024. Những người bảo vệ sự bình yên của cộng đoàn
Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm
“Hãy đến với Tôi hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Mt 11, 28
Với lòng cẩn trọng, chúng ta cố gắng kiến tạo những điều kiện thiết yếu cho việc đối thoại trong công việc, kinh nguyện và tình huynh đệ. Đồng thời, chúng ta nên sử dụng cách thận trọng và khôn ngoan phương tiện truyền thông. Tuy vẫn phải đáp ứng những đòi hỏi trong công việc tông đồ, chúng ta cần phải dành một phần nào đó của nhà mình cho sự riêng tư của công đoàn.
HP 24, 4
Coi bộ sự thinh lặng của cộng đoàn là đặc biệt cần thiết cho việc Phúc Âm hóa người nghèo trong thời đại hôm nay, mà cuộc sống của họ bị bủa vây bởi sự ồn ào, hối hả của bao người. Các nhà truyền giáo phải cảm thức được sự thúc bách trở về với trách vụ Phúc Âm hóa – nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng trong quy định về việc nghỉ ngơi, cầu nguyện và thinh lặng đã tiên liệu trong Dự Phóng Nhà. Vì thế, trong thời gian biểu của cộng đoàn, các đấng lập dòng đã nhấn mạnh và quy định về tầm quan trọng to lớn trong việc ưu tiên tiếp xúc thân mật thật sự với Thiên Chúa và với các thành viên của cộng đoàn.
1. Thinh Lặng Lôi Kéo Ân Sủng Dồi Dào Xuống Trên Cộng Đoàn Và Trên Mỗi Thành Viên
Những lợi ích từ việc sống theo thời gian biểu là rõ ràng nhất trong Luật Chung của Tu Hội. Chúng ta xét thấy là những điều khoản về việc tuân giữ luật lệ thực sự cần thiết cho phúc lợi trong công việc tông đồ lẫn đời sống thiêng liêng của các thành viên. Chẳng hạn, trong Luật Chung quy định về việc dừng hết mọi việc khi nghỉ đêm:
Mỗi người hãy cẩn thận tránh làm ồn ào quá mức khi đi lại trong phòng, hoặc trong nhà, đặc biệt lúc đêm hôm hoặc lúc đóng hay mở cửa.[1]
Về việc giữ thinh lặng, Thánh Vinh Sơn nói:
Thinh lặng trong cộng đoàn và của từng cá nhân là ân sủng và phúc lành dồi dào của Chúa. Như thế, việc giữ thinh lặng tương đương với việc lắng nghe tiếng Chúa, nói với Người và tập chú đến những khát vọng của Người. Việc tách mình khỏi những cuộc nói chuyện tán gẫu với người khác là để nghe tiếng Chúa. Vì thế, mục đích của việc thing lặng là tĩnh tâm hầu để Chúa nói với ta. “Ta sẽ quyến rũ nó, mang nó vào trong sa mạc và thổ lộ tâm tình”. (Hs 2, 16)[2]
2. Việc Sử Dụng Phương Tiện Truyền Thông
Ngày nay, phương tiện truyền thông rất tiện lợi và cần thiết cho các hoạt động thông tin và công việc mục vụ của việc truyền giáo. Tuy nhiên, việc lạm dụng chúng thái quá có thể gây phương hại cho cả cộng đoàn lẫn cá nhân. Chúng ta nên dành thời giờ cho nhau hoặc nghỉ ngơi. Vì thế, Giáo luật lưu ý:
Cần suy xét và tuân thủ cách khôn ngoan trong việc sử dụng phương tiện truyền thông. Bất cứ điều gì làm nguy hại đến ơn gọi của một người và gây nguy hiểm đến đức khiết tịnh của một tu sĩ sống đời thánh hiến thì cần né tránh.[3]
3. Tìm Kiếm Sự Thân Mật Với Chúa
Duy trì sự thinh lặng là một phương cách lành thánh giúp cộng đoàn, lẫn từng người tương quan với Thiên Chúa:
Con người nội tâm cảm thấy thời giờ thinh lặng là điều cần thiết vì tình yêu Chúa, và thông thường họ cần một sự cô tịch để kinh nghiệm Thiên Chúa, Đấng nói trong tâm hồn họ. Ta cần nhấn mạnh rằng: khi ta xem thinh lặng chỉ đơn thuần chỉ là vắng bóng ồn ào và lời nói – mà tâm hồn bị bất an – thì rõ ràng là một thứ thinh lặng thiếu giá trị thiêng liêng, và có thể làm tổn thương đến đức ái huynh đệ, trong lúc cần phải có những lời trao đổi với nhau. Mặt khác, tìm kiếm tình thân mật với Thiên Chúa đòi toàn thể con người cần thinh lặng cách sống động, cả với những người tìm kiếm Thiên Chúa giữa những ồn ào náo nhiệt, lẫn những người sống đời chiêm niệm. Đức tin, đức cậy và đức mến dành cho Thiên Chúa giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận những ân huệ Thần Linh, cũng như trong tình huynh đệ là việc mở lòng ra với mầu nhiệm tha nhân…tất cả đều đòi phải có một sự thinh lặng.[4]
*** Tôi có bất cẩn phá vỡ sự tĩnh lặng của cộng đoàn bằng sự ồn ào và cãi cọ nhau không?
*** Tôi có sử dụng phương tiện truyền thông thái quá, vô cảm với anh em trong cộng đoàn hoặc làm phương hại đời sống thiêng liêng của mình không?
*** Tôi có thúc đẩy việc giữ thinh lặng tại nhà để kết hiệp thân tình với Chúa không?
Cầu nguyện
Lạy Đấng Cứu Độ của con, sao giờ Ngài không hành động nữa? Chúng con đánh mất nhân đức thinh lặng. Lạy Chúa, xin ban lại cho Tu Hội Truyền Giáo nhỏ bé này nhân đức ấy. Hãy nguyện xin Chúa, thưa anh em, chúng ta hãy cầu nguyện liên lỉ xin Thiên Chúa tối cao ban lại nhân đức này cho chúng ta. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống, hằng trị cùng Chúa Cha, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.[5]
[1] Common Rules, vii, 6.
[2] “On Silence,” undated, O.C., xi, 787.
[3] Code of Canon Law, 666.
[4] Evangelica Testificatio, June 29, 1971; 46.
[5] “On Silence,” September 20, 1658, O.C., xi, 371-372.