Thánh Vinh Sơn và Quyền Bính

0
1550

Dẫn nhập

            Thánh Vinh Sơn, vị thánh Tông đồ của bác ái, Ngài đã dành cả đời mình để chăm lo cho sự phát triển con người một cách toàn diện. Chính Ngài cũng là người đã làm nổi bật sự hiện thân của Chúa Giê-su nơi người nghèo. Ngài nói với các Thừa Sai: “bằng cách phục vụ người nghèo, chúng ta phục vụ Đức Giêsu Kitô” (SV. IX, 199). Trong suốt cả cuộc đời, Ngài đã cộng tác với nhiều người, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội để làm việc bác ái. Không chỉ vậy, Ngài đã thành lập nhiều tổ chức để chăm lo cho người nghèo. Và để cho các tổ chức này tồn tại và phát triển, cần phải có người điều hành và quản trị. Thế nhưng tư cách của người lãnh đạo là điều Thánh Vinh Sơn luôn nghĩ đến. Quả thật, Thánh Vinh Sơn ưu tư nhiều về tư cách của người làm bền trên, Ngài e sợ những người làm lớn sẽ cậy quyền và quên đi bản chất đích thực của quyền bính. Theo Thánh Vinh Sơn quyền bính là một sứ vụ hơn là một chức tước hay địa vị. Để phần nào làm rõ hơn cái nhìn của Thánh Vinh Sơn về tư cách của người lãnh đạo và điều hành, trong bài viết này tôi xin được trình bày chủ đề: Thánh Vinh Sơn và Quyền Bính. Qua đó chúng ta sẽ thấy được sự tiên kiến của Thánh Vinh Sơn về Quyền Bính khi Ngài nhấn mạnh đến Quyền Bính là phục vụ. Điều này về sau đã được Giáo Hội khẳng định trong Gaudium et Spes và trong Huấn Thị về Quyền Bính.

I. Các Tổ chức Thánh Vinh Sơn đã thành lập

1. Hội Bác Ái 1917

            Đây là tổ chức đầu tiên của Thánh Vinh Sơn, xuất phát từ cái nhìn có tổ chức của Ngài, Hội đã được thành lập vào 1617. Đây được xem như bước ngoặc lớn trong cuộc đời của thánh Vinh Sơn trên con đường dân thân cho người nghèo. Tổ chức xuất phát từ sự thiếu thốn lương thực của một gia đình nghèo được Cô de la Chassaigne báo cho cha Vinh Sơn lúc Ngài đang chuẩn bị dâng lễ tại Châtillon les-Dombes. Đây được xem như sự kiện nổi bật nhất trong thời gian cha ở lại Châtillon les-Dombes. Ngài kể lại như sau: “Một ngày chúa nhật kia, khi tôi đang mặc áo lễ, có một người (Cô de la Chassaigne)[1] đến nói với tôi rằng trong một căn nhà cách xa những nhà khác, cách đó một phần tư dặm (1km), hết thảy mọi người đều lâm bệnh, không có một ai khỏe mạnh để giúp đỡ những người kia, và mọi người đều ở trong tình trạng thiếu thốn không thể tả được. Điều đó khiến tôi xúc động mãnh liệt[2]. Bài giảng trong thánh lễ hôm đó của cha đã đánh động những tấm lòng quảng đại đến độ gia đình kia không phải chờ đợi thêm. Tuy vậy, sự đáp ứng tức thời các nhu cầu cho gia đình khốn cùng ấy không được sự đồng tình của Cha quản xứ, vì nó thiếu tổ chức. Tức thì, cha Vinh Sơn suy nghĩ đến chuyện cần phải thực hiện “bác ái có tổ chức”.

            Và vào ngày 23/08/1617, Hội Bác Ái đầu tiên ra đời với hai mục tiêu là: giúp đỡ người bệnh nghèo về phương diện xác và hồn. Để rồi từ đây nó trở thành Hội Bác Ái mà ngày nay chúng ta hay gọi là các Bà Bác Ái (AIC). Đây có thể được xem như đứa con đầu lòng của cha Vinh Sơn, nếu không muốn nói là Chị Cả trong đại Gia Đình Vinh Sơn rộng lớn của chúng ta. Thật vậy, đó là một hiệp hội do chính cha Vinh Sơn thiết lập, nó có ý nghĩa hết sức to lớn và đặt nền móng cho sự ra đời của hai Tu Hội về sau.

             Vấn đề bác ái thật sự không mới mẻ gì, nhưng điểm son nơi Cha Thánh Tổ Phụ chúng ta, chính là khả năng tổ chức của Ngài. Dường như Ngài được phú bẩm cho một khả năng quan sát tuyệt vời, cộng thêm khả năng kêu gọi nhiều người cùng hành động. Vấn đề trên trong Hiến Pháp và Cha Tổng quyền đương nhiệm vẫn luôn tha thiết mời gọi chúng ta hãy “cộng tác trong Gia Đình Vinh Sơn”[3]. Vì chính Thánh Vinh Sơn đã từng nhắc nhở rằng :”Tinh thần của Đức Giêsu Kitô là tinh thần của hiệp nhất và bình an: làm thế nào anh em có thể lôi kéo những linh hồn đến với Đức Giêsu Kitô, nếu anh em không hiệp nhất với nhau và với Chúa?” (Abelly II, 187).

            Những thành công bước đầu cho thấy cha Vinh Sơn là một con người có  khả năng sáng tạo trong công việc bác ái (ngày nay trở thành đặc tính cho Gia Đình Vinh Sơn)[4] chính là việc lập Hội Bác Ái.

2. Tu Hội Truyền Giáo

            Nối tiếp thành công của Hội Bác Ái, cha Vinh Sơn nhận thấy những người nghèo miền quê bị bỏ rơi không ai quan tâm, và “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34). Bên cạnh đó, cha Vinh Sơn cũng nhận thấy sự xuống dốc nơi hàng giáo sĩ, họ thiếu các kiến thức cần thiết để giúp cho giáo dân hưởng ơn cứu độ. Chính Bà Gondi, người tài trợ chính cho việc thành lập Tu Hội cho Cha Vinh Sơn đã thấy được sự xuống cấp của hàng giáo sĩ[5]. Thêm vào đó, cha Vinh Sơn cảm thấy khó khăn trong việc tìm các cộng sự viên cho việc làm tuần đại phúc.

            Với những lý do trên ngày 25/01/1625 với cha Vinh Sơn được xem là ngày thành lập Tu Hội Truyền Giáo. Mục đích của Tu Hội là bước theo Đức Kitô để rao giảng Tin Mừng cho người, nhất là những người bị bỏ rơi, đồng thời cũng trợ giúp việc đào tạo giáo sĩ và giáo dân để dân đưa họ tham gia trọn vẹn hơn trong việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo[6]. Tu Hội ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu sự quan tâm đúng mức cho những người nghèo, nhất là những người dân quê. Cha Vinh Sơn nhận định rằng: ‘‘Không có một Tu Hội nào trong Hội Thánh có được người nghèo làm phần riêng của mình’’ (SV. XII, 79-80).

            Ngày 17/04/1625, Philippe Emmanuel de Gondi, Francoise Marguerite de Silly và cha Vinh Sơn đã ký bản hợp đồng thành lập một Hiệp Hội những nhà truyền giáo. Việc thành lập được thực hiện tại dinh thự của gia đình Gondi, trước sự hiện diện của hai công chứng viên là ông Dupuys và ông Le Boucher. Tiếp đó ngày 04/09/1626, ba nhà truyền giáo đầu tiên đã gia nhập Tu Hội, đó là Antoine Portail, Francois du Coudray và Jean de la Salle.

            Sau cùng ngày 12/01/1633, Tòa Thánh đã phê chuẩn việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo với sắc chỉ Salvatris Nostri của Đức Giáo Hoàng Urbano VIII. Tu Hội Truyền Giáo thuộc Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ và thuộc quyền Tòa Thánh.

3. Tu Hội Nữ Tử Bác Ái

            Ngày 4 tháng 6 năm 1623, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thánh Louise đã nhận được ơn thấy trước một cộng đoàn mới sẽ dành cho Ngài: “Vào ngày lễ Hiện Xuống, trong lúc tham dự Thánh Lễ hoặc đang cầu nguyện trong nhà thờ, tâm trí tôi bỗng chốc được giải thoát khỏi những nghi ngờ và được soi sáng cho biết sẽ có một ngày tôi có thể khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và tôi có thể ở trong một cộng đoàn nhỏ, nơi đó có vài chị em cũng giống như tôi.

            Tiếp đó, nhu cầu chăm sóc những người nghèo tăng lên, trong khi các bà Bác Ái không thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu đó, vì các bà còn phải chăm sóc gia đình, không thể toàn tâm lo cho người nghèo một cách thiết thực. Đây là điều cha Vinh Sơn và mẹ Louse đã nhận thấy, và cả hai Đấng đều ưu tư để tìm ra một giải pháp cho việc phục vụ những người cùng khổ cách hiệu quả. Đúng thời điểm ấy chị Marguerite Naseau (1594-1633), một thiếu nữ thôn quê đơn sơ, đến xin làm những công việc thấp hèn nhất, những việc mà các Bà Bác Ái không thể đảm nhiệm. Với một lối sống trọn hảo theo Tin Mừng, chị đã trở thành người nữ tỳ của những người bị bỏ rơi. Sau này, thánh Vinh Sơn Phaolô nói về chị như sau:“Marguerite Naseau, quê ở Surenes, là chị Nữ tử Bác ái đầu tiên có diễm phúc chỉ đường cho các chị em khác, mặc dầu chị chẳng có thầy dạy nào ngoài Thiên Chúa” (SV. IX,77). Chính nhờ gương sáng phục vụ của chị, đã lôi kéo được nhiều người cùng tham gia với chị. Vì vậy, một liệu pháp thật hiệu quả mà cả cha Vinh Sơn, mẹ Louise và Maragit Naesose điều nhìn thấy và đỉnh cao của cuộc hội ngộ tam hợp này là việc một tổ chức mới ra đời. Tiếc rằng, trong bối cảnh ngày 29/11/1633 chị Marguerite Naseau không còn hiện diện để nhìn thấy một Tu Hội mới ra đời mà Chị cũng có một vai trò lớn trong đó.

            Quả thật điều gì xuất phát từ Thiên Chúa, nó sẽ có nội lực bên trong. Tu hội Nữ tử Bác Ái cứ theo đường lối của Thiên Chúa và như thế phát sinh một cách âm thầm. Ngay từ năm 1630, thánh Vinh Sơn đã giao phó cho thánh Louise de Marillac các Nữ tử Bái ái đầu tiên, những chị em đang tận tụy phục vụ trong các hội bác ái.

            Tu Hội Nữ Tử ra đời là một kế thừa tuyệt vời từ Hội Bác Ái với châm ngôn: “Tôn vinh Chúa Giêsu nơi người nghèo”. Muốn đạt được điều này các Nữ Tử Ái phải có sự dấn thân trọn vẹn cho người nghèo. Nhưng trong bối cảnh Giáo Hội bấy giờ, nếu là nữ tu thì phải ở trong tu viện không được ra đi phục vụ. Đây là điều làm cho cha Vinh Sơn và mẹ Louise băn khoăn. Chính trong ý nghĩa đó mà về sau Cha Vinh Sơn nói về ơn gọi của các Nữ Tử như sau : “Cha chưa hề thấy bất cứ điều gì giống Tu hội này trong toàn thể Hội Thánh Chúa” (CED, 9: 455).

            Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn trên, ngày 29 tháng 11 năm 1633, các chị qui tụ chung quanh thánh Louise và với sự hướng dẫn của ngài, để sống lý tưởng của mình trong cộng đoàn huynh đệ. Tu Hội Nữ Tử Bác Ái đã được thiết lập nhằm phục vụ người nghèo một cách thiết thực hơn. Chính với phương châm này, các Chị Nữ Tử được gọi là những ái nữ của lòng bác ái. Thánh Vinh Sơn giải thích như sau: “Các chị ấy sẽ có những nhà của bệnh nhân và của bề trên thay vì tu viện, căn phòng thuê mướn thay vì cửa lưới sắt, đơn sơ thánh thiện thay vì tấm khăn che đầu, tín thác liên lỉ vào Chúa quan phòng và hiến dâng trót mình thay vì tuyên khấn” (SV. X, 611)[7]. Một Tu Hội được mệnh danh là con của đức ái thì không thể nào ngồi yên vì đức ái đích thực cần dẫn đến hành động. Sau này năm 1659 cha Vinh Sơn nói: “Các Chị không phải là tu sĩ theo danh nghĩa, nhưng là tu sĩ trong hành động” (CED, 10:658).

            Trải qua nhiều thăng trầm ngày, 18 tháng 1 năm 1655, Tu hội được Đức Hồng Y de Retz, Tổng Giám Mục Paris chuẩn nhận, và sau cùng, ngày 8 tháng 6 năm 1668, Tu hội được Đức Giáo Hoàng Clemente IX chính thức phê chuẩn.[8]

            Chúng ta vừa điểm qua ba tổ chức do chính cha Vinh Sơn thiết lập. Lúc sinh thời, Ngài đã ưu tư cho sự tồn vong của các tổ chức mà Ngài đã lập, đặc biệt là hai Tu Hội còn non trẻ. Nhưng bên cạnh nỗi lo sự tồn tại của chúng, Ngài còn âu lo cho những người sẽ đảm trách lèo lái hai Tu Hội có thật sự mặc lấy tinh thần phục vụ hay không?

II. Quan Điểm của Thánh Vinh Sơn về Quyền Bính

1. Nền Tảng Kinh Thánh

          Chúng ta dựa vào lời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ, Ngài gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-27). Một đoạn Tin Mừng khác: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35).

            Dựa theo những lời này của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói rằng, Chúa muốn những ai làm lớn phải biết phục vụ anh em mình. Trong bối cảnh bữa Tiệc Ly, nơi Chúa ăn bữa tối cuối cùng với các Tông đồ: Trong khi ăn, Chúa đứng dậy, lấy nước rửa chân cho từng môn đệ. Rồi Chúa nói:“Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau. Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”(Ga 13,12b-15). Quyền bính để làm gì nếu không phải là phục vụ ? Không còn minh họa nào sinh động hơn. Không còn giải nghĩa nào sáng tỏ hơn hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Không còn lệnh truyền nào thuyết phục hơn, vì chính Chúa đã làm gương trước. Và giờ đây chúng ta đi theo dấu chân Thầy Chí Thánh, chúng ta làm khác hay sao?

            Lệnh truyền trên của Chúa Giêsu luôn vang vọng và thúc bách chúng ta hãy sống tâm tình đó như Chúa. Trong suốt chiều dài của lịch sử Giáo hội có biết bao vị thánh đã làm nổi bật lệnh truyền này của Vị Thầy Chí Thánh. Họ có thể là những người giàu sang, người có địa vị cao trong xã hội và Giáo hội nhưng họ đã từ bỏ uy quyền đó để đi đến một ích lợi chung. Trong số các vị thánh trên, chúng ta không thể bỏ qua gương khiêm nhường phục vụ của thánh Vinh Sơn, Tổ Phụ chúng ta.

2. Thánh Vinh Sơn nói về quyền bính

            Chúng ta đã biết cha Vinh Sơn là bề trên tổng quyền của Tu Hội Truyền Giáo, thế nhưng Ngài cũng không ỷ vào quyền đó để sai bảo người khác phải tùng phục mình. Ngài khuyên các cha bề trên cộng đoàn hãy xử sự sao cho bề dưới đừng nghĩ mình là bề trên. Ngài nói với cha Antoine Durand: “Cha chớ có đam mê tỏ ra mình là bê trên, hoặc thầy dạy. Tôi không đồng ý với một người vừa nói với tôi, mấy ngày qua rằng, để lãnh đạo tốt và giữ được quyền bính của mình, thì phải làm cho người ta biết mình là bề trên[9]. Bên cạnh đó, đối với cha Vinh Sơn, người làm bề trên đừng bao giờ tỏ vẻ thích thú với vị trí đó, nhưng hãy biết tự hạ trước mọi sự, cha Vinh Sơn nói: “Người nào muốn ra lệnh, người ấy không thể có tinh thần của Chúa chúng ta. Chúa Cứu Thế đã chẳng xuống thế để được phục vụ, nhưng để phục vụ những người khác, điều đó Chúa đã làm cách tuyệt vời” (SV. XI, 138). Và Ngài còn dùng những lời lẽ mạnh hơn để nói với một cha trong Tu Hội, khi cha này có tư tưởng muốn làm bề trên: “Nghe nói Cha có vẻ thích chức vụ bề trên thì phải, điều đó tôi không dám nghĩ đến. Trời ơi! đó không phải là phương thế tự mãn; những ai được trao chức vụ này, đều rên rỉ dưới gánh nặng, vì họ cảm thấy yếu đuối phải gánh nặng, vì họ cảm thấy yếu đuối phải gánh vác chức vụ và họ tin rằng mình không có khả năng hướng dẫn những người khác. Mặt khác, nếu có ai đó tự cho mình có khả năng, hẳn là họ sẽ làm cho các bề dưới phải rên rỉ, vì họ thiếu đức khiêm nhường và thiếu những nhân đức khác cần thiết để làm vui và nêu gương cho các bề dưới (SV. VII,143).

            Cũng trên tinh thần đó, cha Vinh Sơn và mẹ Louise cũng đồng quan điểm, các Ngài gọi các sơ bề trên cộng đoàn địa phương là các chị phục vụ. Thánh nữ viết cho một chị phục vụ ở Angers: Chị hãy đi vào trong tinh thần của Người, khiến Người nói được rằng Người đến thế gian này không phải để được phục vụ mà là để phục vụ; và hãy sẵn sàng nghe Người nói với chúng ta rằng ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, và ai là người lớn nhất phải trở nên người nhỏ nhất để được lớn trước mặt Chúa. Sau cùng, chị thân mến, hãy xem mình như là con la của nhà…”[10] Hồng y De Berule đã thêm: “quyền bính của chúng ta phải mặc lấy địa vị của đức khiêm nhường hơn là của quyền bính[11]. Thánh nữ Clara Assisi quả quyết trong chúc thư của Ngài rằng: “Tôi cầu xin để ai lãnh trách nhiệm đối với chị em hãy cố gắng trổi vượt về nhân đức và lối sống thánh thiện, hơn là về quyền bính, để cho các chị em, được hướng dẫn bởi gương sáng của chị, sẽ vâng phục chị không phải vì quyền bính, nhưng là vì tình yêu[12]

            Điều này cho thấy rằng cha Vinh Sơn rất quan tâm đến tư cách của người lãnh đạo. Đối với Cha Vinh Sơn, quyền bính không phải để chỉ huy ra lệnh nhưng là để phục vụ, để mang lại lợi ích cho nước Chúa và người nghèo. Cha Vinh Sơn dùng một hình ảnh đẹp để nói về các bề trên là những người vú nuôi của cộng đoàn. Thánh Vinh Sơn nói: “Nếu em bé đang bú biết nói, nó sẽ yêu cầu mẹ bồi dưỡng đầy đủ để có thức ăn nuôi nó; cũng vậy đối với người dưới, bởi vì các bề trên và các vị đại diện giống như những cặp vú phải có sữa cho người khác bú. Khi ống nước nhà chúng ta bị vỡ, chúng ta không có nước. Vì thế, phải cầu xin Chúa để không có trở ngại trong các ống nước, tức là các bề trên và các vị đại diện”(SV. XI, 120).

3. Gương khiêm nhường phục vụ của Thánh Vinh Sơn

            Thánh Vinh Sơn là người bước theo Chúa Kitô, Ngài đã cố học theo gương Thầy Chí Thánh của mình một cách triệt để. Cha Vinh Sơn nói về vấn đề này như sau: “Con Thiên Chúa, Đấng đã dạy các môn đệ bằng gương sáng hơn là bằng lời nói” (SV. IX,54). Sau hai biến cố trọng đại trong cuộc đời minh là Folleville và Châtillon des Dombes, cha Vinh Sơn rút tỉa được nhiều kinh nghiệm về người nghèo và về quyền lực. Để rồi từ đây, cha Vinh Sơn đã tận tâm phục vụ những người nghèo khổ, dù bản thân Ngài cũng mang nhiều thứ bệnh khác nhau. Nhưng Ngài vẫn ra sức chăm lo cho những người nghèo. Dù Ngài là bề trên tổng quyền của hai Tu Hội, thành viên của Hội đồng tư vấn Lương Tâm[13], linh hướng cho Dòng Thăm Viếng và nhiều người khác, thế nhưng Ngài vẫn tỏ cung cách phục vụ trong âm thầm.

            Chính vì xem Đức Kitô là quy luật cho mọi quy luật của mình, Thánh Vinh Sơn đưa ra một khuôn mẫu cho các vị bề trên cũng theo nguyên tắc là quy Kitô. Cha Felix Contassot đã nói “Giáo thuyết của Thánh Vinh Sơn tập trung vào Đức Kitô nhập thể, đã xuống thế gian này dạy dỗ chúng ta bằng lời nói và gương sáng của Ngài đó là con đường cứu độ[14]. Vì vậy, Ngài đã luôn thực thi quyền bính của Ngài trong khiêm nhường. Để tránh dùng quyền bính quá mức, cha Vinh Sơn đã đặt một người có nhiệm vụ cảnh cáo Ngài, và người đó là cha Portail[15]. Bên cạnh đó Ngài còn thực hành điều này một cách triệt để. Trong một buổi huấn đức cho các thành viên của Tu Hội, Ngài được kể lại trong sự đơn sơ như sau: “Cha Vinh Sơn đã nói với thầy ấy cách nóng giận, cha kể và những người khác cũng nghe thấy. Tôi nghĩ cha Portail cũng ở đó. Và Cha Vinh Sơn đã nhắc lại sự việc tới hai, ba lần, để cha Portail có dịp nói mình cũng có mặt, nhưng cha Portail không trả lời một tiếng nào. Ngày hôm sau, cha Vinh Sơn thêm, cũng thầy đó bàn chuyện với Cha, Cha vẫn còn nói với Thầy ấy cách chua cay. Cha nhận ra lỗi lầm của mình trong lúc nguyện gẫm và, ngay giữa cộng đoàn, cha đã quì gối và nói: Thầy ơi, tôi xin lỗi thầy đã nói với thầy cách nóng giận và Cha đã xin thầy, xin Chúa tha thứ cho Cha…” (SV. IX, 376).

            Không chỉ vậy, với quyền bình trong tay nhưng cha Vinh Sơn không muốn tự quyết, Ngài luôn hỏi ý kiến của các thành viên khác, Ngài viết cho một cha trong Tu Hội: “Tôi xin cha cho tôi ý kiến về một nhà của chúng ta, nơi mà anh em gặp khó khăn về cha bề trên của mình là ngài thường không đúng giờ, hiếm khi có mặt trong cộng đoàn, nhất là giờ nguyện ngắm, ít quan tâm giúp đỡ những người đã được giao phó cho ngài, không có lời nói và gương sáng về lòng yêu mến, sự đúng giờ và sự hoàn thiện…về sự việc ngài luôn thích về miền nông thôn chơi, và vì thế ngài có một con ngựa trong chuồng và ngài không muốn bận tâm về việc nào khác. Cha ơi, tôi xin cha cho tôi ý kiến của cha về việc trên” (SV. IV, 628). Chúng ta thấy rằng cha Vinh Sơn rất thận trọng khi thi hành quyền bính của mình, không nóng vội để có thể đưa ra một lợi ích thiết thực cho cộng đoàn.

III. Nhận định và suy tư

            Chúng ta thấy rằng quyền bính, tự bản chất nó không phải là cái thuộc về chúng ta và chúng ta cũng không thể tạo ra nó. Chúa Giêsu đã nói với Philatô: “Ngài không có quyền gì trên tôi, nếu Trời chăng ban cho Ngài” (Ga 19,11). Trong các Thư của mình, thánh Phaolô khẳng định: “Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, các quyền bính hiện tại đều do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13,1). Quả thật, quyền bính chỉ là phương tiện để giúp con người giúp nhau cùng tiến bộ. Thêm vào đó, chúng ta thấy rằng không một tổ chức nào lại không có người lãnh đạo. Công đồng Vatican II đã đưa ra nhận định như sau: “Nếu không muốn một cộng đoàn bị xé nát ra khi mỗi người một ý, thì cần phải có một quyền bính để hướng dẫn nỗ lực của mọi công dân nhằm tới công ích”[16].

            Thực tế mọi người điều bình đẳng vì mọi người điều được Chúa ban cho một nhân vị, bất luận người đó là ai. Mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người phải kính trọng nhau. Đây thật sự vừa là nền tảng thần học, Kinh Thánh, nhưng cũng là nền tảng nhân học và hữu thể học, không một nhân vị nào trổi vượt hơn. Nhưng để xã hội nhân loại hay một tổ chức tồn tại, đòi hỏi cần có một thủ lãnh. Vì vậy, người lãnh đạo phải được đặt để, nhằm lợi ích cho cộng đồng.

            Người lãnh đạo thực chất chỉ là người đại diện cho một tập thể để thay lời cho nhiều người. Chúng ta có thể nói rằng xã hội không thể phát triển nếu không có quyền bính. Trong một tổ chức dù lớn hay nhỏ nếu muốn tồn tại và phát triển, cần một cơ cấu tổ chức. Vì vậy, trong một tổ chức lớn như Tu Hội hay Giáo Hội, cần có một người nắm quyền điều hành. Quyền điều hành đó đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Công đồng Vatiacan II cũng nhận định: “sự hướng dẫn của quyền bính không phải cách máy móc hay độc đoán, nhưng tiên vàn như một sức mạnh tinh thần dựa trên tự do và ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm”[17]. Huấn thị của của Thánh Bộ các Hội dòng tận hiến và các Tu đoàn tông đồ về Quyền Bính và Vâng Phục, số 21 nhận định như sau: “Những ai tìm kiếm trong chức vụ của mình một phương thế để trở nên nổi tiếng hoặc để khẳng định chính mình, để được phục vụ hoặc bắt người khác phục vụ họ, thì rõ ràng là họ tự đặt mình ra khỏi khuôn mẫu quyền bính theo Tin mừng

            Tuy nhiên, quyền bính cũng có hai mặt của nó, một mặt nó cũng giúp cho một tổ chức phát triển và ổn định; mặt khác quyền lực cũng là một cám dỗ lớn đối với những ai nắm quyền trong tay. Dù biết rằng trong bối cảnh Kitô Giáo quyền bính là phải phục vụ người khác, điều này không phải là danh dự, đúng hơn đó là một trách nhiệm được ủy thác. Bởi vì, quyền bính phải giúp một tập thể phát triển. Chính trong tinh thần phục vụ thật sự, người bề trên luôn tạo nên sự năng động trong tập thể hay cộng đoàn. Cha Vinh Sơn đã dùng hình ảnh rất sống động để diễn tả vai trò của các bề trên như sau: “Vai trò của các Bề trên là linh hồn linh hoạt thân xác, như vú phải cho bú; đó là những con kênh đem lại nước hằng sống (SV. XI, 120). Nói đúng hơn tinh thần trên giúp “nó phóng thích những năng lực cần được phóng thích[18]. Quyền bính đích thực cần được quy về ích lợi cho tập thể, đồng thời giúp tập thể ngày càng đi lên. Với căn tính này người lãnh đạo không được duy chủ nghĩa cá nhân, tìm tư lợi cho mình, nhưng luôn mưu cầu lợi ích thiết thực cho tha nhân. Khi người lãnh đạo biết sống tinh thần quy hướng này, họ sẽ giúp cho cộng đoàn không ngừng tiến bộ và phát triển.

            Một câu hỏi thật thú vị nảy sinh trong đầu tôi: Trong giáo xứ, ai là người quan trọng nhất? Chắc chắn khi tôi đưa ra câu hỏi này nhiều người sẽ trả lời ngay, cha xứ chứ ai nữa. Nhưng thật ra người quan trọng nhất trong một giáo xứ đó chính là giáo dân. Một cộng đồng tín hữu để được gọi là giáo xứ thì cần phải có số giáo dân cần thiết. Mặc khác, một giáo xứ có thể không có cha xứ, nó vẫn là giáo xứ nhưng một cha không có xứ thì không thể gọi là cha xứ. Vậy phải nhìn nhận rằng quyền bính là một trách nhiệm được trao ban, không ai tự cho mình cái quyền để quản lý kẻ khác.Vì cả người điều hành và người được điều hành phải tùy thuộc lẫn nhau. Người cấp trên phải cần có người cấp dưới, ngược lại người cấp dưới cũng cần có người hướng dẫn là cấp trên. Trong quân đội tướng không thể không có quân và quân không thể không có tướng. Trong Giáo Hội, không thể không có chủ chăn, đồng thời chủ chăn cần phải có đoàn chiên và đoàn chiên cũng cần phải có một vị chủ chăn.

            Với ý nghĩa trên, tương quan cấp trên và cấp dưới là tương quan song đối và hỗ tương cho nhau. Tương quan này được xây dựng dựa trên nền tảng nhân vị, cả hai cần tôn trọng lẫn nhau vì cả hai đều là hình ảnh sống động của Thiên Chúa[19]. Chỉ với sự tôn trọng và hỗ tương, tương quan giữa bề trên và các thành viên mới thực sự thể hiện trọn vẹn đời sống cộng đoàn theo Tin Mừng.

            Trong các thông điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài luôn dùng một cụm từ hết sức khiêm nhường và mang một ý nghĩa to lớn “Tôi tớ của các Tôi tớ”. Trước công đồng Vatiacan II, phẩm trật Giáo Hội được biểu diễn bằng hình kim tự tháp với chóp đỉnh là Đức Giáo Hoàng nhưng sau công đồng, đỉnh tháp đã quay xuống để cho thấy rằng, cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội là để phục vụ dân thánh. Với tinh thần từ bỏ quyền bính đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào cuối Công Đồng Vaticano II, đã bước xuống các bậc tam cấp từ ngai Giáo hoàng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và đã tháo chiếc mũ bằng vàng trên đầu, trao cho một vị Hồng y đứng bên cạnh rồi nói: “Hãy bán chiếc mũ này để lấy tiền cho người nghèo.” Mũ ba tầng này sau đó được cho đi vì lợi ích của những người nghèo[20]. Đây như là một sự kiện hết sức ý nghĩa cho sự từ bỏ uy quyền của Giáo Hội với người đại diện là Đức Giáo Hoàng, vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội ở trần gian. Và về sau, các vị giáo hoàng khác không ai dùng mũ ba tầng nữa. Từ đây Giáo Hội đã tìm lại căn tính của mình, Giáo Hội là dấu chỉ cho sự Cứu Độ của Chúa. Bên cạnh đó, Giáo Hội còn là Bí tích để từ đó ân sủng của Thiên Chúa tuôn tràn xuống nhân loại. Nếu Giáo Hội không mặt lấy tinh thần dấn thân tự hạ, làm sao ân sủng của Chúa có thể đến với nhân loại?

            Trong diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về 15 căn bệnh của Giáo triều Roma cần được chữa trị, trong đó cần liệt kê: Thứ nhất, bệnh cạnh tranh và háo danh: Khi vẻ bề ngoài, những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống, quên đi lời thánh Phaolô: “Anh em đừng làm gì vì ích kỷ hoặc kiêu ngạo, nhưng với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác” (Pl 2,1-4). Đó là căn bệnh khiến ta trở thành những con người giả dối, sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo. Bệnh kế tiếp là bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương: Khi người tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm tục và được nhiều quyền thế hơn. Đây là điều nguy hiểm với Giáo hội vì điều đó sẽ làm mất đi căn tính của Giáo hội. Như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Tôi muốn thấy một Giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì sống lê la trên các đường phố, chứ không phải là một Giáo hội “xanh xao vàng vọt” vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an ninh của riêng nó[21]. Giáo Hội của Chúa là một Giáo Hội biết sống cho đi, biết sống với những nhu cầu của tha nhân và vì Chúa.

                Đối với xã hội ngày này, nhất là trong Giáo Hội, quyền bính phải thể hiện một tinh thần phục vụ quên mình, lên cao để phục vụ chứ không phải phục vụ để được lên cao. Như áng hương trầm càng đưa lên cao nó càng phải để cho gió đưa hương của nó bay xa hơn. Áng hương trầm sẽ tiêu hao nhanh hơn vì gió nhưng đổi lại hương thơm của nó sẽ lan tỏa khắp mọi nơi. Những ai nắm giữ quyền bính cần phải có tâm tình quên mình đi để biết tiêu hao đời mình vì Chúa và tha nhân. Như cây nến tan chảy đi để mang lại ánh sáng cho nhân loại, những ai đang là những người lãnh đạo cũng hãy nên như áng hương trầm hay một cây nến luôn tan chảy.

            Với những gì đã trình bày, chúng ta thấy cha Vinh Sơn lại một lần nữa có sự tiên kiến mới, ngoài tiên kiến về vai trò của giáo dân, nhất là người phụ nữ. Và giờ đây Ngài lại tiên kiến về quyền bính là phục vụ, về điều này, Công Đồng Vatican II đã khẳng định trong Gaudium et Spes và Huấn Thị của Thánh Bộ các Hội dòng tận hiến và các Tu đoàn tông đồ về Quyền Bính và Vâng Phục. Với cái nhìn đi trước, thánh Vinh Sơn đã làm cho nhiều người cùng thời phải ngỡ ngàng. Trong bối cảnh nước Pháp lúc bấy giờ, các lãnh chúa đấu đá nhau để mở rộng đất đai, quyền lực…. quan điểm của thánh Vinh Sơn đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự để giới quý tộc và lãnh đạo phải nhìn lại. thánh Vinh Sơn là con người thực tế. Ngài không chỉ dùng lời nói để thuyết phục nhưng còn dùng hành động. Bằng sự khiêm nhường của mình thánh Vinh Sơn đã thuyết phục ông Gondi bỏ cuộc đấu kiếm với đố thủ.[22] Không chỉ có vậy, thánh Vinh Sơn đã cảm hóa được một người Tin Lành trở lại Công giáo. Người bạn Tin lành không tin rằng, Giáo hội được thiết lập nhằm phục vụ cho Ơn cứu độ, nhưng qua cung cách phục vụ của thánh Vinh Sơn, người bạn Tin lành đã thay đổi[23].

            Kết luận

            Chúng ta vừa trình bày quan điểm của Thánh Vinh Sơn về quyền bính. Qua đó, chúng ta nhận thấy quyền bình là một ân huệ được lãnh nhận và nó không thuộc về chúng ta. Khi chúng ta lãnh nhận ân huệ này đồng nghĩa với một tránh nhiệm và bổn phận trong đó. Quyền bính vừa là động lực cho một tập thể phát triển nếu người điều hành quản lý biết khôn ngoan dùng quyền; nhưng đồng thời nó cũng là rào cản cho sự phát triển khi người lãnh đạo cậy quyền.

            Thánh Vinh Sơn đã để lại một bài học lớn cho chúng ta về sự khiêm nhường trong việc phục vụ tha nhân. Ngài không dùng những triết lý cao siêu nhưng luôn dùng những hình ảnh đơn sơ và cụ thể để khuyên bảo các thành viên trong cả hai Tu Hội. Đồng thời, chúng ta nhận thấy thánh Vinh Sơn đi trước Công đồng khi nhận định Quyền Bính là Phục vụ.

            Với những gì đã trình bày chúng ta có thể khẳng định rằng với thánh Vinh Sơn, quyền bính không có gì khác là phục vụ, nhất là trong bối cảnh Kitô Giáo. Quyền bính cần được hiểu là một tác vụ để phục vụ cho cộng đoàn phát triển lớn mạnh. Nếu người nắm giữ quyền bính làm sai lệch ý nghĩa trên, thiết nghĩ họ đang đi ngược lại với gương Thầy Chí Thánh. Thật vậy, tinh thần phục vụ của chúng ta hệ tại vào khả năng dấn thân cho sứ vụ, hơn là ở chức vụ địa vị.

Anre Lê Huy Cường


[1] Theo Cha Rolando Gutiérrez, trích trong  Những bông hoa lượm trên đường, Cha Nguyễn Quốc Thư CM dịch. trang 20.

[2] Các Bạn đồng hành của Thánh Vinh Sơn Phaolô, trang 75

[3] Quy Chế Tu Hội Truyền Giáo, Chương I, số 7; Thư của Cha Tổng quyền gởi nhân dịp lễ Thánh Vinh Sơn Phaolô 2017.

[4] Cha R. Maloney, Kỷ niệm 400 năm đoàn sủng Vinh Sơn trích trong Những bông hoa lượm trên đường, Cha Nguyễn Quốc Thư, CM dịch, trang 30.

[5] Cha Vinh Sơn nhớ đến câu chuyện bà kể, khi bà đi xưng tội và phát hiện giải tội không thuộc công thức giải tội.

[6] X. Hiến Pháp Tu Hội Truyền Giáo, số 1.

[7] Chính vì vậy các Nữ Tử Bác Ái không được gọi là các Tu Sĩ để có thể ra đi phục vụ những người nghèo.

[8] Kỷ yếu 80 năm hiện diện của Tỉnh Dòng Nữ Tử Bác Ái Việt Nam, trang 35-36.

[9] Felix Contassot, CM, Thánh Vinh Sơn Phaolô người hướng dẫn các bề trên [GB Nguyễn Quốc Thư, CM, dịch] trang 129.

[10] St Louse de Marillac, Bút tích thiêng liêng, 118

[11] Felix Contassot, CM, Thánh Vinh Sơn Phaolô người hướng dẫn các bề trên [GB Nguyễn Quốc Thư, CM, dịch] trang 114.

[12] Thánh Clara Assisi, Di chúc, trang 61-62.

[13] X. Bernard Pujo, Vinh Sơn Người Tiên Phong,  trang 163.

[14] Felix Contassot, CM, Thánh Vinh Sơn Phaolô người hướng dẫn các bề trên [GB Nguyễn Quốc Thư, CM, dịch] trang 12

[15] X. Sđd trang 141.

[16] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 74.

[17] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 74.

[18] R. Maloney, CM, Những Mùa Trong Đời Sống Thiên Liêng, trang 78.

[19] X. St 1,27

[20] https://vi.wikipedia.org/wiki/Trieu_thien_Ba_tang

[21]Trích theo Trần Mạnh Trác, Bản cương lĩnh của triều đại Giáo hoàng Phanxicô, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 228, tháng 12/2013.

[22] X. Bernard Pujo, Vinh Sơn Người Tiên Phong, trang 61.

[23] Sđd, trang 90-91.