Chúa nhật IV Mùa Chay  – Năm C

Đăng ngày: 29/03/2025

 

(Bài đọc I: Gs 5:9a,10-12; Bài đọc II: 2 Cr 5:17-21; Tin Mừng: Lc 15:1-3,11-32)

Một khởi đầu mới trong tim

Chủ đề của Bài đọc Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay giống như hai mặt của một đồng xu. Một mặt cho thấy tình cảnh của tội lỗi và sự xa lánh, mặt kia cho thấy sự tha thứ và hòa giải. Trong đời sống của người Kitô hữu, đôi khi chúng ta ở mặt này và đôi khi chúng ta ở mặt kia. Đây là một phần trong bản chất con người của chúng ta. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa cũng giống như vậy, chúng ta cần thay đổi, nếu điều hiện tại đang làm chúng ta xa Chúa. Hay nói khác đi, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được một sự nối kết trong đời sống sống thiêng liêng của mỗi người đó là: cử hành, hoán cải, Thiên Chúa nhân hậu.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Giôsuê (5:9a-12). Ông Giôsuê là người kế vị ông Môsê, chịu trách nhiệm đưa dân Israel vào Đất Hứa sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc vì tội lỗi của họ. Quá khứ giờ đã bị lãng quên tại vùng đất mới này. Tại đây, họ cử hành Lễ Vượt Qua hàng năm và ăn sản vật của đất, thay vì ăn manna đã nuôi sống họ trong suốt những năm trước đó. Việc vào vùng đất mới này báo hiệu một khởi đầu mới trong mối quan hệ của dân Israel với Chúa. Giống như thể Chúa đang chào đón họ trở về nhà. Họ vui mừng sống tâm tình của việc cử hành ngày lễ, để nhớ về tình thương của Chúa đã dành cho họ: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập” (Gs 5, 9a).

Thánh Vịnh Đáp Ca là (34:2-7). Đây là lời cầu nguyện mà ông Giôsuê có thể đã hát trong Lễ Vượt Qua đầu tiên khi vào Đất Hứa. Ông nhận ra rằng Manna mà họ đã ăn từ lâu, Thiên Chúa ở đó dưới hình thức tình yêu và sự quan tâm của người cha dành cho dân Ngài. Điều tương tự cũng đúng khi chúng ta ăn và uống Mình và Máu của Đấng Cứu Độ chúng ta, Chúa Giêsu Kitô; khi chúng ta đón nhận Ngài bằng cả trái tim và tâm trí để tạ ơn vì nhiều ân sủng và phúc lành của Ngài.

Bài đọc thứ hai được trích từ Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (5:17-21). Đoạn văn này có phần giống như một phiên bản cập nhật của câu chuyện ông Giôsuê. Chúng ta giống như những người Israel trước khi hoàn thành cuộc hành trình trong sa mạc. Chúng ta sống trong tình trạng của phản bội và tội lỗi. Sau đó, Thiên Chúa chào đón chúng ta vào gia đình của Ngài qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu hình phạt mà chúng ta không bao giờ có thể chịu đựng được.

Qua bí tích Rửa tội và bí tích Hòa giải, chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để được hòa giải với Thiên Chúa qua Chúa Kitô, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 21). nhưng chúng ta có tận dụng cơ hội đó không? Khi chúng ta hòa giải với Chúa, chúng ta có thể và  trở thành đại sứ của Chúa Kitô bằng cách cho người khác biết những ân sủng và ân phúc mà chúng ta đã nhận được. Đó chính là tâm tình của sự hòa giải mà mỗi người cần có trong tương quan với Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta.

Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Thánh Luca (15:1-3, 11-32). Ở đây chúng ta có câu chuyện quen thuộc mà chúng ta gọi là “người con hoang đàng”, mà đúng hơn nên gọi là “Người cha nhân hậu”. Chúng ta đều biết rõ người con thứ đã làm gì, nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn vào người con cả. Xem ra anh là một người con hiếu thảo tốt lành, khi anh ta nói, “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè” (Lc 15, 29). Chúng ta thấy qua câu nói này rằng, mặc dù anh ta không bỏ trốn và phung phí gia tài thừa kế của mình như người em và anh ta trung thành phục vụ cha mình, nhưng anh ta sống từng phút giây trong nhà cha mình với sự oán giận, hờn giỗi, ghen tương, thù ghét… Công việc của anh ta không phải do tình yêu dành cho cha. Một điều gì đó được thực hiện vì lý do sai trái vẫn là sai trái và có thể dẫn đến những sai lầm khác!

Cho nên cả hai người con đều cần sự hoán cải với người Cha nhân hậu của mình. Vì cả hai đều để cho con tim và tâm hồn của mình xa lạc khỏi Cha, Đấng đầy lòng thương xót. Sự hòa giải nhằm mục đích sửa chữa và khôi phục lại các mối quan hệ. Vì thế cả hai người con đều cần phải có một khởi đầu mới từ trong tim của mình. Tương tự như vậy, đó là mối quan hệ giữa bản thân mỗi người chúng ta là một người con, với Thiên Chúa, là Cha, Đấng luôn yêu thương chúng ta vô điều kiện. Người Cha này hòa giải, chữa lành các mối quan hệ tan vỡ, chào đón và trân trọng mọi tạo vật. Việc hòa giải với Chúa của lòng nhân hậu chắc chắn sẽ có tác động chuyển hóa đối với người được hòa giải, người này sẽ không chỉ là sứ giả của sự hòa giải mà còn là hiện thân của sự hòa giải.

Vậy, chúng ta là ai trong hai người con: người nghĩ rằng mình rất công chính hay người kia cuối cùng đã nhận ra tội lỗi của mình và quay về với Cha để cầu xin lòng thương xót? Mùa Chay là thời điểm hoàn hảo để nắm lấy bàn tay của Chúa và hòa giải với Ngài. Tất cả những gì chúng ta phải làm là suy ngẫm về những đau khổ của Chúa Kitô, Đấng đã chịu đựng những đau khổ đó thay cho chúng ta, và sau đó cầu xin sự tha thứ của Ngài — thông qua Bí tích Hòa giải, nếu cần.

Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay theo truyền thống được gọi là Chúa Nhật Laetare. Laetare là một từ tiếng Latin có nghĩa là “vui mừng”. Tin Mừng hôm nay mô tả lý do cho niềm vui của chúng ta: tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho chúng ta đã được mặc khải trong Chúa Giêsu. Qua Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Người, Chúa Kitô đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Có hòa giải và đón nhận tình yêu của Chúa, Đấng đầy lòng thương xót thì các cử hành của chúng ta mới thực sự mang lại niềm vui trọn vẹn.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM.