Chúa Nhật Thứ II Mùa Chay – Năm B
(Bài đọc I: St 22:1-2,9a,10-13,15-18; Bài đọc II: Rm 8:31b-34; Tin Mừng: Mc 9:2-10)
Lắng nghe Lời Chúa
“Lắng nghe” là một đề tài cũng hay thường được khai thác cho các chuyên mục quảng cáo trên truyền hình. Lắng nghe là một hình thức nói lên sự sẵn sàng của một sản phẩm cho nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, qua việc thể hiện sự lắng nghe, họ sẽ cố gắng chiều lòng khách hàng bao nhiêu có thể. Để đáp ứng được những nhu cầu ấy, đòi hỏi người ta cần phải nghiên cứu kỹ càng và thực sự “lắng nghe” để biết khách hàng đang muốn gì. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng nói cho chúng ta về việc lắng nghe. Lắng nghe Con Một Thiên Chúa để được sống và được ơn cứu độ.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã phán nhiều lần với và qua nhiều người khác nhau như Ábraham, Môise và các ngôn sứ. Trong Tân Ước, Thiên Chúa phán về và qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Vậy chúng ta đã lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng cho điều này và cố gắng để sống theo những gì Chúa nói với chúng ta.
Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Sáng Thế (22:1-18). Ở đây, Thiên Chúa nói với ông Ábraham và ban cho ông mệnh lệnh để thử lòng trung thành của ông. Ông Ábraham vâng lời, mặc dù điều đó sẽ khiến ông phải trả giá bằng đứa con trai yêu quý của mình là Isaac. Tất nhiên, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã kịp thời ngăn cản hành động của ông Ábraham để cứu Isaac. Đó chỉ là một bài kiểm tra, nhưng là một bài kiểm tra quan trọng. Kết quả là ông Ábraham đã trở thành Cha của dân Do Thái qua con trai ông là Isaac. Vì ông Ábraham đã nghe và vâng theo Lời Thiên Chúa và vì điều ấy, mà ông được coi như là người công chính và được Thiên Chúa chúc phúc: “Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22, 18).
Thánh vịnh Đáp ca (116:10-19). Trong bản đầy đủ của Thánh Vịnh này, đó là lời cầu nguyện của một người môn đệ biết ơn, anh ta đã bị bệnh và nay đã được chữa lành. Anh nhận ra rằng, Chúa đã nghe lời cầu nguyện của anh và đã đáp lời. Làm sao chúng ta có thể mong đợi Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của mình nếu chúng ta không dành thời gian để lắng nghe Ngài?
Bài đọc thứ hai trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (8:31-34). Câu mở đầu sẽ mang lại cho mọi người lòng can đảm và sức mạnh, đặc biệt khi phải đối mặt với một cuộc đấu tranh lớn nào đó trong cuộc sống: “có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8, 31b). Nhưng làm thế nào chúng ta biết được Thiên Chúa “ở bên chúng ta”? Khi chúng ta dành thời gian để cầu nguyện, tham dự Thánh lễ hoặc các phụng vụ khác, đọc về Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Mẹ Maria hay các Thánh, chúng ta sẽ biết rằng các Ngài ở bên chúng ta, khi chúng ta nghe “giọng nói nhỏ bé” đó thì thầm vào tâm hồn chúng ta (1 Vua 19, 12)
Bài đọc Tin Mừng được lấy từ Tin Mừng Máccô (9:2-10). Mọi người đều quen thuộc với câu chuyện Chúa Kitô biến hình, khi Chúa Giêsu cho ông Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy Ngài thực sự là ai, là Con Thiên Chúa trong vinh quang. Mục đích của lần hiện ra này là để cho các tông đồ thấy họ thực sự đang theo ai và họ phải mong đợi điều gì ở cuối hành trình cuộc đời. Và chính Chúa cha đã làm chứng cho Con của Người khi phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).
Các tông đồ đã lắng nghe Chúa Giêsu kêu gọi họ từ trên thuyền để trở thành những tay đánh lưới người. Họ đã nghe Ngài kể về tất cả các dụ ngôn của Ngài. Họ đã nghe Bài giảng trên núi, Bài giảng trên đồng bằng và diễn từ về Bánh sự sống. Họ lắng nghe Chúa dạy họ cách cầu nguyện. Họ lắng nghe Chúa hướng dẫn khi đi dọc các đường phố ở Palestine. Họ lắng nghe Ngài sửa dạy các kinh sư và người Pharisieu đạo đức giả, đồng thời an ủi các góa phụ, người tội lỗi và nhiều người khác. Họ đã dành những năm đi theo Chúa để lắng nghe Chúa Giêsu!
Nhưng Thiên Chúa Cha đã nhận thấy một điều mà chính họ chưa nắm bắt được. Họ đã lắng nghe Chúa Giêsu một cách có chọn lọc và họ đặc biệt mù quáng trước những gì Chúa Giêsu đã nói về việc Ngài sẽ bị phản bội, đau khổ, tra tấn, đóng đinh, giết chết và đến ngày thứ ba sẽ sống lại.
Họ không muốn nghe thông điệp ấy. Cuối cùng Chúa Giêsu đã nói cho họ biết những gì sẽ phải xảy ra, không phải một lần, không phải hai lần, mà là ba lần riêng biệt, nhưng họ không muốn nghe. Khi Thứ Sáu Tuần Thánh đến, hầu hết họ đều không có mặt. Điều mà họ càng không muốn nghe là những gì Chúa Giêsu đã nói sau đó, đó là: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ tìm lại được” (Mt 16:24). Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, để có thể theo Ngài, họ cần phải nói không với những tham vọng trần thế của mình và phải chịu đóng đinh với Ngài.
Thiên Chúa Cha, Đấng có thể nhìn thấy tấm lòng của chúng ta, Người biết rằng chúng ta có thể đang phớt lờ những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta. Chúng ta có đang lớn lên trong sự từ bỏ chính mình, chết đi cho bản thân qua những thập giá mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và trong việc bước theo Chúa Giêsu và lời Ngài không?
Thiên Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta lắng nghe Con của Người, sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ để có đôi tai tin tưởng, vâng phục cần thiết để bước theo Chúa Giêsu. Đó là một trong những phần quan trọng nhất của Mùa Chay.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM