(Bài đọc I: Is 35:4-7a; Bài đọc II: Gc 2:1-5; Tin Mừng: Mc: 7:31-37)
Thiên Chúa chữa lành chúng ta
Trong đời sống hằng ngày luôn có những điều tốt đẹp. Nhưng đôi khi người ta lại không dễ dàng nhận ra nó. Có thể có những điều nhỏ bé, nhưng nó góp phần làm cho cuộc sống thêm sống động và ý nghĩa. Chính Thiên Chúa cũng luôn làm cho chúng ta những điều tốt đẹp. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra chúng để tạ ơn và biết rằng Thiên Chúa luôn mang đến cho chúng ta những điều tốt đẹp.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ngôn sứ Isaia (35:4-7a). Ở đây, Thiên Chúa phán với dân Ngài qua Vị ngôn sứ gần cuối thời kỳ lưu đày ở Babylon (khoảng năm 539 trước Công nguyên) về tương lai của họ. Dân chúng sợ phải quay trở lại vùng đất mà nhiều người trong số họ chưa từng biết đến, cũng như không biết những gì họ có thể tìm thấy ở đó. Vì vậy Chúa bảo họ rằng họ không cần phải sợ hãi: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ !Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” ( Is 35, 4). Nếu họ làm theo sự hướng dẫn của Ngài và giữ lòng trung thành, họ sẽ lại được hạnh phúc ở Đất Hứa.
Đáp Ca là Thánh Vịnh (146:7-10). Trong đoạn này, tác giả Thánh Vịnh đang ca ngợi Thiên Chúa vì sự thành tín và nhân từ của Ngài. Ông liệt kê nhiều điều Chúa đã làm cho dân Ngài và cách họ đáp lại. Ở đây nhấn mạnh vào việc khôi phục đất đai và dân tộc Israel. Chúng ta nên coi bài thánh vịnh này như một bài thánh ca ca ngợi những ân sủng vô hạn của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Vì nếu không có cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta sẽ không có miền đất hứa (thiên đường) để đến.
Bài đọc thứ hai trích từ Thư Thánh Giacôbê (2:1-5). Trong lá thư duy nhất của mình, Thánh Giacôbê nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa không hề thiên vị ai và chúng ta cũng nên như vậy: “anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư” (Gc 2, 1). Thiên Chúa tìm cách đem mọi người vào vương quốc của Ngài, nhưng họ phải muốn đến. Ngài sẽ không ép buộc họ. Thánh Giacôbê Biết rằng cộng đoàn của mình có thể bị ấn tượng bởi sự phô trương, ngài cảnh báo họ đừng tin vào giá trị bề ngoài của sự hào nhoáng và quyền lực kẻo họ mất liên lạc với Chúa và sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng theo Thánh Máccô (7:31-37). Trong câu chuyện này, Chúa Giêsu đã đi một chặng đường dài để giúp đỡ những người nghèo và người thiếu thốn. Vùng Thập Tỉnh cách xa Giêrusalem, nơi mà ngày nay là phía bắc xứ Syria. Đó là một khu vực nghèo khó, hầu như bị lãng quên bởi những người giàu có và những người quan trọng, nhưng Chúa Giêsu đang thực hiện một sứ mệnh và công việc đó bao gồm việc rao giảng cho tất cả con cái Israel về Tin Mừng.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài qua nỗ lực của các tổ phụ và các ngôn sứ. Trong Tân Ước, Ngài hành động trực tiếp thông qua Con của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô, nhưng mục đích thì giống nhau – làm cho dân Ngài hạnh phúc bằng cách quan tâm đến nhu cầu của họ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu ra lệnh cho đôi tai của người điếc “hãy mở ra”, Ngài không chỉ ra lệnh cho đôi tai thể xác mà còn ra lệnh cho toàn bộ con người anh ta; quan trọng nhất là đôi tai thiêng liêng của người ấy. Vì thế, khi thấy điều Chúa Giêsu làm, khiến dân chúng nhận xét: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (Mc 7, 37).
Phản ứng của đám đông trước phép lạ này được ghi nhận là “ngạc nhiên”. Những công việc kỳ diệu của Chúa là dấu hiệu cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện qua lời ngôn sứ đã được công bố với dân tộc Israel lưu vong. Như chúng ta nghe trong ngôn sứ Isaia, sự tái lâm của Chúa sẽ được đánh dấu bằng sự minh oan và đền đáp của Thiên Chúa, điều này sẽ được thể hiện qua việc phục hồi thị giác, thính giác, cử động và lời nói.
Do đó, việc Chúa đến sẽ là thời điểm đổi mới và phục hồi, một “sự tái tạo” được thực hiện nơi Đấng Cứu Độ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi dân chúng thấy các phép lạ và công việc kỳ diệu của Chúa được ứng nghiệm và bày tỏ sự cứu rỗi của Thiên Chúa cho tất cả người được chữa lành và thực sự cho toàn thể nhân loại.
Vì thế, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta coi cuộc sống của mình như những môn đệ và chứng nhân của Chúa Kitô. Hôm nay một lần nữa hãy cầu xin sự chữa lành của Chúa, chúng ta tìm kiếm lòng thương xót của Ngài cho những cách mà chúng ta đã mù quáng trước sự hiện diện và hành động của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cầu xin sự tha thứ cho những lúc chúng ta không nghe và chú ý đến lời Chúa bằng lời nói và việc làm của mình. Khi đến gần Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể trong thánh lễ hằng ngày, chúng ta ngạc nhiên khi Ngài mời gọi chúng ta một cách độc đáo và cá vị đến với sự chữa lành trọn vẹn trong Ngài. Khi chúng ta tiếp nhận Ngài, Ngài lại mở mắt và tai chúng ta, sai chúng ta vào thế gian để loan báo Tin Mừng cứu rỗi. Vì với sự kính sợ và tạ ơn vì những công việc kỳ diệu của Ngài, chúng ta cũng hết lòng công bố rằng “Ngài đã làm mọi việc thật tốt đẹp!”
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM