Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa – Năm A

0
760

(Bài đọc I: Ds: 6:22-27 ; Bài đọc II: Gl: 4:4-7; Tin Mừng: Lc 2:16-21)

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta

Kể từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, Đức Maria đã được biết đến và tôn kính là Mẹ Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ. Tuy nhiên, điều này đã gây ra nhiều lo ngại và phản đối từ nhiều nhóm khác nhau và thậm chí cả các chức sắc trong Giáo hội. Mãi cho đến Công đồng Êphêsô năm 431 sau Công nguyên, Đức Maria mới chính thức được tuyên tín là Mẹ Thiên Chúa, và đây trở thành tước hiệu chính thức đầu tiên của Mẹ.

Bài đọc hôm nay là phần tiếp theo Tin Mừng được công bố trong Thánh Lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm. Trong đó, những người chăn cừu hành động theo thông điệp mà họ nhận được từ Thiên Thần và đi tìm Chúa Giêsu trong máng cỏ ở Bethlehem. Trong chuyến viếng thăm máng cỏ, các mục đồng tìm thấy những điều đúng như lời Thiên Thần đã nói. Do đó, cuộc viếng thăm của các mục đồng là thời điểm hoàn thành, biểu hiện và khởi đầu ơn cứu độ, mà chúng ta nhận được qua Đức Kitô.

Bài Đọc I trích từ Sách Dân Số (6,22-27). Đây có vẻ là một đoạn Kinh thánh rất đặc biệt để nhắc nhớ vai trò làm mẹ của Đức Maria. Tuy nhiên, “Lời cầu nguyện của Aharon ” thường được người Do Thái gọi là phúc lành lớn nhất, vì nó hứa hẹn món quà bảo vệ cá nhân vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Nó được coi là “lời” của Giao ước đầu tiên. Đức Maria là “đối tác” vĩ đại nhất của Thiên Chúa trong việc thực hiện Lời hứa và mục tiêu của Giao ước đó, sự giáng sinh của Chúa, Chúa Giêsu Kitô: “Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6,27).

Thánh Vịnh Đáp Ca (67,2-8). Lời cầu nguyện đẹp đẽ này là một bài suy niệm về mối phúc được đề cập trong Bài đọc thứ nhất; tuy nhiên, vào thời điểm Thánh Vịnh này được viết ra (thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 trước Công nguyên), khái niệm về Đấng Mêsia sẽ đến, thường được diễn tả trong tâm tình chờ đợi. Do đó, “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc cho chúng con,” mà Thánh vịnh này ám chỉ, dĩ nhiên là sự giáng sinh của Đấng Cứu Độ.

Bài Đọc II trích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát (4,4-7). Trong đoạn văn ngắn này, thánh Phaolô đã tóm tắt bản chất của sự giáng sinh của Đấng Cứu Độ và ý nghĩa vai trò của Đức Maria, lẫn vai trò của người Con, Chúa Giêsu. Khi chúng ta chấp nhận Đức Maria làm Mẹ của chúng ta và Chúa Giêsu Con của Mẹ là “trưởng tử trong số những đàn em đông đúc”. Cha của Ngài trở thành Cha của chúng ta, và chúng ta trở thành những người thừa kế thiên đàng. Còn lý do nào lớn hơn để chúng ta tôn vinh Đức Maria? Vì “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,7).

Bài đọc Tin Mừng theo thánh Luca (2,16-21). Trong bối cảnh của Lễ Trọng hôm nay, bài đọc này cũng giúp chúng ta tập trung vào Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Bài đọc cho chúng ta biết ít nhất ba điều về Đức Maria với tư cách là một người Mẹ. Đầu tiên, Đức Maria được mô tả là một người chiêm niệm, luôn ghi nhớ những lời tường thuật của những người chăn cừu trong lòng: “còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Thứ hai, chúng ta được nhắc nhớ rằng Đức Maria đã vâng lời Thiên Chúa biết bao, khi đặt tên cho con trẻ là Giêsu như lời sứ thần Gápriel đã chỉ dẫn. Thứ ba, bài đọc này cho thấy Đức Maria và Thánh Giuse trung thành tuân theo truyền thống Do Thái của họ, bằng cách cử hành lễ cắt bì cho hài nhi Chúa Giêsu: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21).

Lòng trung thành của Đức Maria đối với Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng trong cả ba điều này. Suy ngẫm của Đức Mẹ về những sự kiện trong cuộc đời, cho thấy Mẹ là một người cầu nguyện. Lời cầu nguyện này khiến Mẹ có thể vâng lời Thiên Chúa và ý muốn của Ngài, ngay cả khi mọi thứ xem ra khó hiểu. Cuối cùng, sự trung thành của Mẹ với một cộng đồng đức tin, đã tạo nền tảng cho mối quan hệ của Mẹ với Chúa và giúp Mẹ tham gia vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Nhờ lòng trung thành của Đức Maria với Thiên Chúa, Mẹ đã có thể nhận được món quà là Con Thiên Chúa và chấp nhận vai trò của mình trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Khi làm như vậy, Mẹ là mẫu mực cho chúng ta về con đường làm môn đệ và cũng được gọi là Mẹ của Giáo Hội.

Ơn gọi làm môn đệ của chúng ta cũng bao gồm ba khía cạnh này. Đầu tiên, vai trò môn đệ có nghĩa là cầu nguyện và suy ngẫm về những sự kiện trong cuộc sống của chúng ta, để chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện và hành động của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Thứ hai, làm môn đệ có nghĩa là vâng phục Chúa và thánh ý của Ngài. Thứ ba, tư cách môn đệ bao hàm sự trung thành với một cộng đoàn đức tin. Vậy chúng ta đã sống ba điều này như thế nào, qua mẫu gương của Đức Maria?

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM