Chúa Nhật Thứ XXXII TN – Năm B
(Bài đọc I: 1 V 17:10-16; Bài đọc II: Hr 9:24-28; Tin Mừng: Mc 12:38-44)
Nhu cầu và lòng tín thác
Trong những ngày cuối năm này, mọi người đang bắt đầu cần phải dành dụm hơn một chút cho những ngày lễ và tết sắp đến. Khi phải suy nghĩ đến điều này, đôi khi người ta cảm thấy ngao ngán, nhất là đối với những ai có đồng lương ít ỏi hay hoàn cảnh không mấy dư thừa. Đó là một nhu cầu thực tế của con người. Điều này có thể gợi lên cho chúng ta đôi chút tâm tình theo tinh thần của các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Giữa cái thiếu thốn hay nghèo khó, chúng ta có thể quan tâm để giúp người khác được không? Chúng ta có đủ can đảm với lòng tín thác nơi Chúa quan phòng để thể hiện lòng quảng đại của mình?
Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Các Vua quyển thứ nhất (17:10-16). Trong đoạn văn này, chúng ta có câu chuyện về ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ đầu tiên được nêu tên trong Cựu Ước. Ông giống một “người làm phép lạ” hơn là một trong những nhà ngôn sứ văn học sau này, và ông đã phụng sự Thiên Chúa dưới thời trị vì của vị vua độc ác A-kháp (khoảng năm 850 trước Công nguyên). Ngôn sứ Êlia làm việc với người dân vương quốc phía bắc để cố gắng thuyết phục họ quay trở lại với những lời dạy của ông Môise và trung thành với Thiên Chúa. Trong câu chuyện ngắn gọn này, ông Êlia đã gặp một bà góa nghèo đang nhặt củi để nhóm lửa. Ông đói bụng và vì ông sống và tồn tại nhờ lòng bác ái của người khác, ông đã xin bà góa nước và bánh nướng. Người phụ nữ sắp chết đói; nhưng vì biết ông là một người của Thiên Chúa, nên bà đã làm theo yêu cầu của ông và khi bà tin và làm như thế thì “Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán.” (1V 17,16).
Đáp Ca là Thánh Vịnh (146:7-10). Trong phần này, tác giả Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa và liệt kê nhiều ân phúc mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, chăm sóc những nhu cầu của tạo vật Ngài. Thiên Chúa cũng sẽ làm điều tương tự cho chúng ta, nếu chúng ta đến với Ngài khi cần, cầu xin sự giúp đỡ và lòng thương xót của Ngài. Chúa ban phúc cho những ai thành thật khiêm nhường trước sự hiện diện của Ngài.
Bài đọc thứ hai trích từ Thư gửi tín hữu Hipri (9:24-28). Tác giả sách Hipri đang nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, với tư cách là “thượng tế” đời đời trước mặt Thiên Chúa, đã dâng chính mình làm giá chuộc cho cả nhân loại, bởi lòng quảng đại và tình yêu vô biên của mình: “để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Hr 9, 26). Hơn nữa, bởi vì Ngài là vĩnh cửu, không giống như các thầy tư tế của Israel xưa, lễ vật của Ngài cũng là vĩnh cửu. Vì vậy, khi Ngài đến lần nữa, không phải nhằm mục đích dâng của lễ chuộc tội mà để đem lại sự cứu rỗi cho những kẻ trung tín.
Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng Máccô (12:38-44). Trong đoạn văn này, Chúa Giêsu đang nói chuyện với các môn đệ và tông đồ của Ngài và chỉ ra sai lầm trong cách làm của các Luật sĩ, những người giải thích Luật pháp chính thức và có học thức. Họ phóng đại địa vị và quyền lực của mình, đặc biệt đối với người nghèo và người góa bụa, điều ngược lại với ông Êlia trong Bài đọc thứ nhất.
Đồng thời, Chúa Giêsu ca ngợi một bá góa nghèo. Nói về bà góa này, Chúa Giêsu truyền đạt hai thông điệp riêng biệt. Một là sự ngưỡng mộ đối với một người phụ nữ nghèo khổ đủ tin cậy, để chỉ trông cậy vào một mình Chúa. Không giống như các kinh sư, bà đã dũng cảm dâng hiến tất cả: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12, 43). Người góa phụ đã nêu gương đức tin sâu sắc và quảng đại. Đồng thời, Chúa Giêsu lên án những người ăn mặc sang trọng đi diễu hành, xa lánh và thậm chí lợi dụng những người nghèo khổ. Lời khen ngợi của Ngài dành cho bà đã khiển trách họ.
Giá trị bề ngoài qua áo quần và sự sang trọng của các người kinh sư, không đủ nói lên sự giàu có sang trọng và sự quảng đại trong tâm hồn của họ. Ngược lại, người đàn bà nghèo góa bụa hôm nay, bề ngoài xem ra chẳng có gì, nhưng tâm hồn bà thật giàu có và quảng đại, vì bà đã cho đi sự nhỏ mọn mà mình, có với lòng quảng đại và tín thác. Giá trị vật chất không thể sánh được với giá trị tinh thần.
Những người thực tế sẽ cho rằng những người phụ nữ trong các bài đọc lời Chúa hôm nay là những người vô trách nhiệm và thiếu thực tế. Họ nên quan tâm đến bản thân và không cần mạo hiểm để giúp đỡ của người khác. Những người hoài nghi, chê bai, thì cho họ là người quản lý của cải một cách liều lĩnh, sẽ đổ lỗi cho sự nghèo đói của chính họ. Những người khác tin rằng, trước tiên họ nên chăm sóc bản thân và cho đi khi có dư thừa.
Hai bà góa minh họa ý nghĩa của việc hành động giống như Đức Kitô. Đó là hy sinh bản thân và cho đi chính mình vì người khác. Đó là tấm gương khiến người khác tin rằng sự quảng đại giống như tình yêu và hũ bột và vò dầu của bà góa thành Xarepta, không bao giờ được coi là nguồn lực có hạn. Tấm gương của họ có thể khuyến khích người khác hành động giống như họ. Đây là cách thức tự do, can đảm và đầy đức tin của họ để cứu chuộc thế giới và làm cho xã hội đầy yêu thương hơn. Rõ ràng chúng ta nhận thấy, những người phụ nữ góa nghèo này và cả những người kinh sư đều tham gia vào công việc tạo dựng xã hội.
Khi chúng ta gần kết thúc năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời mình. Các bà góa nghèo đưa ra cho chúng ta một thử thách và một nguồn cảm hứng. Liệu chúng ta có đủ tự do để tin rằng, tình yêu và sự rộng lượng là những nguồn tài nguyên có thể tái tạo vĩnh viễn mà chúng ta có thể tạo ra một thế giới khác không? Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro tràn đầy đức tin đó không? Như vậy, lòng bác ái và sự quảng đại là những giá trị không bao giờ vơi cạn, khi nó biết cho đi với lòng tín thác nơi Chúa. Nó sẽ sinh ra mãi mãi và là làm cho thể giới của chúng ta trở nên huynh đệ hơn.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM