THƯ MÙA VỌNG – 2020

0
1749

Rôma ngày 20 tháng 11 năm 2020

THƯ MÙA VỌNG – 2020

Gương Mặt Đức Giêsu: Gương Mặt Của Thiên Chúa Và Của Toàn Thể Nhân Loại

Anh em thân mến,

Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta!

Năm 2020 sắp kết thúc. Năm này được ghi dấu bởi quá nhiều đau khổ, lo lắng và sự hãi, báo hiệu một sự gia tăng vượt bậc về nghèo đói trên khắp thế giới, nhất là vì nạn dịch covid-19. Trước mắt chúng ta, năm mới 2021 đang đến.

Trong hoàn cảnh khốn quẫn hiện nay, cũng như trong những thời điểm cuộc đời chúng ta lâm vào đau khổ với mức độ khác nhau, vẫn có một Ai Đó ngự trong chúng ta mà Thần Khí của Người ấy đổ đầy từng ngóc ngách sâu kín nhất trong hữu thể chúng ta. Người hằng ở với chúng ta, bất cứ nơi đâu chúng ta đi, bất cứ việc gì chúng ta làm, mọi giây phút trong ngày, luôn chờ đợi đáp ứng mỗi khi chúng ta cho phép Người. Người luôn sẵn sàng mang lại hy vọng cho nơi nào tuyệt vọng, sự bình an cho nơi nào bất an, ý nghĩa cho nơi vô nghĩa, canh tân lòng tin nơi đức tin bị chao đảo, tình yêu ở nơi lòng thù ghét ngự trị. Danh Người là Giêsu.

Chúng ta biết rằng con người Đức Giêsu nằm ở vị trí tâm điểm trong căn tính của thánh Vinh Sơn Phaolô với tư cách là nhà thần bí bác ái, cũng như trong đặc sủng và linh đạo Vinh Sơn. Đức Giêsu là nguyên lý cho đời sống của chúng ta và chúng ta phải lấy suy nghĩ, tâm tình, lời nói và hành vi của Người làm mục đích sống. Như vậy, sự gần gũi của Đức Giêsu với những người đau khổ là khuôn mẫu cho lối sống của Vinh Sơn cũng như của những ai bước theo ngài. Khi không quay lưng lại với những mảnh đời đau khổ và những ai mang thương tích, Vinh Sơn đã nhìn thấy Đức Giêsu trong người nghèo và người nghèo trong Đức Giêsu:

Chúng ta không được phép phán xét một người dân quê nghèo nàn theo dáng vẻ bên ngoài hay theo tầm hiểu biết của người đó. Vì lẽ rằng, họ không mang dáng vẻ hoặc tâm hồn của những người được giáo dục, mà thường họ rất thô kệch và trần tục. Nhưng hãy xoay ngược tấm hình lại, và chúng ta sẽ thấy qua ánh sáng đức tin, họ là hiện thân của Con Thiên Chúa Đấng đã trở nên nghèo khó trong thế gian… Ôi lạy Chúa, thật tốt đẹp biết bao khi nhìn những con người nghèo nàn này trong Chúa và trong sự quý mến mà chính Đức Giêsu đã dành cho họ. (CCD. XI,26)

Để giúp chúng ta suy ngẫm sâu xa hơn về sự hiện diện của Đức Giêsu trong những gì méo mó, biến dạng đó, mùa Vọng này, tôi muốn đưa ra một suy niệm về bức hoạ Đấng Cứu Độ ở Zvenigorod,[1] dựa trên những suy tư của cha Henri Nouwen. Andrei Rublev đã vẽ bức hoạ này ở Nga vào thế kỷ 15, nó còn có tên là Đấng Kiến Tạo Hoà Bình. Bức hoạ đã bị thất lạc nhưng được tìm thấy vào năm 1918 trong một nhà kho gần nhà thờ chính toà Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Lên Trời, thuộc thành phố Zvenigorod của Nga. Tính mê hoặc nguyên thuỷ của nó và sự hoàn hảo đến từng chi tiết trong công trình của tác giả đã không còn nữa; vì thực tế, nó được tìm thấy trong một tình trạng hư hỏng nặng nề, đã bị hư hại và đổ nát.

Trong các suy niệm về bức hoạ, cha Henri Nouwen đề cập đến tình trạng tồi tệ lúc nó được tìm thấy:

“Khi lần đầu tiên nhìn thấy bức hoạ, tôi đã có cảm tưởng rõ rệt rằng khuôn mặt Đức Kitô hiện ra ngay giữa mớ hỗn độn. Một khuôn mặt buồn rầu nhưng tuyệt đẹp nhìn chúng ta xuyên qua những đổ nát của thế giới… Đối với tôi, khuôn mặt thánh thiện này biểu lộ chiều sâu lòng cảm thương vô hạn của Thiên Chúa giữa một thế giới bạo lực ngày càng tăng của chúng ta. Qua những thế kỷ dài chịu tàn phá và chiến tranh, khuôn mặt của Ngôi Lời Nhập Thể ấy đã nói lên lòng thương xót, nhắc nhở chúng ta về hình ảnh mà chúng ta được tạo thành, và mời gọi chúng ta hoán cải. Quả thực, đó chính là khuôn mặt của Đấng Kiến Tạo Hoà Bình.”[2]

Chính qua tình trạng hiện tại của bức hoạ Đấng Cứu Độ ở Zvenigorod, qua khuôn mặt Đức Giêsu bị tàn phá và huỷ hoại, mà tôi muốn đưa ra suy niệm cho mùa Vọng năm nay. Tôi gửi kèm bức hoạ này và tôi mời gọi anh em đặt bức hoạ ấy trước mặt như là một phương tiện để suy tư và chiêm ngắm một cách sâu sắc hơn.

Suy niệm về bức hoạ Đấng Cứu Độ ở Zvenigorod:

  • Chiêm ngắm gương mặt đó của Đức Giêsu chính là chiêm ngắm gương mặt của Thiên Chúa và của toàn thể nhân loại.
  • Tôi thấy gì?

a) Tôi thấy một bức hoạ đã bị tàn phá nghiêm trọng.

b) Đồng thời, tôi thấy khuôn mặt nhân loại yếu mềm nhất.

c) Tôi thấy đôi mắt nhìn xuyên thấu trái tim Thiên Chúa cũng như trái tim từng con người.

a. Nhìn thấy một bức hoạ bị tàn phá

    • Khuôn mặt tuyệt vời của Đức Giêsu nhìn chúng ta xuyên qua những đổ nát của thế giới chúng ta.
    • Người hỏi: “Các con đã làm gì với công trình do tay ta tạo thành?”
    • Bức hoạ biểu lộ sự thương cảm sâu xa của Thiên Chúa ngay giữa thế giới bạo lực của chúng ta.
    • Bức hoạ nhắc nhở chúng ta về hình ảnh chúng ta được tạo thành và mời gọi chúng ta hoán cải.
    • Đó là gương mặt của Đấng Kiến Tạo Hoà Bình.
    • “Ở đâu có hoà bình, ở đó có Chúa hiện diện.” (IX, 207)
    • Nhìn vào bức ảnh bị tàn phá, chúng ta nghe thấy lời mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,18-19)

b. Nhìn thấy khuôn mặt nhân loại yếu mềm nhất

    • Giữa những đổ nát, khuôn mặt rạng người của Đức Giêsu hiện ra.
    • Chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đang hoàn toàn hướng về chúng ta.
    • Đức Giêsu chú ý đến chúng ta và nhìn thẳng vào mắt chúng ta.
    • Chúng ta có thể được nhắc nhở về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Phêrô sau khi Phêrô chối Chúa: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông” (Lc 22,61).
    • Giống như Phêrô, chúng ta cần được nhắc nhở về:
        • Những lời đoan hứa tự tin của chúng ta
        • Thất bại của chúng ta trong việc giữ những lời hứa ấy
        • Sự thiếu trung tín của chúng ta
        • Sự bất lực của chúng ta khi dựa vào sức mình
    • Nhưng cũng như Phêrô, chúng ta được nhắc nhở về:
        • Một tình yêu không rời bỏ chúng ta
        • Lòng cảm thông không biên giới
        • Sự tha thứ luôn luôn được ban cho chúng ta
    • Khi Phêrô nhận thấy đôi mắt của Đức Giêsu nhìn vào tận sâu thẳm con người ông, ông đã nhìn ra sự yếu đuối của mình và tình yêu của Đức Giêsu: “Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Lc 22,62)
    • Đó là những giọt nước mắt ăn năn và biết ơn vì một tình yêu sâu thẳm.
    • “Nếu chúng ta quyết tâm rập theo khuôn mẫu thần linh này, và nhận thấy trong tâm hồn mình lòng khao khát và tâm tình thánh thiện ấy, thì thật cần thiết, tôi nói lại, thật cần thiết để cố gắng mô phỏng các suy nghĩ, việc làm và ý hướng của chúng ta theo các suy nghĩ, việc làm và ý hướng của Người.” (XII, 67-68)
    • Bức hoạ không được mô phỏng theo bất cứ mẫu hình nhân loại nào, cũng không phải là phát minh của riêng Andrei Rublev. Nó được thực hiện trong sự tuân thủ thánh thiện với một đường lối hội hoạ được truyền trao qua các thế hệ.
    • Màu sắc nổi bật nhất của bức hoạ là màu xanh đậm của chiếc áo choàng trên vai Đấng Cứu Độ. Trong các bức họa của Hy Lạp và Nga, Đức Kitô được vẽ với áo dài đỏ và áo choàng xanh.
    • Màu đỏ là màu tượng trưng cho thần tính của Đức Giêsu.
    • Màu xanh là màu tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu.
    • Màu xanh của Andrei Rublev rực rỡ hơn bình thường rất nhiều, nhấn mạnh nhân tính của Đức Giêsu nhiều hơn.
    • Điều đó giúp chúng ta thấy rõ hơn khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa, sự hấp dẫn không thể cưỡng lại của Đức Giêsu.
    • Bức hoạ này không có tác động giống như các bức hoạ khác về Chúa Kitô vốn nhấn mạnh hoàn toàn vào vẻ huy hoàng và uy nghi của Thiên Chúa. Trong bức hoạ này, Đức Kitô rời khỏi ngai vàng, chạm vào đôi vai chúng ta và mời gọi chúng ta nhìn vào Người.
    • Gương mặt của Người không gợi lên nỗi sợ hãi nhưng là tình yêu.

c. Nhìn thấy đôi mắt nhìn xuyên thấu trái tim Thiên Chúa cũng như trái tim từng con người, trái tim của mỗi người chúng ta

    • Chính đôi mắt của Đức Giêsu khiến cho bức hoạ này trở thành một trải nghiệm sâu thẳm như thế.
    • Đôi mắt của Đức Giêsu nhìn thẳng vào chúng ta và đối diện với chúng ta.
    • Đôi mắt đó là trung tâm của bức hoạ
    • Đôi mắt đó gợi lên những lời của vịnh gia:

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. (Tv 139,1-3)

    • Đó là đôi mắt của Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy chúng ta trong những nơi sâu kín nhất và yêu chúng ta bằng lòng thương xót thần linh.
    • “Dưới ánh mắt tốt lành của Thiên Chúa, chúng ta còn giấu mình vào đâu được? Chúng ta phải đặt mình trong những thương tích của Chúa chúng ta.” (II, 119)
    • Đôi mắt đó biểu lộ mong muốn nhìn vào tận cõi lòng mỗi người và thấu hiểu họ.
    • Kinh nghiệm diện – đối – diện này dẫn chúng ta vào tâm điểm mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại.
    • Nhìn vào đôi mắt của Đức Giêsu, chúng ta biết mình đang nhìn vào đôi mắt của Thiên Chúa.
    • “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (x. Ga 14,9)
    • “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14,10)
    • Đức Giêsu là mạc khải viên mãn của Thiên Chúa.
    • Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.
    • Ngang qua những đổ nát của thế giới, chúng ta khám phá ra rằng khuôn mặt của Đức Giêsu không bao giờ có thể bị phá huỷ.
    • Đôi mắt của Đức Giêsu xuyên thấu bản chất nội tại của Thiên Chúa và tâm hồn của mỗi người.
    • Việc chiêm ngắm Đức Giêsu dẫn chúng ta đi vào con tim Thiên Chúa và con tim nhân loại.
    • “Chúng ta hãy ngắm nhìn tha nhân trong Người và uốn nắn bản thân theo Ý muốn của Người. Đó là điều được ưa thích hơn bất cứ điều thiện hảo nào khác.” (IV, 467)

SỰ CHIÊM NGẮM VÀ LÒNG TRẮC ẨN LÀ MỘT

Vào Chúa Nhật, 6/12/2020, Gia Đình Vinh Sơn trên thế giới sẽ quy tụ trong một nghi thức cầu nguyện trực tuyến, “Một hy vọng cho người nghèo.” Tôi mời gọi mọi thành viên trong Gia Đình Vinh Sơn, cũng như tất cả những ai muốn tham dự với chúng ta vào thời khắc cầu nguyện này. Xin chia sẻ lời mời gọi này trong mỗi ngành riêng của anh chị em, cũng như giữa các người thân thuộc và bạn bè của anh chị em.

Việc suy tư và chiêm ngắm bức hoạ Đấng Cứu Độ ở Zvenigorod, đan xen với đề tài của buổi cầu nguyện, có thể giúp chúng ta tham dự cách sâu xa hơn trong cuộc họp mặt cầu nguyện.

Ước mong trải nghiệm mùa Vọng này dẫn chúng ta đi vào niềm vui nội tâm của mùa Giáng Sinh!

Người anh em trong thánh Vinh Sơn!

Tomaž Mavrič, CM

Bề trên Tổng quyền

Fx. Đức chuyển ngữ


[1] Đức Kitô Đấng Cứu Độ là một bức hoạ được tình cờ tìm thấy trong một căn lều củi đổ nát gần Zvenigorod vào năm 1918. Cùng với một vài bức hoạ khác được cất gần đó, bức hoạ này được coi là tác phẩm của hoạ sĩ vĩ đại Andrei Rublev, được vẽ cho một trong những nhà thờ chính toà ở Zvenigorod vào thập niên 1420. Hiện nay bức hoạ được trưng bày ở Bảo Tàng Tretyakov thuộc Moscow.

[2] Nouwen, Henri. Behold the Beauty of the Lord: Praying with Icons, Ave Maria Press, 2007, pages 68 and 70.