal Missionaire du Prêtre d’après Saint Vincent de Paul (Paris: Missions Lazaristes, 1947); Antonino Oracajo and Miguel Pérez Flores, San Vicente de Paúl II, Espiritualidad y Seleccion de Escritos (Madrid: BAC, 1981) 120-135. Hơn nữa, ngày nay, đã có thêm nhiều bộ sưu tập về các lời nguyện của thánh Vinh Sơn, được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ hiện đại. Ta có thể thấy sự tương đồng giữa tác phẩm của Dodin và các tác phẩm trích dẫn ở trên.
[3] SV. XI, 83; cf. III, 539; IX, 416; X, 583.
[4] SV. III, 538; IX, 29, 416; X, 566, 583.
[5] SV. IX, 416.
[6] Ibid., 217.
[7] Ibid., 417.
[8] Ibid., 416.
[9] SV. XI, 84.
[10] SV. VII 156.
[11] SV. IX, 402.
[12] SV. IV, 47.
[13] x. SV. IV, 390; 9, 216.
[14] SV. IX, 115.
[15] Ibid., 180.
[16] Ibid., 419.
[17] SV. X, 128-129.
[18] SV. XII, 231.
[19] SV. IX, 28-29.
[20] SV. XII, 113.
[21] André Dodin, En prière avec Monsieur Vincent, Paris, Desclée de Brouwer, 1982, 197.
[22] LC I,1.
[23] SV. VII, 125-127.
[24] SV. IX, 32, 217; X, 569; x. SV. IV, 139, 590; I, 134; x. SV. X, 569: “Việc nguyện gẫm tốt không thể thực hiện được nếu không luôn luôn đặt cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa chúng ta trong tâm hồn mình.”
[25] SV. IX, 32-33; X, 569.
[26] SV. I, 382; V, 297.
[27] SV. I, 155-56, 398; III, 551; IX, 13, 44, 50; XII, 2; XIII, 81, 435, 822.
[28] SV. I, 86; XIII, 71, 822.
[29] SV. I, 197; III, 283; IV, 105, 620; VII, 66, 274; VIII, 501.
[30] SV. I, 198, 382; cf. III, 282.
[31] SV. VI, 632.
[32] SV. IX, 109.
[33] SV. VI, 632.
[34] SV. IX, 420.
[35] SV. IX, 424.
[36] SV. X, 728.
[37] x. SV. X, 587; x. Phanxicô de Sales, Dẫn vào đời sống trọn lành, “Phần Thứ Hai của Việc Dẫn Vào,” chương 1-10; Khảo luận về tình yêu Thiên Chúa IV, chương 1-15; x. A. Dodin, Phanxicô de Sales / Vinh Sơn Phaolô, hai người bạn (Paris: OEIL, 1984) 65-67.
[38] SV. IX, 426; X, 590-91; XII, 64.
[39] SV. IX, 3-7, 120, 219.
[40] x. SV. IX, 420; X, 573; XI, 406.
[41] SV. IX, 421-422.
[42] x. SV. XI, 293-95.
[43] SV. IX, 4.
[44] SV. IX, 421-22.
[45] SV. XII, 288.
[46] SV. IX, 319; X, 95, 226, 541, 542, 595, 693.
[47] SV. VIII, 368-39; IX, 426.
[48] SV. X, 595.
[49] Sacrosanctum Concilium, 10.
[50] Anonymous, The Cloud of Unknowing (New York: Doubleday, 1973).
[51] Francis de Sales, Introduction to a Devout Life, biên dịch bởi John Ryan (Garden City, NY: Doubleday, 1972).
[52] Anonymous, The Way of a Pilgrim (New York: Doubleday, 1978).
[53] Thomas Merton, Contemplative Prayer (Garden City, NY: Doubleday, 1971).
[54] Cf. K. Rahner, Spiritual Exercises (New York, Herder and Herder, 1966).
[55] x. L. Dupré, “Jansenism and Quietism,” Christian Spirituality III, Post-Reformation and Modern (New York: Crossroad, 1989) 130-141.
[56] x. M. Buber, The Way of Man According to the Teaching of Hasidism (Secaucus, NJ: Citadel, 1966).
[57] x. Sollicitudo Rei Socialis, 26.
[58] Gaudium et Spes, 1.
[59] Synod of Bishops, 1971, Justice in the World in AAS LXIII (1971) 924.
[60] x. Sollicitudo Rei Socialis, 42.
[61] AAS LXIII (1971) 924.
[62] K. Rahner, “The Spirituality of the Church of the Future,” in Theological Investigations XX, 150.
[63] LC X, 7; x. also, SV. I, 563; VIII, 368.
[64] HP 47. For a clear presentation of the history and an explanation of the context of Article 47, cf. Miguel Pérez Flores, “Oración personal diaria, en privado o en común, durante una hora,” Anales 95 (#3; March 1987) 162-168.
[65] QC 19.
[66] Quy luật của Nữ Tử Bác Ái, IX, 1-2.
[67]Hiến Pháp của Nữ Tử Bác Ái 2.14; x. SV. IX, 29.
[68] LC II, 7.
[69] SV. X, 530.
[70] x. M. Basil Pennington, Call to the Center (New York: Doubleday, 1990) 199-201; “Centering Prayer: Refining the Rules,” Review for Religious 46:3 (May-June 1986) 386-93.
[71] Dei Verbum, 21.
[72] Abelly, quyển III, 72-73.
[73] C. Martini, “Educati dalla Parola, Meditatione del Cardinale Arcivescovo Carlo Maria Martini,” Annali della Missione 100 (#3; LuglioSettembre 1993) 203-217.
[74] D. Bonhoeffer, Life Together (London: SCM, 1954).
[75] Wilkie Au, By Way of the Heart, Toward a Holistic Christian Spirituality (New Jersey: Paulists, 1989) 92.
[76] Margaret Miles, Practicing Christianity (New York: Crossroad, 1988) 142.
[77] Ở SV. XII, 328, khi nói về việc cầu nguyện, thánh Vinh Sơn Phaolô, theo cách diễn tả của Thánh Kim Khẩu, đã so sánh sự huyên náo của những lời cầu nguyện không có sự chú tâm với tiếng sủa của những con chó!
[78] SV. IX, 424.
[79] Ibid, 50.
[80] Ibid, 634.
[81] SV. XII, 133-134, 146-147.
[82] SV. V, 534; VI, 444; VIII, 55, 256; X, 503.
[83] SV. XIII, 179.
[84] SV. XI, 407.