Thánh Vinh Sơn Phaolô – Hành trình đến sự tự do

0
1081

O’Donnell, Hugh C.M.
Vincent Trần chuyển ngữ

Giới thiệu

Theo cảm nhận của tôi trong vài năm qua, tại thời điểm thành lập Tu Hội Truyền Giáo và trở thành linh hướng của thánh Louise de Marillac, Vinh Sơn là một người hoàn toàn tự do, hoàn toàn phó thác cho thánh ý của Thiên Chúa. Điều đó giống như một hành trình dài biến đổi để phục vụ người nghèo (mà có thể gọi là Vinh Sơn I) đã kết thúc, để bắt đầu một đời sống công khai là Cha của người nghèo và của nước Pháp (Vinh Sơn II). Đây là khoảnh khắc thánh Louise bước vào cuộc đời thánh Vinh Sơn.

Bốn sự kiện chính đã làm nên con người Thánh Vinh Sơn ở năm 1625

  • Vinh Sơn quyết định dâng hiến cuộc đời của mình để phục vụ người nghèo, sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc kéo dài khoảng 4 năm (xung quanh năm 1615).

  • Với sứ vụ đến Toulouse (1623), lần đầu tiên thánh Vinh Sơn đoàn tụ với gia đình sau hơn 20 năm.

  • Một cuộc tĩnh tâm mà thánh Vinh Sơn đã thực hiện vào năm 1624.

  • Quyết định tham khảo ý kiến của André Duval, người sẽ trở thành cha linh hướng cho thánh Vinh Sơn (1624).

Quyết định dâng hiến cuộc đời của mình cho việc phục vụ người nghèo

Thánh Vinh Sơn đã đưa ra quyết định này ở cuối một cuộc thử thách đức tin lâu dài: “Vào một lúc nào đó, tôi bắt đầu tự hỏi ai là người nghèo nhất mà thánh Vinh Sơn từng gặp. Câu trả lời là? Đó chính Ngài trong sự bất lực trước những thử thách đức tin. Thánh nhân biết mình là người nghèo. Tôi có cảm giác rằng điều này đã mang lại cho thánh Vinh Sơn một sự tự do cho chính ngài, bởi vì ngài sẽ không bao giờ gặp bất cứ ai cần sự tốt lành và lòng thương xót của Chúa hơn mình”.

Sứ vụ đến Toulouse (1623)

Vào năm 1623, trong một sứ vụ truyền giáo cho những người tù khổ sai đã đưa ngài về gần nhà của mình, nơi ngài chưa trở về từ năm 1600. Vinh Sơn đã trải qua 10 ngày hạnh phúc ở đó để thăm người thân và bạn bè. Vào ngày cuối cùng, ngài cử hành thánh lễ cùng với họ, và trong bài giảng, ngài tạm biệt họ với những lời tốt lành. Vài tháng sau, thánh Vinh Sơn đã khóc khi nhớ lại những điều ấy, ngài thấy mình đã gắn bó sâu sắc với gia đình như thế nào; bây giờ ngài cần để cho họ được tự do sở hữu những gì mà ngài được quyền thừa kế.

Tĩnh tâm – Thời gian hoán cải (1624)

Sự kiện thứ ba xảy ra vào năm 1624. Cha Vinh Sơn tĩnh tâm để cầu xin Chúa giải thoát mình khỏi những tâm trạng ủ rũ và chua xót. Chúa đã đáp lại. Tất nhiên, ảnh hưởng của cha Francis de Sales trong vấn đề này cũng rất đáng kể và lâu dài.

Tham vấn với André Duval (1624)

Đến cuối năm 1624, Vinh Sơn đã tham khảo ý kiến ​​của cha André Duval – một giáo sư tại Sorbonne. Vinh Sơn giải thích rằng trong 7 hoặc 8 năm qua, ngài đã cố gắng tìm một nhóm người để đảm nhận công việc truyền giáo, nhưng không ai chấp nhận điều đó. Phu nhân Gondi, người đã dành 45.000 livres làm kinh phí cho công việc này, đã trở nên lo lắng để hoàn thành dự án trước khi chết. Vinh Sơn nói với cha Duval rằng ngài và một số linh mục khác vẫn đang thực hiện các cuộc đại phúc trong khi chờ đợi một cộng đoàn đồng ý đảm nhận công việc này, và trên thực tế, công việc của họ đã được Chúa chúc phúc. Nhận thấy một dấu hiệu rõ ràng về thánh ý của Thiên Chúa trong sự giằng co của Vinh Sơn, cha Duval nói với Vinh Sơn rằng theo Kinh Thánh, chúng ta bắt buộc phải làm theo ý Chúa khi chúng ta nhận ra điều đó. Lập tức, Vinh Sơn đã quyết định chấp nhận tài trợ từ gia đình Gondi và thành lập Tu Hội Truyền Giáo.

Tự do trong tình yêu của Thiên Chúa

Công việc của thánh Vinh Sơn trong các Cuộc Đại Phúc và Hội Các Bà Bác Ái đã được thực hiện. Sự tự do của ngài được định hình sâu sắc bởi Chúa Quan Phòng và sẽ được định hình thêm bởi công việc thánh nhân đã nhận được. Nguồn gốc của sự tự do đó là sự trung thành của thánh nhân với nguyên tắc: yêu Chúa[1]. Không còn nghi ngờ gì nữa, vào năm 1625, cuộc đời Vinh Sơn đã tuôn chảy từ tình yêu Thiên Chúa và sự tự do mà Tình yêu đó mang lại.

Bernard Lonergan, S.J., trong qui luật thiêng liêng của mình, đã mô tả phương pháp mà bất kỳ cá nhân nào muốn vượt qua chính mình để sống trong thực tế là: chú ý trải nghiệm; thông minh trong hiểu biết; có lý trong phán đoán; chịu trách nhiệm trong việc ra quyết định; yêu Chúa, yêu bản thân và người lân cận.

Những người ảnh hưởng đến cuộc hành trình này

Cuộc hành trình đến tự do thì rất dài, có lẽ bắt nguồn từ sự hiểu biết của ngài về tác phẩm “Quy luật của sự trọn hảo” của Benedict of Canfield. Tác phẩm nêu bật: làm theo ý muốn của Thiên Chúa là cách đơn giản nhất và trực tiếp nhất để dẫn đến sự thánh thiện. Chính từ Benedict of Canfield, mà Vinh Sơn đã học được cách không giẫm lên gót chân của Chúa Quan Phòng (không đi trước Chúa Quan Phòng). Không thể phủ nhận, Francis de Sales cũng có ảnh hưởng to lớn đối với thánh Vinh Sơn về vấn đề này. Đối với thánh Vinh Sơn, yêu Chúa là một điều hiển nhiên và ngài được kêu gọi chỉ để tâm vào sự yêu mến.

Thánh Vinh Sơn Và Thánh Louise

Chúng ta có thể khẳng định rằng Thánh Vinh Sơn đã đi theo hành trình thần bí khi ngài bắt đầu hướng dẫn Louise, người mà hóa ra, cũng đang ở trên một con đường để tìm kiếm một hành trình cho cả cuộc đời.

Suy tư:

Để khuyến khích sự suy tư, tôi xin gợi ý 5 cảm nhận diễn tả thế giới quan của thánh Vinh Sơn:

  1. Thiên Chúa là tình yêu;

  2. Thiên Chúa ở trong các biến cố, trong những người nghèo, trong mọi người;

  3. Thời gian thuộc về Chúa và cũng thuộc về chúng ta (Chúa Quan Phòng);

  4. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ hiện diện nơi những người nghèo khổ và là chủ của chúng ta;

  5. Chúng ta hãy yêu Chúa bằng mồ hôi trán và sức mạnh của đôi tay.


[1] Đây là mệnh lệnh cuối cùng của một phương pháp được mô tả bởi Bernard Lonergan, S.J., một linh mục Dòng Tên người Canada được nhiều người coi là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất của thế kỷ 20.