Tu Hội Truyền Giáo trong thời kỳ Hậu Đại dịch Covid-19

0
604

Một vài bài báo và những đoạn phim sâu sắc gần đây đã đăng tải những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với đời sống con người và các dòng tu, cũng như những ảnh hưởng lâu dài trên thế giới. Bài viết này suy tư dựa trên sự hiểu biết từ quan điểm của Tu hội nói riêng và của Giáo hội nói chung.

Điều chỉnh các cuộc họp

Khi tỉnh dòng Trung Hoa bắt đầu Hội nghị Tỉnh dòng trong 3 ngày từ 6/05/2020, thì việc xác định số lượng thành viên tham gia đã trở thành một vấn đề thảo luận. Khái niệm truyền thống của “việc tham dự” chỉ xét những người hiện diện một cách thể lý mới là người tham dự. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử của Hội nghị Tỉnh dòng, một số thành viên đã tham dự trực tuyến. Tình trạng hậu đại dịch chứng kiến ngày càng nhiều sự tham dự trực tuyến trong một số cuộc họp (chúng ta không thể cho phép đời sống bị gián đoạn bởi dịch bệnh có thể phát triển trong tương lai). Tu hội của chúng ta có nhiều cuộc họp cấp khu vực và quốc tế, và những buổi thường huấn vẫn đòi hỏi sự hiện diện thể lý. Nhưng một tiêu chuẩn mới có thể buộc chúng ta thay đổi khái niệm và kiểu mẫu của sự tham dự. Chúng ta biết rằng nhiều công ty và cơ sở kinh  doanh đang chấp nhận những hình thức quản trị và làm việc mới để tồn tại… chúng ta cũng có thể bị buộc phải làm như thế trong tương lai gần.

Định hình lại đời sống cộng đoàn

Việc cách ly ngăn không cho phép hai cộng đoàn trong phạm vi khoảng 3 km gặp nhau, do lo ngại virus lây lan. Chính sách cách ly của Chính phủ buộc một người đến từ nước ngoài phải tự cách ly tại phòng riêng trong một thời gian cụ thể. Lễ kỷ niệm năm mươi năm thụ phong linh mục phải huỷ bỏ vì lệnh cấm tụ họp nơi công cộng của chính phủ. Viễn cảnh này có thể trở nên thông thường trong tương lai và cũng định hình lại cách thức chúng ta sống cùng nhau trong một cộng đoàn. Virus Corona và biến thể gây tử vong cao hơn của nó trong tương lai có thể đặt ra các hạn chế đối với các cuộc họp cộng đoàn, huỷ bỏ các buổi lễ kỷ niệm, đảo lộn thời gian biểu thông thường nơi cộng đoàn và có thể cản trở sự hiện diện thể lý cùng các anh em với nhau trong cộng đoàn. Chúng ta cần tìm ra những cách thức để tiếp cận với những anh em bị buộc phải cách ly hoặc tự cách ly, để tổ chức các buổi họp cộng đoàn, và để duy trì tinh thần cộng đoàn trong thời gian cách ly thể lý này. Sự hiện diện thể lý là một trong những thước đo truyền thống cho đời sống cộng đoàn – cùng nhau cầu nguyện, dùng bữa, giải trí, và mừng lễ. Đến nay, cảm giác tình thân hữu chỉ có khi hiện diện cùng nhau. Tuy nhiên, với nhiều ngăn trở liên tục, hẳn chúng ta phải định hình lại và định nghĩa lại quan niệm của chúng ta về đời sống cộng đoàn. Một anh em có thể kỷ niệm dịp lễ của mình với những anh em và những người bạn khác từ phòng riêng của mình – một loại hình kỷ niệm trực tuyến. Đến một lúc nào đó sự hiện diện và tình bạn hữu trực tuyến sẽ có thể trở nên dễ chấp nhận hơn. Điều này khiến chúng ta sẽ phải suy nghĩ về cách cá nhân hoá sự giãn cách xã hội.

Theo từ điển Merriam- Webster giãn cách xã hội là hành vi duy trì một khoảng cách xa hơn bình thường giữa người với người, hoặc là tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác hay đồ vật nơi công cộng trong lúc bùng phát sự lây lan dịch bệnh nhằm hạn chế phơi nhiễm và giảm thiểu sự lây lan bệnh truyền nhiễm. Trong thời gian lây lan dịch bệnh bùng phát (như covid-19) sự cách ly này sẽ không là một hành động tiêu cực nhưng là một hành động quan tâm đến và có trách nhiệm đối với xã hội, và thậm chí là một hành động hy sinh. Vì vậy, chúng ta  cần phải tìm ra cách thức biến việc cách ly xã hội trở thành một cơ hội tốt thay vì là một cản trở đời sống cộng đoàn của chúng ta. 

Đời sống và sứ vụ của chúng ta đòi hỏi những tiếp cận không chỉ máy móc. Chúng ta biết rằng khi cử hành các bí tích, tiếp xúc cá nhân có ảnh hưởng đến người khác. Những lời quan tâm và cử chỉ yêu thương tuy nhỏ nhưng có thể lay động trái tim. Hơn bao giờ hết chúng ta được kêu gọi sáng tạo trong việc cá nhân hóa giãn cách xã hội đang được áp đặt trên đời sống và sứ vụ của chúng ta. Virus có thể buộc chúng ta giữ khoảng cách thể lý nhưng không thể ngăn cản chúng ta thực hiện những tương tác cá nhân, tuy đơn sơ nhưng quan trọng, với lòng yêu thương, tinh thần lạc quan, sự sáng tạo trong những tương quan và phục vụ của chúng ta – cách riêng tư hay trực tuyến.

Số hóa việc quyên góp

Chỉ mất bảy ngày để một cộng đoàn tôn giáo người Ý ở Đài Loan quyên góp được hơn 100 triệu nhân dân tệ cho nước Ý trong thời gian cao điểm của đại dịch. Ngoài ra, chỉ trong ba tuần, thành viên và chủng sinh Trung Hoa đang sinh sống và làm việc ở Mỹ và Philippines đã quyên góp được 720,128 RMB cho chương trình Vincent Helps ở Philippines. Hai hoạt động quyên góp quỹ này có một nét chung là cùng sử dụng các phần mềm truyền thông xã hội: nhanh chóng, miễn phí, kết nối rộng rãi, cập nhật liên tục, và minh bạch. Cuối cùng thì trong việc giúp người nghèo và người hoạn nạn khổ đau, Giáo Hội đã nhận ra sức mạnh của phần mềm kĩ thuật số. Sử dụng các phần mềm này sẽ làm chúng ta mệt mỏi bởi vì chúng thay đổi rất nhanh. Những gì phổ biến hôm nay sẽ bất ngờ trở nên lỗi thời vào ngày mai. Vì thế, việc cập nhật liên tục và nhanh chóng điều mới nhất trong thế giới số là điều quan trọng bởi vì những phần mềm đó có thể trở thành thiết yếu trong việc chúng ta phục vụ người nghèo. Trước hoàn cảnh một số tỉnh dòng đang vật lộn với chiến lược và nguồn lực để gây quỹ, toàn bộ Tu hội phải chuyển sang một hình thức chia sẻ nguồn lực được số hóa và có hệ thống hơn. Đồng thời, Tu hội phải tìm kiếm những cách thức để vượt qua những hạn chế bởi chính phủ và bởi những bộ máy quan liêu, và để trang bị kiến thức và cơ sở hạ tầng cho nhân lực nhằm đối phó với những nhu cầu đang gia tăng trước những hình thái đau khổ và nghèo đói mới.

Đối phó với khía cạnh đau khổ mới

Virus đã gây đau khổ nhiều cho những gia đình nghèo trong một khu ổ chuột Metro Manila. Chỉ hai đứa trẻ sống sót (và bây giờ chúng nghèo hơn trước: hiện chúng là những đứa trẻ mồ côi). Một người cha có năm đứa con hiện thất nghiệp bởi vì nhà máy nơi ông ấy làm việc đã đóng cửa dài hạn. Đại dịch làm cho người nghèo ngày càng nghèo hơn và làm gia tăng số người nghèo. Vì những biến thể khác của virus sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai, nền kinh tế cũng sẽ chịu trải qua một giai đoạn suy thoái/ khủng hoảng mới và những dạng nghèo khổ mới sẽ xuất hiện khi số lượng người nghèo tăng theo cấp số nhân. Do đó, chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn, khả năng mạnh mẽ và chiến lược bền vững để đối phó với những hình thái đau khổ mới này cách hiệu quả. Chúng ta chỉ có thể thực hiện điều này cùng với những người khác – bằng cách cộng tác chặt chẽ hơn, hợp tác có chiến lược và phối hợp hiệu quả. Thật tốt khi thấy các bề trên gia đình Vinh Sơn nhận biết thực tế này và đồng bộ hóa các hoạt động qua việc chia sẻ nguồn lực và thiết lập một trang Web nhằm hỗ trợ các cộng đoàn nghèo đang bị đau khổ trong thời gian đại dịch. Các Tỉnh dòng và các Nhà cần cởi mở hơn và hướng về phía trước nếu muốn đáp ứng hiểu quả những khía cạnh đau khổ mới này. Có nghĩa là cần liên kết với các tổ chức và cơ sở địa phương để đối phó lâu dài. Chỉ khi hợp tác với người khác thì chúng ta mới có thể đối phó một cách hiệu quả.  

Trong khi chúng ta đối diện và hướng đến một tương lai xa lạ và bất ổn, nhiều cơ hội cho phép tinh thần Thánh Vinh Sơn bừng cháy giữa chúng ta và người nghèo. Chính sự kiên định, sáng tạo, và tình yêu của chúng ta dành cho người nghèo sẽ giữ được đức cậy và đức tin của chúng ta sống động như thánh Vinh Sơn đã từng nhắc nhở các thành viên vào ngày 28/06/1658: “Đức tin được rèn luyện cách kì diệu nhất trong bệnh tật; đức cậy chiếu tỏa chói lọi; sự nhẫn nhục và tình yêu Thiên Chúa cùng các nhân đức tìm thấy trong bệnh tật nhiều môi trường để được rèn luyện.”

Ferdinand Labitag, CM
Tỉnh Dòng Trung Hoa