Chúa nhật III Mùa Chay  – Năm C

Đăng ngày: 22/03/2025

(Bài đọc I: Xh 3:1-8a,13-15; Bài đọc II:1 Cr 10:1-6,10-12; Tin Mừng: Lc 13:1-9)

Nhìn lại đời sống tương quan với Chúa

Mùa Chay là thời gian để đánh giá lại mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Đây không phải là thời gian để tự sám hối vì mục đích tự trừng phạt. Điều đó đã lỗi thời với “thời kỳ trung cổ”. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu và sự tha thứ. Tuy nhiên, mọi điều tốt đẹp đều có giới hạn hoặc ranh giới của chúng. Mùa Chay cho chúng ta thời gian để lùi lại để xem chúng ta đang đi về đâu trong mối quan hệ của mình với Chúa và liệu chúng ta có cần một số sự điều chỉnh cho con đường của mình hay không. Một điều mà tất cả chúng ta đều có thể mắc phải vào một thời điểm nào đó là sự tự mãn—niềm tin rằng chúng ta “đang ổn”. Thiên Chúa của chúng ta muốn nhiều hơn từ chúng ta những gì chúng ta có thể nghĩ là “đủ tốt”.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Xuất hành (3:1-8a, 13-15). Đây là một trong những câu chuyện sâu sắc nhất trong Cựu ước. Đây là lần đầu tiên ông Môsê gặp gỡ Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa mặc khải chính mình cho ông và kêu gọi ông thực hiện một sứ mệnh đặc biệt. Đồng thời, Thiên Chúa giải thích rằng, Ngài đã nghe thấy tiếng kêu than của những người Israel hiện đang sống trong cảnh nô lệ và Ngài có ý định giải thoát họ thông qua sự lãnh đạo của ông Môsê. Vào thời điểm này, ông Môsê không được người Ai Cập hay chính dân tộc của ông, những người Israel ủng hộ, và vì vậy, ông xin Chúa một dấu chỉ để chứng minh. Thiên Chúa ban cho ông danh hiệu của Ngài  “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3, 14). Vào thời điểm đó và trong nền văn hóa đó, việc đưa ra danh xưng của một người xa lạ, có nghĩa là Môsê đã được coi là người đại diện cho người ấy. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng sau tất cả những điều này, khi dân Israel được giải thoát khỏi cảnh nô lệ được nuôi dưỡng, chăm sóc họ trong sa mạc, họ vẫn nổi loạn chống lại Thiên Chúa và phạm tội vì họ trở nên tự mãn. Nhưng Chúa cũng có giới hạn của Ngài.

Thánh Vịnh Đáp Ca là (103:1-11). Trong lời cầu nguyện này, người viết thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa vì lòng nhân từ và lòng thương xót của Người, và liệt kê nhiều phẩm chất này, nhưng kết thúc bằng một lời cảnh báo ẩn ý, ​​“lòng nhân từ của Chúa dành cho những ai kính sợ Ngài”. Nghĩa là chúng ta đừng vì Thiên Chúa nhân từ mà lạm dụng lòng tốt ấy.

Bài đọc thứ hai được trích từ Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (10:1-6, 10-12). Trong đoạn văn này, Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta lý do tại sao Thiên Chúa không hài lòng với dân Israel trong bài đọc thứ nhất và ngài tiếp tục nói, “những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta”  (1 Cr 10, 6)  và hơn nữa, “ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10, 12).  Vậy điều cần thiết là mỗi người hãy xem lại bản thân và sám hối nếu cần thiết để thay đổi đời sống của mình nên tốt hơn.

Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca (13:1-9). Người dân thời Chúa Giêsu thường nghĩ sai rằng bất kỳ điều không may nào, chẳng hạn như tai nạn hoặc bệnh tật, đều là dấu hiệu của tội lỗi nơi người hoặc những người không may mắn. Chúa Giêsu chỉ ra rằng điều này không đúng. Những ai không cẩn thận về mối quan hệ của mình với Chúa sẽ gặp nguy hiểm hơn: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13, 3). Ngài đưa ra ví dụ về một cây vả có đầy đủ lá với vẻ ngoài khỏe mạnh, nhưng lại không ra trái. Ngài chủ ra lệnh chặt cây vì nó không hoàn thành mục đích dự định. Tuy nhiên, người làm vườn xin thêm thời gian để làm việc với cây với hy vọng rằng nó sẽ đáp lại.

Mùa Chay giống như ‘thêm thời gian’ hay cơ hội để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Chúa để hoàn thành mục đích dự định của mình. Chúng ta cần nhìn vào đời sống thiêng liêng để xem nó có thực sự phát sinh những hoa trái tốt lành hay chưa? Điều này cần có sự đánh giá từ phía đời sống nội tâm bên trong để có thể thay đổi đời sống cách tích cực hay hiệu quả.

Cụ thể sứ điệp Lời Chúa trong Chúa nhật thứ III Mùa Chay này là lời mời gọi hoán cải, kiểm điểm bản thân mỗi người xem chúng ta đã quan tâm đến đời sống thiêng liêng như thế nào. Sự ăn năn, hoán cải mô tả sự thay đổi tư duy, lối sống và con tim. Chúa Giêsu rao giảng sự hoán cải để khuyến khích mọi người mở mắt ra để nhận ra tình yêu của Chúa đang hoạt động giữa họ, cách Chúa đang ngự trị giữa họ, giống như những gì Ngài đã làm cho dân Do thái trong sa mạc và bây giờ là cho chúng ta với tư cách người Kit ô hữu. Chúng ta có nhận ra Chúa đang hướng dẫn, đồng hành và săn sóc đời sống thiêng liêng của chúng ta không? Chúng ta cần làm gì để đáp lại cho xứng với ơn Chúa cứu độ chúng ta?

Và như vậy tâm tình thích hợp mỗi người chúng ta cần có trong Mùa Chay này là kiểm điểm bản thân, xem lại mối tương quan của mình với Chúa, sự hoán cải và thay đổi bản thân là điều cần thiết mỗi ngày chúng ta cần thực hiện, để từ đó tâm hồn chúng ta mới có thể phát sinh những hoa trái tốt lành và đó chính là điều Thiên Chúa mong ước cho mỗi người chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM.