CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI! HALLELUIA
1. Các bài đọc
Bài đọc I: Cv 10:34a,37-43
Bài trích sách Công vụ Tông đồ: thánh Phêrô rao giảng về đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.
Đáp ca: Tv 118:1-2,16-17,22-23
Thánh vịnh 118: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Bài đọc II: Cl 3:1-4
Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Colosê: được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy chú tâm những gì thuộc thượng giới.
Tin Mừng: Ga 20:1-9
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Maria Madalena đã nhìn thấy viên đá được lăn ra khỏi mộ Đức Giêsu.
2. Chia sẻ
Hôm nay chúng ta bắt đầu Mùa Phục sinh, 50 ngày suy niệm về mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết về việc các môn đệ khám phá ra ngôi mộ trống. Nó kết thúc bằng cách nói với chúng ta rằng, họ chưa hiểu rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ kẻ chết. Do đó, các chi tiết được cung cấp không nhất thiết phải cung cấp bằng chứng về sự Phục sinh. Các chi tiết mời chúng ta suy ngẫm về một món quà tuyệt vời nhất, đó là đức tin vào Chúa Giêsu và sự Phục sinh của Ngài.
Chúa đã sống lại qua lời chứng của các tông đồ
Sự kiện Chúa phục sinh không phải là một câu chuyện tự nhiên ai cũng biết. Nhưng đó là một biến cố được Kinh Thánh ghi lại qua lời chứng của các tông đồ. Các ông là những người đã đi theo Chúa trong suốt cả hành trình đời mình và đã chứng kiến câu chuyện về cuộc đời rao giảng của Chúa từ đầu cho đến cuối. Cho nên sau khi Chúa phục sinh, không ai khác có thể nói một cách khả tín cho bằng các tông đồ về biến cố trọng đại này.
Trước hết, bằng chứng đó đã được ghi lại qua câu chuyện trong bài Tin Mừng qua hình ảnh của bà Maria Madalena, người đã phát hiện ra sự “bất thường” nơi ngôi mộ của Chúa Giêsu, khi bà là người đầu tiên viếng thăm mộ Chúa sau ngày lễ Vượt Qua “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20, 2). Thế nhưng, người môn đệ cùng đi với Phêrô đã là người cảm nhận rõ nhất về biến cố này, qua đức tin của ông, khi “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Quả là một thách đố niềm tin cho các tông đồ và cho tất cả những ai quan tâm đến sự kiện này. Làm sao để có thể tin vào một người chết sống lại, nếu không đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Những gì Kinh Thánh tiên báo về sự phục sinh của Chúa sẽ là một cú “đánh lửa” cho niềm tin của mỗi người chúng ta.
Trong bài đọc I, sách Công vụ Tông đồ, chính ông Phêrô đã mạnh dạn công bố Tin Mừng Phục Sinh của Đức Giêsu qua một bài giảng hùng hồn của mình trước bàn dân thiên hạ, từ nhà của ông Cornelio, một người trước đây là dân ngoại. Những bài giảng trước đó của ông Phêrô đều trích dẫn các truyền thống của Israel. Bây giờ, giữa các dân ngoại, ông chỉ đơn giản tuyên bố rằng Thiên Chúa đã xức dầu cho Chúa Giêsu bằng Chúa Thánh Thần và quyền năng, để Chúa Giêsu đi khắp nơi “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38).
Ông Phêrô đã mô tả kỹ lưỡng về cái chết của Chúa Giêsu và sự kiện Thiên Chúa làm cho Ngài sống lại “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 40-41).
Ông Phêrô đã trở thành nhân chứng cho Tin Mừng phục sinh của Chúa. Ông đã mạnh dạn rao giảng và làm chứng. Tất cả điều này xuất phát từ niềm tin mà ông Phêrô đã lãnh nhận. Qua bài rao giảng của ông, ông đã khơi lên nơi tâm hồn những kẻ khác về niềm tin vào biến cố Chúa Giêsu phục sinh, qua quyền năng của Thánh Thần như chính ông đã cảm nhận được điều đó khi rao giảng từ nhà của ông Cornelio. Trong nhà của Cornelio, ông Phêrô đã chứng kiến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và vì thế, ông đã làm một bước rửa tội cho dân ngoại chưa từng có và như một tiếng vang lớn trong thế giới của những kẻ chưa tin.
Khi chọn cảnh này cho phụng vụ Phục sinh, Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng, tư cách môn đệ không xuất phát từ giáo điều hay thần học và không liên quan gì đến sắc tộc, địa vị hoặc giới tính. Môn đệ thực sự là công giáo, nghĩa là phổ quát. Sự dạy dỗ và hành động của ông Phêrô khẳng định lẽ thật rằng, việc làm môn đệ Đức Kitô bắt nguồn từ kinh nghiệm về Thánh Thần của Thiên Chúa như được bày tỏ nơi Chúa Giêsu.
Chúa đã sống lại nơi tâm hồn chúng ta
Thánh Phaolô đã nhắc nhớ giáo đoàn Côlôsê về biến cố Chúa Phục Sinh và ơn đó tác động đến tâm hồn những kẻ tin vào mầu nhiệm phục sinh này nơi Đức Giêsu “anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
Thánh Phaolô đang mời gọi những người Côlôsê nhớ lại một kinh nghiệm cá nhân – metanoia, sự hoán cải và cái nhìn sâu sắc mới mà sau đó không gì có thể so sánh được. Sự hoán cải và cam kết bước theo Đức Kitô của họ không phải là kết quả của việc nghe thấy một lý lẽ hợp lý hoặc một đề xuất có lợi. Nhưng nó được tuôn chảy từ kinh nghiệm được chia sẻ về ân sủng của Thiên Chúa. Tức là Chúa Thánh Thần hoạt động trong và giữa họ, thuyết phục họ một điều ra khỏi lý trí thông thường của họ, nghĩa là tin rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia và người là Đấng đã chết và đã phục sinh.
Đối với người Côlôsê cũng như đối với Cornelio, kinh nghiệm về Chúa Kitô phục sinh và ân sủng của Thánh Thần giống như kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên, đã chấp nhận lời kêu gọi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào Ngài sẽ dẫn dắt. Mặc dù nó có thể bắt đầu với một trải nghiệm tràn ngập niềm tin và hy vọng, nhưng nó đã trở thành hiện thực trong quá trình trải qua một chuỗi những khoảnh khắc nội tại suốt đời, sau đó là những câu hỏi, cám dỗ, thất bại và ẩn ức.
Từ câu chuyện này và từ bài Tin Mừng hôm nay buộc chúng ta phải nhớ rằng, đức tin luôn luôn là một thách đố. Và nó là một thách đố không ngừng nghỉ trong đời sống của chúng ta.
Chúa đã phục sinh trong thế giới của chúng ta
Thế giới đã trải qua hơn hai năm chiến đấu gian khổ với đại dịch covid 19. Hàng triệu con người đã ra đi vĩnh viễn và cũng hàng triệu con người phải chịu hậu quả tổn thất tinh thần cũng như vật chất do đại dịch. Trong những ngày đỉnh điểm của đại dịch, chúng ta rơi vào hoang mang, đau khổ và thậm chí đến tuyệt vọng, vì số người chết không ngừng gia tăng và không có thuốc trị đặc hiệu.
Biến cố này gợi nhớ cho chúng ta về biến cố Chúa chịu chết trên thập giá. Một màu tăm tối và ảm đạm, đau thương và bất an. Nhưng kinh nghiệm đó làm cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của các tông đồ đầu tiên khi đứng trước ngôi mộ của Chúa “ai sẽ lăn tảng đá ra?” Tảng đá đe dọa chôn vùi tất cả niềm hy vọng. Bao nhiều người đói, mất việc, nhân viên y tế kiệt sức, mạng lưới bác ái đứt gãy, hụt hơi. Nhưng chính Chúa đã cho hồi sinh tất cả.
Hôm nay chúng ta đang chứng kiến sự hồi sinh của thế giới. Hàng triệu người đã được chích vaccin, các bệnh viện rộng chỗ hơn, các học sinh được đến trường, người người có thể đi làm…. Đó chính là dấu chỉ của sự phục sinh. Khi trật tự thế giới được lập lại, chúng ta nhận ra dấu chỉ của sự phục sinh. Thế giới của chúng ta đã được thông truyền sự phục sinh của Chúa trong đời sống hằng ngày và qua những gì đang diễn ra trong thế giới của chúng ta.
Mừng lễ Chúa Phục Sinh năm nay trong bầu khí phấn khởi hơn khi các cử hành phụng vụ đã được diễn ra bình thường. Trật tự đời sống đang được khôi phục. Chúng ta tạ ơn về hồng ân sự sống Chúa đã trao ban cho chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Chúa. Chúng ta cũng cảm tạ Chúa về những gì Chúa đang ban cho thế giới chúng ta sau đại dịch, để rồi mọi người đều ca tụng Chúa và tung hô Ngài Halleluia – Chúa đã sống lại rồi!
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM