039. Tinh thần nghèo khó

0
1401

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dự dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.

(Pl 4,11-14)

Do lời khấn và theo Hiến Pháp và Quy Chế, chúng ta cần có phép của Bề trên khi sử dụng hay xử định của cải. Nhưng, vì sự cho phép của Bề trên vẫn chưa đủ để vun trồng tinh thần nghèo khó, nên mỗi thành viên còn phải cẩn thận cân nhắc những gì là thích hợp và hòa hợp với đời sống và sứ vụ của chúng ta, theo tinh thần của Đấng Sáng Lập như đã được trình bày trong Luật Chung.

(HP 34)

Sự khó nghèo của nhà truyền giáo cần được quy hướng cho sứ vụ[1] và những đòi hỏi trong việc tùy thuộc vào bề trên của chúng ta.[2] Vì thế, chúng ta cần luôn phân định ý nghĩa cụ thể về tinh thần khó nghèo.

1. Ý nghĩa về đức khó nghèo

Khó nghèo là tự nguyện từ bỏ mọi của cải vật chất và quy thuận ý muốn cũng như phán đoán của mình cho bề trên.[3] Sự tự nguyện từ bỏ này mở rộng không những cho ước muốn sở hữu tài sản mà còn cho cả sự dính bén với của cải mà chúng ta đang có.

Khó nghèo là tự nguyện từ bỏ mọi của cải thế gian vì lòng mến Chúa, hầu có thể phục vụ Chúa cách hữu hiệu hơn và vươn tới ơn cứu độ. Khó nghèo là một sự rũ bỏ, từ khước, chối bỏ, buông bỏ, điều này vừa có tính nội tại vừa có tính ngoại tại, bởi không thể từ bỏ hết mọi của cải mình có được, nếu không phát xuất từ chính nội tâm mình, nghĩa là từ trái tim. Song song với của cải hay tài sản của mình, ta còn phải tách mình khỏi mọi dính bén cũng như lòng quyến luyến với chúng, và đừng để lòng quyến luyến những thực tại mau hư nát này. Nếu chúng ta không từ bỏ ước muốn thu tích của cải vật chất, chúng ta sẽ không làm được gì nữa. Chúng ta chỉ lừa dối và quay lưng lại với điều thiện hảo hơn. Trên hết, Thiên Chúa đòi hỏi vì tâm hồn của chúng ta. Quả vậy, chúng ta hãy xin Chúa, sao cho người không có của cải có thể đạt được công trạng lớn hơn người từ bỏ nhiều của cải? Bởi người không có gì thì từ bỏ với tình yêu lớn hơn. Chúng ta có thể thấy điều này nơi các môn đệ, và đây cũng chính là điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta.[4]

2. Tinh thần khó nghèo là tinh thần của Chúa

Tinh thần nghèo khó là cần thiết, nếu không tất cả mọi thực hành khác về nhân đức này đều vô nghĩa. Theo thánh Vinh Sơn, tình thần khó nghèo là tinh thần của Chúa:

Quả thật, tinh thần nghèo khó là tinh thần của Chúa. Khinh chê điều Chúa khinh chê, quý chuộng điều Người quý chuộng, tìm kiếm những điều Người tán thành, lớn lên trong niềm tin là có được tinh thần của Người. Mà sống theo tinh thần của Chúa là yêu mến và quý chuộng sự nghèo khó như Đức Giêsu và các môn đệ của Người đã thực hành. Bởi vì tinh thần nghèo khó luôn trái ngược với tinh thần của thế gian là óc chiếm hữu, tìm kiếm sự thoải mái và tự mãn, lòng dính bén với sự thế gian, tinh thần của kẻ phản Kitô. Vâng, kẻ phản Kitô – không phải kẻ phản Kitô sẽ đến trước ngày Chúa trở lại – là tinh thần ước muốn của cải, sự sung túc đối nghịch với Thiên Chúa và với những châm ngôn mà Con Chúa đã dạy.[5]

3. Phục tùng quyết định của các bề trên không thôi vẫn chưa đủ

Đức khó nghèo/sự lệ thuộc đòi buộc chúng ta phục tùng các quyết định của bề trên liên quan tới việc sử dụng và phân phối của cải.[6] Tuy nhiên, điều này càng khẩn thiết hơn với chúng ta là những nhà truyền giáo: chúng ta phải nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, chúng ta phải suy gẫm liên lỉ về tinh thần khó nghèo của mình, điều này sẽ giúp bề trên khi ngài cho phép nhận một số của cải vật chất nào đó, đồng thời sẽ mang lại ích lợi thiêng liêng cho việc xin phép. Chúng ta hãy suy gẫm những lời của Đức Phaolô VI khi người nói với các tu sĩ về việc sử dụng của cải vật chất:

Trong nền văn minh và trong một thế giới được đánh dấu bằng sự biến động lớn của sự tăng lên hầu như vô tận về vật chất, các tu sĩ sẽ chứng minh thế nào được về đức khó nghèo, nếu bị cuốn theo sự tìm kiếm vô hạn những tiện nghi, cho là bình thường khi tự cho phép mình được hưởng tất cả những gì người ta cung cấp mà không biết phân định cũng như điều độ? Trong khi nhiều người liều mắc phải hiểm nguy bị đánh lừa bởi sức quyến rũ về sự an toàn mà của cải, hiểu biết và quyền lực mang lại, thì lời mời gọi của Thiên Chúa đặt chúng con (các tu sĩ) nơi đỉnh cao của lương tâm Kitô giáo: Nhắc lại cho loài người biết rằng sự phát triển đích thực cốt tại sự đáp lại lời mời gọi“sẻ chia trong tư cách nghĩa tử vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống, là Cha hết thảy mọi người”.[7]

*** Tôi có hiểu đúng giá trị của sự tùy phụ nơi đức khó nghèo không?

*** Tôi có xem việc xin phép như một phần bổ túc cho việc phân định cá nhân không?

*** Khi không buộc phải xin phép, tôi có cố gắng thực thi trọn vẹn đức khó nghèo/sự lệ thuộc liên quan tới quyết định cá nhân của mình không? Trong sự phân định cá nhân, tôi có thỉnh ý bề trên hoặc các anh em khác để mình bình an không?

Cầu nguyện

Lạy Đấng Cứu Độ nhân hiền, xin ban cho chúng con tinh thần nghèo khó, hầu chúng con chỉ kiếm tìm và ước ao một mình Ngài mà thôi. Bởi tinh thần nghèo khó chỉ đến và tùy thuộc vào Ngài, một lần nữa chúng con khiêm tốn nài xin Ngài ban cho hết thảy chúng con tinh thần đó… Lạy Chúa, chúng con biết rằng nếu chúng con có được tinh thần đó, chúng con sẽ có mọi thứ, dù chúng con có chết, chúng con thật có phúc, bởi danh dự, hạnh phúc và vinh quang biết bao khi được chết như Ngài. Vâng, nếu chúng con sống trong tinh thần nghèo khó, làm sao chúng con chết được. Xin lắng nghe lời chúng con nguyện xin, lạy Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.[8]


[1] Common Rule – Luật Chung, chương III, số 2.

[2] Ibid, số 3, 6, 8, 10.

[3] “On Poverty” – “Về Đức Khó Nghèo”, ngày 14 tháng 11 năm 1659, O.C., xi, số 651.

[4] Ibid, ngày 13 tháng 8 năm 1655, O.C., xi, số 156.

[5] Ibid, ngày 6 tháng 8 năm 1655, O.C., số 140 – 141.

[6] Code of Canon Law – Giáo Luật, số 600.

[7] Evangelica Testificatio – Tông Huấn Chứng Tá Phúc Âm, ngày 29 tháng 6 năm 1971, số 19.

[8] “On Poverty” – “Về Đức Khó Nghèo”, ngày 6 tháng 8 năm 1655, O.C., xi, số 142.