021. Hãy cho tôi một con người cầu nguyện

0
1328

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Phêrô Ngô Văn Ngọc

Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.

Pl 4,12-13

“Hãy cho tôi một người cầu nguyện, người đó sẽ có khả năng làm mọi sự” (SV. XI,83). Theo tư tưởng của thánh Vinh Sơn, cầu nguyện là nguồn mạch đời sống thiêng liêng của nhà truyền giáo ; nhờ cầu nguyện, vị thừa sai mặc lấy Đức Kitô, thấm nhuần giáo huấn Phúc Âm, phân định những sự việc và những biến cố bằng con mắt của Chúa, luôn luôn ở trong tình yêu và lòng nhân hậu của Người. Theo cách thức đó, Thần Khí của Đức Kitô sẽ luôn làm cho lời nói và hành động của chúng ta có hiệu quả.

HP 41

Giáo huấn của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện khi chia sẻ với các môn đệ là nỗ lực biến mình thành “nghệ nhân” của việc cầu nguyện. Cầu nguyện phát sinh sự hiệp nhất và năng lực mà công việc tông đồ đòi hỏi. Rút từ kinh nghiệm của thánh Phaolô, cha Vinh Sơn tái xác định rằng việc cầu nguyện là cần thiết cho chúng ta nếu muốn tiến tới về đời sống thiêng liêng phù hợp với nhà truyền giáo. Nếu chúng ta lười biếng cầu nguyện, chúng ta sẽ không muốn là những tông đồ đích thật.

1. Tu Hội Truyền Giáo còn tồn tại bao lâu anh em còn trung thành cầu nguyện

Các nhà truyền giáo không thể thoát khỏi những cơn cám dỗ chống lại ơn gọi của mình, bởi “kẻ thù” liên tục lôi kéo và tấn công khiến các ngài lầm đường lạc lối. Tuy nhiên, những cơn cám dỗ này sẽ là sức mạnh cho các nhà truyền giáo kiên vững trong ơn gọi nếu các ngài cậy nhờ vào việc cầu nguyện cách tin tưởng. Thánh Vinh Sơn tin tưởng hoàn toàn vào một thực tế:

Hãy cho tôi một con người cầu nguyện, người đó có khả năng làm mọi sự, người đó có thể nói được như thánh Tông Đồ: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Tu Hội Truyền Giáo còn tồn tại bao lâu còn trung thành thực hành cầu nguyện. Cầu nguyện là thành lũy vững chãi và là khiên che cho các nhà truyền giáo tránh khỏi mọi sự công kích. Cầu nguyện là vũ khí kỳ diệu, không chỉ dùng để chống đỡ mà con còn để tấn công đánh đuổi hết mọi kẻ thù của Chúa và cho ơn cứu độ các linh hồn.[1]

2. Cầu nguyện là khuyên bảo chính mình

Trong ý hướng ban đầu, xét theo khía cạnh thực tiễn của nhà truyền giáo Vinh Sơn, cầu nguyện là một thực tại thiêng liêng trong đó các ngài tìm gặp chính mình. Chiều kích này bổ sức và tái xác định lần nữa rằng, chúng ta ước muốn diệt trừ tận gốc rễ tội lỗi trong chúng ta và mặc lấy tinh thần của Đức Giêsu, đồng thời cầu nguyện là một phương tiện tuyệt vời để biết mình và đạt tới ân sủng mà Thiên Chúa muốn tặng ban trên chúng ta.

Cầu nguyện là một bài giảng mà một người răn bảo chính mình, hầu nhận biết mình cần cậy trông vào Chúa và cộng tác với ân sủng của Người hầu diệt trừ tận gốc rễ hết mọi ẩn khuất trong tâm hồn, điều này làm cho các nhân đức được lớn mạnh trong chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta phải hết mình đấu tranh với những đam mê, cùng những thiên hướng tội lỗi đang cắn xé. Chúng ta phải phấn đấu luôn hầu hãm mình, bởi ai đã vượt qua được những cám dỗ ấy, những điều khác sẽ dễ dàng hơn.[2]

3. Chúng ta phải nỗ lực đối thoại cách thân mật với Chúa trong cầu nguyện

Cầu nguyện mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, trong đó, cầu nguyện cho phép chúng ta mặc lấy tinh thần của Đức Giêsu; và khi soi rọi vào những hoàn cảnh cụ thể trong đời sống chúng ta biết những bổn phận của mình và truyền cảm hứng cho việc giảng dạy. Thánh Vinh Sơn nói tới những thuận lợi của việc cầu nguyện khi ngài khuyên cha Durand:

Một điểm cực kỳ quan trọng mà bất cứ ai trong anh em phải để tâm suy nghĩ, đó là khi cầu nguyện hãy tạo lập một mối hiệp nhất thân mật giữa mình với Chúa, đó là nguồn mạch từ đó anh em nhận thức việc chu toàn các bổn phận hiện đang đảm nhận. Nếu thấy ngờ vực, cha hãy cậy nhờ Chúa và thưa lên với Người: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của sự sáng, xin dạy con điều con phải thực hiện trong hoàn cảnh này.” Tôi cho cha lời khuyên này không chỉ vì những khó khăn là nguyên nhân làm cha đau buồn, nhưng còn cho chính cha có thể học trực tiếp nơi Chúa điều cha phải dạy dỗ người khác. Theo cách thức này, cha sẽ noi gương Môsê, ông đã công bố cho dân Israel chỉ những điều bắt nguồn từ Đức Chúa, đó là: “Chính Đức Chúa nói với anh em”.[3]

*** Tôi có lắng nghe Thiên Chúa khi Người nói với tôi trong sự thinh lặng của việc cầu nguyện không?

*** Trong những lúc gian nan và khó khăn, tôi có dành giờ để cầu nguyện không?

*** Tôi có chia sẻ với những người khác cảm nghiệm mà tôi nhận được trong cầu nguyện không?

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin tuôn đổ hoa quả của Thần Khí Người trên thế giới, xin sai Thánh Thần đến trên Giáo Hội để mỗi người biết rao giảng Tin Mừng. Giờ đây xin Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong thế giới ngang qua trái tim hết thảy những ai tin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen


[1] Về việc cầu nguyện, O.C., XI, 778

[2] Sđd, 779

[3] Những chỉ dẫn dành cho cha Antonine Durand, 1656, O.C., XI, 237