Chúa Nhật Thứ XXXIV TN – Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ trụ – Năm B

Đăng ngày: 23/11/2024

(Bài đọc I: Đn 7:13-14; Bài đọc II: Kh 1:5-8; Tin Mừng: Ga 18:33b-37)

Chúa là Vua của lòng con

Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng trong lịch phụng vụ, toàn thể Giáo Hội cử hành Đại Lễ Chúa Kitô Vua. Điều này có nghĩa rằng, Chúa Giêsu Kitô Vua là Đấng sẽ đến và hoàn tất thế giới vào ngày trở lại lần thứ hai. Mọi sự sẽ được tập hợp dưới vương quyền của Ngài và Ngài sẽ đưa thế giới vào sự sung mãn của nó. Do đó, ý nghĩa của tuần cuối của năm phụng vụ này, nhắc nhớ cho chúng ta về một thực tại vương quyền của Thiên Chúa trong lịch sử của nhân loại và của mỗi người chúng ta.   

Bài đọc một, trích sách Daniel với thị kiến về Con Người. Đây là một danh hiệu dành cho Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian. Danh hiệu “Con Người” mà sau này Chúa Giêsu dùng để nói về chính Ngài, nghĩa là một người nhận được “quyền thống trị, vinh quang và vương quyền” trên mọi dân tộc và quốc gia. Và khi nói về Con Người, thì sách Daniel cũng nói về vương quốc của Ngài: “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Dn 7, 14). Như vậy, đây chính là hình ảnh của một vị Vua và vương quyền của Ngài sẽ vững bền mãi mãi.

Thánh Vịnh Đáp Ca (93:1, 1- 2, 5) là ám chỉ trực tiếp đến Chúa Giêsu là Chúa và là Vua. Vương quyền của Ngài bền vững và uy nghi qua mọi thời. Ngài trở thành vị vua của muôn dân, muôn nước và hết thảy chư dân.

Bài đọc thứ hai, trích từ Sách Khải Huyền (1:5-8) cho thấy một hình ảnh mang tính biểu tương. Nói đến một vị thủ lãnh, một vị chứng nhân và là một trưởng tử trong số những người chết. Hình ảnh đó không ai khác hơn chính là Con Chiên – Đức Chúa Giêsu, Đấng đã tuyên bố rằng “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1, 8). Hình ảnh này cũng diễn tả một vương quyền vô tận của vị Vua cứu thế. Vương quyền của Ngài vượt ra khỏi không gian và thời gian và kéo dài muôn thủa. Như vậy vương quốc của ngài sẽ trì vị mãi mãi và muôn dân muôn nước sẽ được hưởng thái bình thịnh vượng dài lâu.

Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gioan (18:33b-37) là cảnh Chúa Giêsu đứng trước Philatô và trả lời chất vấn của họ là Ngài là ai? Và chính trong phiên tòa này, Ngài đã xác nhận rằng, Ngài là Vua… “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Rõ ràng, đây là một lời khẳng định từ chính Chúa Giêsu cho Philatô và cũng là cho toàn dân Do Thái rõ, đó là Ngài chính là vua, nhưng vương quyền của Ngài không giống như ông vua thế gian. Ngài là vua của tình thương và ơn cứu độ, chứ không phải vua của quyền lực thống trị và điều hành theo lối thế gian.

Tinh thần “kenosis” (sự tự hủy) của Chúa Kitô có thể được coi là biểu hiện đích thực của tình yêu và thẩm quyền thiêng liêng này. Trong khoảnh khắc này trước Philatô, chúng ta thấy rõ nhất kenosis này: Vua của vũ trụ, đứng bất lực về mặt thế gian, sắp bị kết án tử hình. Đây là nghịch lý về vương quyền của Chúa Kitô – đó là vương quyền không bắt nguồn từ quyền lực cưỡng bức, mà từ quyền lực của tình yêu hy sinh. Chúa Kitô không áp đặt triều đại của Ngài, Ngài mời gọi, chịu đau khổ và chết đi để mạc khải sự thật về tình yêu của Thiên Chúa.

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Nước của Ta không thuộc về thế gian này” là trọng tâm để hiểu vương quyền của Chúa Kitô. Sự mặc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô không phù hợp với sự mong đợi của con người. Vương quốc của Thiên Chúa, như Chúa Kitô mạc khải, là vương quốc của sự thật và tình yêu, không phải của sự thống trị hay kiểm soát chính trị.

Tình yêu và vẻ đẹp là trọng tâm để hiểu được hành động của Thiên Chúa trên thế giới. Do đó, vương quyền của Chúa Giêsu phải được hiểu qua lăng kính tình yêu. Tình yêu này không phải tình cảm hay thụ động mà là chủ động và hy sinh. Vương quốc của Chúa Giêsu là vương quốc của tình yêu, không tìm cách thống trị nhưng tìm cách biến đổi. Quyền lực hoàng gia của Ngài không được thể hiện thông qua vũ lực, mà thông qua sự phục vụ, và đây là sự đảo ngược cuối cùng của động lực quyền lực thế gian.

Chính Đức Kitô là Vua Tôi Tớ, có thẩm quyền được thể hiện qua việc Ngài sẵn lòng hy sinh mạng sống vì dân Ngài. Ý tưởng này rút ra từ hình ảnh Người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách Isaia. Trong bối cảnh Tin Mừng này, Chúa Giêsu không chiến đấu để bảo vệ vương quốc của Ngài, Ngài cũng không tập hợp quân đội hay khẳng định quyền lực của mình đối với Philatô. Thay vào đó, Ngài âm thầm thực hiện sứ mệnh chịu đau khổ và chết, biết rằng vương quyền của Ngài sẽ được tỏ lộ, không phải trong cuộc thử thách này, nhưng trong Thập Giá và Phục Sinh.

Nhà thần học Công giáo La Mã người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar thường nói về “Vở kịch thần linh” – trong đó Chúa lôi cuốn nhân loại vào một cuộc đối thoại đầy kịch tính về tình yêu. Trong phiên tòa xét xử Chúa Kitô trước Philatô, chúng ta thấy thế giới phản kháng trước thảm kịch thần thánh này. Philatô đại diện cho sự thờ ơ và hiểu lầm của thế giới đối với vương quyền của Chúa Kitô, trong khi Chúa Giêsu đại diện cho Thiên Chúa, Đấng, với tình yêu vô hạn, sẵn sàng chịu đựng sự khước từ và đau khổ để cứu thế giới.

Vì vậy, vương quyền của Chúa Kitô là một lời mời gọi tham gia vào vở kịch tình yêu này. Đó là lời mời gọi làm chứng cho sự thật về tình yêu của Thiên Chúa, không phải bằng vũ lực hay thống trị, nhưng bằng sự phục vụ, khiêm tốn và tự hiến. Triều đại của Chúa Kitô là triều đại của tình yêu, và chính nhờ tình yêu này mà vương quốc của Thiên Chúa đến với thế giới.

Đúng là Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta trung thành, nhưng Ngài không ép buộc chúng ta. Ngài cai trị bằng tình yêu thương, chứ không phải bằng sự đe dọa. Trong đạo quân của Ngài có các vị thánh, các tội nhân, hồng y, giám mục và công nhân, nông dân, nhà buôn, sinh viên và nữ tu…. Tất cả những con người này tạo nên “Chiến binh Giáo hội” như được định nghĩa trong Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo. Đây là những người đã cam kết phục vụ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà họ nhìn nhận là “Vua của các vua” và “Chúa của các chúa”.

Vì vậy, ngày lễ này nhắc nhớ chúng ta về một vị Vua, Đấng mong muốn đi vào trái tim và tâm hồn của chúng ta chỉ để ở bên chúng ta và lắng nghe tiếng nói của chúng ta về mọi câu chuyện, vấn đề, nỗi đau và cảm xúc của chúng ta. Ngài đang chờ đợi để chia sẻ sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu với chúng ta. Tất cả những gì Ngài yêu cầu chúng ta là hãy theo Ngài hàng ngày trong mọi việc chúng ta làm, để không bị lạc lối. Vì vậy, chúng ta còn chờ gì nữa?

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM