Tông Thư ‘Admirabile Signum’ Của Đức Phanxicô Về Ý Nghĩa Và Tầm Quan Trọng Của Hang Đá
Chuyển ngữ: Lm GB Nguyễn Quốc Thư, CM
1/ Hình ảnh hang đá Giáng Sinh làm say mê, quá thân thương đối với dân Kitô giáo, không ngừng gây nên sự kinh ngạc và sự tuyệt diệu. Việc mô tả sự sinh ra của Đức Giêsu tự nó là một việc công bố đơn sơ và vui mừng về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Hang đá là như Tin Mừng sống động dậy lên từ những trang Kinh Thánh. Khi chúng ta chiêm ngắm câu chuyện Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi bắt đầu đi vào cuộc hành trình thiêng liêng, được lôi cuốn bởi sự khiêm nhường của Chúa, Đấng đã trở nên người để gặp gỡ từng người nam nữ. Chúng ta hiểu rằng tình yêu của Chúa dành cho chúng ta quá tuyệt vời đến nỗi Ngài trở thành một người trong chúng ta, đến nỗi đến lượt mình chúng ta có thể trở nên một với Ngài.
Với Tông thư này, tôi muốn cổ vũ truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình về việc chuẩn bị hang đá trong những ngày trước Lễ Giáng Sinh, mà cũng là tập tục làm hang đá trong những nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và ở các quảng trường của thành phố. Sự tưởng tượng tuyệt vời và sự sáng tạo luôn được tỏ hiện trong việc sử dụng các vật liệu hết sức khác biệt để tạo nên những kiệt tác nhỏ về vẻ đẹp. Khi còn nhỏ, chúng ta học được từ cha mẹ ông bà của chúng ta thực hành truyền thống vui mừng này, nó chất chứa một sự phong phú về lòng đạo đức bình dân. Hy vọng của tôi là tập tục này sẽ không bao giờ mất đi, và rằng ở bất cứ nơi nào tập tục này đã rơi vào quên lãng, thì nó có thể được tái khám phá và sống lại.
2/ Nguồn gốc của hang đá Gíang Sinh tìm được trước hết trong một số chi tiết về việc sinh ra của Đức Giêsu ở Betlêhem, như được thuật lại trong các Tin Mừng. Thánh sử Luca nói cách đơn sơ rằng, Đức Maria “đã sinh con trai đầu lòng và bọc trong khăn, và đặt trong máng cỏ, vì không còn chỗ cho họ trong quán trọ” (2, 7). Vì Đức Giêsu được đặt trong máng cỏ, hang đá trong tiếng Ý là presepe, trong tiếng Latinh là praesepium, nghĩa là “máng cỏ”.
Khi xuống thế, Con Thiên Chúa được đặt trong nơi mà súc vật ăn uống. Cỏ khô là chiếc giường đầu tiên của Đấng muốn mạc khải mình như “bánh từ trời xuống” (Ga 6, 41). Thánh Au-gút-ti-nô, cùng với các giáo phụ của Hội thánh, đã cảm kích bởi biểu tượng: “Được đặt trong một máng cỏ, Ngài đã nên lương thực cho chúng ta” (Bài giảng 189, 4) Thật vậy hang đá khơi dậy một số những mầu nhiệm về cuộc sống của Đức Giêsu và đem chúng lại gần cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Nhưng chúng ta hãy trở về nguồn gốc của hang đá Giáng Sinh quá thân thương với chúng ta. Chúng ta cần hình dung ra trong một thành phố nhỏ Greccio của nước Ý, gần Rieti. Thánh Phanxicô dừng lại ở đây, hầu như đang trên đường về từ Rôma, nơi vào ngày 29/11/1223 thánh nhân đã nhận được sự phê chuẩn Luật của ngài do Đức Honorius III. Thánh Phanxicô đã thăm Thánh Địa, và những hang động trong vùng Greccio nhắc nhớ ngài về miền quê Betlehem. Cũng có thể là “Người nghèo thành Assisi” đã bị đánh động bởi những tranh khảm trong Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma, mô tả việc giáng sinh của Đức Giêsu, gần nơi mà, theo một truyền thống xưa, những mảnh gỗ của máng cỏ được lưu giữ.
Các nguồn phan sinh mô tả chi tiết những gì lúc đó đã xảy ra ở Greccio. Mười lăm ngày trước Lễ Giáng Sinh, thánh Phanxicô hỏi một người đàn ông địa phương tên là Gioan giúp ngài thực hiện ước muốn: “đưa vào cuộc sống ký ức về Một Hài Nhi sinh ra ở Bêlem, nhìn thấy hết sức có thể được bằng đôi mắt trần của tôi sự thiếu thốn tiện nghi của hài nhi, bé nằm trong máng cỏ thế nào, và, với một con bò và một con lừa đang đứng, bé được đặt trên nệm cỏ”. (Thomas Celano, First life, 84; Franciscan Sources, 469). Nghe xong, người bạn trung thành của thánh nhân đã tức thời đi ngay để chuẩn bị tất cả những gì ngài đã yêu cầu. Vào ngày 25/12, các thầy đã tới Greccio từ khắp các miền cùng với dân chúng từ các trang trại trong vùng, mang hoa và đuốc thắp sáng đêm thánh. Khi thánh Phaxicô đến, ngài thấy máng cỏ đầy cỏ khô, một con bò và một con lừa. Tất cả mọi người hiện diện đều đã cảm nghiệm một niềm vui mới và khôn tả trước Hang đá Giáng sinh. Thế rồi, vị linh mục đã long trọng cử hành Thánh Lễ trên máng cỏ, bày tỏ mối liên kết Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa và Thánh Lễ. Tại Greccio, không có một bức tượng nào; hang đá đã được thể hiện và cảm nghiệm bởi tất cả mọi người đã có mặt” (Ibid, 85, Franciscan Sources 469) .
Thế là truyền thống của chúng ta đã bắt đầu: với mọi người tụ họp trong niềm vui chung quanh hang đá với việc không còn khoảng cách giữa biến cố nguồn gốc và những người đang chia sẻ mầu nhiệm của biến cố.
Tôma Celano, sử gia đầu tiên về thánh Phanxicô ghi rằng hang đá đơn sơ và gây cảm xúc được tiếp nối bằng một món quà về một cái nhìn tuyệt vời: một trong những người có mặt đã thấy chính Hài Nhi Giêsu nằm tong máng cỏ. Từ hang đá của Lễ Giáng Sinh năm 1223, “mọi người đều đi về nhà với niềm vui’ (Ibid 86, Franciscan Sources, 470).
3/ Với sự đơn sơ của dấu chỉ đó, thánh Phanxicô đã thực hiện một công việc tuyệt vời về việc truyền giáo. Lời dạy của ngài đã đánh động các tấm lòng và ngày nay còn tiếp tục hiến tặng một ý nghĩa đơn sơ, song đích thật về việc miêu tả sinh động vẻ đẹp đức tin của chúng ta. Thật vậy, chỗ mà hang đá đầu tiên dựng nên, diễn tả và khơi dậy những tâm tình này. Greccio đã trở nên nơi trú ẩn cho tâm hồn, một sự vững chắc như núi được che chở trong thinh lặng.
Tại sao hang đá Giáng Sinh khơi dậy sự kỳ diệu như vậy và đánh động chúng ta cách sâu đậm như thế? Trước hết, vì hang đá tỏ lộ tình yêu dịu hiền của Chúa: Đấng tạo hóa của vũ trụ đã hạ mình xuống với sự nhỏ bé của chúng ta. Món quà sự sống, trong tất cả mầu nhiệm của sự sống, trở nên kỳ diệu hơn tất cả khi chúng ta hiểu rằng Người Con của Đức Maria là nguồn và là sự đỡ nâng của tất cả mọi sự sống. Trong Đức Giêsu, Chúa Cha đã ban cho chúng ta một người anh đến tìm chúng ta bất cứ khi nào chúng ta bối rối hay lạc hướng, một người bạn trung thành mãi mãi ở bên chúng ta. Chúa Cha đã ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng tha thứ cho chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.
Làm hang đá Giáng Sinh trong nhà chúng ta giúp chúng ta sống lại lịch sử những gì đã xảy ra ở Betlem. Dĩ nhiên, các Tin Mừng vẫn là nguồn cho việc hiểu biết và suy nghĩ về biến cố đó. Đồng thời, sự miêu tả trong hang đá giúp chúng ta tưởng tượng cảnh tượng. Nó đánh động con tim chúng ta, và làm cho chúng ta bước vào lịch sử cứu độ như những người đồng thời của một biến cố vẫn sống động và có thực trong những bối cảnh lịch sử và văn hóa khác nhau nhất.
Cách đặc biệt, từ thời nguồn cội Phan sinh, hang đá đã mời gọi chúng ta “cảm nhận” và “đụng chạm” đến sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa đã mang trên mình trong việc nhập thể. Cách ngấm ngầm, hang đá kêu gọi chúng ta theo Ngài trên đường khiêm nhu, khó nghèo và từ bỏ mình, nó dẫn chúng ta từ máng cỏ Betlem tới thập giá. Con đường này đòi chúng ta gặp gỡ Ngài và phục vụ Ngài bằng việc tỏ lòng xót thương đối với những anh chị em đang gặp khó khăn nhất.
4/ Bây giờ tôi muốn suy nghĩ về các yếu tố khác nhau của hang đá để lượng giá ý nghĩa sâu hơn của chúng. Trước tiên, có bối cảnh bầu trời đầy sao trong bóng tối và sự im lặng của màn đêm. Chúng ta nêu lên điều đó, không chỉ vì trung thành với các trình thuật Tin Mừng, mà còn vì các giá trị biểu trưng của nó. Chúng ta có thể nghĩ tới tất cả các thời khắc trong cuộc đời khi chúng ta trải nghiệm bóng tối của bóng đêm. Nhưng ngay lúc đó, Thiên Chúa không bỏ chúng ta, nhưng có câu trả lời cho những vấn nạn nghiêm trọng về ý nghĩa cuộc đời. Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi được sinh ra vào thời điểm này trong lịch sử? Tại sao tôi yêu? Tại sao tôi đau khổ? Tại sao tôi chết? Chính để trả lời cho những vấn nạn này mà Thiên Chúa đã làm người. Sự gần gũi của Chúa đem lại ánh sáng cho nơi đâu có bóng tối và chỉ ra con đường cho những ai đang ở trong bóng đau khổ (Lc 1, 79).
Những phong cảnh thành phần của hang đá cũng đáng quan tâm. Thông thường, những cảnh quan này trưng bày những ngôi nhà hay những tòa nhà cao cổ xưa đổ nát, mà trong vài trường hợp, chúng thay thế cho hang Bêlem và trở nên nhà của Thánh Gia. Những đổ nát này dường như được khởi hứng bởi Truyền thuyết vàng thế kỷ thứ mười ba của Dominican Jacobus de Varagine kể một niềm tin ngoại đạo rằng Ngôi Đền Hòa Bình ở Rôma sẽ sụp đổ khi một Trinh Nữ sinh con. Hơn bất cứ điều gì, cảnh đổ nát là dấu chỉ hữu hình về nhân loại sa ngã, về mọi thứ không thể tránh khỏi rơi vào đổ nát, suy tàn và thất bại. Những cảnh này nói cho chúng ta rằng Đức Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới già nua mà Ngài đến để chữa lành và xây dựng lại, để hồi phục thế giới và cuộc sống của chúng ta về lại vẻ huy hoàng ban đầu của chúng.
5/ Thật cảm xúc khi chúng ta sắp xếp trong hang đá cảnh núi non, những dòng suối, những con cừu và các mục đồng! Khi làm như thế, chúng ta được nhắc nhớ rằng, như các ngôn sứ đã nói trước, mọi thụ tạo vui mừng khi Đấng cứu tinh ngự đến. Các thiên thần, và các ngôi sao dẫn đường là một dấu chỉ rằng chúng ta cũng được kêu gọi lên đường tới hang đá và thờ lạy Chúa.
“Chúng ta hãy đi tới Bêlem và xem sự việc đã xảy ra, mà Chúa đã cho chúng ta biết” (Lc 2, 15). Các mục đồng nói với nhau như thế sau lời công bố của các thiên thần. Một bài học tuyệt vời dậy lên từ những lời đơn sơ này. Không như quá nhiều người khác, bận rộn với mọi thứ, các mục đồng là những kẻ đầu tiên thấy được sự việc cần thiết nhất: món quà cứu độ. Chính những người khiêm nhu và nghèo khó đón mừng biến cố Nhập Thể. Các mục đồng đáp trả Chúa Đấng đến gặp chúng ta nơi Hài Nhi Giêsu bằng việc ra đi gặp Ngài với tình yêu, lòng biết ơn và nỗi kính sợ. Nhờ Đức Giêsu, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con cái Ngài đem lại sự sống cho tôn giáo của chúng ta và tạo nên vẻ đẹp duy nhất của nó, hiển nhiên cách quá kỳ diệu trong hang đá.
6/ Theo tập tục, người ta thêm nhiều khuôn mặt biểu tượng vào hang đá. Trước hết, có những người ăn xin và những người khác, họ chỉ biết hạnh phúc của con tim. Họ cũng có mọi quyền đến gần Hài Nhi Giêsu; không ai có thể đuổi họ khỏi hang đá dựng tạm thời để những người nghèo dường như hoàn toàn như ở nhà. Thật vậy, người nghèo là thành phần ưu tiên của mầu nhiệm này; thường thì họ là những người trước tiên nhận biết sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta.
Sự hiện diện của người nghèo và của những người hèn mọn nơi hang đá nhắc nhớ chúng ta rằng, Thiên Chúa đã làm người vì những kẻ cảm thấy hết sức cần tình yêu của Chúa, và xin Chúa đến gần họ. Đức Giêsu, “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29), đã sinh ra trong cảnh khó nghèo và đã sống một đời đơn sơ để dạy chúng ta nhận biết những gì là thiết yếu và hành động theo đó. Hang đá rõ ràng dạy rằng, chúng ta không thể để mình bị lừa gạt bởi sự giầu có và những lời hứa hạnh phúc phù du. Chúng ta thấy cung điện của vua Hêrôđê trong bối cảnh, đóng chặt và không nghe được những tin loan niềm vui. Được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa khởi sự cuộc cách mạng thực sự duy nhất có thể đem lại niềm hy vọng và nhân vị cho những ai bị khinh miệt và bị vứt ra bên lề: cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu hiền. Từ máng cỏ, Đức Giêsu công bố, trong cung cách dịu hiền mà đầy uy quyền, sự chia sẻ với người nghèo như một con đường dẫn tới một thế giới nhân bản hơn và huynh đệ, trong đó không còn ai bị loại trừ hoặc bị vất ra lề.
Trẻ em – cả những người lớn – thường thích thêm vào hang đá những khuôn mặt khác mà dường như không liên quan với các trình thuật Tin Mừng. Song, mỗi khuôn mặt theo cách riêng của nó, những thêm vào tự ý này chứng tỏ rằng trong thế giới mới được Đức Giêsu khai mở thì có chỗ cho bất cứ thứ gì thực sự là người và cho tất cả mọi sinh vật. Từ người chăn chiên đến người thợ rèn, từ người làm bánh đến các nhạc sĩ, từ những phụ nữ xách các vò nước đến các trẻ em đang chơi: tất cả nói về sự thánh thiện hàng ngày, niềm vui làm những công việc hằng ngày theo cách thế phi thường, khi Đức Giêsu chia sẻ sự sống thần linh của Ngài cho chúng ta.
7/ Lần hồi, chúng ta đến hang đá, nơi chúng ta thấy khuôn mặt của Đức Maria và của thánh cả Giuse. Đức Maria là một người mẹ chiêm ngắm con mình và đưa Ngài cho mỗi khách thăm ngắm. Khuôn mặt của Đức Maria khiến chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm lớn vây quanh thiếu nữ này khi Thiên Chúa đã gõ cửa trái tim vô nhiễm nguyên tội của cô. Đức Maria đã đáp trả trong vâng phục vẹn toàn đối với sứ điệp của thiên sứ đã yêu cầu Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa. Những lời của Mẹ, “Này tôi là nữ tỳ Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38), chỉ cho chúng ta làm sao bỏ mình trong niềm tin vào thánh ý Chúa. Bằng tiếng “Xin vâng”, Đức Maria đã thành mẹ của Con Thiên Chúa, nhờ Người con, không mất mà còn thánh hiến sự trinh khiết của Mẹ. Nơi Mẹ, chúng ta thấy Mẹ Thiên Chúa không giữ lại người con cho riêng mình, mà kêu mời mọi người vâng lời Người và đem ra thực hành (Ga 2, 5).
Thánh Giuse đứng bên Đức Maria, đang bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Ngài. Thánh Giuse luôn được mô tả với cái gậy cầm tay, hoặc cầm một ngọn đèn. Thánh Giuse đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu và Đức Maria. Thánh Giuse là một người bảo vệ không mỏi mệt gia đình mình. Khi Thiên Chúa báo tin cho người về sự đe dọa của vua Hêrôđê, người đã không ngần ngại lên đường trốn sang Ai cập (Mt 2, 13-15). Và một khi nguy hiểm qua đi, thánh Giuse đã mang gia đình trở về Nazarét, nơi người là người thầy đầu tiên của Đức Giêsu khi còn là cậu bé và rồi là thanh niên. Thánh Giuse đã cất giữ trong lòng mầu nhiệm lớn lao bao quanh Đức Giêsu và Đức Maria, hiền thê của mình; là người công chính, thánh Giuse luôn phó thác mình theo thánh ý Chúa, và đem ra thực hành.
8/ Khi, vào Lễ Giáng Sinh, chúng ta đặt tượng Hài Nhi Giêsu vào máng cỏ, hang đã trở nên sống động. Thiên Chúa Xuất hiện như một bé thơ, cho chúng ta đưa tay ẵm. Dưới sự yếu đuối và sự mong manh, Thiên Chúa che giấu sức mạnh của Ngài, sức mạnh tạo dựng và biến đổi tất cả mọi sự. Dường như không thể xảy ra, song đó là thật: nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa là một trẻ thơ, và theo cách này, Ngài đã muốn mạc khải sự tuyệt vời của tình yêu: bằng mỉm cười và dang tay Ngài đón nhận tất cả mọi người.
Việc sinh ra của một em bé tạo niềm vui và sự kỳ diệu; nó đặt ra trước chúng ta mầu nhiệm sự sống tuyệt vời. Nhìn những con mắt long lanh của một cặp vợ chồng ngắm đứa con sơ sinh của họ, chúng ta có thể hiểu những cảm giác của Đức Maria và thánh Giuse, khi ngắm nhìn Hài Nhi Giêsu, các ngài đã cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.
“Sự sống đã được tỏ bày” (1Ga 1, 2). Trong những lời này, thánh Gioan Tông đồ tóm tắt mầu nhiệm nhập thể. Hang đá cho chúng ta thấy và sờ được cái biến cố duy nhất vô song đã thay đổi cả dòng lịch sử, đến nỗi thời gian từ đó về sau được tính toán là trước hay sau sự giáng sinh của Đức Kitô.
Đường lối của Chúa vẫn đang gây ngạc nhiên, vì dường như không thể Thiên Chúa phải từ bỏ vinh quang để trở nên một con người như chúng ta. Thật ngạc nhiên, chúng ta thấy Thiên Chúa hành động y hệt chúng ta: Ngài ngủ, bú sữa mẹ, khóc và chơi như mọi bé thơ khác! Luôn luôn, Thiên Chúa làm chúng ta chưng hửng. Chúng ta không thể dự kiến về Ngài, và Ngài tiếp tục làm những việc chúng ta không ngờ. Hang đá biểu tỏ Thiên Chúa đã đến trần gian thế nào, thì cũng khiến chúng ta suy nghĩ sự sống của chúng ta là thành phần sự sống của Chúa. Nó kêu gọi chúng ta nên môn đệ của Ngài nếu chúng ta muốn đạt tới ý nghĩa tối hậu của sự sống.
9/ Khi lễ hiển linh gần đến, chúng ta đặt thêm các tượng Ba Vua vào hang đá. Ngắm vì sao, những hiền sĩ này từ phương Đông lên đường đi Bêlem để tìm gặp Đức Giêsu và để dâng Ngài các lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược. Những món quà quý giá này có một ý nghĩa ngụ ngôn: vàng tôn vinh vương quyền của Đức Giêsu, nhũ hương tôn vinh thần tính của Ngài, mộc dược tôn vinh nhân tính thánh của Ngài, cũng phải trải nghiệm cái chết và mai táng.
Khi chúng ta chiêm ngắm cảnh tượng này của hang đá, chúng ta được kêu mời suy nghĩ về trách nhiệm truyền loan Tin Mừng của mỗi kitô hữu. Mỗi người chúng ta được kêu gọi đem tin vui đến cho mọi người, biểu lộ bằng những việc thực hành của lòng thương xót đối với niềm vui nhận biết Đức Giêsu và tình yêu của Ngài.
Các đạo sĩ dạy chúng ta rằng dân chúng có thể đến với Đức Kitô từ nơi rất xa. Những người giầu có, những người khôn ngoan ở xa, khao khát những điều vô biên, họ thực hiện cuộc hành trình xa xôi và nguy hiểm đưa họ tới Bêlem (Mt 2, 1-12). Niềm vui tuyệt vời tràn ngập họ khi hiện diện trước Hài Nhi Vua. Họ không bị sốc bởi quang cảnh nghèo hèn, mà tức thời quì gối thờ lạy Hài Nhi. Quì gối trước Hài Nhi, họ hiều rằng Thiên Chúa, Đấng với sự khôn ngoan tuyệt đỉnh dẫn đường cho các ngôi sao cũng dẫn đường cho lịch sử, hạ những kẻ quyền thế xuống và nâng dậy những kẻ thấp hèn. Trên đường trở về nhà, chắc hẳn họ đã nói cho những người khác về cuộc gặp gỡ ngỡ ngàng với Đấng Mêsia, thế là họ khởi sự việc loan truyền Tin Mừng giữa các dân nước.
10/ Đứng trước hang đá Giáng Sinh, chúng ta được nhắc nhớ về thời chúng ta còn là trẻ em, nóng lòng chờ làm hang đá. Những ký ức này khiến tất cả chúng ta ý thức hơn về món quà quí báu đã nhận được từ những người đã truyền giao đức tin cho chúng ta. Đồng thời, chúng nhắc nhở chúng ta về bổn phận của chúng ta chia sẻ trải nghiệm này với con cháu chúng ta. Hang đá được làm như thế nào không quan trọng: có thể là cùng một hang đá hay có thể thay đổi từ năm này qua năm khác. Điều quan trọng là hang đá nói về cuộc sống của chúng ta. Bất cứ hang đá ở đâu, và nó mang bất cứ hình thái nào, thì hang đá Giáng Sinh đều nói cho chúng ta về tình yêu của Chúa, Vị Thiên Chúa đã trở thành một trẻ thơ để làm cho chúng ta hiểu Thiên Chúa gần gũi biết bao với mỗi người nam, người nữ và trẻ em, bất kể thân phận của họ.
Anh chị em thân mến, hang đá Giáng Sinh là thành phần tiến trình quí báu song đòi hỏi của việc chuyển giao đức tin. Từ thời thơ ấu, và ở bất kỳ tuổi nào của cuộc sống, hang đá dạy chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu, dạy chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, cảm thấy và tin rằng, Thiên Chúa ở với chúng ta và chúng ta ở cùng Chúa, con cái của Ngài, tất cả là anh chị em, nhờ Hài Nhi là Con Thiên Chúa, và là Con của Đức Trinh Nữ Maria. Và nhận ra rằng trong sự hiểu biết đó chúng ta tìm được hạnh phúc đích thật. Như thánh Phanxicô, chớ gì chúng ta có thể mở rộng con tim cho ơn phúc đơn sơ này, để từ sự ngạc nhiên của chúng ta, một lời kinh đơn sơ có thể nảy sinh: một lời kinh Tạ Ơn Chúa, Đấng đã muốn chia sẻ cho chúng ta mọi sự, và không bao giờ bỏ chúng ta cô đơn.
Ban hành, tại Đền thánh Giáng Sinh, ngày 01/12/2019,
năm thứ bẩy Triều Đại Giáo Hoàng của tôi.
Phanxicô