Chúa Nhật Thứ XXXI TN  – Năm B

Đăng ngày: 02/11/2024

(Bài đọc I: Đnl 6:2-6; Bài đọc II: Hr 7:23-28; Tin Mừng: Mc 12:28b-34)

Kính sợ Thiên Chúa bằng một trái tim yêu mến

Chủ đề của các bài đọc trong Chúa nhật này và hai Chúa nhật lân cận phản ánh những giáo huấn được ban cho chúng ta trong lá thư tuyệt đẹp gửi tín hữu Hipri– về Chúa Giêsu, Linh mục (Chúa nhật tuần này), Tiên tri (Chúa nhật tuần sau) và Vua (Chúa nhật tuần trước). Đây là ba danh hiệu thần học của Chúa Giêsu Kitô theo tác giả Thư Hipri, để diễn tả một sứ vụ tròn đầy của Chúa Giêsu trong công trình cứu độ.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Đệ Nhị Luật (6:2-6). Trong đoạn văn này, ông Mô-sê đang ban cho dân tộc của mình, dân Israel, những chỉ dẫn cuối cùng của ông ngay trước khi ông qua đời. Những hướng dẫn này chứa đựng một lời cảnh báo nhẹ nhàng, cùng với Điều Răn Thứ Nhất của người Do Thái: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6, 5). Trong suy nghĩ của người Do Thái cổ, sự thịnh vượng trên trái đất phụ thuộc vào việc vâng lời Chúa vì sợ hãi. Họ chưa biết đến khái niệm vâng lời vì tình yêu và lòng biết ơn, vì vậy họ không phải là những người hạnh phúc, bởi vì tình yêu và sự vâng lời phải xuất phát từ một trái tim không sợ hãi.

Đáp Ca là Thánh Vịnh (18:2-4, 47, 51). Bài Thánh vịnh này, được viết hàng trăm năm sau thời Mô-sê, lấy ý tưởng về tình yêu, lòng biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa vì nhiều phúc lành của Ngài. Tất cả các Thánh Vịnh đều là những suy tư về các biến cố trong đời sống của Dân Do Thái, nhưng chúng ta có thể đồng cảm với các Thánh Vịnh vì tính chất phổ quát và vẻ đẹp của chúng.

Bài đọc thứ hai trích từ Thư gửi Tín hữu Hipri (7:23-28). Tác giả Thư Hipri đang nói với chúng ta rằng, bây giờ chúng ta có Chúa Giêsu Kitô, một vị Thượng tế đời đời và cũng là chính Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta không cần phải sợ hãi đến gần Ngài, vì Ngài là “một người trong chúng ta” và biết rõ những điểm yếu của con người: “Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Hr 7, 25).

Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng theo Thánh Máccô (12:28-34). Trong đoạn văn này, chúng ta nghe Chúa Giêsu bị chất vấn bởi một trong những người kinh sư, về giới răn trọng nhất của Cựu Ước. Chúa Giêsu trả lời cho ông về giới răn, giống như ông Môsê đã nói trong Bài đọc thứ nhất, nhưng có một sự khác biệt: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12, 30).  Ở đây Chúa Giêsu thêm vào một ý nghĩ thứ hai – “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31). Hai điều răn này cùng nhau hoàn thành tất cả luật pháp của ông Mô-sê (xem Rm 13:9, 10) và của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Yêu mến Thiên Chúa mà không có tình yêu thương người lân cận thì không có giá trị và không thể chấp nhận được. Rõ ràng người luật sĩ đã nhận ra câu trả lời thích hợp của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu bảo đảm với ông ta rằng: “ông không xa Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12, 34).

Để trả lời câu hỏi của thầy thông luật, Chúa Giêsu tiếp nối mệnh lệnh của ông Mô-sê bằng một bản tóm tắt Luật của người Do Thái, mà Ngài tóm gọn lại thành hai – Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận. Khi làm điều này, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài đã hoàn thành đúng chức vụ “thượng tế” như được mô tả trong Thư gửi tín hữu Hipri. Vì vậy, chúng ta có thể đến gần Ngài mà không sợ hãi, vì ở đó có tình yêu thiêng liêng.

Trong sách Đệ nhị luật, ông Mô-sê trình bày cho dân Israel một mệnh lệnh trung tâm là phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của bạn bằng cả trái tim, linh hồn và sức lực. Đoạn văn này không chỉ đơn thuần là một hướng dẫn đạo đức, mà còn là một lời kêu gọi hướng tới một mối quan hệ triệt để và toàn diện với Thiên Chúa. Ý tưởng yêu mến Thiên Chúa “hết lòng” phù hợp với sự hiểu biết về cách thức con người được tạo dựng để đáp lại tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

Tình yêu không bao giờ là một chuyện chia rẽ hay nửa vời, nó đòi hỏi tổng thể. Thiên Chúa trao ban toàn bộ bản thân của mình cho nhân loại, và đổi lại, nhân loại được kêu gọi trao lại toàn bộ bản thân mình cho Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao kinh “Shema” nói trong bài đọc một hôm nay, đòi hỏi toàn bộ trái tim, linh hồn và sức mạnh của một người – đó là một lời kêu gọi theo giao ước, để phản ánh tình yêu tự hiến của chính Thiên Chúa.

Vì thế sự liên kết chặt chẽ giữa Cựu Ước và Tân Ước, giới răn mà Chúa truyền cho ông Mô-sê và giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay, là một mệnh lệnh rõ ràng và gắn liền với nhau để một người có thể sống trọn chiều kích yêu mến, cả Thiên Chúa lẫn tha nhân, trong đời sống đức tin của mình.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM