Thánh Vinh Sơn Phaolô và những tù nhân khổ sai chèo thuyền

0
1007

Theo các tài liệu lịch sử của nước Pháp cũng như của Tu Hội Truyền Giáo, vào thời thánh Vinh Sơn Phaolô, vì kinh tế suy sụp và chiến tranh liên miên nên nước Pháp có rất nhiều người phải sống trong cảnh bần cùng, đói khổ. Hơn thế nữa, nhiều người còn bị trở thành nô lệ, bị bóc lột sức lực và đối xử rất tàn nhẫn. Điển hình cho tầng lớp cùng cực này là hàng ngàn tù nhân khổ sai chèo thuyền trên các chiến thuyền Hoàng gia.[1] Những người này gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng đa số là các tội phạm bị kết án tù khổ sai và những người nghèo bị cưỡng ép một cách bất công. Họ thường xuyên phải sống trong điều kiện tồi tệ, phải làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, phải chịu đói khát, thiếu ngủ, và nhất là bị đánh đập dã man. Vì vậy, một nửa trong số tù nhân khổ sai chèo thuyền này đã chết trong một tình trạng thê thảm, phần lớn là vì kiệt sức và bệnh tật. Có thể nói, họ đã không còn được sống đúng với phẩm giá con người.

Chính vì vậy mà đối với thánh Vinh Sơn, những tù nhân khổ sai này là đối tượng được ngài quan tâm nhiều hơn so với các tầng lớp những người bất hạnh khác trong xã hội Pháp thời bấy giờ.[2] Từ khi còn làm tuyên úy cho gia đình Gondi, ngài đã có nhiều cơ hội quan sát các tù nhân khi họ bị giam giữ ở Paris trước khi được đưa đến các chiến thuyền Hoàng gia.  Bởi vậy, khi thánh Vinh Sơn làm Tổng tuyên úy các chiến thuyền Hoàng gia, ngài đã nhiệt tâm cứu giúp những người khốn khổ này. Cùng với các thành viên khác trong Tu Hội Truyền Giáo, các thành viên Hội Bác Ái, và các Nữ Tử Bác Ái, thánh Vinh Sơn đã mang đến cho các tù nhân khổ sai nhiều sự trợ giúp, nâng đỡ cả về thể lý lẫn đời sống tâm linh. Việc cải thiện đời sống cho những tù nhân khổ sai chèo thuyền này đã trở thành một trong những nét nổi bật trong công cuộc phục vụ người nghèo của thánh Vinh Sơn, và đó cũng là bài học cho chúng ta ngày nay về việc quan tâm đến phẩm giá con người.

Vì vậy, trong bài viết này, tôi xin trình bày về thánh Vinh Sơn và những tù nhân khổ sai chèo thuyền. Cụ thể, để làm rõ hơn chủ đề này tôi sẽ trình bày khái quát về: tình trạng các tù nhân khổ sai chèo thuyền thời thánh Vinh Sơn Phaolô; những nét nổi bật về lòng bác ái của thánh Vinh Sơn Phaolô đối với các tù nhân khổ sai chèo thuyền; và từ đó, rút ra bài học cho chúng ta ngày nay đối với việc quan tâm đến phẩm giá con người.

1. Tình trạng các tù nhân khổ sai chèo thuyền thời thánh Vinh Sơn

Vào thời thánh Vinh Sơn, vì chính sách bành trướng hải quân của Hoàng gia Pháp, hàng nghìn người đã bị bắt làm tù nhân khổ sai chèo thuyền một cách bất công. Hơn một nữa số tù nhân này là các tội phạm bị kết án khổ sai, từ tội giết người, buôn lậu, ly giáo cho đến tội trộm cắp vặt. Ngoài ra, những người lang thang, những người vô gia cư, thậm chí là cả những người hành hương (những người Ba Lan hành hương đến một thánh đường ở Pháp vào năm 1660) cũng bị bắt để sung vào lực lượng những người chèo các chiến thuyền. Một nguồn nhân lực khác là những người đào ngũ khỏi quân đội, sau khi bị bắt, họ bị kết án tù chung thân trên các chiến thuyền. Những người trốn chạy bị cắt mũi và tai, má của họ thì bị nung dấu hoa irit (huy hiệu của hoàng gia Pháp), và đầu họ thì bị cạo trọc.[3] Tình trạng chung của những tù nhân này là vô cùng khốn khổ, cả khi bị giam giữ trong các nhà tù trên bờ lẫn thời gian phục dịch trên các chiến thuyền.

Trước khi bị dẫn độ xuống căn cứ của các chiến thuyền Hoàng gia ở Marseille, những tù nhân này bị giam giữ trong các nhà tù hôi thối, lạnh lẽo ở Paris. Theo cha Pierre Coste, “thật khó để có thể hình dung nỗi những đau khổ cả về thể lý lẫn tinh thần mà những người đàn ông bất hạnh này phải chịu trong các ngục tù dơ bẩn, chật hẹp, ngột ngạt mà không bao giờ họ có thể thoát ra.”[4] Chính thánh Vinh Sơn cũng đã nói về họ: “Tôi đã thấy những người đàn ông khốn khổ này bị đối xử như súc vật, điều đó khiến Thiên Chúa động lòng thương.”[5] Trong thời gian bị giam tù này, họ bị các cai ngục hành hạ, và bị ép buộc mua đồ ăn với giá cắt cổ, hầu hết họ đều chịu đau khổ vì bệnh tật. Dù đau yếu hay khỏe mạnh, họ cũng chỉ được phát một ít bánh mì và nước, và những tù nhân không có tiền thì buộc phải sống nhờ vào khẩu phần ít ỏi này. Thời hạn tù đày của họ cũng không đúng với bản án, nhưng tùy thuộc vào sự thất thường của các viên chức.[6]

Khi chuyển đến Marseille, họ bị đưa lên các chiến thuyền. Trên mỗi chiến thuyền có 275 tù nhân, cùng với 80 binh lính. Tại đây họ bị trói thành từng đôi một vào các băng ghế dài bằng những sợi xích và vào cùng quả đạn súng thần công. Vai của họ thì để trần, còn đầu thì được đội một cái mũ vải lanh màu đỏ. Trên các chiến thuyền, những tù nhân khổ sai này “sống và làm việc trong môi trường tù túng, chật hẹp ròng rã mấy tháng liền. Da của họ trở nên lở loét vì hơi nước biển, thân thể thì đầy những vết sẹo vì bị đánh đập thường xuyên.[7] Họ buộc phải chèo thuyền một cách cực lực với những cơn đau của những trận đòn, cho đến khi họ chảy máu, nhiều khi là cho tới chết.[8]

Tuy nhiên, họ cũng không hoàn toàn chỉ chèo thuyền trên biển. Trong khoảng thời gian thuyền chiến ở trên bờ, họ cũng được sắp xếp làm các công việc khác, tùy theo trình độ giáo dục hay sức khỏe. Nhiều người cũng được học các nghề phổ thông như thợ mộc hay đóng tàu. Những người làm việc được nhận một khoản thù lao ít ỏi, nhưng cũng có thể cung cấp thêm cho họ một chút những gì họ cần. Các tù nhân thường quay về chiến thuyền để ăn và ngủ sau khi làm việc. Họ bị nhốt vào những nơi chật hẹp và dưới các băng ghế dài của họ. Để bảo vệ họ khỏi những cơn mưa thường xuyên và thời tiết lạnh, một chiếc buồm đã được phủ trên thuyền giống như một chiếc lều. Có những lúc, các tù nhân này cũng được lên bờ để mua những thứ họ cần hay bán các đồ thủ công.

2. Thánh Vinh Sơn và các tù nhân khổ sai chèo thuyền

Đối với thánh Vinh Sơn, các tù nhân khổ sai chèo thuyền được ngài yêu thương một cách đặc biệt, vì ngài có nhiều cơ hội chứng kiến và tiếp cận tình trạng bi đát của họ. Từ lòng thương cảm đó, ngài đã nhiệt tâm trong việc cải thiện đời sống cho họ, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Thánh Vinh Sơn luôn dành nhiều tình thương cho các tù nhân khổ sai chèo thuyền, mỗi khi có dịp ở gần những tù nhân khổ sai này, ngài đã ở với họ nhiều giờ. Trong một bức thư gửi cho một cha trong Tu Hội, ngài đã bộc lộ tình cảm đó: “Tôi đã hôn những sợi xích của các tù nhân, bày tỏ lòng thương cảm cho những nỗi khốn khổ của họ, và biểu lộ nỗi buồn vì sự bất hạnh của họ.”[9] Ngài luôn đau xót về những nỗi khốn khổ mà họ phải chịu, như cha Henri de Maupas du Tour thuật lại trong bài giảng trong lễ an táng ngài: “Vinh Sơn không thể không “đầm đìa nước mắt” (“bathed in tears”) mỗi lần kể về những đau khổ của họ.”[10] Đối với ngài, “tinh thần bác ái hướng về những tù nhân khổ sai là một phẩm chất khôn sánh trước mặt Thiên Chúa.”[11]

Thánh Vinh Sơn là một con người thực tế, nên với ngài, lòng bác ái phải được thể hiện bằng những hành động thực tiễn. Vì vậy, ngay sau khi được bổ nhiệm là Tổng tuyên úy cho các chiến thuyền Hoàng gia (ngày 8 tháng 2 năm 1619), ngài đã bắt tay vào việc cải thiện đời sống cho họ, và việc đầu tiên là cung cấp thêm chổ ở. Nhờ sự can thiệp của ngài, các tù nhân đã được chuyển đến các nơi ở có điều kiện tốt hơn. Nơi đầu tiên là ở gần Cung điện Hoàng gia và nơi thứ hai là pháo đài La Tournelle. Dưới sự hướng dẫn của ngài, những anh em Vinh Sơn ban đầu đã chăm sóc tù nhân ở cả hai nơi đó từ năm 1625 tới năm 1634, Hội Các Bà Bác Ái của giáo xứ Saint Nicolas du Chardonnet giúp đỡ họ từ năm 1632, và các Nữ Tử Bác Ái cũng làm việc này kể từ năm 1640.[12] Những sự trợ giúp thể lý được mở rộng tới tất cả các vấn đề liên quan đến thực phẩm, vải vóc, và việc chăm sóc những người bị bệnh. Họ chuẩn bị cho các tù nhân những bữa ăn, và mang đến cho từng tù nhân hàng ngày, những người bệnh được quan tâm đặc biệt, cả về dinh dưỡng lẫn thuốc men. Những người bị chết cũng được tổ chức tang lễ và an táng.[13] Cũng nhờ lòng nhiệt thành của thánh Vinh Sơn, một bệnh viện ba trăm giường được xây dựng để chăm sóc cho các bệnh nhân. Công trình này khởi sự từ ông Gondi, được tiếp tục và hoàn thành nhờ sự trợ giúp của Đức Giám mục Marseilles Jean – Baptise Gault, và lòng quảng đại của Nữ Công tước Aiguillon.

Bên cạnh việc cải thiện đời sống về mặt thể lý, thánh Vinh Sơn cũng chăm lo cho đời sống tinh thần và phần rỗi linh hồn của họ. Hàng ngày, ngài đến nhà nguyện đều đặn vào lúc 7 giờ rưỡi sáng, rồi chủ sự giờ kinh sáng, cử hành thánh lễ, thăm viếng bệnh nhân, và trở về lúc cuối ngày để đọc Kinh chiều. Ngài thuyết giảng mỗi ngày Chúa Nhật và dạy giáo lý hai lần một tuần, và nếu họ cần thì ngài giải tội cho họ. Trước khi đoàn tù nhân này đi Marseille, ngài thực hiện một cuộc đại phúc ngắn để chuẩn bị cho họ lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể, và động viên họ để họ gánh chịu những đau khổ theo cách của một Kitô hữu. Nhờ sự cộng tác của Đức cha Jean – Baptise Gault, và Nữ Công tước Aiguillon, một cuộc đại phúc cho các tù nhân bất hạnh cũng được thực hiện bởi các linh mục từ Saint Lazare mà thánh Vinh Sơn gửi đến. Một kế hoạch cho các việc giảng đại phúc, cử hành các bí tích, dạy giáo lý thường xuyên cho các tù nhân trên các chiến thuyền đã được soạn thảo và thực hiện nên mang lại nhiều phúc lợi thiêng liêng cho họ.[14]

Như vậy, thánh Vinh Sơn đã làm được nhiều công việc thiết thực để cải thiện đời sống của các tù nhân khổ sai chèo thuyền, cả cả thể xác lẫn tinh thần. Đặc biệt, ngài còn giúp họ được rao giảng Tin Mừng và chăm lo phần rỗi linh hồn. Đó có thể là bài học cho chúng ta ngày nay.

3. Bài học cho chúng ta ngày nay

Từ những gì chúng ta được biết về lòng bác ái của thánh Vinh Sơn đối với các tù nhân khổ sai chèo thuyền cũng như những hoạt động thực tiễn mà ngài đã nhiệt tâm thực hiện để cải thiện đời sống cho họ, chúng ta có thể học những bài học về việc tôn trọng phẩm giá con người, về lòng bác ái thực tiễn và phương thức hoạt động bằng sự liên đới để phục vụ, chăm sóc những người cùng khổ.

Bài học đầu tiên cho chúng ta bài học là sự quý trọng và bảo vệ nhân vị, phẩm giá con người. Có thể nói, dù phát xuất từ nỗi xót xa, thương cảm trước những nỗi khốn khổ của các từ nhân, nhưng những gì thánh Vinh Sơn đã làm cho họ không phải là một sự thương hại. Lòng bác ái của ngài xuất phát từ sự quý trọng nhân vị và phẩm giá thiêng liêng của con người. Ngài không chỉ nhiệt tâm cải thiện đời sống thể lý của họ mà còn nỗ lực chăm lo cho phần linh hồn. Điều đó cho thấy, thánh Vinh Sơn đã luôn ý thức: “Phẩm giá con người bắt nguồn từ việc con người được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa,”[15]“con người là một hữu thể đơn nhất gồm linh hồn và thể xác.”[16] Bởi vậy, với ngài, dù những tù nhân đó bị bóc lột và đối xử thậm tệ thì họ vẫn mang trong mình phẩm giá cao quý của con người.

Bài học thứ hai mà chúng ta có thể học từ thánh Vinh Sơn là lòng bác ái thực tiễn. Tình yêu mà ngài dành cho các tù nhân không chỉ là tình yêu cảm tính nhưng còn là tình yêu thiết thực. Ngài yêu thương bằng những công việc cụ thể, có hiệu quả cao trong việc cải thiện đời sống cho họ. Có thế thấy, tình trạng cùng cực của các tù nhân khổ sai thời thánh Vinh Sơn là một vấn đề nan giải và đã tồn tại trong một thời gian dài. Chỉ có sự can đảm dấn thân, sẵn sàng đối mặt với các trở ngại, thách thức từ các thế lực trong xã hội Pháp thời bấy giờ và một quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn đó thì mới có thể cải thiện được cuộc sống của các tù nhân chèo thuyền khốn khổ.

Bài học thứ ba là phương thức làm việc với sự liên đới, cộng tác của nhiều thành phần trong xã hội và Giáo Hội. Thánh Vinh Sơn không hoạt động một mình nhưng ngài biết vận động nhiều nguồn lực khác cùng liên đới vì thiện ích cho những người cùng khốn. Nhờ tình cảm chân thành và nhiệt tâm bác ái của ngài, nhiều thành phần khác trong xã hội cũng được khơi gợi lòng bác ái và liên đới dấn thân vì hạnh phúc tha nhân. Có thể thấy, thành quả mà trong công cuộc cải thiện và chăm sóc đời sống các tù nhân khổ sai chèo thuyền có được từ sự sự liên đới giữa các thành viên trong Tu Hội Truyền Giáo, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, Hội Các Bà Bác Ái, của hàng giáo sĩ, các quý tộc, hoàng thân và nhiều người khác.

Trong thời đại của chúng ta nay, mặc dù không còn có những tù nhân khổ sai chèo thuyền như thời thánh Vinh Sơn, nhưng vẫn có rất nhiều người đang phải sống trong tình bị bóc lột, bị chà đạp nhân phẩm một cách đau thương. Đơn cử như tình trạng của các trẻ em bị bắt đi ăn xin tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay, các trẻ em đó là nạn nhân của sự bóc lột và bị tước đi những quyền căn bản của con người. Đó cũng là đối tượng cụ thể cần được giải thoát để được sống đúng phẩm giá con người. Vì vậy, tôi thiết nghĩ những bài học từ thánh Vinh Sơn vẫn có giá trị thiết thực cho chúng ta hiện nay, đặc biệt là trong gia đình Vinh Sơn.

Thánh Vinh Sơn là người nhạy cảm với nỗi thống khổ của tha nhân, đồng thời cũng là một người thực tế, ngài luôn cụ thể hóa lòng bác ái của mình bằng những công việc thiết thực. Điều đó được thể hiện rõ qua những gì ngài đã dành cho những tù nhân khổ sai chèo thuyền trên các chiến thuyền của Hoàng gia nước Pháp vào thời của ngài. Những tù nhân này là là những người đã bị kết án hay bị cưỡng ép trở thành các nô lệ chèo thuyền khổ sai, trở thành tầng lớp cùng cực nhất trong xã hội. Từ lúc bị giam trong các nhà tù trên bờ cho đến khi bị bắt đi làm việc trên các chiến thuyền, cuộc sống của họ vô cùng khốn khổ vì bị đối xử tàn nhẫn, đến nỗi không còn được sống với phẩm giá con người. Khi chứng kiến tình cảnh bi đát của họ, thánh Vinh Sơn đã xót thương những tù nhân này và thao thức cho việc cải thiện đời sống cho họ. Tận dụng các điều kiện thuận lợi từ địa vị của mình, cùng với sự cộng tác của những thành phần khác trong Giáo Hội và xã hội, ngài đã nhiệt tâm trong công cuộc đó và đã cải thiện được cuộc sống cho các tù nhân. Họ đã có được những điều kiện sống tốt hơn, được tôn trọng và yêu thương để xoa dịu bớt nỗi đau, và đặc biệt là được rao giảng Tin Mừng và chăm lo phần rỗi linh hồn. Lòng bác ái và sự dấn thân của thánh Vinh Sơn để nâng đỡ, cứu giúp, phục vụ, chăm sóc những tù nhân khổ sai chèo thuyền mang lại cho chúng ta những bài học về việc tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người, về lòng bác ái thực tiễn, và một phương thức làm việc hiệu quả khi biết vận động và kết hợp các nguồn lực khác nhau liên đới vì thiện ích cho người nghèo, cho người cùng khổ và bị bỏ rơi nhất trong xã hội. Nếu chúng ta biết học hỏi và áp dụng những bài học đó vào thực tế công cuộc phục vụ người nghèo, người bị bỏ rơi trong xã hội chúng ta ngày nay, chắc hẳn cũng mang lại những kết quả không nhỏ. Hơn nữa, chính lòng bác ái và nhiệt tâm trong việc quý trọng và bảo vệ phẩm giá thiêng liêng của tha nhân cũng giúp chúng ta xứng đáng với phẩm giá của mình hơn. Bởi vì, chính chúng ta cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng có nhân vị và phẩm giá thiêng liêng, cao quý. Và khi chúng ta biết quý trọng bảo vệ phẩm giá của tha nhân, chính chúng ta cũng xứng đáng là con Thiên Chúa hơn, con của Giáo Hội hơn. Mẹ Giáo Hội đã dạy chúng ta: “Mọi người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu cứu chuộc, và do đó, có giá trị vô song và phải được tôn trọng trong tư cách là thành viên của gia đình nhân loại.”[17]

Đa Minh Trịnh Công Sơn


[1] X. Fr José Maria Roman C.M, Saint Vincent de Paul – A Biography. Sr Joyce Howard D.C dịch. London: Melisende, 1999. Tr 494

[2]X.  Fr Pierre Coste C.M, The Life and Works of St. Vincent de Paul – Volume II. Joseph Leonard C.M dịch. Newyork: New City Press, 1987. Tr 315

[3]  Awake (writer in France). Rowing to death. https://wol.jw.org/en/wol/d/r1/lp-e/102000924. Truy cập: 12/12/ 2019.

[4] Fr Pierre Coste C.M.The Life and Works of St. Vincent de Paul – Volume II. Joseph Leonard C.M dịch. Newyork: New City Press, 1987. Tr 315

[5] Ibid, 323

[6] Ibid, 318

[7] Awake (writer in France). Rowing to death. https://wol.jw.org/en/wol/d/r1/lp-e/102000924. Truy cập: 12/12/ 2019.

[8] X. Fr Pierre Coste C.M.The Life and Works of St. Vincent de Paul – Volume II. Joseph Leonard C.M dịch. Newyork: New City Press, 1987. Tr 324

[9] Thư 1243, “Gửi cho một linh mục Tu Hội Truyền Giáo,” Coste 4:58.

[10] Fr. John Rybolt C.M. Vincent de Paul and the Galleys of France. https://via.library.depaul.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1476&context=vhj. Truy cập: 12/12/ 2019

[11] X. Fr José Maria Roman C.M. Saint Vincent de Paul – A Biography. Sr Joyce Howard D.C dịch. London: Melisende, 1999. Tr 496

[12] Fr. John Rybolt C.M. In the footsteps of Saint Vincent de Paul. Chicago: DePaul University Vincentian Studies Institute, 2007. Tr 51

[13] X. Fr Pierre Coste C.M. The Life and Works of St. Vincent de Paul – Volume II. Joseph Leonard C.M dịch. Newyork: New City Press, 1987. Tr 320

[14] X. Fr Pierre Coste C.M. The Life and Works of St. Vincent de Paul – Volume II. Joseph Leonard C.M dịch. Newyork: New City Press, 1987. Tr 324 – 325.

[15] GLHTCG, số 1700.

[16] Denzinger 800, 1440, 3002.

[17] X. Fr. Robert Maloney, C.M, “Mười nguyên tắc nền tảng trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội” trong Một chìa khóa để hiểu thánh Vinh Sơn. Fr. Phaolo Phạm Quang Hoàng C.M biên tập. Đà Lạt: Học viện Durando, 2019. Tr 113.