Chúa Nhật Thứ XX TN  – Năm B

0
475

(Bài đọc I: Cn 9:1-6;  Bài đọc II: Ep 5:15-20; Tin Mừng: Ga 6:51-58)

Chia sẻ sự sống Thần Linh

Chủ đề của các Bài đọc Chúa Nhật hôm nay tiếp tục tập trung vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể và nhu cầu của chúng ta để đón nhận Ngài vào cuộc sống. Đấy là một hoạt động của đời sống thiêng liêng của mỗi người Ki tô hữu. Tuy nhiên, để sống tâm tình này nó không phải là điều dễ dàng, vì đó là một cảm thức của Đức Tin và sự khôn ngoan tìm kiếm các thực tại thiêng liêng của con người. Hy vọng rằng, những gì Chúa Giêsu mặc khải về chính mình đều được mọi người thấu hiểu và đón nhận.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Châm ngôn (9:1-6). Nếu đọc toàn bộ chương ngắn này, chúng ta sẽ thấy rằng đó là sự so sánh giữa đức tính khôn ngoan và tính thất thường của một người. Trong bài đọc này, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa được nhân cách hóa như một bà chủ nhà dọn bàn cho các vị khách được mời, nhưng thức ăn và rượu mà bà đã chuẩn bị cho họ ăn là gì? Đó chính là sự khôn ngoan và sự thật – không chỉ là những thực tại tâm linh, mà còn là điều thiêng liêng, vì Thiên Chúa là Sự Khôn ngoan. Việc sử dụng Sự Khôn Ngoan này dẫn đến sự sống và sự hiểu biết về Thiên Chúa. Chúa muốn chúng ta sống với chính Ngài: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế!” (Cn 9, 5).

Đáp Ca là Thánh Vịnh (34:2-7). Thánh Vịnh mà chúng ta đã nghe trong Thánh Lễ Chúa Nhật tuần trước được sử dụng lại hôm nay vì nó tiếp tục ca ngợi Thiên Chúa vì lòng nhân lành vô biên của Ngài. Thánh vịnh này là lời cầu nguyện của một người khôn ngoan nào đó đã được Chúa giải cứu khỏi mối nguy hiểm về mặt tâm linh và hiện đang tôn vinh Ngài với lòng biết ơn.

Bài đọc thứ hai, trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (5:15-20). Thánh Phaolô tóm tắt các bài đọc trên và xây dựng dựa trên chúng nhằm mục đích khuyến khích chúng ta sống một cuộc sống nhân đức – lối sống Kitô giáo tự nó nói lên bằng gương tốt và phản ánh “hoa quả của Thánh Thần” – Tình yêu, Niềm vui, Bình an, Kiên nhẫn, v.v. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa” (Ep 5, 17). Vậy ý muốn của Chúa trong việc ban Bí tích Thánh Thể là gì? Tại sao Đức Ki tô nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ăn thịt và uống máu Ngài để có sự sống bên trong?

Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gioan (6:51-58) và là phần tiếp theo của bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước về chủ đề Chúa Giêsu Ki tô, Đấng là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ở đây chúng ta cần có ơn khôn ngoan của Thánh Thần để nhìn xa hơn miếng bánh thánh hiến nhỏ bé để nhìn thấy Chúa Kitô hằng sống ở bên trong. Hơn nữa trong đoạn văn này, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta phải dự phần vào máu thịt của Ngài để có được sự sống của Ngài trong chúng ta. Chúng ta không thể dừng lại ở đây chỉ ở việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Chúng ta phải tiếp tục chào đón Chúa Giêsu không chỉ vào trong thân xác mà còn vào trong tâm hồn và cả cuộc sống của chúng ta nữa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Chúng ta hãy loại bỏ sự nhầm lẫn rằng, lời mời gọi ăn thịt và uống máu của Chúa Giêsu liên quan đến một kiểu ăn thịt đồng loại. Tuy nhiên, có một cách khác để khẳng định nghĩa đen của việc “ăn thịt và uống máu của tôi” mà không vi phạm điều cấm kỵ cơ bản của nền văn minh, cần phải được hiểu theo ý nghĩa khác. Thịt và Máu của Chúa Giêsu mà chúng ta được lệnh phải ăn là thịt đã phục sinh của Ngài, những gì Ngài đã hiến dâng trên thập giá và làm cho sống lại từ cõi chết. Đó là xác thịt của Ngài nhưng không phải ở trạng thái trần thế, khi Ngài nói những lời này trong hội đường ở Capernaum, mà là xác thịt của Ngài trong trạng thái vinh quang của thân xác phục sinh, được Thánh Phaolô mô tả là không còn phàm trần nữa nhưng bất tử, không còn hư hỏng nữa, nhưng là trường tồn, không còn tự nhiên nữa mà thuộc linh (1 Cr  15:42–44, 53).

 Bởi vì “Bánh” không thể hư nát và thiêng liêng, nên Chúa Giêsu có thể ban thịt vinh hiển của Ngài cho chúng ta ăn mà không gây tổn hại hay nguy hiểm gì cho chính Ngài. Thịt vinh hiển của Chúa Giêsu là “bánh hằng sống từ trời xuống” không chỉ vì bánh ấy ban sự sống, mà còn vì bánh đã được biến đổi thành Mình và Máu Chúa không còn bị chết hay hư nát nữa.

Một dòng trong phần Tin Mừng này là chìa khóa để hiểu Chúa Giêsu định làm gì: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57). Với tư cách là Con, Chúa Giêsu là thần linh và sống động nhờ Chúa Cha, vì như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, Người là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa”. Thiên tính – bản chất – của Chúa Cha là thần tính và bản chất của Chúa Con, và như vậy Chúa Giêsu sống nhờ Chúa Cha, hay đúng hơn là Chúa Giêsu sống trong Chúa Cha và Chúa Cha sống trong Ngài. Món quà Thánh Thể của Chúa Giêsu, qua đó chúng ta thực sự ăn thịt và uống máu Người, cho phép tạo ra một loại mối quan hệ và giao tiếp tương tự trong cuộc sống. Bằng cách ăn thịt và uống máu Người, chúng ta có sự sống vì chúng ta chia sẻ chính bản chất của Chúa Giêsu, để chúng ta có thể sống và ở trong Ngài, và Ngài ở trong chúng ta. Bản thể thiêng liêng đó của Chúa Giêsu chính là Sự Sống, thực sự được ban cho chúng ta như thức ăn, vì khi chúng ta ăn thịt Ngài là chúng ta hấp thu Ngài trong chính con người của chúng ta

Xin cho mỗi người chúng ta nhận ra lời mời gọi quan trọng này, để chúng ta biết đón nhận của ăn thiêng liêng mà Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô. .

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM