Khi thời tiết Sài Gòn những ngày cuối năm se lạnh hơn, cũng báo hiệu một năm cũ sắp qua và một năm mới đang đến. Sài Gòn, vừa trải qua một cơn đau thương với hơn 15.000 người qua đời vì Covid-19, với đủ mọi tầng lớp, thành phần. Sẵn tính năng động, không vì thế mà sau cú ngã, người Sài gòn buông xuôi, nhưng họ vẫn đứng lên làm lại từ đầu cho dù biết bao khó khăn trước mắt. Trong tâm tình đó, Cộng đoàn Nguyễn Kiệm Sài Gòn cũng muồn góp sức nhỏ bé của mình để làm vơi đi nỗi cơ cực của những phận người cùng khổ nơi vùng biên giới Lộc Ninh, Giáo xứ Lộc Thạnh. Là nơi mà có một anh em Vinh Sơn đang coi xứ.
Thời gian đã được ấn định là ngày 22/01/2022 sẽ khởi hành. Trước đó vài ngày, các nhu yếu phẩm, quà Tết cho người nghèo đã được chuẩn bị khá chu đáo. Sáng hôm đó, các thành viên trong công đoàn đã dậy sớm để chu toàn giờ Kinh sáng và Thánh Lễ chung với nhau, cùng cầu nguyện cho chuyến đi được bình an, mọi việc từ khởi sự cho đến hoàn thành đều dưới sự quan phòng của Chúa, sau đó là ăn sáng. Khoảng 05h50, xe rời khỏi cộng đoàn và thẳng hướng Bình Phước, trong lúc trời còn mờ tối, những ngọn đèn đường vẫn còn sáng và tiếng gà thì đang gáy, báo thức một ngày mới. Quãng đường từ Sài Gòn đến giáo xứ Lộc Thạnh thuộc Giáo hạt Lộc Ninh, Giáo phận Phú Cường là 144 km. Đường đi rất thuận tiện, mặt đường tốt, nên 9g40 là tới nơi. Nhà thờ có Tổng diện tích khoảng 1 ha, có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, và cũng là nơi để xe cho giáo dân đi lễ, cũng như là sân chơi cho các em thiếu nhi sau các giờ học giáo lý. Có ba dãy nhà dùng cho việc dạy học giáo lý và hai khu nhà vệ sinh. Nhà xứ, khu bếp, nhà kho và các phòng ngủ ở phía sau nhà thờ. Vì có nhiều cây ở xung quanh nên mặc dù mặt trời đã lên cao nhưng không khí trong vùng vẫn mát mẻ, dễ chịu.
Sau khi nghỉ ngơi tham quan, khoảng tầm 10h00, đoàn lấy thêm gạo rồi tiếp tục dưới sự hướng dẫn của Cha xứ (Cha Mai Hoài Thương) đi thăm các gia đình nghèo (gốc miền Tây Đồng Tháp). Nghề nghiệp của họ là phơi lá “bưng” đóng gói bán về các tỉnh miền Trung để cho họ đan “nón lá”, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra còn một số người nghèo khác làm nghề thu gom bao nilon cũ về tái sử lý, đóng gói, bán cho các khu công nghiệp ở miền Tây sản xuất hạt nhựa. Bên cạnh đó, còn có một khu dân cư người dân tộc với hơn 50 hộ gia đình hầu hết là nghèo. Họ làm nghề nông, trồng cây công nghiệp lâu năm là chính (cây cao su, điều, cà phê, tiêu và một số cây ăn quả), một số khác làm nghề tự do. Có một điểm đặc biệt, đó là dân cư trẻ ở khu người dân tộc chiếm đa số, họ rất đông trẻ em. Vì là vùng biên giới “xôi đậu”, nên ở đây, người Việt sống chung với người Khơ-me, người có đạo sống chung với lương dân. Nên tình hình an ninh trật tự có nhiều đặc thù, khó khăn trước mắt cũng như lâu dài (trên đây là sơ lược đôi nét về lịch sử vùng đất, con người Giáo xứ Lộc Thạnh; ở một bài khác người viết sẽ viết chi tiết hơn). Đến 11g45 trưa, đoàn chúng tôi dùng cơm huynh đệ với cha chánh xứ, hai ông trùm tại nhà xứ.
Sau khi dùng cơm trưa xong, chúng tôi lập tức lên đường quay trở về Sài gòn. Trên đường về, 15g30 chúng tôi ghé thăm Cộng đoàn các Chị Nữ Tử Bác Ái (NTBA) đang phục vụ tại Bến Sắn (trại phong Bến sắn). Được tiếp đón rất chân tình, Chị phục vụ giới thiệu cho anh em chúng tôi biết lịch sử, hiện tại và dự phóng tương lai của Cộng đoàn và Trung tâm. Trung tâm có tổng diện tích trước 30/04/1975 là 97 mẫu, hiện tại còn 80 mẫu là nhà dòng còn quản lý được. Trung tâm trực thuộc sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, bên cạnh các Seour, còn có các y bác sỹ có chuyên môn về bệnh phong phụ trách điều trị. Nơi đây có các khu vực được chia ra như sau: khu tiếp nhận và điều trị, khu bệnh nhân đã ổn định, nhà kho vật tư y tế, khu nhà cho nhân viên ở, khu nhà Cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái, nhà nguyện, nhà truyền thống, khu nghĩa trang. Ngoài diện tích đã sử dụng ra, phần còn lại trồng rừng để bảo vệ môi trường và tạo khu sinh thái trong lành. Sau nhiều năm sử dụng, khu nhà Cộng đoàn các chị NTBA đang ở đã xuống cấp trầm trọng và không thể sử dụng được nữa. Đầu năm 2021, Tỉnh dòng NTBA quyết định đầu tư xây dựng mới lại khu nhà trên diện tích cũ nơi các chị đang ở. Khi chúng tôi đến, công trình đã hoàn thành 80% khối lượng công việc.
17g20 chiều, đoàn chúng tôi được Chị phục vụ mời dùng cơm chiều chung vui với nhóm các em vừa được rửa tội sáng nay. Họ là các cháu của các bệnh nhân phong trong trại. Bữa cơm có cha mẹ của các cháu và cả các ông bà là bệnh nhân phong đến dự, rất tự nhiên và thân tình.
19g chúng tôi rời khỏi Bến Sắn, về đến Cộng đoàn Nguyễn Kiệm lúc 20g30 và kết thúc chuyến đi tốt đẹp với nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người. Ước mong sao, đây sẽ là những nhánh củi khô hun đúc lửa truyền giáo, phục vụ mọi dạng người nghèo, từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt tại những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Tạ ơn Chúa, đã cho chúng con cơ hội tuyệt vời, để chúng con cảm nếm hương vị ngọt ngào yêu thương đồng loại, như Chúa đã yêu chúng con.
BTT.