7. KẺ RỐT HẾT GIỮA NHỮNG NGƯỜI RỐT HẾT

0
860

Luigi Mezzadri

6. NHỮNG SINH HOẠT MỚI CỦA THÁNH VINH SƠN


Trong đêm tối, một bóng thoáng qua như lén lút tiến gần lại các cửa nhà thờ hay những dinh thự để lượm những trẻ em. Đó là hình ảnh mà người ta lưu lại cho hậu thế về cha Vinh Sơn. Thật sự, hình ảnh đó không đúng… vì thiếu sót. Sở dĩ cha Vinh Sơn không ra khỏi Saint Lazare về ban đêm lý do đó là vì một người khó có thể giúp đỡ số người nghèo đông như thế được. Sự cao trọng và thiên tài của cha chính là đã khơi dậy sự quan tâm và dấn thân vì người nghèo. Có rất nhiều người đã cùng với cha và tiếp nối cha đã tận hiến cả cuộc đời để phục vụ người nghèo và họ đã tìm thấy được niềm vui và sự triển nở.

Những lãnh vực mà cha quan tâm đến rất đa dạng. Cha không phải vất vả đi tìm người nghèo vì cha luôn luôn thấy họ, và cảm nhận ra họ ngay tức khắc. Mỗi lần cha đi ra phố, cha bắt gặp cái nhìn của một nhân loại bị mọi người bỏ rơi, hay hầu hết mọi người bỏ rơi. Cha Vinh Sơn luôn đứng về phái những người nghèo, không phải với cái nhìn ướt át của lòng trắc ẩn cảm thương nhưng với tinh thần của một con người muốn trả lại cho nhân loại này nhân phẩm và niềm hy vọng. Với những người nghèo, cha không muốn giữ họ lại trong cái nghèo, cha cũng không xem họ như là phương tiện để người giàu lập công mua lấy nước thiên đàng. Ý hướng của cha là giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo đói. Cha đã viết: “Người ta muốn rằng tất cả mọi người nghèo khác, cho dù họ không có mảnh đất nào, vẫn có thể tự nuôi sống mình… bằng cách cung cấp dụng cụ lao động cho đàn ông thanh niên, và với phụ nữ, thanh nữ, thì phân phối máy quay sợi, với chỉ hoặc len… đó là cho những người nghèo nhất mà thôi. Còn bây giờ, hoà bình đã vãn hồi, mỗi người sẽ tự kiếm việc làm và vì binh lính sẽ không còn lấy đi của họ những gì họ sẽ sở hữu, như vậy họ có thể tích luỹ dần dần và ổn định từ từ… và nói với họ đừng trông chờ vào một sự giúp đỡ nào nữa từ Paris”.

Cha Vinh Sơn là một trong những bậc thầy về đàng thiêng liêng, ngài hiểu rõ mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người. Thiên Chúa luôn có mặt trong lịch sử để đưa dẫn cuộc sống của chúng ta ra khỏi chính mình và khai thông một lối đi đến một điều gì khác. Khuôn mặt Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô là một khuôn mặt hoàn toàn hướng về con người. Vì thế, cha Vinh Sơn, thay vì chỉ biết thu mình trên khuôn mặt của con Thiên Chúa, lại đi tìm khuôn mặt của những con người để rồi yêu thương họ với một tình yêu nồng nhiệt và nóng bỏng. Chúng ta biết rằng Hồng Y Pierre de Bérulle sống mỗi ngày lễ Chúa Ba Ngôi trong trạng thái hoàn toàn cô tịch để “tôn kính” Ba Ngôi Thiên Chúa trong mầu nhiệm hiệp thông thầm lặng và vĩnh cửu, và Đức Kitô của Pascal mang hai chiều được diễn tả qua tập nhật ký của ông: “Quên đi thế gian… Chúa Giêsu Kitô”. Cái nhìn của ông về Chúa Kitô rất “bi quan”. Đó là một Thiên Chúa tiêu diệt hết mọi dấu chỉ, chỉ có sức thuyết phục trong sự đau khổ, và ta chỉ tìm và gặp được Ngài trong một sự tự huỷ của bản thân, trong một đà tiến thuần tuý của đức tin không cần biết những lý lẽ của thời gian hấp hối cách biệt chúng ta với thời thế mạt. Ngược lại, cha Vinh Sơn nhìn đám đông đau khổ, và khi nghĩ đến những người nghèo, bệnh nhân, những miền đất bị tàn phá, là cha đã gặp Chúa Giêsu, và trong Ngài, cha gặp được anh em đồng loại. Cha hiểu được thế nào là thân phận của những người nghèo, nhưng cha không sợ hãi họ. Cha không muốn quên đi thế giới để tìm thấy Chúa Giêsu, cha tìm thấy Ngài trong thế giới, tuy không phải thế giới được chiếu sáng bởi một niềm hy vọng rung động của cha Teilhard de Chardin, nhưng dù phải đi qua những lối ngóc ngách âm u vẫn luôn là niềm hy vọng của cuộc sống.

Cha Vinh Sơn chăm sóc rất nhiều hạng người nghèo. Ngài đặt những bệnh nhân đứng hàng đầu. Họ được săn sóc tại nhà hoặc tại bệnh viện. Vào khoảng thế kỷ XVII, mới có sự chuyển biến về cơ cấu tổ chức các bệnh viện.

Cha Vinh Sơn biết rõ các bệnh nhân và đi thăm họ. Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện Bác Ái, Viện Thánh Louis, La Salpêtrière là những nơi rất quen thuộc đối với cha Vinh Sơn. Ở đó, cha đã khám phá ra một nhân loại bị thương tổn và điều đó đánh động cha tận tâm can. Các phòng ở Bệnh viện Trung ương (bệnh viện miễn phí) vừa không có ánh sáng lại vừa thiếu không khí. Điều thấy rõ hơn cả là mùi hôi thối nồng nặc. Bệnh nhân không được sắp xếp theo bệnh trạng của họ, nhưng sống chung chạ không tưởng nổi. Nhiều bệnh nhân phải nằm chung một giường. Khi một bệnh nhân qua đời, một bệnh nhân khác thay thế ngay tức khắc chỗ trống đó.

Bà Geneviève Fayet, quả phụ của ông Antoine Goussault, đã có ý định mời các phu nhân đến viếng thăm bệnh viện này. Cha Vinh Sơn cũng hoan nghênh dự định đó, và bà Goussault trở thành người điều động nhóm gồm toàn các mệnh phụ, mà bà muốn được gọi là “nữ tỳ”.

Ý định của cha Vinh Sơn là các phu nhân chỉ đi thăm chứ không phải săn sóc các bệnh nhân. Đó không phải là một điều mới mẻ gì, vì sự giúp đỡ người nghèo là chuyện đã có từ ngàn đời trong Kitô giáo. Những cuộc nghiên cứu về sự nghèo đói cho thấy vào thời Trung cổ đã có nhiều tổ hợp, hiệp hội tự nguyện giúp đỡ và cứu trợ người nghèo và bệnh nhân. Vào thời đại hôm nay, sự nghèo đói lại có nhiều dạng khác. Thêm vào hình ảnh truyền thống về người nghèo là hình ảnh của một người nghèo nguy hiểm, trên bình diện xã hội cũng như bình diện y tế. Trong các bệnh viện thời đó, người ta thấy đủ thứ bệnh: điên loạn, sốt rét rừng, lao phổi, bệnh tim, dạ dày, bàng quang. Trước thảm cảnh đó, người ta cảm thấy bất lực. Họ đã phản ứng bằng cách chạy trốn hoặc có những hành động thiếu thận trọng, như trường hợp của chị Marguerite Naseau, Nữ Tử Bác Ái đầu tiên đã chết vì đã để cho một bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch ngủ chung giường với chị.

Việc phục vụ người nghèo đối với cha Vinh Sơn thật là một cử chỉ cao thượng đầy tình yêu, một cử chỉ của một môn đệ đích thực của Tin Mừng: “Tôi thấy quyết tâm của cha thật tốt là tiếp tục ban phát các Bí tích cho những bệnh nhân, khuyên bảo đôi lời trong vài bệnh viện vào những dịp lễ trọng và dạy giáo lý vào ngày Chúa nhật. Như vậy thật xứng đáng là một người con của Phúc âm, nhưng sẽ còn tốt hơn nữa nếu cha không bỏ qua để bảo vệ việc đó, thăm viếng các bệnh nhân. Cha đã có thói quen đi thăm họ hằng ngày, an ủi họ trong cơn ưu phiền và khích lệ họ trong sự kiên trì. Xin cha hãy vui lòng tiếp tục công việc đó. Cha hãy dạy họ giục lòng ăn năn tội, lòng kính mến Chúa và trông cậy vào lòng từ bi của Ngài, thúc giục họ ăn năn chừa cải. Tắt một lời, là luôn giúp đỡ bệnh nhân dọn mình chết lành nếu là trường hợp nguy tử, và nếu Chúa để cho họ sống thì sống xứng đáng hơn. Thực ra, đối với những ai không coi đó là việc quan trọng, nếu cứ tiếp tục công việc mãi như thế, thì thật là nhàm chán. Nhưng với cha, cha biết rõ lợi ích của công việc, và nhờ ơn Chúa, cha rất tha thiết với sự cứu rỗi người nghèo thì việc này cũng là một niềm an ủi rất lớn cho cha, một niềm hạnh phúc không sánh. Cho tới bây giờ, cha đã đem lại kết quả cho hàng ngàn người nhờ công việc từ thiện này, và qua tay cha mà các linh hồn đã tìm thấy sự sống vĩnh cửu. Lạy Chúa, có điều gì trên đời này có thể làm cho cha bỏ hoặc chán ngán công việc mà cha đang làm, một công việc rất quí giá trước mặt Thiên Chúa. Tại thủ đô Paris, hàng ngày có biết bao người có thế giá, nam hay nữ, đi viếng thăm, an ủi và khích lệ các bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương và họ làm công việc đó với lòng sung mộ đáng phục và rất kiên trì. Đúng vậy, đối với những ai chưa thấy thì khó mà tin được, và ai đã trông thấy thì rất lấy làm thần phục, vì quả thật, đó là đời sống của các vị thánh, những vị thánh lớn, phục vụ Chúa chúng ta trong các chi thể của Người, với cách thể tốt hơn hết mà các ngài có thể làm được”.

Vì là một cử chỉ cao thượng như vậy, nên cần phải có đủ can đảm để thực hiện. Khi nói về bệnh dịch hạch, cha Vinh Sơn viết: “Lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với những người hiến mình cho Ngài để phục vụ trong Hội Bác ái mà trong đó không ai bị lây nhiễm bệnh dịch hạch, khiến tôi hoàn toàn tin tưởng là cô sẽ không bị lây bệnh đó. Cô có tin rằng, không những tôi đã thăm viếng vị Phó bề trên nhà Saint Lazare, đã qua đời vì bệnh dịch hạch, mà tôi đã ngửi cả hơi thở của ngài? Tuy nhiên, cả tôi, cả những người đã giúp cha ấy cho đến giờ sau hết, vẫn không bị lấy nhiễm”.

Cha Vinh Sơn rất yêu người nghèo nhưng không cùng một mức độ như nhau. Cha dành ưu tiên đặc biệt cho những trẻ em bị bỏ rơi và những người loạn trí.

Vào những ngày lễ lớn, nơi cửa phía trái của Đền thờ Notre Dame, các bà vú nuôi đặt những trẻ nhỏ vào trong một cái thúng và mời gọi mọi người quan tâm đến các em. Đây thật là một cảnh tượng thương tâm nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Một cơ quan chính quyền, La Couche, làm có kết quả hơn một chút. Nhưng vẫn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của bao sinh mạng bé bỏng không được bảo vệ. Vì thế, rất nhiều trẻ em bị chết hoặc bị những người hành khất nhẫn tâm bắt cóc rồi bẻ gẫy chân tay một cách không thương xót và bắt buộc các em đi ăn xin. Các em bé đó không hề được săn sóc riêng và cũng không nhận được một sự âu yếm nào. Chúng không cảm thấy được yêu thương. Một số đông các em đã chết.

Cha Vinh Sơn lo giải quyết vấn đề này và ngài phải vượt qua một số khó khăn. Các phu nhân không đồng ý đảm nhiệm một công tác như vậy. Vì làm thế phải chăng là khuyến khích những thói quen xấu sao? Hơn nữa, công tác này sẽ tốn hao rất nhiều. Trong khi đó có những nhu cầu khẩn cấp hơn. Có lẽ, các bà đã nghĩ rằng mất thời giờ cho những con người không dùng được vào việc gì cả như thế là quá đáng.

Dù vậy, công việc vẫn được bắt đầu vào năm 1638. Đầu tiên, chỉ có một số ít trẻ em, nhưng số đó tăng rất mau. Hai năm sau, cha Vinh Sơn đã quyết định chịu trách nhiệm toàn bộ công việc này. Tháng Giêng năm 1640, cha Vinh Sơn đã triệu tập một cuộc họp các bà. Các mệnh phụ có tên tuổi nhất nước Pháp đều có mặt. Các bà không còn bình phẩm về áo quần hay đồ trang sức, cũng không chỉ trích những kiểu tóc hay con người. Các bà rất chú tâm và hầu như mọi người đều nín thở. Các bà hy vọng là cha Vinh Sơn sẽ dẹp công việc đó. Nhưng họ đã thất vọng.

Lời nói của cha Vinh Sơn phát xuất từ cõi lòng. Cha đã không xét về nguồn tài chính nhưng lo đến nhu cầu: Không nên tiếp tay cho việc giết chóc. Điều lạ là không bà nào cảm thấy mình tầm thường cả, vì cha Vinh Sơn biết cách liên kết các bà hậu thuẫn cho ý nghĩ của mình. Các bà thấy mình như là người xướng lên công việc đó, nên đã tình nguyện dấn thân.

Các chị em Nữ Tử Bác Ái cũng đồng ý như vậy. Trong một lần nói chuyện thân tình, cha đã cho các chị hiểu là công tác chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi được coi là cao cả: “Nếu người đời coi trọng việc phục vụ các trẻ em nhà quyền thế, thì đối với chị em được mời gọi phục vụ con cái Thiên Chúa còn cao trong hơn biết bao”. Và cha tiếp tục nhắc nhở các chị rằng họ đáng lẽ cũng có thể lập gia đình cách bình thường và trở thành mẹ của con cái mình, và nếu như các chị em được chọn phục vụ các gia đình có thế giá thì các chị cũng chỉ được trả một số tiền lương khiêm tốn thôi, nhưng vì đã phục vụ các trẻ em bị bỏ rơi này, các chị sẽ nhận được gì? Thưa, chính Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng.

Con người thực tiễn như cha Vinh Sơn biết tính toán công việc của cha. Trong năm năm đầu tiên của Tu hội Nữ Tử Bác Ái, các chị đã chăm sóc 1.200 trẻ em. Cha đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, nhưng vẫn chưa đủ. Một vài người vì quá thận trọng cho rằng làm như vậy là thách thức sự quan phòng của Thiên Chúa. Và như vậy là thái quá, không thể tiếp tục nữa. Nhưng cha Vinh Sơn không nghe theo. Năm 1647, cha đã có một bài diễn thuyết nổi tiếng, sau khi cha đã nhận xét cách sáng suốt về những lý do thuận và nghịch, cha đi đến kết luận: “Thưa quí Bà, lòng trắc ẩn và bác ái đã thúc đẩy các Bà nhận các em bé yếu đuối này làm con, như vậy quí Bà đã trở thành mẹ của chúng, xét theo ân sủng, kể từ khi các bà mẹ của chúng xét về huyết nhục, đã bỏ rơi chúng. Bây giờ quí bà lại không còn làm mẹ các trẻ em đáng thương này nữa, để trở thành những quan toà xét xử chúng, sự sống và cái chết của các em nằm trong tay quí bà; tôi sẽ lấy biểu quyết. Đã đến lúc phải tuyên án về số phận của các em này để xem quí Bà có còn thương chúng nữa hay không. Các trẻ em này sẽ được sống nếu quí Bà tiếp tục chăm sóc chúng và ngược lại, chắc chắn chúng sẽ chết nếu quí Bà bỏ rơi chúng, kinh nghiệm không cho phép quí Bà nghi ngờ điều đó”.

Năm 1649, cuộc nội chiến La Fronde làm cạn rất nhiều nguồn tài trợ cho công tác này. Có những bà vú nuôi đã đem các trẻ em trả lại vì không được trả tiền lương. Cả bánh mì, quần áo và tiền bạc đều thiếu, chỉ có số nợ càng ngày càng gia tăng. Cha Vinh Sơn, một lần nữa, muốn mời các bà họp lại. Nhiều phu nhân đã cho biết là họ không còn tiền nữa. Nhưng các bà vẫn còn những đồ trang sức quí giá, còn của cải, các bức tranh có giá trị, những tấm thảm nhiều màu, quần áo và tôi tớ. Thêm một lần nữa, cha Vinh Sơn đã biết cách thuyết phục các bà.

Cha Vinh Sơn cũng có một tấm lòng ưu ái đối với những bệnh nhân loạn trí. Phúc âm cũng là một sự điên rồ, sự điên rồ của Con Thiên Chúa, cớ vấp phạm và điên rồ của Thập giá. Chiếc áo choàng trắng mà Hêrôđê khoác cho Chúa Giêsu, được cha Vinh Sơn coi như là một dấu chỉ tiên tri. Trong sự tấn phong đó, trạng thái rồ dại lại được thánh hoá. Và cha đã muốn giữ những người loạn trí ở gần gũi cha tại nhà Saint Lazare. Năm 1655, cha gọi các Nữ Tử Bác Ái đến Viện Ménages để giúp đỡ những người vô tội nhất trong số được giữ tại đó.

Công tác từ thiện của cha dành cho những người có tội bị giam giữ bắt đầu nhanh chóng. Một cách nào đó, cha đã học được kinh nghiệm khi gần gũi với tù nhân khổ sai. Cha đã run sợ khi thăm viếng nhà tù của họ. cha tìm cách giải quyết vấn đề các dịch vụ phục vụ tù nhân, đã được phép di chuyển các tù nhân này về La Tournelle và cổ võ việc lập cho họ một bệnh viện ở Marseille. Đây là công trình của vị Thánh Giám mục Jean Baptiste Gault, đã qua đời năm 1643, đã sung sướng vì bị lây bệnh từ các tù nhân khổ sai và được “Chết trên giường vinh dự”. Năm 1640, cha đã gởi tới đó một nhóm các Nữ Tử Bác Ái. Đó là một sự kiện thật phi thường, nhất là khi ta nhớ lại cha Vinh Sơn đã rất nhiều lần chống lại việc đưa vào đây những gái điếm. Nhưng một khi cha đã hiểu điều quan trọng cần phải có trong công tác này là sự dịu dàng của nữ giới, cha nhắc nhở các chị phải khiêm tốn, ý tứ, thận trọng, cha cũng khuyên các chị hãy coi mình như ba trẻ nhỏ ở giữa lò lửa. Cha đã thấy các tù nhân bị đối xử như những con vật, cho nên việc các chị phục vụ họ là điều chính đáng, vì “Nữ Tử Bác Ái chính là Nữ tử của Thiên Chúa”.

Nơi đây đã cho ta thấy gương can đảm của chị Barbe Angiboust. Nhiều lần chị đã bị đối xử tệ, các tù nhân đã có lần hất đổ cả nồi cháo nóng bỏng, họ còn dùng những lời thô tục để lăng nhục chị. Nhưng chị vẫn im lặng, nhặt lại tất cả vật dụng và tha thứ. Nhiều lần chị Barbe còn ngăn cản những cai tù đánh đập các tù nhân.

Cha Vinh Sơn lại còn can thiệp vào một lãnh vực khác: nạn hành khất. Đây thật là một tai hoạ và cũng cũng là một sự thách đố. Xét như là một tai hoạ, việc ăn xin gây bối rối cho những người theo truyền thống. Họ không thể chịu được trước số đông những hành khất, tật xấu và sự bẩn thỉu của những người nghèo. Như vậy, vào thời Trung cổ người ta chung sống với cảnh nghèo đến nỗi coi đó như là một mối phúc, thì từ thế kỷ XVI, việc hành khất bị coi như là đồng nghĩa với sự vô luân hay sự hư vong mà người nghèo phải chịu trách nhiệm (người ta không tìm hiểu các nguyên nhân). Người ta tiếp tục chấp nhận bố thí, nhưng như là một điều ít tai hại nhất.

Ở thế kỷ , người ta giải quyết vấn đề hành khất bằng cách nhốt những người nghèo lang thang và dần dần tạo cho họ có khả năng làm việc bắt đầu từ một ý tưởng hám lợi.

Năm 1653, khi cuộc nội chiến La Fronde chấm dứt, cha Vinh Sơn được một nhà hảo tâm tặng một số tiền rất lớn, vào khoảng 100.000 bảng, để sử dụng vào các công tác từ thiện. Ân nhân lại muốn giấu tên. Cha liền mua một ngôi nhà và đặt tên “Nom de Jésus” và sửa chữa lại để đón nhận 40 khách trọ, 20 đàn ông và 20 đàn bà. Những vị khách này đã được dành cho đầy đủ tiện nghi, sống một đời thanh thản và tìm thấy nơi đó bầu khí đạo đức. Điều này đáp ứng trọn vẹn đòi hỏi của tinh thần Vinh Sơn là phải giúp đỡ người nghèo cả về thể xác và tinh thần. Các phu nhân khi nhận thấy kết quả tốt đẹp ở nhà “Nom de Jésus” đã đề nghị thực hiện một nhà tương tự như vậy tại Paris, và các bà đã giao cho cha Vinh Sơn thực hiện. Theo cách đó, các bà có ý giải quyết vấn đề hành khất. Và các bà khẩn trương hành động. Louise de Marillac góp ý, nếu đây là giải pháp chính trị, thì tốt hơn nên giao cho quí ông, nhưng nếu muốn đưa bác ái lên trên, thì tốt hơn nên giao công việc đó cho các bà.

Hoàng hậu Anne D’Autriche ủng hộ dự án. Người duy nhất còn do dự là cha Vinh Sơn. Cha tự bào chữa rằng: Ông Noê đã phải mất 100 năm để đóng con tàu. Do đó, cha đề nghị thử nghiệm với khoảng 100 hay 200 người nghèo: “Chúng ta chỉ nên nhận những người tự nguyện, không cưỡng ép một ai hết. Và nếu số người này được đối xử tử tế và họ bằng lòng, điều đó sẽ lôi cuốn những người khác. Như vậy, dần dần số người sẽ tăng lên và Chúa Quan Phòng sẽ gởi đến cho chúng ta những nguồn tài trợ. Làm được như vậy thì chúng ta sẽ không làm phương hại gì cả. Còn sự vội vã và cưỡng bức người khác, trái lại sẽ ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa”. Đến tháng 3, chiếu chỉ của vua ra lệnh cấm chỉ việc hành khất, và điều mà cha Vinh Sơn cảm thấy trước đây xảy ra đúng y như vậy. Người ta đã phải dùng những biện pháp quá mạnh để chống lại những kẻ bất phục tùng. Những người lang thang, những người khó tin cậy được và tất cả các hành khất ở tỉnh lên đều bị xua đuổi. Khi nhìn thấy các đội cảnh sát tuần tiễu trên các đường phố để lùng bắt các hành khất, sự hoảng sợ đã lan truyền khắp nơi. Tại Paris có tất cả chừng 40.000 hành khất, nhưng chỉ khoảng 1/10 trong số đó phục tùng sắc lệnh của nhà vua.

Cha Vinh Sơn đã nhìn thấy trong sự tách biệt đó một hành động của cảnh sát. Các tu sĩ ở Saint Lazare đã được bổ nhiệm làm tuyên uý để chăm sóc phần rỗi người nghèo, với trách nhiệm của vị Bề trên nhưng dưới quyền của Ban giám đốc bệnh viện. Cha Vinh Sơn và các cha Tu hội Truyền giáo đã từ chối một hoàn cảnh như vậy. Cha không muốn đi theo ý tưởng hám lợi để giải quyết vấn đề hành khất với biện pháp cảnh sát. Cha cũng từ chối luôn cả sự bổ nhiệm mà các phu nhân đã đề nghị. Cha rất kính trọng những người nghèo và không muốn trở thành người cai tù của họ.


8. BÊN KIA ĐẠI DƯƠNG