Các nhà truyền giáo Vinh Sơn làm gì ở Madagascar? Cùng khám phá khu dân cư Tanjomoha, một trung tâm dành cho người khuyết tật

0
1472

Để chuẩn bị cho chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Madagasca từ ngày 07 đến 10 tháng 09, chúng tôi muốn giới thiệu một số công trình nổi bật đã được các nhà truyền giáo Vinh Sơn tiến hành ở đây. Cha Émeric Aymot d’Inville là người đứng đầu tại đây và là người chịu trách nhiệm cho công trình ở Foyer Tanjomoha.

Một mái ấm đặc biệt giành cho người khuyết tật.

– Khu dân cư Tanjomoha tọa lạc tại Vohipeno, trên bờ biển phía đông nam của Madagascar. Nhiệm vụ của khu này là đón tiếp những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất trong vùng ngoại ô Madagascar, để hỗ trợ họ tìm ra giải pháp lâu dài cho sự khiếm khuyết đáng thương, mà họ không thể tự mình giải quyết. Khu này được thành lập vào năm 1986 bởi Cha Vincent Carme, nhà truyền giáo Vinh Sơn, và được điều hành bởi các thành viên của Tu Hội Truyền Giáo, với sự cộng tác chặt chẽ của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.

– Khi thành lập khu Tanjomoha, Cha Carme quan tâm nhất đến những trẻ bị khuyết tật về cơ vận động, và điều này vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay. Trẻ khuyết tật là những người nghèo nhất trong số những người nghèo nhưng không được nhà nước hỗ trợ ; chúng trở thành gánh nặng lớn cho gia đình. Đôi khi, chúng bị gia đình hắt hủi, bởi chính gia đình chúng cũng nghèo khổ. Vì các thủ tục điều trị thường tốn kém, nền giáo dục đặc biệt và dụng cụ chỉnh hình thường đắt đỏ, nên cha mẹ trẻ khuyết tật không thể điều trị y tế cho chúng. Ngoài ra, gia đình không gửi chúng đến trường, vì vậy trẻ khuyết tật thường ở nhà và không làm gì cả. Khu dân cư này tồn tại để đáp ứng những nhu cầu quan trọng như vậy, nghĩa là mang đến cho những trẻ khuyết tật sự điều trị hiệu quả và nền giáo dục với những triển vọng mới, để giúp chúng có được cuộc sống độc lập nhất có thể.

 

Được thành lập dựa trên một nghiên cứu nghiêm túc về sự thích nghi:

Cha Carme nói: “Chính nhờ giáo dục, chúng tôi có thể cung cấp cho những người trẻ khuyết tật một công việc, giúp họ hòa nhập xã hội tốt hơn và mang lại cho họ một cuộc sống gia đình viên mãn”. Khu dân cư Tanjomoha có:

– Một lớp học xóa mù chữ giành cho những người không thể đọc hoặc viết: đứng đầu là cô Léonie, một giáo viên chuyên ngành, bản thân cô cũng bị khuyết tật.

– Một trường dạy may và thêu (chương trình nội trợ) do một Sơ đứng đầu và bốn giáo viên hỗ trợ. Trường này giành riêng cho các cô gái, nhưng cũng đón nhận những chàng trai có sở thích nội trợ. Sau khi tốt nghiệp, mỗi người sẽ nhận được một chiếc máy may làm quà tặng để giúp họ hòa nhập với cuộc sống lao động.

– Một xưởng học nghề mộc: xưởng này dành cho những cậu bé khuyết tật có hai tay khỏe mạnh và có ít nhất một chân lành lặn, bởi vì khóa đào tạo đòi hỏi sự cân bằng và một thể lực tốt. Học sinh học cách làm tất cả các loại đồ nội thất: ghế, giường, tủ quần áo, cửa, ghế băng, cửa sổ. Khi ra trường, họ nhận được bằng tốt nghiệp và một hộp công cụ để họ có thể làm việc và kiếm sống. Cha Prosper, một nhà truyền giáo Vinh sơn, điều hành xưởng mộc cùng với ba nhân viên hỗ trợ.

Nơi này cũng giúp những người trẻ tiếp tục học trung học và học Cao đẳng ở trường Thánh Geneviève, được điều hành bởi Các Nữ Tử Bác. Chúng tôi cũng giúp họ học đại học chuyên ngành quản lý, ngôn ngữ, điện tử hoặc y tế. Một trường hợp điển hình là Julien, người có bằng tiến sĩ về quản lý.

Chúng tôi nhận thấy ngành Công Nghệ Thông Tin và Quản Lý Ứng Dụng mang lại cơ hội tìm việc làm tốt hơn. Đó là lý do tại sao vào cuối năm 2013, chúng tôi thành lập Trường Đào Tạo Khoa Học Máy Tính Và Quản Lý Ứng Dụng, với sự khuyến khích của các Bề trên, Giám Tỉnh và Đức Giám Mục. Trường này sẽ đào tạo trong hai năm. Chủ yếu, khóa đào tạo này giành cho những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, hoặc những người trẻ có năng khiếu từ những ngôi nhà khác của chúng tôi: nhà Deguise và De Carme.

Điều trị khuyết tật: điều trị khuyết tật là một phần không thể thiếu trong dự án khu dân cư Tanjomoha. Điều trị và giáo dục là hai thành phần thiết yếu nhất. Việc điều trị nhằm giúp người khuyết tật có khả năng điều khiển tay chân tối đa có thể. Có nhiều cách khác nhau:

– Nghiên cứu chỉnh hình: được thực hiện mỗi năm vào tháng 6 bởi một nhóm bác sĩ, vật lý trị liệu và kỹ thuật viên.

– Phẫu thuật chỉnh hình: lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2008 ở Vohipeno, tại bệnh viện Henintsoa, được điều hành bởi dòng Các Nữ Tu Nhân Lành, gần Tanjomoha.

– Phục hồi chức năng: Việc điều trị khuyết tật chủ yếu là luyện tập phục hồi chức năng và sử dụng thiết bị chỉnh hình. Những người trẻ khuyết tật đang học tại nhà phải luyện tập một giờ mỗi ngày, dưới sự hướng dẫn của sơ Honorine và hai trợ lý.

– Sửa giày chỉnh hình: thường thì chúng tôi sử dụng da và sắt, vào tháng 9 năm 2016, chúng tôi bắt đầu sản xuất tay chân giả và các đòn bẩy bằng nhựa, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của một chuyên gia người Tây Ban Nha, người đã cung cấp cho chúng tôi tất cả vật liệu và thành phần cần thiết (ống được gia công, chân giả, nhựa và các vật liệu cần thiết khác).

Hỗ trợ các dạng khuyết tật khác:

– Đào tạo người mù và khiếm thị: dạy học tại nhà cho 25 trẻ bị mù và khiếm thị tại các trường chuyên biệt ở Farafangana, trong một cơ sở cũ của người Tin Lành ; và gần đây là ở Fianarantsoa, tại trường Ephata, do các sơ dòng Mẹ Vô nhiễm điều hành.

– Đào tạo cho người điếc và khiếm thính: khu này cũng đào tạo 25 người bị điếc và khiếm thính tại một trường chuyên biệt ở Antsirabe, do người Tin lành quản lý. Họ là những người tiên phong trong lĩnh vực này.

– Đào tạo những người trẻ bị thiểu năng trí tuệ: khu này giúp hàng chục trẻ em và thanh thiếu niên bị thiểu năng trí tuệ được học tập tại một trường chuyên biệt ở Manakara. Trường này tên là CES, một chi nhánh của trường cao đẳng Mary, do các Nữ Tử Bác Ái điều hành.

Cuối cùng, ngoài các nghiên cứu được thảo luận ở trên, dự án giáo dục do khu dân cư Tanjomoha lập ra còn bao gồm giáo dục luân lý và đào tạo tâm linh. Khi chúng tôi theo dõi các hoạt động của khu này, bài viết tiếp theo của chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cho các bạn.

Dario Jean, CM – Tỉnh dòng Madagascar

Xuân Quang chuyển ngữ